Tiếng nói người dân
bauxitevnSat 5:03 AM
Không được phép nhân danh lợi ích quốc gia để che giấu sự thật
Hoàng Kim
Trong một video clip đăng trên Facebook báo Thanh niên, có một đoạn đối thoại của nữ phóng viên báo Thanh niên và ông Võ Tuấn Nhân Thứ trưởng Bộ TN&MT tôi xin được trích ra đây, do nghe rồi viết lại nên chỉ lấy ý chính chứ không đúng 100%, muốn chính xác xin nghe từ clip.
Nữ phóng viên hỏi:
- Thưa ông, theo kiểm nghiệm gần đây nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên-Huế, ở chỗ một loạt các bè cá bị chết họ có nói rằng trong nước kiểm định ra có những kim loại nặng như Crôm, (nghe tới đây ông Thứ trưởng khoát tay bảo dừng, nhưng nữ phóng viên nói tiếp) mà vấn đề ở chỗ là trong thời gian tới, ở đây ý chúng tôi là mình trong khoảng thời gian ngắn và mùa du lịch săp tới rồi và cá thì…
Không để Nữ phóng viên nói hết câu ông Thứ trưởng Nhân khoát tay nói:
- Tắt, tắt. Tắt máy nghe. Xin lỗi. Không, không, để anh nói riêng với em. Đừng hỏi câu đó. Hỏi câu đó tổn hại cho đất nước của mình. Nhá. Em hỏi câu đó làm tổn hại cho đất nước của mình. Vì khi nói kim loại nặng trong cá biết…” ( lúc này máy thu tắt)
Lý do mà cô phóng viên báo Thanh niên hỏi về kim loại nặng (Crôm) là vì Sở Tài Nguyên và Môi trường Thừa Thiên-Huế công bố kết quả quan trắc nước ở Lăng Cô cho thấy kim loại nặng Crôm cao hơn mức cho phép.
Qua đoạn đối thoại này, chúng ta nhận thấy:
- Hỏi về kim loại nặng Crôm trong nước biển sẽ làm “tổn hại cho đất nước mình”.
- “Tắt máy nghe. Để anh nói riêng với em” tức là các thông tin này không cho người dân biết.
Đoạn đối thoại này là chìa khóa giải mã cho cách hành xử kỳ quặc của ông Thứ trưởng Bộ TN&MT trong các thông tin về cá chết ở Vũng Áng.
Giải mã cuộc họp báo kỳ quặc
Trưa Ngày 27/4, tức là hơn 20 ngày sau khi cá chết hàng loạt, hàng trăm phóng viên báo chí đã đến đợi họp báo với mong muốn được biết nguyên nhân cá chết hàng loạt.
Mãi đến 19 giờ 50 cuộc họp báo mới bắt đầu.
Cuộc hợp báo này được các báo gọi tên là cuộc họp báo kỳ quặc, bởi vì Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân chỉ đọc thông báo vỏn vẹn khoảng 10 phút rồi kết thúc họp báo, không cho báo chí hỏi câu nào cả.
Thông báo của Thứ trưởng nhân đưa ra 2 nguyên nhân cá chết hàng loạt vô lý đến vớ vẩn:
“Có 2 nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt.
Thứ nhất do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển.
Thứ hai, là do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là thủy triều đỏ”.
Họp báo về việc cá chết hàng loạt thì phải căn cứ vào kết quả quan trắc nước biển được lấy mẫu lúc cá chết để công bố nguyên nhân, phải dựa vào các chỉ số cụ thể của bảng kiểm định, chứ nói theo kiểu phỏng đoán thì không phải là kỳ quặc mà là dối trá.
Họp báo Kỳ quặc vì Thứ trưởng Nhân giấu kết quả quan trắc nước biển
Ngày 13/4, chỉ 7 ngày sau khi cá chết hàng loạt ở Vũng Áng, Trung tâm quan trắc Môi trường và bệnh Thủy sản miền Bắc (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo về nguyên nhân hiện tượng cá chết hàng loạt tại biển Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
“Theo đó, quá trình phân tích yếu tố môi trường vùng nuôi cá lồng và tác nhân gây bệnh cho thấy, các yếu tố môi trường thông thường và khí độc do phân hủy hữu cơ; tác nhân vi sinh vật gây bệnh không phải là nguyên nhân gây ra hiện tượng cá nuôi lồng chết hàng loạt ở thị xã Kỳ Anh.
Từ kết quả nghiên cứu, phân tích chuyên môn, cơ quan chức năng nhận định rằng “yếu tố gây độc trong nước” tại biển Vũng Áng được bắt nguồn từ nước thải chưa được xử lý nhưng đổ trực tiếp ra sông, biển, hòa lẫn vào nước biển gây ô nhiễm nguồn nước, làm cá bị ngộ độc, chết hàng loạt” (1).
Cho nên, ngày 27/4 mà ông Thứ trưởng Nhân không đưa ra được một kết quả quan trắc nào vào thời điểm cá chết cho báo chí là điều không thể chấp nhận được.
Phải chăng Bộ TN-MT không lấy mẫu nước biển để quan trắc lúc cá chết hằng loạt? - Nếu đúng vậy thì đây là một hành động vô trách nhiệm không thể tha thứ được.
Phải chăng Bộ TN-MT không đủ khả năng phân tích quan trắc nước biển?
- Ngày 1/5, “Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên-Môi trường) vừa công bố kết quả quan trắc môi trường chất lượng nước biển ven bờ tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, khẳng định đều nằm trong giới hạn cho phép” (2).
Bộ TN-MT dư sức phân tích quan trắc nước biển.
Như vậy, đến đây, có thể kết luận rằng: Ngày 27/4 trong tay ông Thứ trưởng Nhân đã có các kết quả quan trắc nước biển vào những ngày cá chết, nhưng vì lý do nào đó mà ông Nhân giấu các kết quả này, không công bố.
Một vị Thứ trưởng giấu kết quả kiểm định, rồi chế ra những lý do vô lý đến vớ vẫn để kéo dài thời gian, chắc chắn phải có một nguyên nhân rất đặc biệt.
Đọc lại mẩu đối thoại của ông Thứ trưởng Nhân và phóng viên báo Thanh niên chúng ta sẽ thấy: Ông Thứ trưởng Nhân giấu kết quả kiểm định là để tránh “Tổn hại đất nước mình”.
Chỉ hỏi về kim loại nặng Crôm tăng hơn mức cho phép đã gây tổn hại cho quốc gia, vậy nên, cho dù, kết quả quan trắc kim loại nặng và Crôm cao hơn mức bình thường thì phải giấu đi, vì công bố kết quả quan trắc mà trong đó kim loại nặng và Crôm tăng cao hơn mức cho phép làm chết cá là làm “tổn hại đất nước mình”.
Tóm lại, ông Thứ trưởng Nhân giấu kết quả quan trắc nước biển những ngày cá chết với mục đích tránh “tổn hại đất nước mình” .
Không dược nhân danh lợi ích đất nước để che giấu sự thật.
“Tổn hại đất nước mình” nếu có, phải được công bố cho mọi người dân biết, chứ không phải là chuyện riêng của anh và em đâu, thưa Thứ trưởng Nhân.
Phải công bố nước biển nhiễm kim loại nặng hoặc Crôm hoặc các chất độc khác nếu kết quả phân tích chỉ ra như vậy, chứ không được phép nhân danh tổn hại đất nước mà giấu giếm, chỉ nói riêng cánh hẩu với nhau.
Người dân Hà Tĩnh có quyền biết nguyên nhân cá chết, vì ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng, sức khỏe và tài sản của họ.
Không được áp dụng thuyết vị lợi mà buộc người dân Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận hy sinh tính mạng, sức khỏe và tài sản để tránh cái mà ông Thứ trưởng Nhân gọi là “Tổn hại đất nước”.
Lợi ích quốc gia nào lớn hơn sinh mạng của cư dân Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận và cả các thế hệ sau này?
Đừng nhân danh lợi ích quốc gia để che giấu sự thật, đó là một ngụy biện không thể chấp nhận được.
Có người nói với tôi: “Không phải lợi ích quốc gia đâu, Formosa đấy”.
Chắc phải tìm hiểu về Formosa trong bài tới.
H.K.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét