Nghị quyết 36 thành công hay thất bại?
Ông Nguyễn Hữu Liêm ở San Jose, lâu nay “bị” xem là thân “cộng”, vừa viết một bài liên quan tới việc tiếp xúc giữa Hà Nội và người gốc Việt ở Mỹ. Trọng tâm của bài viết này, ông Liêm đưa ra những biện luận của mình để chứng minh rằng “nghị quyết 36” của Đảng Cộng sản Việt Nam (đảng CSVN) đã thất bại. Nghị quyết này được đưa ra để Đảng CSVN tiếp cận với người Việt ở hải ngoại, chủ yếu là nhóm tù chính trị (“cải tạo”), thuyền nhân.
Tôi nghĩ rằng “cộng” sẽ không hài lòng với bài viết này. Ông Liêm chỉ trích Đảng CSVN khá nặng. Ông nói rằng họ có “tư duy nông dân”, và nghị quyết 36 ấy được viết với tư duy đó.
Ông Liêm cũng đề nghị Đảng CSVN đưa ra một nghị quyết mới, thật lòng hơn, trong đó có việc nhận trách nhiệm về những tội lỗi lịch sử mà Đảng CSVN đã gây ra, như là cải cách ruộng đất, giam giữ tù chính trị, đánh tư sản miền Nam,…
Đây là bài thứ ba liên tục mà ông Liêm, theo chủ quan của tôi, đã làm phật lòng Hà Nội. Đầu tiên ông gọi ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng là “người cộng sản cuối cùng”, kế đó ông đả kích chủ nghĩa Marx, và bây giờ ông mắng Đảng CSVN là … nhà quê (nông dân).
Đối với bài viết đả kích Karl Marx, tôi không dám có ý kiến phản biện lại người chuyên nghiên cứu triết học như ông Liêm. Còn hai bài kia thì tôi không đồng ý, tôi cho rằng tính chất cộng sản của ông Trọng cũng chẳng hơn các đàn em của ông ấy đâu, và ông Trọng cũng chẳng hiểu Karl Marx hơn ông Liêm.
Còn chuyện ông mắng Đảng CSVN là nhà quê thì tôi đã viết trong bài “Những chiếc ghế gỗ và sự sang trọng cộng sản”, để nói rằng, người “cộng sản” Việt Nam hiện nay chẳng quê tí nào đâu, mà họ rất thích sự … sang trọng. Có thể ông Liêm đúng với hàm ý rằng “các nông dân Ba Đình” hiện nay không suy nghĩ được gì lớn lao, hay nói theo ngôn ngữ báo chí trong nước là “không có tầm nhìn”.
Nhưng ông mắng họ “nhà quê” là họ giận lắm đấy.
Thôi, sau khi phiếm lòng vòng các danh từ, khái niệm, cho vui, bây giờ tôi xin trở lại vấn đề đánh giá nghị quyết 36 của Hà Nội.
Tôi cho rằng, nói thành công như Đảng CSVN đánh giá thì cũng đúng, mà nói thất bại, như ông Liêm và các bạn ông, cũng đúng. Vấn đề nằm ở chỗ, ta đứng ở góc nào, yêu cầu của ta ra sao để mà đánh giá. Rõ ràng, yêu cầu của ông Liêm và Đảng CSVN không giống nhau.
Có thể Đảng CSVN cho rằng, họ đã mời được “các nhà truyền thông hải ngoại” … về nước, giao lưu, mà những người này cũng có hoạt động trong… “cộng đồng”, thành ra là … thành công!
Ông Liêm và các bạn thì mong muốn ý tưởng của các ông nên được Đảng CSVN xem xét để thúc đẩy sự thịnh vượng của Việt Nam, nên các ông xem nghị quyết 36 là thất bại.
Một việc nữa là ông Liêm và các bạn ông xếp mình vào nhóm người ra đi từ miền Nam Việt Nam, những người đã trưởng thành trước năm 1975, mà nhóm người này chưa bao giờ xem Đảng CSVN thật lòng với họ cả. Nghị quyết 36 rõ ràng thất bại với nhóm này, trừ một số nhà… “truyền thông hải ngoại”.
Nếu ta định lượng kết quả của nghị quyết 36, bằng số lượng người Việt hải ngoại về thăm nhà, số tiền họ gửi về giúp người thân, số lần biểu tình chống đối cũng như cường độ của các cuộc biểu tình bị giảm xuống… thì nghị quyết 36 thành công.
Tuy nhiên, những cuộc biểu tình và cường độ của nó giảm xuống, lại không phải do nghị quyết 36, mà do những người biểu tình già đi, ngọn lửa biểu tình không còn được con cháu họ coi trọng. Đó không phải là thành công của Đảng CSVN, mà là thất bại của cộng đồng người Việt chống cộng ở hải ngoại.
Sự thắng thế của Đảng CSVN tại hải ngoại, nếu có, không phải là họ có nhiều điều hay ho, mà là họ có… thời gian.
Theo đánh giá của một nhân vật lãnh đạo chính trị của người Việt hải ngoại (mà tôi xin giấu tên), thì số lượng người Việt ở Mỹ, đến Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình từ thập niên 1990 trở về sau (tức là sau khi Việt Nam mở cửa, không còn là “cộng sản” nữa), cộng với những người sinh ra ở Mỹ, hoặc sinh ra ở Việt Nam, nhưng lớn lên ở Mỹ, đã đông hơn những người từng là tù cải tạo, thuyền nhân.
Nhóm đến sau, hoặc lớn lên ở Mỹ này không còn “quyết tâm chống cộng” mạnh mẽ nữa.
Vào dịp Tết nguyên đán đầu năm 2022, một số nguồn tin khả tín nói rằng, Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco đã xuống miền Nam California, tổ chức một buổi tiệc tân niên ngay tại khu Little Saigon, nơi được mệnh danh là “Thủ đô tinh thần của người Việt tị nạn Cộng Sản”, có đến 200 người tham dự. Vậy mà không có tờ báo Việt ngữ nào của “cộng đồng” đề cập đến.
Thế nhưng, nếu lấy con số 200 đó mà nói nghị quyết 36 thành công, thì không thỏa đáng. Tôi nghĩ rằng chí ít, nhà cầm quyền Hà Nội cũng mong thu được nhân tâm của những người như nhóm ông Nguyễn Hữu Liêm, hay thế hệ trẻ người Việt, không phải là du học sinh, chứ đâu chỉ thu phục nhóm người thích về Việt Nam chơi bời và đến dự tiệc của lãnh sự quán để ăn uống!
Nhóm người Việt trẻ tuổi lớn lên ở Mỹ chú ý đến nước Mỹ hơn Việt Nam. Họ quan tâm đến nền dân chủ Mỹ, và dĩ nhiên với tình trạng chính trị Việt Nam hiện nay thì họ quan tâm để làm gì? Có bao nhiêu chính trị gia trẻ tuổi người Mỹ gốc Việt, lớn lên ở Mỹ, có quan hệ với Hà Nội? Theo hiểu biết của tôi, con số đó gần bằng… zero.
Nói cho cùng thì cộng đồng người Việt hải ngoại và chính quyền Hà Nội hiện nay có thể chả quan tâm gì đến nhau cũng không sao cả, mạnh ai nấy sống. Người Việt hải ngoại có được cái may mắn chạy thoát khỏi “lũy tre làng ngàn năm văn vật”, cứ tiếp tục hưởng tinh thần dân chủ.
Trong một bài viết cho báo New York Times hôm nay, ông Ngãi Vị Vị, một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc, hiện sống ở châu Âu, viết rằng: “Não trạng người Trung Quốc chưa bao giờ thực sự tự do… không có sự thay đổi cơ bản nào khả dĩ diễn ra. Người Trung Quốc bình thường chỉ việc tuân lệnh thôi”.
Ai có thể bảo tôi rằng, người Việt thì khác? Thế cho nên Đảng CSVN cần chi nghị quyết 36 để cãi chày cãi cối với ông Liêm như thế!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét