Cuộc chiến tại Ukraine có mang lợi ích cho Trung Quốc?
Thục-Quyên
Phỏng dịch bài nhận định của Marina Rudyak và Silas Dreier (*) ngày 7/09/2022
- Marina Rudyak là Giáo sư thỉnh giảng về chính trị Trung Quốc tại Đại học Goethe/ Frankfurt và là cộng tác viên trong Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc tại Đại học Heidelberg, Đức Quốc.
- Silas Dreier là điều phối viên cho Các cuộc đối thoại về Trung Quốc với toàn cầu của Viện Kinh tế thế giới Kiel, Đức Quốc.
Từ lâu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa từng phải chịu nhiều áp lực trong những ngày cận đại hội đảng (lần thứ 20) như hiện nay. Căng thẳng chung quanh Đài Loan đòi hỏi ông phải có hành động mang tính biểu tượng, thí dụ như về mặt kinh tế nắm được ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan sẽ là một chiêu hấp dẫn. Tuy nhiên, một cuộc xâm lược hòn đảo này, dù lý do là chất bán dẫn hay động cơ chính trị, cũng sẽ gây ra hậu quả nặng nề cho Trung Quốc.
Khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022, gần như đồng thời các cuộc thảo luận bắt đầu trên các phương tiện truyền thông quốc tế về chỉ một đề tài: Trung Quốc đứng về phía nào? Các nhà báo nêu lên những câu hỏi như Trung Quốc nên đóng vai trò gì trong cuộc xung đột? Liệu một cuộc xâm lược Đài Loan từ lâu tưởng chừng không thể xảy ra, lại có thể bất ngờ ập tới?
Bây giờ, sáu tháng sau, rõ ràng là cuộc xâm lược Ukraine không mang lại lợi ích cho Trung Quốc, cũng như sẽ không thôi thúc Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Tại sao không? Trong cuộc thảo luận hai đề tài chính được đưa ra mổ xẻ là “chất bán dẫn” và “động cơ chính trị”.
Chất bán dẫn
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao khiến việc tiếp cận chất bán dẫn trên bình diện cao của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Mặc dù chính sự trừng phạt này đã thúc đẩy Trung Quốc tăng vượt bực các khoản đầu tư mới vào lĩnh vực “chip” của mình, các nhà phân tích tin rằng phải mất 10 năm nữa trước khi Trung Quốc trở thành một nước dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ này và sản xuất đủ để thay thế lượng nhập khẩu cần thiết hiện nay.
Đài Loan (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố có chủ quyền kể từ khi thành lập), với hãng Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. TSMC, nắm giữ 55% thị phần toàn cầu (so với 8% của Trung Quốc), khiến nó trở thành một phần không thể thiếu trong sản xuất chất bán dẫn toàn cầu. Vì vậy, hiển nhiên đưa tới ý tưởng: với một cuộc xâm lược, Trung Quốc có thể nắm quyền truy cập vào các công nghệ tiên tiến cần thiết và đồng thời thu tóm đối thủ cạnh tranh lớn nhất cũng như những bí quyết của nó vào sản xuất chất bán dẫn của chính mình.
Chính sách ngoại giao “chiến lang”
Dù thế hệ ngoại giao trẻ của Tập cận Bình luôn tỏ thái độ không kiêng dè ai, phát ngôn hung hăng, nhưng xâm lấn Đài Loan không hề đơn giản như họ mong muốn.
Việc sản xuất chip của Đài Loan dựa trên chuỗi giá trị khu vực. Các thành phần chính được cung cấp từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngay cả khi Trung Quốc có thể thay thế cung cấp những thành phần này, làm thế nào Trung Quốc có thể đẩy các kỹ sư hàng đầu của một Đài Loan vừa bị đè bẹp làm việc cho mình? Có nhiều khả năng là những người này sẽ di cư qua phương Tây và mang theo kiến thức của họ. Do đó, một cuộc xâm lược với mục đích thu nắm chất bán dẫn sẽ không mang lợi cho Trung Quốc.
Vậy còn động cơ chính trị?
Giả thuyết Tập Cận Bình đảm bảo nhiệm kỳ thứ ba của mình bằng cách hứa cuối cùng sẽ "đưa Đài Loan trở về đất mẹ" liên tục rộ lên trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Suy từ đó việc Nga vi phạm luật pháp quốc tế mở ra cơ hội cho Trung Quốc làm điều tương tự với Đài Loan là điều đương nhiên. Nhưng một điều truyền thông quốc tế không nhớ tới là để xâm lược Đài Loan, Trung Quốc không cần theo gương Nga. Luật chống ly khai năm 2005 đã quy định rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ dùng đến hành động quân sự nếu Đài Loan thực hiện các bước hướng tới độc lập. Một sự thật cũng đã dễ dàng bị lãng quên bởi hỏa mù của những luận điệu chiến binh sói phổ biến phát ra từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc và tờ báo nhà nước Global Times: đó là tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng mới thật sự là trụ cột chính cho tính hợp pháp của nhà nước độc đảng. Vì “Bạn sẽ trở nên giàu có với điều kiện không tham dự chính trị” là cái hợp đồng của đảng Cộng sản với người dân kể từ thời Đặng Tiểu Bình.
Ưu tiên là sự ổn định
Cuộc kháng chiến vũ bão của người Ukraine chống lại quân xâm lược Nga cho thấy rằng tất cả các lý thuyết về một cuộc tiếp quản nhanh chóng chỉ là ảo tưởng. Nga đang nằm trong cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Và cho tới nay thì đã qúa rõ là trong trường hợp bị xâm lấn, Đài Loan sẽ chống trả không kém phần quyết liệt.
Trung Quốc đã và đang đánh mất thời gian bằng chính sách zero-Covid của mình.
Nhiều cuộc biểu tình lớn xuất hiện trên khắp nước nhưng chỉ một phần rất nhỏ lọt tin ra ngoài và được truyền thông phương Tây đăng tải. Cuộc khủng hoảng bất động sản cũng lên tới đỉnh điểm mới. Trong khi đó, các chủ sở hữu các căn hộ tại hơn 100 thành phố đang từ chối trả góp khoản vay của họ. Miền Tây Nam Trung Quốc thì đang trải qua đợt nắng nóng dài nhất được ghi nhận từ trước tới nay, với hạn hán nghiêm trọng, thiếu nước và mất điện.
Trong truyền thống Trung Quốc, khủng hoảng kinh tế, biểu tình và thảm họa thời tiết là dấu hiệu cho thấy “triều đại đã mất đi thiên chức”. Tấn công vào Đài Loan, nếu dẫn đến một cuộc xung đột kéo dài và tốn kém, sẽ không chỉ gây nguy hiểm lâu dài cho tính hợp pháp của giới lãnh đạo chính trị ở Bắc Kinh, mà còn có thể có ý nghĩa: sự cai trị của Đảng đã tới hồi kết thúc.
Kết luận:
Cả về mặt kinh tế và chính trị, một cuộc xâm lược Đài Loan do đó sẽ không mang lại lợi ích gì cho Trung Quốc.
Chiến tranh Ukraine mang lại bất ổn cho Trung Quốc.
Chính cuộc xâm lược Ukraine cũng không mang lại lợi ích cho Trung Quốc, vì những hậu quả quân sự, địa chính trị và kinh tế của họ cũng bị ảnh hưởng ở Trung Nam Hải. Việc quân đội Nga khai hỏa trên Biển Đen làm giảm các mối đe dọa quân sự tiềm tàng từ các khu vựcphía trên sông Amur. Nhưng Trung Quốc cảm nhận bị đe dọa nhiều hơn trước cuộc xâm lược vì một mặt có sự mở rộng về phía bắc của NATO, và mặt khác thì những nước Đồng minh tập trung chú ý nhiều hơn vào Trung Quốc như vào một mối đe dọa.
Ngay cả ý tưởng Nga có thể thành công ở Ukraine cũng khiến Bắc Kinh phải đau đầu. Vì nếu, trái với sự chờ đợi, Nga giành chiến thắng ở Ukraine, Trung Á có thể là mục tiêu tiếp theo của chủ nghĩa xét lại của Putin. Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào các nguồn tài nguyên dầu khí của khu vực giáp phía tây. Những lợi ích này không chỉ bị đe dọa, mà các cuộc đấu tranh phản kháng và những bất ổn khác có thể dễ dàng tràn sang Tân Cương và theo quan điểm của Đảng Cộng sản, gây nguy hiểm cho tình hình hiện đang ổn định ở khu tự trị này.
Về mặt kinh tế, Trung Quốc cũng đã đánh giá thấp phản ứng của Ukraine và Liên minh Âu châu. Giá năng lượng tăng và tác động của các lệnh trừng phạt đang gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng bất động sản và khủng hoảng ngân hàng của Trung Quốc, cộng thêm điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong vài tháng qua, làm tình hình chính trị càng trở nên khó khăn hơn cho việc quản lý đất nước. Trước đại hội đảng lần thứ 20 dự kiến diễn ra vào ngày 16/10/2022, Bắc Kinh đang chịu nhiều áp lực hơn bao giờ hết.
Không chỉ một cuộc xâm lược quân sự vào Đài Loan xem chừng càng ngày càng thêm khó khăn, mà mối quan hệ giữa Trung Quốc với Đài Loan và Mỹ xấu đi nhanh chóng cũng đẩymong muốn hội nhập kinh tế Đài Loan vào “đất mẹ” thêm xa vời.
Sự liên minh mới của các Đồng minh đang làm phức tạp thêm tham vọng địa chính trị của Trung Quốc và sự khó lường của Nga đang đe dọa nền ổn định của các khu vực phía Tây.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là những khó khăn kinh tế và sự thất bại của chính sách zero-Covid đang đe dọa vị thếcủa Tập Cận Bình trong Đảng. Đại hội đảng được dự kiến xác nhận nhiệm kỳ thứ ba của ông với tư cách là chủ tịch đảng.
Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đang mang lại trên hết cho ông một điều: SỰ BẤT AN.
M.R. – S.D.
(*) https://table.media/china/standpunkt/krieg-in-der-ukraine-ein-gewinn-fuer-china/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét