Từ bài học vụ Vedan: Có thể tìm ra thủ phạm gây cá chết ở Vũng Áng
bauxitevnWed 5:05 AM
Lê Quỳnh thực hiện
02/05/2016 - 11:52 AM
Trao đổi với Người Đô thị, PGS.TSKH Bùi Tá Long, Trưởng phòng Mô hình hóa môi trường, Khoa Môi trường và Tài nguyên, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP HCM khẳng định: trước dư luận nghi ngờ khả năng lớn Formosa là nguyên nhân gây ra cá chết, và từ kinh nghiệm vụ Vedan, chúng ta hoàn toàn có khả năng tìm ra thủ phạm, bằng mô hình toán dựng lại diễn biến ô nhiễm.
PGS TSKH Bùi Tá Long trước đây là Trưởng phòng Tin học môi trường - Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TPHCM, là người trực tiếp thực hiện đề tài nghiên cứu đánh giá mức độ gây ô nhiễm của Vedan đối với sông Thị Vải.
PGS.TS Bùi Tá Long - Trưởng phòng Mô hình hóa môi trường, Khoa Môi trường và Tài nguyên, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP HCM
- Thưa, hiện nay việc xác định nguyên nhân gây cá chết hàng loạt ở 5 tỉnh miền Trung vẫn chưa ngã ngũ, là do chất độc bị thải ra môi trường, hay là do tảo nở hoa. Về mặt chuyên môn, ông đánh giá tình hình hiện nay như thế nào?
Tôi đồng ý với quan điểm của nhiều nhà khoa học đã lên tiếng trước tôi, nguyên nhân cá chết là do yếu tố xả thải chất gây ô nhiễm, là do hoạt động kinh tế - xã hội của con người.
Theo kinh nghiệm chúng tôi đã tính cho vụ Vedan (2008 - 2010), thì dù lưu lượng không nhiều nhưng nồng độ rất lớn nên đã đầu độc cho môi trường nước ven biển.
Năm 2009 khi chúng tôi tính cho Vedan, họ có 4 nguồn xả thải, nhưng có một nguồn (nguồn số 1 với chỉ số BOD – nhu cầu oxy sinh hóa, đo được là 52850 mg/l – Chỉ tiêu cho phép là từ 30-50 mg/l) đã đủ đầu độc cả một con sông.
Tôi lưu ý thêm, lúc đó nguồn xả lén này của Vedan chỉ làm việc từ thứ 2 tới thứ 5 hàng tuần và chỉ xả thải liên tục từ 20 - 24 h).
Do vậy, theo phỏng đoán của tôi: nguồn thải xả lén khiến cá chết [ở Vũng Áng] cũng làm việc theo định kỳ và xả thải liên tục nhiều giờ trong mỗi lần.
Ngoài ra, theo tôi cần lưu ý tới yếu tố thủy lực. Khi tính toán cho vụ Vedan, chúng tôi đã làm rõ chế độ dòng chảy của con sông này, từ đó mới tính được sự lan truyền ô nhiễm trên một diện rộng.
- Với kinh nghiệm từ vụ Vedan – sử dụng mô hình toán để mô phỏng chất lượng nước từ các nguồn xả thải xuống sông Thị Vải và dựng lại diễn biến ô nhiễm đã được thực hiện – theo ông, có thể rút ra bài học gì áp dụng cho việc tìm nguyên nhân và giải quyết thảm họa cá chết ở 5 tỉnh miền Trung hiện nay?
Cho tới thời điểm hiện nay, mọi công việc của các cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở đo đạc các thông số ô nhiễm tại một số vị trí và theo thời gian. Điều này không giúp được nhiều, bởi nếu chỉ đo (rời rạc theo không gian và thời gian) thì không thể vẽ bản đồ phạm vi và mức độ ảnh hưởng do sự lan truyền ô nhiễm.
Từ kinh nghiệm tham gia giải quyết vụ việc Vedan, tôi thấy cần phải sử dụng mô hình toán.
Theo cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, “các mô hình (toán) môi trường được sử dụng để tái tạo lại các quá trình môi trường xảy ra trong một khoảng thời gian nào đó́”. Điều này có nghĩa là mô hình có thể dựng lại một việc đã xảy ra trong quá khứ. Tuy nhiên, một trong những tiên đề mà những người dùng mô hình phải thừa nhận đó là: “tồn tại một lượng thông tin vừa đủ mà người dùng phải cung cấp cho mô hình”.
Hiện nay, số liệu đang thiếu chính là lưu lượng nước thải ra, và nồng độ của các chất có trong đó.
Cũng từ kinh nghiệm tham gia vụ Vedan, tôi thấy rằng hiện nay cần lập các nhóm kỹ thuật của Việt Nam và của Formosa (FHS) Hà Tĩnh để cùng thảo luận.
Điều này phải cần thiện chí từ FHS Hà Tĩnh, bởi chúng ta chưa có bất kỳ bằng chứng nào về việc họ xả thải (khác với Vedan năm xưa là bắt quả tang).
Sau khi có nhóm kỹ thuật hỗn hợp giữa Việt Nam với FHS Hà Tĩnh, các chuyên gia 2 bên cần thảo luận để cùng tìm ra giải pháp mà có thể FHS Hà Tĩnh đã xả thải (như lời của GS. Lê Huy Bá, có lẽ đây là sự cố thiếu cân nhắc nào đó của họ).
Công việc này tuy mất thời gian nhưng sẽ giúp tìm ra những câu trả lời mà các phương pháp khác không thể áp dụng được. Bộ thủy lực Mike21 (FM) và mô hình tải khuếch tán Mike3 + EcoLab có thể được sử dụng để xem xét.
Cuộc họp mở rộng giữa Viện MTTN, Vedan, hội nông dân, các Sở TNMT các tỉnh thành liên quan vào tháng 12/2009 (nguồn ảnh tư liệu: Envim Group)
Còn về bài học, theo tôi, có 5 bài học thành công từ vụ việc Vedan trước đây.
Thứ nhất, cần có văn bản pháp lý giao cho một cơ quan khoa học đủ uy tín để thực hiện.
Thứ hai, cần phải mời FHS Hà Tĩnh tham gia, nhóm chuyên gia Việt Nam cần làm việc với họ. Hai bên cần phải gặp nhau và thống nhất các nguyên tắc cơ bản để làm việc. FHS Hà Tĩnh có đủ tiềm lực để thuê các nhà khoa học giỏi cùng làm việc với chúng ta. Đó cũng là điều tốt cho các nhà khoa học Việt Nam.
Thứ ba, các nhóm chuyên gia kỹ thuật phải làm việc liên tục để cùng tìm hướng giải quyết. Các kết quả tính toán, đo đạc cần phải kiểm định bởi nhóm chuyên gia của cả 2 bên để tạo ra sự tin cậy lẫn nhau.
Tôi nhớ, năm 2009, khi tính toán kịch bản Vedan xả thải, số liệu về nồng độ BOD ở điểm xả số 2 là do các chuyên gia Đài Loan (tham gia về phía Vedan) cung cấp. Sau này bằng mô hình, chúng tôi đã làm sáng tỏ đây là cống gây ô nhiễm lớn nhất.
Thứ tư, về khoa học, cần phải sử dụng các mô hình toán để giải quyết. Bởi không có mô hình toán, chúng ta không thể dựng lại quá trình lan truyền chất theo dòng chạy, cũng như không làm rõ sự khác biệt giữa các kịch bản khác nhau. Kịch bản ở đây có nghĩa là lưu lượng, nồng độ chất ô nhiễm trong nước thải. Ngoài ra cần biết rõ vị trí xả thải, dữ liệu địa hình và chế độ xả thải.
Thứ năm, là cần sớm hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ cho đánh giá, kiểm soát ô nhiễm. Năm 2009, khi tính toán mô hình cho vụ Vedan, nhóm nghiên cứu gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận số liệu. Các số liệu rất rời rạc, thiếu hệ thống nên việc sử dụng gặp nhiều khó khăn.
Tôi nghĩ hiện nay, việc thiếu số liệu quan trắc liên tục để đánh giá phạm vi và mức độ ảnh hưởng của FHS Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn.
- Thưa ông, dư luận hiện nay đang đặt ra nghi vấn rất lớn rằng Formosa là nguồn thải gây ra thảm họa cá chết, bởi rất nhiều vấn đề không minh bạch từ công ty này. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng khu vực Vũng Áng còn rất nhiều nhà máy khác, cũng có khả năng là nguồn ô nhiễm... Vậy khi chưa xác định được thủ phạm thực sự khiến cá chết, thì liệu việc chạy mô hình tính toán có phù hợp không? Nó sẽ có ý nghĩa như thế nào?
Theo ý kiến tôi, đây chính là sự khác biệt lớn nhất giữa vụ Vedan (2008 - 2010) với vụ việc hiện nay.
Với vụ Vedan, cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện, lập biên bản và Vedan thừa nhận xả lén. Còn vụ việc hiện nay, chúng ta không có được sự tương tự như vậy.
Hiện chưa có kết luận nào nói Formosa gây ô nhiễm, nhưng phần tỉ lệ đóng góp ô nhiễm của Formosa, và của các nhà máy khác trong KCN Vũng Áng, chúng ta đều có thể làm được nhờ chạy mô hình, theo các kịch bản khác nhau.
Vì vậy, theo tôi (như đã nói ở phần bài học), chúng ta cần lập tổ công tác kỹ thuật của Việt Nam và mời FHS Hà Tĩnh tham gia. Tôi nghĩ lãnh đạo FHS Hà Tĩnh có đủ bản lĩnh chính trị để hợp tác, bởi lẽ chính họ cũng muốn minh bạch; ngoài ra họ cũng thấy được nếu không tìm ra nguyên nhân thì sự phát triển của họ ở Việt Nam sẽ không được người dân ủng hộ.
Tóm lại, sau những tranh cãi trên các phương tiện đại chúng, cần phải ngồi vào bàn đàm phán để cùng thảo luận. Không thể đẩy quả bóng cho bên kia được. Kết quả thảo luận giữa các cấp kỹ thuật sẽ giúp các nhà quản lý tìm ra giải pháp thỏa đáng. Đây cũng chính là bài học giải quyết vụ Vedan năm 2008 - 2010.
Do vậy tôi cho rằng, vẫn phải chạy mô hình với nhiều kịch bản khác nhau do các nhóm chuyên gia hai bên đưa ra. Ý nghĩa của nó là mô phỏng được theo không gian và thời gian sự lan truyền của ô nhiễm.
Ngoài ra câu hỏi hiện nay nhiều người đang đặt ra là ô nhiễm này có lan truyền xuống phía dưới (Phú Quốc) hay không, cũng không thể trả lời được, nếu chỉ quan trắc.
Hệ thống ống dẫn nước xả thải kéo dài từ Formosa đến biển Vũng Áng.Ảnh: T.Hoa/Infornet
Thực tế, vừa qua Bộ Tài nguyên môi trường và các đơn vị khác đã tiến hành phân tích mẫu nước biển tại nhiều điểm khác nhau; so sánh các hình ảnh vệ tinh; hiện đang gửi mẫu tảo nở hoa sang Nhật xét nghiệm; mời chuyên gia nước ngoài kết luận độc lập,... để tìm nguyên nhân gây ra cá chết. Ông nhìn nhận như thế nào?
Theo quan điểm của tôi về mặt chuyên môn, không có cách khác để phát hiện ra thủ phạm.
Hình ảnh vệ tinh chỉ có thể thấy vệt nước bất thường nhưng không nói lên được ai gây ô nhiễm cả, do vệ tinh chỉ bay qua vùng đó trong một số thời điểm trong một số ngày.
Theo kinh nghiệm từ vụ Vedan và từ công tác nghiên cứu giảng dạy, tôi thấy chỉ có sử dụng cách tiếp cận mô hình mới có thể giải quyết được những nhiệm vụ bức xúc hiện nay: tìm ra nguyên nhân (hay nói rõ hơn là thủ phạm), và làm cách nào đền bù cho người dân.
Sau khi xong 2 việc cấp bách này thì phải giải quyết tiếp những vấn đề khác như quan trắc và đánh giá những thiệt hại (có thể) do nước thải từ FHS Hà Tĩnh, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của khu vực này cũng như cả nước.
Tôi cũng cho rằng, VN không thiếu các nhà khoa học đủ khả năng tìm ra được nguyên nhân cá chết.
Cám ơn ông!
L.Q.
Nhà nước không có hệ thống độc lập kiểm tra Formosa
Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) nằm tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh, hoạt động theo giấy chứng nhận đầu tư cấp lần đầu năm 2008; điều chỉnh cấp lại lần thứ 12 vào tháng 4.2015 do ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cấp. Loại hình sản xuất chính FHS là chế tạo, gia công, sản xuất, mua, bán, xuất nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến ngành luyện kim, đúc, chế tạo gang thép, cán thép, thép hình, ngành thép gia công lần thứ 2, ứng dụng các nguồn nguyên liệu từ xỉ lò, xi măng lò cao và các loại xi măng...
Dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa do công ty làm chủ đầu tư bao gồm 3 hạng mục: nhà máy gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm; nhà máy điện công xuất 650 MW; và cảng Sơn Dương. Tổng diện tích dự án: 3.318,72 ha, trong đó diện tích đất liền là 2.025,37 ha; diện tích mặt nước là 1.293,35 ha. FHS triển khai dự án từ năm 2008, dự kiến hoàn thành năm 2017.
Theo báo cáo mới nhất vào cuối tháng 4.2016 của Bộ Tài nguyên môi trường, số lượng nhân viên tại thời điểm hiện tại là 5.421 người (1.045 người Đài Loan và 4.376 người VN).
Nhiên liệu sử dụng hiện nay là than để vận hành thử nghiệm nhà máy điện, tổng khối lượng đã tiêu thụ khoảng 9.000 tấn. Lượng nước tiêu thụ trung bình khoảng 8.710 m3/ngày, một phần từ nguồn nước máy, phần lớn được khai thác từ nguồn nước mặt sông Trí (7.450 m3/ngày).
Hiện Formosa có các chất thải phát sinh gồm: nước thải sinh hoạt, sinh hóa, nước thải công nghiệp, súc rửa đường ống, bụi, khí thải, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại.
Trao đổi với Người Đô thị, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ an toàn và môi trường, Bộ Công thương rằng: Nhà nước phải có hệ thống độc lập kiểm tra, tuy nhiên lại không có với trường hợp Formosa. Thực tế hiện nay, Sở Tài nguyên môi trường Hà Tĩnh không tự đi lấy mẫu và tự kiểm tra Formosa, mà mẫu đó lại do Formosa đưa cho Sở đi phân tích. Như vậy là hoàn toàn không khách quan, và thiếu trách nhiệm. Thứ 2, Sở Tài nguyên môi trường là cơ quan nhà nước thì phải độc lập, nhưng Sở lại đi hợp đồng với Formosa để kiểm tra, tức là mang lại kinh tế cho nhau, như vậy là không đúng quy định Nhà nước, là vừa đá bóng vừa thổi còi.
"Vừa qua tôi không biết là cơ quan chức năng đã xét duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với Formosa đã đúng chưa, nhưng bây giờ phát hiện ra mất rất nhiều chứ không phải mất ít, nên ĐTM phải được xem xét đầy đủ, đúng, chặt chẽ, thận trọng lại.
Và cũng cần công khai ĐTM để các nhà khoa học biết và tham gia. Đánh giá như thế nào nhân dân không biết, nhà kĩ thuật không biết để tham gia vào, giờ vấn đề tóe loe ra thì mới biết là có nhiều vấn đề cần xem xét lại ở Khu kinh tế lớn như Vũng Áng! Chứ vì trình độ kém mà làm đánh giá kém, hoặc vì lợi ích cá nhân hay nhóm mà thông qua những công trình quan trọng là gây ảnh hưởng lớn đến đất nước. Đồng thời, Formosa rất cần phải công khai, minh bạch thông tin.", ông Lâm nói.
L.Q.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét