“Đánh dân còn hơn đánh kẻ thù” - những bằng chứng mới nhất bằng máu tươi vụt hiện trong hai cuộc biểu tình bảo vệ môi trường ngày 1/5 và 8/5 năm 2016 đã làm đỏ rực bộ mặt công an “thành phố mang tên Bác”.
Công ước chống tra tấn: vẫn đánh!
Sau một thời gian dài trì hoãn, chính thể “luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người” rốt cuộc đã phải ký kết tham gia Công ước chống tra tấn quốc tế vào năm 2015. Cơ quan dễ “gật” nhất là Quốc hội dĩ nhiên không phản đối.
Nhưng từ trước đó, khoảng năm 2013, không còn dám bắt người bừa bãi như thời gian trước đó, ngành công an Việt Nam bắt đầu phổ cập chiến thuật đánh người.
Kết quả sáng lạn nhất của cơ chế tham gia Công ước chống tra tấn quốc tế là vẫn đều đặn xảy ra hàng chục cái chết của dân thường tại đồn công an, không phải qua nhiều năm mà tính cho mỗi năm. Còn việc công an dùng các ngón đòn nghiệp vụ để tra tấn thường dân và người bất đồng xảy ra như cơm bữa.
Để đối phó với các cuộc biểu tình khiếu kiện đất đai, ô nhiễm môi trường và chống Trung Quốc, chiến thuật công an Việt Nam khống chế và đánh người đã trở nên nổi tiếng đến nỗi không chỉ các tổ chức nhân quyền quốc tế biết rõ, mà cả du khách nước ngoài cũng e sợ. Đã có trường hợp một khách du lịch Bỉ bị những người mặc thường phục đánh rớt máy chụp ảnh và bị ăn cùi chỏ chỉ vì ông cố gắng ghi hình đoàn biểu tình chống Trung Quốc.
Nhưng có lẽ du khách người Bỉ đã không biết một sự thật: từ ít nhất 5 năm qua, công an TP.HCM đã vượt trên cả tiêu biểu về chiến thuật bắt cóc và đánh người.
“Không hiểu sao nó toàn nhắm vào đầu mà đánh!”
Ngay từ sáng sớm ngày 1/5, 6 người bất đồng phản đối vụ “cá chết Formosa” đã bị công an xông vào bắt giữ ngay tại hầm gửi xe của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Hai vợ chồng Huỳnh Anh Tú và Phạm Thanh Nghiên, bà Dương Thị Tân, ông Đỗ Đức Hợp…đã bị công an lôi về đồn cảnh sát tại một số phường ở quân 3. Lôi về, hỏi cung và đánh đập.
Không hề nương nhẹ. Đàn ông bị đánh nặng nhất. Cuối cùng, Công an TP.HCM đã có thể tự hào với thủ thuật đánh hội đồng. Có người bất đồng bị đánh đến 4 lần, từ ngoài vào trong đồn. Đánh không để lại dấu vết nhưng hoàn toàn có thể khiến nội thương trầm trọng.
Một phụ nữ nhỏ nhắn gầy yếu như Phạm Thanh Nghiên nhưng đã bị công an đánh vào đầu. “Không hiểu sao nó toàn nhắm vào đầu mà đánh!” - cô căm phẫn.
Chắc hẳn công an không muốn nữ cựu tù nhân chính trị như Nghiên còn đủ tỉnh táo để viết bài tố cáo an ninh xâm phạm thân thể và tố cáo cả cái bản chất chế độ vẫn tuyên rao “tôn trọng nhân quyền” này.
Lẽ ra, kịch bản đánh người của Công an TP.HCM còn khả thi hơn, nếu đám đông biểu tình vào ngày 1/5 không lên đến 4.000 người.
Lúc này, vai trò dẫn dắt của các tổ chức xã hội dân sự đã không còn quá cần thiết. Hơn nữa, rất nhiều thành viên chủ chốt của Xã hội dân sự đã bị công an thẳng cánh nhốt tại nhà. Nhưng thay vào đó, rất nhiều người dân, trí thức với không ít người xuống đường biểu tình lần đầu, đã lên tiếng và đối mặt với hàng rào công an, dân phòng, thanh niên xung phong.
Vậy là quen thói đánh người bất đồng, công an lại chuyển qua đánh dân.
Diễn biến các cuộc biểu tình ghi nhận bằng video một thanh niên (tóc vàng) bị vây và đánh hội đồng bởi lực lượng mặc đồng phục xanh lơ hung hãn. Hình ảnh và video cũng ghi nhận một người đàn ông bị lực lượng trấn áp đánh bể đầu, máu tuôn ròng ròng trên vai.
Vụ “trầm trọng và đê tiện nhất”, theo một facebooker, là vụ cô gái tên Lê Vi bị chận đánh thô bạo khi cô đã tách đoàn biểu tình để trở về nhà. Chưa kể những vụ bắt bớ, sách nhiễu những người liên quan đến việc đưa thông tin về dự án nhà máy gang thép Formosa Vũng Áng (Hà Tĩnh), cũng như người tham gia tuần hành ôn hòa và cả sau khi cuộc biểu tình kết thúc. Một số bạn sinh viên ở trọ ven đô Sài Gòn đã bị chủ nhà đuổi, không tiếp tục cho thuê phòng nữa dưới áp lực của công an…
Đến cuộc biểu tình ngày 8/5 để đòi chính phủ phải công bố nguyên nhân xác đáng gây cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung, bữa tiệc máu người đã làm đảo lộn những giá trị còn rơi rớt của “lực lượng thanh niên xung phong” và giới trật tự đô thị, nếu không kể đến đội ngũ côn đồ không mặc sắc phục. Những cánh tay vạm vỡ vung lên, nhưng thay vì hướng ra Biển Đông thì lại giáng thẳng vào đầu những người biểu tình đang tranh đấu cho quyền lợi môi sinh của cả một dân tộc cùng lực lượng vũ trang.
“Phương châm” đã rõ: tập trung đánh vào vùng mặt, vừa để dằn mặt vừa không để lại nội thương mà có thể dẫn đến tử thương. Một phụ nữ bế con gái bị đấm và cả bị đá vào mặt. Nhiều người biểu tình bị bắt đưa lên xe bus chở về sân vận động Hoa Lư. Tại đó, bữa tiệc máu người còn say máu. Nhiều thân thể không còn lành lặn như trước khi biểu tình…
Đến giờ phút này, “đối tượng” cũng đã rõ. Có lẽ bất cứ người biểu tình nào và cả những người không trực tiếp biểu tình cũng đều sôi sục căm phẫn một câu hỏi: Những “lãnh đạo TP.HCM” như Bí thư thành ủy Đinh La Thăng và Giám đốc công an Lê Đông Phong chẳng lẽ không am tường, hay đã “quán triệt” đến mức triệt để hành vi đánh người của cấp dưới?
Đã đến lúc chế tài!
Một lần còn có thể cho rằng “vô tình”, hai lần không còn phải “ngẫu nhiên”, còn ba lần trở đi thì đã thành hệ thống.
Công an TP.HCM đã có cả một chuỗi hệ thống về đàn áp nhân quyền từ nhiều năm qua. Chỉ tính riêng nửa cuối năm 2015 là lúc ông Lê Đông Phong được bổ nhiệm làm giám đốc công an thành phố, đã có ít nhất 6 cuộc tụ tập tưởng niệm Hoàng Sa, Gạc Ma, Trường Sa, kỷ niệm chiến tranh biên giới 1979, biểu tình môi trường bị công an đàn áp nặng nề hơn hẳn so với Hà Nội.
Nhưng vì sao Công an TP.HCM lại mẫn cán đàn áp và đánh đập người dân trầm trọng hơn Công an Hà Nội, trong khi Sài Gòn vẫn luôn được xem là đất Nam Bộ có khí chất hiền hòa? Câu hỏi này có lẽ không hoàn toàn tùy thuộc vào việc TP.HCM không phải là trung tâm ngoại giao nên dễ “xử” hơn, mà còn phụ thuộc vào yếu tố “tương quan chính trị”. Chỉ riêng hai năm 2014 và 2015, không ít lần xuất hiện những dấu hiệu cho thấy giới đấu tranh nhân quyền ở Sài Gòn bị dùng làm vật hy sinh cho đấu đá phe phái nội bộ, đặc biệt liên quan đến các sự kiện đối ngoại, trong khi ở Hà Nội ít diễn ra hiện tượng này hơn.
Vào lần này, cuộc đàn áp đánh đập không thương tiếc người biểu tình tại TP.HCM lại trùng với thời điểm Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách về dân chủ nhân quyền và lao động - ông Tom Malinowski - đến Việt Nam để chuẩn bị cho chuyến công du của Tổng thống Obama đến quốc gia quá tráo trở về “bảo vệ nhân quyền” này.
Hẳn nhiên, dù muốn hay không thì Tổng bí thư Trọng cũng sẽ chẳng mấy đẹp mặt quốc tế bởi phương châm đánh dân như đánh kẻ thù của cấp dưới.
Còn riêng với Bí thư Đinh La Thăng - nhân vật được Tổng bí thư Trọng điều động vào Sài Gòn như một cách hiểu “bình Nam” - những hình ảnh đánh đập, đàn áp trong hai cuộc biểu tình ngày 1/5 và 8/5 năm 2016 đã tiếp nối cho chuỗi hai lần trước đó người bất đồng và người dân bị xâm phạm nặng nề quyền con người, tính từ thời điểm ông Thăng nhậm chức bí thư thành ủy TP.HCM vào tháng Giêng năm 2016. Chẳng lẽ là một lãnh đạo chính trị cùng trách nhiệm chính trị, ông Thăng không hề hay biết chuyện đánh dân và bữa tiệc máu người, nhất là khi sáu chục trí thức đã gửi thư trực phản ánh tiếp đến ông mà không hề nhận được hồi âm? Người ta còn rất ngờ rằng chính ông đã đồng thuận cao với Công an TP.HCM để các nhân viên an ninh “thi hành những biện pháp nghiệp vụ cần thiết”.
Gieo gió gặt bão. Chuỗi vi phạm nhân quyền và chiến thuật đánh người của công an Việt Nam đã trở nên nổi tiếng đến nỗi từ đầu năm 2016, một số tổ chức nhân quyền quốc tế và Hoa Kỳ, cùng một số nghị sĩ quốc hội Mỹ, đã một lần nữa đặt lại vấn đề cần có một bộ luật chế tài nhân quyền đối với Việt Nam. Điểm then chốt của bộ luật này và đang được những tổ chức nhân quyền quốc tế tiến hành là xây dựng danh sách những cá nhân lãnh đạo Việt Nam (có thể cả thân nhân của họ) có “thành tích” vi phạm nhân quyền trầm trọng - không chỉ bắt người mà còn đánh người, kể cả sách nhiễu dân chúng - để cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ và phong tỏa tài khoản của họ ở nước ngoài.
Tunisie và Ukraine: Hãy nhớ!
2016. Hàng loạt phong trào phản kháng xã hội về nhiều vấn nạn xã hội đang bừng tỉnh ở Việt Nam. Nhưng điểm khác biệt so với những năm trước là không còn quá cần đến vai trò đầu tàu của các tổ chức xã hội dân sự độc lập, mà chính người dân, bao gồm cả những cán bộ hưu trí, đang lên tiếng và lần đầu tiên xuống đường biểu tình. Chính quyền sẽ đối phó ra sao với số đông quần chúng theo đúng nghĩa này?
Nếu vẫn giữ nguyên não trạng và thói quen đánh người, sẽ không có gì ngạc nhiên khi giới công an thẳng tay với người dân biểu tình trong đó có cả cán bộ hưu trí. Nhưng khi đó, ngành công an sẽ vấp phải không phải một nhúm người, mà một biển dân.
Xuống đường giờ đây không chỉ là phản ứng với những vấn nạn xã hội, mà còn biểu lộ tâm trạng bất mãn cùng cực trước một chính quyền tham nhũng, “hèn với giặc ác với dân” và quá yếu kém về điều hành. Chỉ cần một tia lửa phát ra, chỉ cần một hành động đánh dân đủ gây chấn thương nặng nề hoặc tử vong, hiệu ứng phản kháng từ đám đông có thể bùng nổ và lập tức biến thành đám cháy dữ dội.
Đó là cách nhanh nhất để dẫn tới bạo động xã hội và con đường ngắn nhất để khiến một chế độ sụp đổ. Cái cách mà từ cái chết trong đồn cảnh sát của một người bán rau quả đã biến thành cuộc cách mạng lật đổ chế độ ở Tunisie vào năm 2011.
Cũng là cái cách đã khiến hàng trăm cảnh sát ở Ukraine phải quỳ sụp trước đám đông biểu tình để xin tha mạng vào năm 2014.
Hình ảnh biểu tình ngày 8/5:
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét