Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

Tại sao quan hệ Ấn - Nga suy giảm?

 

Tại sao quan hệ Ấn - Nga suy giảm?

27/09/2022

Nguyễn Ngọc Chu

Sự rẻ tiền sẽ không đảm bảo được tính mạng. Thà mua một vũ khí hiện đại đắt tiền, bắn trúng đích trước để sống sót, còn hơn mua 10 vũ khí rẻ tiền, bắn trượt để bị tiêu diệt. Quân đội Việt Nam cần một chuẩn hoá mới.

1. QUAN HỆ ẤN - TRUNG TÁC ĐỘNG ĐẾN QUAN HỆ ẤN - NGA, ẤN - MỸ

Cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đã vẽ lại bản đồ quan hệ giữa nhiều nước. Trong số các sự thay đổi quan hệ địa chính trị thế giới có tầm ảnh hưởng đáng kể là sự thay đổi quan hệ Ấn - Nga, Ấn - Mỹ. Nhìn cho kỹ thì quan hệ Ấn - Nga, Ấn - Mỹ chịu sự chi phối một mức độ đáng kể của quan hệ Ấn - Trung.

Ngoài xung đột với Pakistan, nơi Ấn Độ có thể giữ vị thế ngang bằng, không thất thế, thì mối xung đột lãnh thổ dai dẳng khó giải quyết với Trung Quốc đặt Ấn Độ vào tình thế phải tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế. Vị thế của Ấn Độ trong cán cân xung đột Ấn - Trung không được như vị thế trong xung đột Ấn – Pakistan. Bởi thế Ấn Độ cần sự chống lưng của các cường quốc để cân bằng với Trung Quốc trong xung đột biên giới. Cuộc xung đột biên giới năm 2020, sau cuộc xung đột biên giới 1962, một lần nữa cho thấy vấn đề biên giới Ấn - Trung chưa có lối thoát. Trung Quốc không từ bỏ yêu sách lãnh thổ của Ấn Độ. Trung Quốc ngày càng mạnh thì đòi hỏi lãnh thổ ngày càng cường quyền. Trung Quốc là đối thủ hiện hữu khó chơi nhất của Ấn Độ.

 

Để cân bằng với Trung Quốc, đã nhiều thập niên, Ấn Độ tìm kiếm sự ủng hộ của Liên Xô trước đây và của Liên bang Nga sau đó. Một nhân tố quan trọng để có sự ủng hộ là mua vũ khí của Liên Xô và của Liên bang Nga. Bằng việc mua vũ khí của Nga, Ấn Độ tìm kiếm một sự ủng hộ của Nga, chí ít là không nghiêng về Trung Quốc.

Nhưng cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đã đẩy Nga vào vòng tay Trung Quốc. Nga không thể giữ được vị trí cân bằng trong xung đột Ấn - Trung. Ấn Độ không thể dựa vào Nga để có thêm sức mạnh trong tranh chấp Ấn - Trung mà ngược lại, Nga sẽ ở “phe Trung Quốc”. Ấn Độ phải chọn con đường khác.

Giờ đây Ấn Độ phải dấn bước sâu hơn nữa trong liên minh kim cương bộ tứ ‘Mỹ, Nhật, Ấn, Úc’ để đối trọng với Trung Quốc. Giờ đây Ấn Độ đang hướng về vũ khí phương Tây, chứ không phải là vũ khí Nga để có ưu thế trong tranh chấp vũ trang Ấn - Trung.

Cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đã đẩy Ấn Độ xa Nga trên mọi phương diện, trong đó rất quan trọng là tỷ phần cung cấp vũ khí. Nếu trước đây, trong nhiều thập niên Nga là nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ, thì nay bức tranh đã đổi hướng. Tỷ phần vũ khí Nga giảm từ 69% cho giai đoạn 2012-2017 xuống 46% cho giai đoạn 2017-2021. So với năm 2012 thì năm 2021 Ấn Độ đã giảm 50% ngân sách mua vũ khí của Nga. Từ khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, Ấn Độ dừng đơn hàng 29 máy bay Mig 29 của Nga và chuyển sang nguồn cung cấp thay thế từ phương Tây. Chiến tranh Nga - Ukraine sẽ còn tác động mạnh hơn nữa lên tỷ phần ngân sách Ấn Độ dành cho mua vũ khí từ Nga.

Về phương diện chính kiến trên trường quốc tế, quan điểm của Ấn Độ đã có những thay đổi quan trọng về chiến tranh Nga - Ukraine. Ấn Độ ngày càng tỏ thái độ phản đối Nga phát động chiến tranh chống Ukraine. Trong các phát biểu tại Liên hợp quốc (LHQ) và ở các diễn đàn quốc tế, Ấn Độ công khai tuyên bố tôn trọng chủ quyền và toàn vện lãnh thổ, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Hiến chương LHQ – là đã gián tiếp phản đối cuộc chiến của Nga. Ấn Độ lên án Nga về sát hại dân thường ở Bucha và ủng hộ cuộc điều tra độc lập. Ấn Độ chỉ trích Nga vì đẩy các nước đang phát triển vào tình thế nguy hiểm về an ninh lương thực và tác động xấu lên phát triển kinh tế. Ấn Độ khẳng định không có kẻ chiến thắng trong cuộc chiến Nga - Ukraine và kêu gọi TT Putin đàm phán trực tiếp với TT Zelensky.

Quan điểm của Ấn Độ phê phán Nga ngày càng gia tăng. Nếu 3 cuộc bỏ phiếu trước đây tại LHQ về Ukraine, Ấn Độ chọn phiếu trắng, thì gần đây nhất, ngày 16/9/2022 Ấn Độ đã bỏ phiếu ủng hộ TT Zelensky phát biểu trực tuyến trước Đại hội đồng LHQ, trái với nguyện vọng của Nga. Quyết định của LHQ được thông qua với 101 phiếu thuận, 19 phiếu trắng, 7 phiếu chống (Nga, Belarus,Triều Tiên, Syria, Cuba, Nicaragua và Eritria).

Tại Hội nghị Thượng đỉnh của tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Samarkand của Uzbekistan (15-16/9/2022), Thủ tướng Ấn Độ Narenda Mori đã bày tỏ sự phản đối Nga khi trực tiếp nói với TT Putin rằng “Tôi biết rằng thời đại ngày nay không phải là thời của chiến tranh và tôi đã nói với ngài trên điện thoại về chuyện này nhiều lần”.

Về thương mại, do Nga hạ giá mạnh, để giảm bớt tình trạng suy thoái kinh tế, Ấn Độ đã tăng lượng mua dầu của Nga vào tháng 4 lên 389 000 thùng/ ngày, và một triệu thùng/ngày vào tháng 6/2022, nhưng tổng kim ngạch Ấn - Nga không đáng kể. Năm 2021, kim ngạch thương mại Ấn - Nga (khoảng 13 tỷ USD) chỉ bằng 8,2% kim ngạch thương mại Ấn - Mỹ (157 tỷ USD). Ấn Độ đang rời xa Nga trên mọi phương diện.

Trung Quốc không từ bỏ yêu sách có thêm lãnh thổ tại biên giới Trung - Ấn. Trung Quốc càng mạnh thì yêu sách lãnh thổ tại biên giới Trung - Ấn càng lớn. Đó là bài toán mà Ấn Độ phải đối mặt ngày càng gay gắt.

Điều đã khiến Ấn Độ mỗi ngày một rời xa Nga là nhận thức rõ ràng của Ấn Độ về Nga, rằng Nga không phải là nhân tố mà Ấn Độ có thể dựa vào để có thêm sức mạnh trong cuộc tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Nga càng gần Trung Quốc bao nhiêu thì Ấn Độ càng rời xa Nga bấy nhiêu. Nga dưới triều đại Putin không phải là đồng minh tin cậy của Ấn Độ. Để giúp cho Ấn Độ có ưu thế với Trung Quốc về cả 3 phương diện – vũ khí, kinh tế và ngoại giao thì Ấn Độ phải tìm kiếm ở Hoa Kỳ và phương Tây, chứ không phải ở Nga.

2. KẾT LUẬN NÀO CHO VIỆT NAM TỪ QUAN HỆ ẤN - NGA?

Tương tự như Ấn Độ, Việt Nam cũng phải đối mặt với những yêu sách lãnh thổ không kém phần gay gắt từ Trung Quốc. Từ ngàn xưa, Trung Quốc đã nhiều lần đem quân xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam. Trung Quốc hiện đang chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc ngày càng mạnh thì yêu sách chủ quyền và lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông càng cường bạo.

Ngoài mục tiêu bành trướng lãnh thổ, Trung Quốc còn có mục tiêu đặt Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc, và tìm mọi cách khiến cho Việt Nam chuyển động theo quỹ đạo của Trung Quốc vẽ ra.

Biết rằng tự lực là nhân tố quyết định, nhưng sự giúp đỡ quốc tế cũng vô cùng quan trọng. Nước lớn như Ấn Độ mà phải cần đến các cường quốc để có thêm sự chống lưng trong xung đột lãnh thổ với Trung Quốc thì nước nhỏ hơn như Việt Nam càng phải tìm sự ủng hộ của các nước mạnh để bảo vệ chủ quyền.

Chiến tranh Nga - Ukraine đã làm cho nước lớn như Ấn Độ phải thay đổi chiến lược quan hệ quốc tế và chiến lược mua sắm vũ khí thì các nước yếu hơn không thể không định dạng lại chiến lược quan hệ quốc tế và chiến lược quốc phòng.

Trước đây, với các nước có thu nhập quốc dân trên đầu người chưa cao, trong số đó có Ấn Độ, thì sự lựa chọn vũ khí Nga là sự lựa chọn “theo túi tiền”. Nhưng chiến tranh Nga - Ukraine đã cho thấy vai trò sống còn của vũ khí chính xác.

Sự rẻ tiền sẽ không đảm bảo được tính mạng. Thà mua 1 vũ khí hiện đại đắt tiền, bắn trúng đích trước để sống sót, còn hơn mua 10 vũ khí rẻ tiền, bắn trượt để bị tiêu diệt. Quân đội Việt Nam cần một chuẩn hoá mới.

Trong một thế giới luôn tồn tại “cá lớn nuốt cá bé” thì muốn sống sót phải có đồng minh. Không chỉ một đồng minh mà có nhiều đồng minh. Đồng minh không có nghĩa là đối đầu. Đồng minh không có nghĩa là chọn phe. Đồng minh không loại trừ độc lập, tự chủ

N.N.C.

Tác giả gửi BVN.

Đọc thêm:

Ấn Độ ngày càng tách rời Nga 

Thanh Tâm (Theo Foreign Affairs)

Chiến dịch quân sự ở Ukraine đã trở thành chất xúc tác, khiến Ấn Độ đẩy nhanh tiến trình tách rời quan hệ đối tác lâu năm với Nga.

Sự miễn cưỡng của Ấn Độ trong lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã trở thành chủ đề cho nhiều cuộc tranh cãi và làn sóng chỉ trích ở phương Tây. Hồi tháng 3, thư ký báo chí Nhà Trắng khi đó là Jen Psaki đã kêu gọi Ấn Độ cân nhắc về "vị trí của New Delhi trong những cuốn sách lịch sử viết về thời điểm này".

Một số lãnh đạo và nhà ngoại giao phương Tây cảm thấy mất kiên nhẫn với Ấn Độ, khi nước này tiếp tục duy trì chính sách không can thiệp vào chương trình nghị sự của Nga. Một số nhà phân tích ở New Delhi cho rằng những lời chỉ trích đó là không công bằng, bởi Ấn Độ chỉ đơn thuần đang tìm cách cân bằng quan hệ để có thể tiếp tục là đối tác của hai cường quốc Nga và Mỹ.

Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng trong các cuộc biểu quyết về xung đột Ukraine tại Liên Hợp Quốc, nhưng cũng đưa ra những tuyên bố cứng rắn chỉ trích các hành vi bạo lực nhắm vào dân thường và vi phạm chủ quyền quốc gia. New Delhi có những quan ngại riêng và không muốn làm tổn hại quan hệ của họ với Moskva hay Washington, theo giới quan sát.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Samarkand, Uzbekistan hôm 16/9. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Samarkand, Uzbekistan hôm 16/9. Ảnh: Reuters.

Happymon Jacob, Phó giáo sư về ngoại giao tại Đại học Jawaharlal Nehru kiêm người sáng lập Hội đồng Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng ở New Delhi, cho rằng có một "thực tế khác" khi nhìn nhận kỹ hơn các động thái của Ấn Độ.

"Ấn Độ không ủng hộ cuộc chiến của Nga không chỉ đơn giản là nhằm cân bằng giữa hai cường quốc. Thay vào đó, một thay đổi lớn nhưng tinh tế đang diễn ra: Ấn Độ không thể tránh khỏi việc tách rời Nga, dù quá trình này khá chậm chạp", Jacob nhận định.

Thay đổi này bắt đầu từ trước xung đột Ukraine, nhưng cuộc chiến có vai trò như chất xúc tác đẩy nhanh quá trình. Dù Nga là bên cung cấp thiết bị quân sự và năng lượng quan trọng, New Delhi đang dần giảm bớt phụ thuộc vào Moskva. Tâm lý chống Mỹ sâu sắc trong giới tinh hoa cũ của Ấn Độ cũng dần biến mất, đồng thời quan hệ Mỹ - Ấn đang gần gũi hơn bao giờ hết.

Quan hệ của Nga và Trung Quốc phát triển mạnh hơn ngay khi quan hệ của New Delhi và Bắc Kinh rạn nứt. Các cuộc đụng độ biên giới năm 2020 đã khiến chính phủ và cộng đồng chiến lược của Ấn Độ coi Trung Quốc là thách thức an ninh hiện hữu.

Hình thái quan hệ đã dần được xác định rõ ràng, khi Ấn Độ xích lại gần hơn với phương Tây và Mỹ để tăng cường ứng phó với Trung Quốc, theo ông Jacob. Trong quá trình này, New Delhi cũng dần rút khỏi quan hệ đối tác lâu năm với Nga.

"Quá trình tách rời sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, giới chức Ấn Độ và Nga có thể sẽ nỗ lực để duy trì quan hệ. Nhưng áp lực địa chính trị sẽ luôn đẩy hai nước ra xa nhau", Phó giáo sư Jacob cho hay.

Quyết định tăng cường mua dầu Nga của Ấn Độ từ sau xung đột Ukraine đã khiến nhiều nhà bình luận phương Tây chỉ trích. Ngay trước khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine hồi tháng 2, số lượng dầu Ấn Độ mua từ Nga không đáng kể. Tuy nhiên, tới tháng 4, nước này đã tăng nhập khẩu dầu Nga lên 389.000 thùng mỗi ngày và đạt mốc một triệu thùng vào tháng 6.

Nhập khẩu dầu với giá ưu đãi từ Nga đã giúp Ấn Độ giảm bớt tình trạng suy thoái kinh tế do hậu quả của đại dịch và xung đột Ukraine. Giới chức Ấn Độ bất bình trước những lời chỉ trích về hoạt động mua dầu của họ, đặc biệt khi thấy hầu hết các nước châu Âu vẫn tiếp tục mua một lượng nhất định khí đốt Nga.

Tuy nhiên, trong các lĩnh vực khác, thay đổi lớn đang diễn ra. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ trong thập kỷ qua. Nhưng từ năm 2012 tới 2021, tỷ lệ vũ khí Nga trong biên chế quân đội Ấn Độ đã giảm một nửa.

Trong những năm qua, Ấn Độ đã cố gắng đa dạng hóa nguồn mua thiết bị quốc phòng, chuyển sang các nhà cung cấp thay thế như Mỹ và Pháp. Sau khi xung đột Ukraine nổ ra, New Delhi đã hoãn kế hoạch mua thêm vũ khí từ Moskva, trong đó có thỏa thuận mua 21 tiêm kích MiG-29 mới. Đồng thời, giới chức Ấn Độ cũng có những bước hỗ trợ sản xuất trong nước.

Xung đột Nga - Ukraine kéo dài làm dấy lên nhiều lo ngại ở New Delhi về năng lực sản xuất quân sự của Nga. Ấn Độ cho rằng Nga sẽ khó đảm bảo thời gian giao hàng, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp, theo giới quan sát.

Trên lĩnh vực ngoại giao, Ấn Độ cũng phát đi những tín hiệu quan trọng. Các thông điệp tương phản của New Delhi khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine càng cho thấy sự dịch chuyển trong quan điểm của quốc gia Nam Á. Năm 2014, Shivshankar Menon, cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ khi đó, cho rằng Nga có những "lợi ích hợp pháp" khi sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, trong xung đột Ukraine, cụm từ "lợi ích hợp pháp" của Nga không xuất hiện trong các tuyên bố được Ấn Độ đưa ra gần đây.

Dù giới chức Ấn Độ không chỉ trích đích danh Nga, những tuyên bố từ tháng 3 của họ đã gián tiếp nhắm vào Moskva. Việc liên tục đề cập tới tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia cho thấy New Delhi thực tế không chấp nhận chiến dịch quân sự của Nga.

Hồi tháng 6, Ấn Độ "lên án mạnh mẽ cáo buộc sát hại dân thường ở Bucha và ủng hộ cuộc điều tra độc lập". New Delhi tiếp tục đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia hội đàm trực tiếp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nói rằng "sẽ không có bên nào chiến thắng trong cuộc chiến này bởi tất cả sẽ phải gánh chịu hậu quả".

Trong các tuyên bố chính thức, Ấn Độ cũng chỉ trích Nga vì đã đẩy an ninh lương thực và kinh tế của các nước đang phát triển vào tình thế nguy hiểm.

Hồi tháng 8, Ấn Độ lần đầu bỏ phiếu ngược với quan điểm của Nga trong vấn đề Ukraine tại Liên Hợp Quốc, khi ủng hộ đề xuất cho phép ông Zelensky phát biểu qua video trước Hội đồng Bảo an. Gần đây nhất, trong hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand tháng này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ không hài lòng với Nga, khi nói rằng "ngày nay không phải kỷ nguyên chiến tranh".

"New Delhi không đưa ra lập trường chính thức về cuộc chiến, nhưng những tuyên bố của họ dường như cho thấy sự phản đối ngày càng tăng", Jacob cho hay.

Khi những thông điệp công khai về Nga trở nên cứng rắn, Ấn Độ cũng tìm cách thắt chặt quan hệ với các nước phương Tây. New Delhi đã tiếp đón Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào tháng 4 và Thủ tướng Modi đã điện đàm với ông Putin hồi tháng 7, nhưng các cuộc trao đổi giữa phương Tây với Ấn Độ diễn ra thường xuyên và có kết quả hơn.

Hồi tháng 3, ông Modi tiếp đón Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Nhật Kishida Fumio tại New Delhi. Ông tham dự hội nghị G7 tại Đức với các lãnh đạo Mỹ và châu Âu hồi tháng 6, cũng như dự hội nghị Bộ Tứ với Australia, Nhật Bản và Mỹ hồi tháng 5.

Những cuộc gặp cấp cao với các lãnh đạo hàng đầu thế giới diễn ra giữa lúc xung đột Ukraine vẫn tiếp tục, cho phép các bên có những cuộc thảo luận ý nghĩa về các vấn đề quan trọng.

"Chính sách ngoại giao này rõ ràng cho thấy khi quan hệ của Ấn Độ và Nga dần nguội lạnh, quốc gia này đã tăng cường xích lại gần phương Tây", Jacob nói.

Thủ tướng Modi (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hồi tháng 9/2021. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Modi (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hồi tháng 9/2021. Ảnh: Reuters.

Việc Ấn Độ dần tách khỏi Nga không khiến các nhà quan sát ngạc nhiên. Dù có lịch sử quan hệ lâu dài và hợp tác sâu rộng từ thời Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ và Nga đang rời xa nhau "không phải vì họ muốn mà bởi buộc phải làm như vậy", theo Jacob.

Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và Nga trị giá khoảng 13 tỷ USD. Chưa đầy 30.000 người Ấn Độ sống ở Nga và hiện ít người Ấn nói tiếng Nga hơn so với thời kỳ đỉnh cao quan hệ trong Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ đạt 157 tỷ USD năm 2021 và 4,2 triệu người Ấn hiện cư trú tại Mỹ.

"Đối với ngày càng nhiều người Ấn Độ, Nga là một người bạn có lợi ích đang suy giảm. Khi người Ấn nghĩ về quan hệ đối tác chiến lược của họ, Nga được nhắc đến ở quá khứ và Mỹ ở tương lai", Jacob cho hay.

Sự phụ thuộc của nền quốc phòng Ấn Độ vào Nga suy yếu theo thời gian khi nước này hướng tới các bên cung cấp quân sự thay thế như Pháp, Israel và Mỹ. Dù vũ khí của Mỹ thường đi kèm các điều kiện, mức độ tín nhiệm ngoại giao ngày càng tăng giữa hai nước có khả năng dẫn tới quan hệ quốc phòng ngày càng chặt chẽ và các thỏa thuận mua bán cũng ngày một nhiều.

Một lĩnh vực quan trọng khác mà Nga đóng vai trò hữu ích với Ấn Độ là tại Hội đồng Bảo an LHQ, nơi Moskva thường hỗ trợ New Delhi chống lại việc thông qua các biện pháp trừng phạt hoặc nghị quyết khác. Nhưng nhiều nhà phân tích và hoạch định chính sách ở New Delhi ngày nay cho rằng Pháp hoặc Mỹ có thể giúp Ấn Độ theo đuổi lợi ích. Ngoài ra, Ấn Độ có thể lo ngại rằng Trung Quốc có thể tác động đến lá phiếu của Nga ở Hội đồng Bảo an, khi quan hệ hai nước ngày càng gần gũi.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định quan hệ Nga - Ấn sẽ không dễ dàng nguội lạnh hoàn toàn trong tương lai gần.

"Ấn Độ sẽ không vội vàng tạo ra một bước đột phá quyết định với Nga. Mối quan hệ sẽ tiếp tục kéo dài trong trạng thái không hoàn hảo với hiệu suất giảm dần trong một khoảng thời gian nhất định", Jacob nhận định.

T.T.

Nguồn: vnexpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét