Dùng nghệ thuật để lên tiếng về thảm họa cá chết
bauxitevn7:34 AM
Gia Minh
PGĐ Ban Việt ngữ RFA
Nếu khép vào qui định của ngành văn hóa thì chúng tôi hoàn toàn không thể làm được dự án này. Tại vì dự án này khi đưa ra cộng đồng có thể sẽ có hiệu ứng rất mạnh, nhưng nếu dựa vào qui định của Nhà nước thì chúng tôi không thể giúp cho người dân truyền tải thông điệp của người ta một cách gọi là ‘văn minh’ nhất, có văn hóa và ôn hòa được...
- Thành viên dự án Ngày thứ 32
Một nghệ sĩ Việt Nam sử dụng hình thức nghệ thuật để lên tiếng về vấn đề cá chết hằng loạt do môi trường bị nhiễm độc. - Courtesy FB Chung Tử Dạ
“Có thể im lặng nhưng không thờ ơ”
Một số nghệ sĩ Việt Nam sử dụng hình thức nghệ thuật để lên tiếng về vấn đề cá chết hằng loạt do môi trường bị nhiễm độc. Vào cuối tháng tư vừa qua là cuộc trình diễn đường phố ở bờ nam Sông Hương mang tên ‘Nỗi đau của những con cá’ do nhóm Viet Art Space thực hiện. Tiếp đến là triển lãm có tên Quẫy II cũng về chủ đề cá chết tổ chức ở Then Studio tại Huế. Hiện đang có dự án mang tên Ngày Thứ 32, tác phẩm dùng khẩu trang y tế có hình tượng con cá. Thông điệp đưa ra là ‘chúng ta (có thể im lặng) nhưng không thờ ơ với mọi thứ đang xảy ra’. Gia Minh có cuộc nói chuyện với một thành viên của dự án.
Gia Minh: Ý tưởng này xuất phát thế nào?
Thành viên dự án Ngày thứ 32: Xuất phát là từ ‘nghệ thuật cộng đồng’. Ý tưởng của tác giả là muốn dung tiếng nói của nghệ thuật để giúp ngư dân lan truyền đi thông điệp của người dân về vấn đề cá chết và những thiệt hại trong chuyện nước biển bị nhiễm độc.
Chúng tôi là những nghệ sĩ, người làm văn hóa thì chúng tôi dùng những vũ khí của chúng tôi là nghệ thuật để truyền tải thông điệp.
Gia Minh: Đây là hình thức mới hoàn toàn hay trước đây có những hình thức khác rồi?
Thành viên dự án Ngày thứ 32: Đây là hình thức mới xuất phát từ tình hình người dân đi biểu tình rồi bị ghép vào tội gây rối trật tự công cộng, rồi bị đàn áp. Dự án của chúng tôi là muốn trang bị cho người biểu tình một dấu hiệu nào đó để ki xuống đường họ ‘tuyên ngôn’ với những nhà lập pháp rằng ‘chúng tôi xuống đây để đấu tranh vì môi trường, đấu tranh vì quyền lợi về sức khỏe, về cuộc sống của chúng tôi chứ không muốn bạo động’. Có nghĩa là khi người ta mang khẩu trang thì đó là dấu hiện nhận biết ‘đây là một cuộc xuống đường bất bạo động và ôn hỏa’.
Gia Minh: Trước đây ở Huế cũng có vài hình thức nghệ thuật (về chuyện cá chết) như biểu diễn ở đường phố, phải không?
Thành viên dự án Ngày thứ 32: Đúng rồi. Đó là một nhóm bạn khác ở Hà Nội vào chứ không thuộc nhóm này.
Gia Minh: Họ vào sinh hoạt nhân dịp Festival Huế phải không?
Thành viên dự án Ngày thứ 32: Họ vào có việc riêng và nhân dịp cùng với anh em ở Huế làm một cuộc trình diễn như vậy luôn.
Còn đây là chúng tôi làm tiếp theo sau triễn làm ‘Quẫy II’ do chúng tôi tổ chức. Sau đó chúng tôi phát triển thành dự án để hỗ trợ người dân lên tiếng. Đây là dạng dự án nghệ thuật cộng đồng, một dạng rất mới.
Chiếc khẩu trang hình cá để cùng nói lên thông điệp - Im lặng nhưng không ngừng quan tâm - được bán với giá 10 nghìn đồng, số tiền thu được dùng để ủng hộ ngư dân miền Trung. Courtesy FB Chung Tử Dạ.
Gia Minh: Về vấn đề qui định phải xin phép thì phải xin phép thế nào để phù hợp với qui định của ngành văn hóa- nghệ thuật?
Thành viên dự án Ngày thứ 32: Nếu khép vào qui định của ngành văn hóa thì chúng tôi hoàn toàn không thể làm được dự án này. Tại vì dự án này khi đưa ra cộng đồng có thể sẽ có hiệu ứng rất mạnh, nhưng nếu dựa vào qui định của Nhà nước thì chúng tôi không thể giúp cho người dân truyền tải thông điệp của người ta một cách gọi là ‘văn minh’ nhất, có văn hóa và ôn hòa được. Cho nên kế hoạch của chúng tôi nếu xét về khía cạnh Nhà nước thì không được cấp phép. Thế nhưng chúng tôi vẫn làm việc đó như công việc nghệ thuật hằng ngày của chúng tôi, đó là việc riêng của chúng tôi thôi.
Gia Minh: Nếu như cơ quan Nhà nước đến nói không có phép và tịch thu thì thế nào?
Thành viên dự án Ngày thứ 32: Thực ra để cho kế hoạch tiến hành một cách suôn sẻ và đưa ra được thực tế thì chúng tôi phải làm theo phương pháp ‘underground’, gọi là mình phải luồn lách, làm trong bí mật. Do đó không thể đưa ra công bố công khai vị trí rồi phương thức… Đó là kỹ thuật để luồn lách.
Gia Minh: Cho đến nay sau khi có thông báo thì sự hưởng ứng được đến đâu rồi và cách phổ biến ra đến Hà Nội, Sài Gòn và xa hơn nữa thì làm sao?
Thành viên dự án Ngày thứ 32: Hiện tại chúng tôi loan truyền theo phương pháp truyền miệng thôi, theo phương pháp ‘vết dầu loang’ từ bạn bè, những người mà chúng tôi tin tưởng rồi họ lan truyền ra những người chung quanh. Hiện nay tại Sài Gòn, Hà Nội được hưởng ứng rất mạnh, bạn bè chia sẻ thông tin. Người ta ủng hộ rất mạnh về mặt tinh thần cũng như về mặt tài chính. Hiện nay chúng tôi đang huy động tài chính để phục vụ cho việc sản xuất.
Gia Minh: Sản xuất ở Huế và những nơi khác cũng có thể sản xuất được?
Thành viên dự án Ngày thứ 32: Chính xác. Ở những nơi khác chúng tôi hoàn toàn ủng hộ những nhóm độc lập đứng ra cộng tác với chúng tôi trong dự án này. Không nhất thiết ở Huế mà ở Hà Nội, ở Sài Gòn. Khi có người đứng ra hỗ trợ chúng tôi sản xuất và việc này, việc kia… thì chúng tôi hoàn toàn đồng ý, miễn là truyền tải được thông điệp mà chúng tôi muốn đưa ra một cách ôn hòa. Nếu có người làm được việc đó cùng với chúng tôi thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ.
Gia Minh: Đến nay đã nhận được sự phản hồi ra sao từ những nơi khác?
Thành viên dự án Ngày thứ 32: Phản hồi rất tốt, nhiều anh em, bạn bè khi nghe dự án này thì người ta rất ủng hộ
Có một số người không hiểu lắm về mặt thẩm mỹ, nghệ thuật của dự án này nhưng về cơ bản họ ủng hộ chương trình này.
Gia Minh: Cho đến nay sau khi công khai dự án trên mạng mấy hôm thì có trở ngại gì không?
Thành viên dự án Ngày thứ 32: Đến nay chúng tôi vẫn âm thầm làm việc; trở ngại lớn nhất là chúng tôi phải làm việc trong bí mật.
Gia Minh: Chân thành cám ơn.
Xin được thưa thêm tất cả những phiên bản của tác phẩm được bán ra với giá 10 ngàn đồng một cái. Số tiền thu được sẽ gửi đến giúp đỡ cho ngư dân bị thiệt hại do cá chết hàng loạt vì biển bị nhiễm độc.
G.M.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét