Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2022

Tập Cận Bình đăng quang, thị trường hoảng sợ

 

Tập Cận Bình đăng quang, thị trường hoảng sợ

Chứng khoán Trung Quốc xuống mức thấp nhất từ sau cuộc khủng hoảng 2008

Hiếu Chân

24 tháng 10, 2022

Một ngày sau khi ông Tập Cận Bình đăng quang “hoàng đế” và lấp đầy cơ quan lãnh đạo quyền lực nhất đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bằng những đàn em trung thành nhất của mình, đồng nhân dân tệ và chứng khoán Trung Quốc giao dịch tại Hong Kong đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Đại hội lần thứ 20 ĐCSTQ kết thúc hôm qua 23 tháng Mười 2022. Qua hôm sau, Ban Chấp hành trung ương gồm 205 ủy viên chính thức 171 ủy viên dự khuyết đã bầu ra Bộ Chính trị gồm 24 ủy viên và Ban Thường vụ Bộ Chính trị 7 ủy viên, trong đó ông Tập được bầu làm Tổng Bí thư ĐCSTQ nhiệm kỳ thứ ba, phá vỡ mọi tiền lệ.

Đáng chú ý là bốn ủy viên mới của Ban Thường vụ Bộ Chính trị (Lý Cường, nhân vật số 2, Thái Kỳ – số 5, Đinh Tiết Tường – số 6 và Lý Hi – số 7), bên cạnh hai ủy viên cũ Triệu Lạc Tế -số 3 và Vương Hỗ Ninh – số 4, đều là những tay chân thân tín của Tập từ khi ông ta còn làm lãnh đạo tỉnh Chiết Giang hơn hai mươi năm về trước. Bộ sậu lãnh đạo mới, toàn những người thăng tiến từ công tác trong ĐCSTQ, chưa từng đảm nhiệm việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế mà nổi lên nhờ lòng trung thành với lãnh tụ, đã gây lo ngại rằng rồi đây sẽ không ai trong giới chóp bu sẽ có ý kiến khác với ông Tập hoặc can ngăn những ý tưởng rồ dại và hoang tưởng của ông ta.

Theo Bloomberg, các nhà kinh doanh lo sợ hành động thâu tóm quyền hành tuyệt đối của Tập đã có phản ứng bất lợi. Kết thúc phiên đầu tuần ngày thứ Hai 24 tháng Mười, chỉ số chứng khoán Hang Seng HSCEI của Hong Kong – thể hiện giao dịch cổ phiếu của các tập đoàn Trung Quốc – giảm 7.3%, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đồng renminbi (NDT) giảm 0.5%, xuống mức 7.4 NDT ăn 1 đô la Mỹ. Đà bán tháo cổ phiếu và đồng tiền Trung Quốc dự báo sẽ tiếp tục trong nhiều ngày tới cho đến khi các nhà đầu tư và kinh doanh tài chính trấn tĩnh lại.

Chia tay quá khứ cải cách

Cuối đại hội, sau khi diễn vở kịch quyền lực cho công an áp giải người tiền nhiệm của mình là cựu Tổng Bí thư, cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ra khỏi phòng họp, khiến ngay cả các chuyên gia Trung Quốc dày dạn kinh nghiệm cũng phải giật mình, ông Tập Cận Bình đã tươi cười đưa ra một triển vọng lạc quan cho những năm sắp tới khi giới thiệu bộ máy lãnh đạo chóp bu của nhiệm kỳ mới.

______

Trong bài phát biểu bế mạc đại hội, ông Tập thề sẽ mở rộng hơn nữa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và duy trì kết nối với phần còn lại của thế giới. “Các nguyên tắc cơ bản mạnh mẽ của nền kinh tế sẽ không thay đổi. Và nó sẽ vẫn trên quỹ đạo tích cực trong thời gian dài,” ông Tập nói.

______

Nhưng ưu tiên mà ông Tập dành cho lòng trung thành trong việc lựa chọn bộ máy lãnh đạo thể hiện một sự thay đổi lớn ở Trung Quốc. Trước kia, từ thời Đặng Tiểu Bình đến Hồ Cẩm Đào, ĐCSTQ coi trọng cơ chế lãnh đạo tập thể, tách bạch chức năng giữa đảng và nhà nước sau thời kỳ cai trị hỗn loạn của Mao Trạch Đông. Sự thay đổi về chính trị đó đã tạo tiền đề cho những cải cách thân thiện với thị trường, thúc đẩy sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trong bốn thập niên qua.

Bây giờ thì ông Tập Cận Bình đảo ngược tất cả. Bằng hành động xốc nách Hồ Cẩm Đào ra khỏi nghị trườngtrước máy quay của các hãng thông tấn quốc tế, ông Tập dường như muốn tuyên bố một sự đoạn tuyệt dứt khoát với quá khứ cải cách để quay lại với chế độ “hoàng đế” độc tôn – sự cai trị của một người – như thời Mao Trạch Đông.

Giới quan sát để ý, hôm Chủ Nhật, ông Tập cam kết tự do hóa kinh tế hơn nữa, nhưng trong báo cáo chính trị trước đại hội chỉ một tuần trước đây, ông ta nhấn mạnh nhu cầu “tiết kiệm” và kêu gọi “cân bằng giữa phát triển với an ninh”, hàm ý Trung Quốc sẽ coi trọng an ninh hơn kinh tế, đề cao ý thức hệ hơn phát triển, có thể hy sinh tăng trưởng kinh tế để tự cung cấp công nghệ tiên tiến và gia tăng sức mạnh quốc phòng.

Hồ Cẩm Đào, cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc 2002-2012 (đứng, giữa) giận dữ nói gì đó với Tập Cận Bình (phải) trong lúc Lý Khắc Cường (trái) ngồi nhìn trước khi bị hai cảnh vệ mang khẩu trang xốc nách dẫn ra khỏi hội trường phiên bế mạc đại hội ĐCSTQ hôm 22 tháng Mười. Ảnh Lintao Zhang/Getty Images.

Không hy vọng cải thiện

Ngay trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Tập đã bắt đầu chèn ép khu vực kinh tế tư nhân, nhân danh chiến dịch “thịnh vượng chung”, duy trì chính sách “không COVID” khắc nghiệt, trái với mọi quốc gia khác, và tập trung vào an ninh dù không bị ai đe dọa. Những chính sách như vậy đã kéo kinh tế Trung Quốc chậm lại đáng kể, tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm nay sẽ không quá 3%/năm, theo dự báo của các nhà kinh tế, thấp nhất từ khi mở cửa năm 1978 và có thể thấp hơn cả kinh tế Hoa Kỳ.

Hiện có nhiều đồn đoán rằng Tập sẽ ban hành thuế tài sản và thuế thừa kế đối với những người giàu có như một phần trong chiến dịch “thịnh vượng chung” của ông, thúc đẩy dòng tiền chảy ra ngoài và tiêu hao tài năng vào thời điểm cuộc chạy đua công nghệ chiến lược với Mỹ đang nóng lên. Chính quyền Biden trong tháng này đã áp đặt các biện pháp hạn chế vi mạch bán dẫn đối với Trung Quốc và sắp đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới có thể hạn chế khả năng tiếp cận của Bắc Kinh với một số công nghệ điện toán mới nhất.

Những sự kiện như vậy khiến giới đầu tư hết sức quan tâm. Các thị trường vốn của Trung Quốc nằm trong số những thị trường hoạt động tồi tệ nhất trên toàn cầu trong năm nay, với chỉ số chứng khoán Trung Quốc CSI 300 đang ở mức thấp nhất trong hơn hai năm.

Trước đại hội ĐCSTQ, các nhà ngân hàng Wall Street đã hy vọng ông Tập sẽ mở ra một môi trường đầu tư lành mạnh hơn, thực hiện các bước mạnh mẽ hơn để hỗ trợ nền kinh tế và đưa ra định hướng chính sách rõ ràng. Nhưng ông Tập đã không hứa hẹn một sự thay đổi như vậy. Hy vọng vực dậy ngay lập tức một nền kinh tế đang bị thách thức bởi nợ nần chồng chất và tăng trưởng dân số chậm lại đang càng ngày càng trở nên xa vời.

Hai ông Lý

Một sự thay đổi có thể lưu ý là ông Tập đã thay Thủ tướng Lý Khắc Cường hiện nay bằng ông Lý Cường – hiện là Bí thư Thành ủy Thượng Hải, một cộng sự thân tín của ông Tập. Trong khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là người điều hành chung thì Thủ tướng là người có vai trò quyết định về chính sách kinh tế, khoa học công nghệ.

Đầu năm nay, trước tình trạng kinh tế trì trệ do các biện pháp chống COVID cực đoan của ông Tập, ông Lý Khắc Cường đã tổ chức một hội nghị video hiếm hoi với hàng ngàn cán bộ để cảnh báo về một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và thúc giục họ giữ cho nền kinh tế phát triển. Cảnh báo đó của ông Lý trái với chỉ đạo của ông Tập là ưu tiên hàng đầu cho chính sách “không COVID” và đó có thể là một trong những sự va chạm giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc, khiến ông Lý phải ra khỏi Ban Thường vụ Bộ Chính trị và mất chức Thủ tướng vào tháng Ba năm tới dù chưa tới tuổi phải nghỉ hưu.

Lý Cường, người sẽ lên thay Thủ tướng Lý Khắc Cường, mặc dù có tiếng là người thân thiện với doanh nghiệp khi đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo các tỉnh công nghiệp miền duyên hải Trung Quốc, nhưng việc phong tỏa thành phố Thượng Hải trong hai tháng của ông ta vào đầu năm nay đã làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, tài chính, làm bùng phát nỗi bất bình trong xã hội khi người dân phải vật lộn để tìm thực phẩm và thuốc men. Sự đề bạt ông Lý Cường ám chỉ doanh nghiệp và nền kinh tế Trung Quốc phải vận hành theo ý muốn chủ quan của ông Tập chứ không phải ngược lại.

Và đó là điều làm cho các nhà đầu tư lo sợ.

Đọc thêm:

Nguồn: saigonnhonews.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét