Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

Gửi Tifosi: Biết thì nói…

 

Gửi Tifosi: Biết thì nói…

Nguyễn Quốc Tấn Trung

20-10-2022

Sau sự kiện Nga xâm lược Ukraine, một trong những động thái quái gở nhất của các nhóm Putinistas là… lôi Việt Nam vào cuộc.

Họ so sánh việc Nga xâm lược, chiếm đóng và mong muốn nuốt trọn lãnh thổ Ukraine… với việc Việt Nam can thiệp nhân đạo vào tình hình Kampuchea vào thập niên 80s.

Thiếu thốn nghiêm trọng khả năng đọc (tiếng Việt lẫn tiếng Anh), thiếu thốn năng lực nghiên cứu thông tin, nhưng thừa tham vọng làm “tri thức nguyên bản”, các nhóm này (mà điển hình nhất là Tifosi) cố gắng vẽ nên sự tương đồng giữa hành vi của Nga hiện tại với các hoạt động quân sự của Việt Nam.

Từ đó, họ cho rằng cộng đồng quốc tế ngày xưa “cũng thế”, cũng nói rằng Việt Nam “xâm lược”, “nguỵ tạo chứng cứ diệt chủng của Polpot”… nên Nga giờ đây là đạo đức, văn minh, là “Việt Nam” của ngày xưa.

Dưới đây là một số thông tin để người đọc hiểu các định chế quốc tế đã làm gì trong giai đoạn này, và vì sao họ biết rõ về các vấn đề diệt chủng nghiêm trọng tại Kampuchea để đối xử với Việt Nam rất khác với Nga.

***

A. Các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc TỪ CHỐI gọi hoạt động quân sự của Việt Nam tại Kampuchea là “XÂM LƯỢC” (từ 1979 đến 1989)

Một trong những tuyên bố vô tri rất lớn của Tifosi là cộng đồng quốc tế nói chung (tức các định chế quốc tế quan trọng như LHQ) gọi Việt Nam xâm lược Kampuchea. Câu hỏi đơn giản cho anh này là: Nguồn? “Trust me bro”?

Trong các tư liệu lịch sử sơ cấp và chính thống cho đến hiện nay, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc luôn tránh né việc gọi hành động của Việt Nam là “xâm lược” Kampuchea.

Trong Nghị quyết UNGA 34/22 (1979), nghị quyết quan trọng nhất cho chuỗi hành động pháp lý của LHQ tại Kampuchea, đây là lời lẽ mạnh mẽ nhất được thông qua:

***“8. Thúc giục các bên trong XUNG ĐỘT dàn xếp KHÁC BIỆT của mình bằng các biện pháp hoà bình…” (Lược dịch từ: 8. Urges all parties to the conflict to settle their disputes by peaceful means in accordance with the Charter of the United Nations).

***

Chỉ cần đọc sơ qua chúng ta cũng đã thấy thái độ này khác hoàn toàn với Nghị quyết UNGA ES-11/1 (2022) dành cho Nga:

***“2. LÊN ÁN mạnh mẽ hành vi XÂM LƯỢC của Liên bang Nga nhắm tới Ukraine…” (Lược dịch từ: 2.Deplores in the strongest terms the aggression by the Russian Federation against Ukraine in violation of Article 2 (4) of the Charter)

***

Thậm chí tên gọi của hai nghị quyết cũng cho thấy thái độ rất khác nhau của cộng đồng quốc tế:

Nghị quyết 34/22 có tên là “Về TÌNH HÌNH Cambodia (The situation in Kampuchea);

trong khi đó, Nghị quyết ES 11/1 có tên là “Về HÀNH VI XÂM LƯỢC nhắm tới Ukraine (Aggression against Ukraine).

Cách sử dụng các thuật ngữ pháp lý không bao giờ gọi việc Việt Nam can thiệp quân sự vào Kampuchea là “xâm lược” này không thay đổi trong suốt 10 năm nước ta duy trì hiện diện quân sự của mình ở Kampuchea. Thuật ngữ thường được chọn nhất là “intervention” – “CAN THIỆP”.

Vì sao Việt Nam không bị chỉ trích là xâm lược Kampuchea? Vì cộng đồng quốc tế biết rằng Việt Nam đang làm thay việc mà họ không dám làm.

Đểu không? Rất đểu.

Nhưng rõ ràng các định chế quốc tế hiểu rất rõ vấn đề pháp lý và thực tế chính trị tại Kampuchea tại thời điểm đó.

***

B. Các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc từ chối “CHỈ MẶT ĐIỂM TÊN” Việt Nam

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc vào năm 1977. Vì vậy, nếu muốn lên án Việt Nam tương tự như Nga, Đại Hội đồng làm điều này tương đối dễ dàng.

Tuy nhiên, lại một lần nữa, UNGA từ chối gọi tên Việt Nam trong tất cả các nghị quyết liên quan đến Kampuchea. Điều này cũng giống như việc báo chí Việt Nam hay gọi tàu Trung Quốc là “tàu lạ”. Hiệu ứng pháp lý và hiệu ứng chính trị khá tương tự.

Ví dụ, trong Nghị quyết 34/22 (1979), đây là cách UNGA nói về Việt Nam:

“Rất LẤY LÀM TIẾC về việc can thiệp quân sự của LỰC LƯỢNG BÊN NGOÀI vào nội bộ Kampuchea,” (Lược dịch từ: Deeply regretting the armed intervention by outside forces in the internal affairs of Kampuchea); hay

“7. Kêu gọi các LỰC LƯỢNG NƯỚC NGOÀI rút quân ngay lập tức khỏi Kampuchea,” (7. Calls for the imediate withdrawal of all foreign forees from Kampuchea)

Cách gọi Việt Nam là “lực lượng bên ngoài”, “lực lượng nước ngoài”… tiếp tục được duy trì cho đến tận năm 1989, khi Việt Nam rút quân.

Lý do cũng dễ hiểu như ở phần 1, những định chế này không muốn chỉ trích trực tiếp Việt Nam.

***

C. Không có bất kỳ nghị quyết nào xây dựng hệ thống cấm vận – không công nhận dành cho Việt Nam

Tương tự, độc giả có thể tìm trong tất cả các nghị quyết liên quan từ 1979 đến 1989, không có một hệ thống cấm vận (sanction regime) nào được xây dựng, đề xuất, hay uỷ quyền bởi các định chế quốc tế. Đây là một hiểu lầm mà mình từng thấy ngay cả trong các nghiên cứu học thuật tại Việt Nam.

Vậy thì các hạn chế kinh tế nhắm vào Việt Nam từ đâu ra?

Ở thời điểm này, có ba thế lực kinh tế lớn trong khu vực: Hoa Kỳ, Trung Quốc, và ASEAN (do Singapore dẫn dắt). Chúng ta “have a beef” với cả ba thì việc bị cô lập kinh tế không quá khó hiểu. Việc một quốc gia có muốn giao thương với ai hay không không phải là thẩm quyền của các định chế quốc tế.

Hiển nhiên bạn có thể thù hằn và trách móc ai đó trong cả ba nhóm chính trị kể trên, song trách nhiệm không có cơ sở để đổ lên đầu UN.

***

KẾT LUẬN:

A. Rất hàm hồ và nguy hiểm khi so sánh Việt Nam giai đoạn 1979 với Nga hiện nay về mặt pháp lý. Đó là chưa kể đến việc, Việt Nam không hề đưa ra yêu sách địa giới hay có mong muốn tước đoạt lãnh thổ Cambodia.

B. Không có “định chế quốc tế” quan trọng nào gọi Việt Nam là “kẻ xâm lược”, hay “nguỵ tạo chứng cứ diệt chủng”.

Đây đều là những thông tin lịch sử xào nấu trên con đường cóp nhặt thông tin không nguồn, không có căn cứ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét