Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

Con đường dẫn đến chiến thắng của Ukraine Nga xâm lược Ukraine Chiến sự Ukraine

 


Con đường dẫn đến chiến thắng của Ukraine Nga xâm lược Ukraine Chiến sự Ukraine

Foreign Affairs

 Andriy Zagorodnyuk

Cù Tuấn dịch

 

May be an image of 2 people

Phần I

15-10-2022

Tóm tắt: Làm thế nào để Ukraine có thể lấy lại toàn bộ lãnh thổ?

Đã quá lâu rồi, liên minh dân chủ toàn cầu ủng hộ Kyiv chỉ tập trung vào những gì họ không nên làm trong cuộc xâm lược Ukraine. Các mục tiêu chính của liên minh này là: Không để Ukraine thua và không để Tổng thống Nga Vladimir Putin thắng – nhưng cũng không để chiến tranh leo thang đến mức Nga tấn công một quốc gia NATO hoặc tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân. Tuy nhiên, đây là những ý định mơ hồ hơn là các mục tiêu và chúng phản ánh sự cực kỳ bối rối của phương Tây về cách kết thúc cuộc xung đột này. Hơn bảy tháng sau cuộc chiến, Mỹ và châu Âu vẫn thiếu tầm nhìn tích cực cho tương lai của Ukraine.

Phương Tây rõ ràng tin rằng cuộc chiến của Kyiv là chính nghĩa và họ muốn Ukraine thành công. Nhưng họ vẫn chưa chắc liệu Ukraine có đủ mạnh để chiếm lại toàn bộ lãnh thổ của mình hay không. Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây vẫn tin rằng quân đội Nga quá mạnh để có thể bị đánh bại. Suy nghĩ này đã khiến các thành viên của liên minh ủng hộ Ukraine chỉ xác định các mục tiêu quân sự chiến lược tạm thời. Họ đã không vạch ra những hậu quả chính trị sẽ đến từ sự sụp đổ hoàn toàn của quân đội Nga.

Đã đến lúc bắt đầu rồi: Ukraine có thể thắng lớn. Nước này đã nhiều lần chứng minh rằng họ có khả năng đánh bại Nga. Đầu tiên, Ukraine ngăn chặn Nga chiếm giữ Kyiv, Kharkiv, Chernihiv, Sumy và đường bờ biển dọc theo Biển Đen. Ukraine đã thành công một lần nữa khi ngăn chặn cuộc tấn công tập trung của Nga ở Donbas, khu vực miền đông Ukraine bao gồm các tỉnh Donetsk và Luhansk, vốn là khu vực mà Nga đã chiếm đóng một phần từ năm 2014. Gần đây nhất, Ukraine đã chiếm lại tỉnh Kharkiv trong vòng chưa đầy một tuần, xuyên thủng các tuyến phòng thủ của Nga ở miền nam, và bắt đầu giải phóng các phần của miền đông nước này.

Phương Tây phải tham gia cùng Kyiv để hướng tới một chiến thắng rõ ràng của Ukraine. Cần phải thừa nhận rằng quân đội Ukraine không chỉ có động lực chiến đấu mạnh hơn quân đội Nga mà còn được lãnh đạo tốt hơn và được huấn luyện tốt hơn. Để giành chiến thắng, Ukraine không cần phép màu; quốc gia này chỉ cần phương Tây tăng cường cung cấp các loại vũ khí chính xác cao. Quân đội Ukraine sau đó có thể tiến sâu hơn và nhanh hơn vào chiến tuyến của kẻ thù và áp đảo các đơn vị quân đội dù đông hơn nhưng vô tổ chức của Nga. Putin có thể đáp trả bằng cách tuyển thêm tân binh, nhưng quân đội có động lực kém của Nga chỉ có thể trì hoãn chiến thắng cuối cùng của Ukraine được trang bị tốt. Khi đó, Putin sẽ không còn sử dụng những công cụ thông thường để ngăn chặn thất bại.

Các nhà phân tích bên ngoài lo ngại rằng trước khi phải đối mặt với thất bại, Putin sẽ cố gắng gây ra thương vong lớn cho dân thường Ukraine, tìm cách buộc chính phủ Ukraine nhượng bộ hoặc thậm chí đầu hàng. Các nhà phân tích phương Tây lo ngại rằng ông ta có thể làm như vậy bằng cách liên tục nhắm mục tiêu vào các khu vực đông dân cư ở các thành phố Ukraine bằng tên lửa tầm xa – như cách ông ta đã làm trong tuần này – hoặc thông qua các cuộc không kích ném bom rải thảm. Nhưng Putin thiếu các nguồn lực để thực sự san bằng các thành phố của Ukraine. Kho tên lửa và bom thông thường còn lại của Nga đủ lớn để gây ra thiệt hại đáng kể, nhưng không đủ lớn để phá hủy các vùng lãnh thổ Ukraine. Và Ukraine đã chứng minh rằng họ sẽ chiến đấu ngay cả khi Nga biến các thành phố của Ukraine thành các đống đổ nát. Putin đã phá hủy Mariupol, phá hủy nhiều phần lớn của Kharkiv, và phát động hàng nghìn cuộc tấn công tên lửa vào các thành phố và khu vực khác. Thiệt hại chỉ khiến người Ukraine càng quyết tâm chiến thắng hơn và không quan tâm đến các cuộc dàn xếp thương lượng nữa.

Nhiều người phương Tây cũng lo sợ rằng Putin có thể hành động sau khi đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhưng phương Tây có thể đe dọa Putin theo những cách sẽ khiến ông ta không suy tính nghiêm túc về một cuộc tấn công như vậy và một cuộc tấn công hạt nhân có thể khiến tất cả các cường quốc toàn cầu, không chỉ Mỹ và châu Âu, chống lại ông ta. Cuối cùng khó có khả năng Putin sẽ ném bom hạt nhân. Nhưng nếu ông ta làm vậy, phương Tây phải đảm bảo rằng kế hoạch của ông ta sẽ trở nên phản tác dụng.

Khi cuộc phản công của Ukraine tiến công mạnh mẽ chống lại quân Nga ngày càng bị vây bọc, Ukraine chủ yếu nên tập trung vào việc giải phóng lãnh thổ mà Nga đã chiếm giữ từ ngày 24 tháng 2. Nhưng một chiến thắng hoàn toàn của Ukraine đồng nghĩa với việc giải phóng các phần của đất nước mà Nga đã chiếm đóng từ năm 2014, trong đó có bán đảo Crimea. Có nghĩa là Ukraine phải đòi lại lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của mình ở Biển Đen và Biển Azov, mà không có bất kỳ thỏa hiệp hay điều kiện nào.

Tổng thống Nga ngày càng khẳng định chế độ của mình sẽ chinh phục Ukraine, chấp nhận hy sinh sự tăng trưởng kinh tế và danh tiếng quốc tế của đất nước mình trong quá trình này. Một thất bại lớn như vậy có thể thúc đẩy giới tinh hoa Nga loại bỏ ông Putin. Thật vậy, khi hàng loạt những thất bại của Putin và những bước tiến của quân Ukraine ngày càng tăng lên, thì sự sụp đổ của Putin có thể trở thành điều không thể tránh khỏi. Điều này khiến một số nhà lãnh đạo lo sợ. Họ lo ngại rằng một cuộc tranh giành quyền lực ở Nga sẽ gây ra bất ổn nguy hiểm. Nhưng thật khó để tưởng tượng một nước Nga bất ổn có thể nguy hiểm hơn nước Nga hiện tại do Putin lãnh đạo, với tất cả sự tàn phá mà ông ta đã gây ra – ở Ukraine và trên toàn thế giới. Cộng đồng quốc tế nên hoan nghênh sự ra đi của ông ấy.

LỢI THẾ CHO UKRAINE

Nhiều nhà quan sát phương Tây cho rằng Ukraine sẽ phải nhượng lãnh thổ cho Nga nếu muốn hòa bình. Họ đã tính sai; việc chiếm được lãnh thổ sẽ chỉ làm tăng thêm sức mạnh cho Điện Kremlin. Putin quyết định tấn công miền đông Ukraine vào năm 2014 vì đã thành công trong việc chiếm Crimea. Ông ta chuyển sang xâm lược toàn bộ Ukraine vì ông ta đã thành lập các chế độ bù nhìn ủy nhiệm ở Donbas. Thành công một phần trong việc chiếm các vùng đất đơn giản là sẽ thúc đẩy Putin tiếp tục các chiến dịch của mình và chiếm thêm lãnh thổ. Cách duy nhất để ngăn chặn chiến tranh và ngăn chặn sự xâm lược trong tương lai là cuộc xâm lược phải kết thúc với một thất bại rõ ràng của Nga.

Chiến thắng ở mọi mặt trận có vẻ là quá tham vọng và chắc chắn sẽ không dễ dàng. Nhưng điều đó có thể xảy ra, với xác suất cao hơn những gì mà hầu hết những người quan sát bên ngoài có thể thấy. Suy cho cùng thì Ukraine đã nhiều lần làm tốt hơn kỳ vọng của quốc tế. Trong những tuần đầu của cuộc chiến, nước này đã ngăn chặn các cuộc tấn công chớp nhoáng của Nga nhằm vào thủ đô Kyiv và sau đó buộc Matxcơva phải rút lui. Putin đã đáp trả thất bại này bằng cách tuyên bố rằng ông sẽ tập hợp lại quân đội và tập trung vào việc chinh phục Donbas, với địa hình gồm những đồng bằng rộng lớn có lợi cho Nga và các loại pháo hạng nặng của nước này. Tuy nhiên, Ukraine liên tục hạ gục Nga, khiến nước này phải trả giá cho việc chiếm từng mét đất với thương vong lớn. Cuối cùng, Nga buộc phải dừng lại.

Người Ukraine cũng đã chứng minh rằng họ có thể khiến Nga không chỉ rút lui mà còn phải bỏ chạy. Cuộc tấn công chớp nhoáng của Ukraine ở Kharkiv vào cuối tháng 9 đã ngăn cản Nga đang cố gắng sáp nhập tỉnh này. Chiến thắng đầu tháng 10 ở Lyman đã khiến vị trí của Nga ở Donbas trở nên vô cùng mong manh. Hiện tại Ukraine thậm chí còn đang giải phóng các ngôi làng ở lân cận Luhansk, tỉnh duy nhất của Ukraine mà Nga hoàn toàn chiếm giữ sau ngày 24 tháng 2. Và các binh sĩ Ukraine đang tiến gần hơn đến Kherson, thành phố lớn đầu tiên mà Nga chiếm giữ trong cuộc tấn công năm 2022.

Những thành công lặp đi lặp lại của Ukraine không phải là sự ngẫu nhiên. Quân đội nước này có lợi thế về cơ cấu so với đối thủ Nga. Quân đội Nga phân cấp nhiều và quản lý tập trung quá mức; Các sĩ quan của quân Nga không thể đưa ra các quyết định quan trọng mà không được sự cho phép của tướng lĩnh lãnh đạo cấp cao. Quân Nga rất tệ trong việc lập kế hoạch đa hướng, không có khả năng tập trung vào một phân khúc của chiến tuyến mà không bị sao lãng khỏi các hoạt động của nó ở một chiến tuyến khác. Ngược lại, quân Ukraine thích ứng nhanh chóng, với hệ thống “chỉ huy theo từng sứ mệnh” kiểu NATO khuyến khích các sĩ quan và binh sĩ cấp thấp hơn đưa ra quyết định. Ukraine cũng đã thực hiện nhiều cuộc tấn công đa hướng thành công. Ví dụ, cuộc phản công của đất nước ở phía nam đã chuyển hướng các nguồn lực quan trọng của Nga khỏi Kharkiv, cho phép các đơn vị Ukraine tiến đánh Kharkiv một cách dễ dàng.

Lợi thế của Ukraine khó có thể bị xóa bỏ nhanh chóng. Quân đội Nga tiếp tục đưa ra những quyết định kém cỏi. Một số lượng quan trọng các sĩ quan cấp thấp của Nga đã thiệt mạng trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến, và nếu không có họ, Nga sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tổ chức và huấn luyện quân đội của mình. Không giống như Ukraine, Nga không có lực lượng dân quân hùng hậu có thể giúp đỡ trong cuộc chiến. Mặc dù việc tổng động viên của Nga có thể sẽ có tác động – các tân binh mới đến sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực tiến quân của Ukraine – tân binh Nga là những người lính thiếu kinh nghiệm và được đào tạo kém, không muốn chiến đấu cũng như không biết cách chiến đấu. Khi họ trải qua cú sốc phải đối mặt với chiến tranh, trước các cuộc tấn công bằng pháo cỡ lớn và hiện thực tàn khốc, nhiều người trong số họ sẽ bỏ chạy. Nhiều người trong số họ sẽ chết.

Quân Ukraine cũng đã bị thương vong nghiêm trọng và binh lính của họ sẽ tiếp tục chết đi trong chiến đấu. Nhưng không giống như người Nga, những người đang chiến đấu trong một “chiến dịch quân sự đặc biệt” được thúc đẩy bởi ảo tưởng phục hồi đế quốc Nga của Putin, người Ukraine đang chiến đấu trong một cuộc chiến tổng lực để cứu đất nước của họ khỏi nạn ngoại xâm. Ukraine tiếp tục có được lượng tăng trưởng tân binh với động lực chiến đấu tốt; Nga tiếp tục phải chứng kiến ​​hàng dài các nam giới bỏ trốn khỏi đất nước để tránh tổng động viên. Người Ukraine tôn trọng các chỉ huy quân sự và Tổng thống Volodymyr Zelensky của họ. Quân đội Ukraine bảo vệ các binh sĩ của mình và phát huy những gì tươi sáng nhất của họ. Tuy nhiên, quân đội Nga lại ngược đãi quân đội của mình, không quan tâm đến tính mạng của họ. Điều này giúp giải thích lý do tại sao các binh sĩ Nga chạy trốn khỏi Kharkiv và hiện đang chạy trốn ở các khu vực của Donbas và Kherson. Những đội quân đã bỏ chạy một lần có xu hướng lại chạy tiếp.

CHẤT LƯỢNG VÀ SỐ LƯỢNG

Đúng là Nga có nhiều vũ khí hơn Ukraine. Bất chấp việc sử dụng trong hàng tháng trời, Matxcơva vẫn sở hữu kho dự trữ tên lửa, súng và đạn dược khá lớn có thể sử dụng để tấn công các lực lượng Ukraine. Nhưng đây không phải là lợi thế thực sự. Khi nói đến việc sử dụng vũ khí, Nga và Ukraine đi theo các triết lý khác nhau: Ukraine tập trung vào thiết bị công nghệ cao và điều khiển chính xác, trong khi Nga dựa vào các hệ thống số lượng cao nhưng có độ chính xác thấp hơn. Bởi vì độ chính xác về cơ bản ảnh hưởng đến khả năng tiêu diệt mục tiêu, Ukraine có thể phá hủy được nhiều mục tiêu hơn với số đạn ít hơn. Nếu Ukraine tiếp tục nhận được nguồn cung cấp vũ khí ổn định của phương Tây, thì nước này sẽ có thể xóa đi ưu thế về quân số của Nga.

Hỏa lực tầm xa là một trong những khả năng quan trọng mà Ukraine sẽ cần thêm sự hỗ trợ. Nước này phải có đủ vũ khí và đạn dược để trang bị cho các lữ đoàn của mình các hệ thống pháo và nhiều bệ phóng tên lửa có thể bắn vào các vị trí phía sau phòng tuyến của kẻ thù, đánh trúng các kho đạn và khiến Nga vô cùng khó khăn trong việc gửi quân tiếp viện. Quân Ukraine đã sử dụng thành công các hệ thống như vậy của phương Tây, đặc biệt là Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất. Nhưng họ sẽ cần nhiều thiết bị hơn nữa, bao gồm các vũ khí mới, mạnh mẽ có thể tấn công các mục tiêu ở sâu trong lòng địch hơn. Nếu được cung cấp, Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Quân đội (ATCAMS) do Mỹ sản xuất sẽ tỏ ra đặc biệt hữu ích khi cho phép Ukraine tiêu diệt các vị trí quân sự của Nga cách xa chiến tuyến tới 190 dặm. Ukraine cũng phải có đủ vũ khí để đồng thời đáp ứng các yêu cầu hoạt động quân sự ở ít nhất hai hoặc ba khu vực, chẳng hạn như miền đông và miền nam, đồng thời cầm chân Nga ở những khu vực khác. Nếu Ukraine duy trì một thế chủ động và sự hiện diện mạnh mẽ ngang nhau dọc theo các chiến tuyến rất dài của cuộc chiến, thì nước này có thể yên tâm tấn công Nga ở những khu vực mà quân đội Nga yếu nhất.

Nhưng hỏa lực không phải là thứ duy nhất mà Ukraine cần. Để đánh bại Nga, Ukraine phải trang bị thêm xe tăng và thiết giáp chở quân, cả hai đều đã từng có tác dụng rất lớn trong việc chiếm lại tỉnh Kharkiv. Các đơn vị pháo binh Ukraine cũng sẽ cần có đủ radar đối kháng, chẳng hạn như hệ thống radar AN / TPQ, để chúng có thể nhanh chóng phát hiện ra đạn pháo/tên lửa đang bay tới. Ukraine cần thêm các đơn vị phòng không tầm trung, chẳng hạn như Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS), để bảo vệ quân đội và các thành phố của họ khi bị Nga bắn phá. Ukraine sẽ cần duy trì tất cả những khả năng này, vì vậy quân đội Ukraine phải thiết lập các kho đạn dược và phụ tùng xung quanh biên giới phía tây của mình. Ukraine cũng phải xây dựng các cơ sở hỗ trợ toàn diện gần tiền tuyến hơn, nơi nó có thể nhanh chóng sửa chữa vũ khí và thiết bị bị hư hỏng.

Ukraine đã chứng tỏ mình có khả năng bắn rơi máy bay Nga, bất chấp những dự đoán rằng Nga sẽ giành ưu thế trên không. Ukraine cũng có thể gây thiệt hại cho hải quân Nga. Cuộc tấn công thành công của nước này nhằm vào các cơ sở và tàu của hải quân Nga, bao gồm cả tuần dương hạm Moskva – kỳ hạm của Hạm đội Biển Đen của Nga – đã giúp đẩy các tàu chiến của Nga ra xa bờ biển Ukraine. Tuy nhiên, việc Nga bao vây không cho Ukraine tiếp cận đường biển là một quá trình liên tục, không phải thành tựu một lần và Ukraine sẽ cần trợ giúp nếu muốn phá vỡ hoàn toàn sự phong tỏa của Nga. Phương Tây phải cung cấp cho Ukraine nhiều tên lửa bờ biển hơn, các hệ thống không người lái và thông tin tình báo chi tiết để Ukraine cuối cùng có thể giành lại toàn quyền tiếp cận các vùng biển của mình.

Phương Tây có lý do để cung cấp cho Ukraine không chỉ vì cuộc xung đột này. Cuộc chiến đã cho NATO cơ hội hiếm có để thử nghiệm thiết bị của mình trong môi trường hoạt động cường độ cao, trong thời gian thực. Mỹ và Châu Âu có thể học được những bài học vô giá từ cách vũ khí của họ hoạt động và càng cung cấp nhiều thiết bị, họ sẽ thu được càng nhiều kiến ​​thức. Cùng với nhau, phương Tây và Ukraine có thể tìm ra hệ thống vũ khí nào cần điều chỉnh và hệ thống vũ khí nào hoạt động tốt nhất, và Kyiv có thể sử dụng hệ thống vũ khí nào hiệu quả nhất để tiếp tục đẩy lùi quân Nga.

Nguồn:  FB Cù Tuấn

Phần II

16-10-2022

Tóm tắt: Làm thế nào để Ukraine có thể lấy lại toàn bộ lãnh thổ?

GIẢI CỨU THẾ GIỚI

Tổng thống Nga Putin nhận thức được rằng Nga đang thua trên chiến trường và những lời đe dọa không giấu giếm của ông về việc sử dụng vũ khí hạt nhân là một nỗ lực rõ ràng nhằm ngăn chặn sự trợ giúp của phương Tây cho Ukraine. Ông Putin có thể biết rằng những lời đe dọa này sẽ không ngăn được Ukraine. Nhưng nếu Putin thực sự dùng vũ khí hạt nhân, điều đó sẽ vừa để ngăn cản phương Tây giúp Ukraine vừa khiến Kyiv phải đầu hàng.

Tuy nhiên, việc phá bỏ điều cấm kỵ về hạt nhân sẽ tàn phá Điện Kremlin theo những cách mà việc thua trận không thể. Vũ khí hạt nhân chiến thuật rất khó nhắm mục tiêu và bụi phóng xạ có thể tỏa ra theo những hướng không thể đoán trước, có nghĩa là một cuộc tấn công có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho quân đội và vùng lãnh thổ của Nga. Người Ukraine cũng sẽ chiến đấu ngay cả khi bị tấn công hạt nhân – đối với người Ukraine, không có kịch bản nào tồi tệ hơn sự chiếm đóng của Nga – vì vậy một cuộc tấn công như vậy sẽ không dẫn đến việc Kyiv đầu hàng. Và nếu Nga dùng vũ khí hạt nhân, nước này sẽ phải đối mặt với nhiều biện pháp trả đũa nghiêm khắc, một số biện pháp trong số đó có thể gây ra hậu quả vượt ra ngoài chiến trường. Trung Quốc và Ấn Độ cho đến nay vẫn tránh ủng hộ Ukraine hoặc trừng phạt Nga, nhưng nếu Điện Kremlin tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, Bắc Kinh và Delhi có thể tham gia liên minh chống Nga của phương Tây, bao gồm cả việc thực hiện các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và hạn chế quan hệ với Nga. Hai nước này thậm chí có thể cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Đối với Nga, khi đó, kết quả của việc sử dụng hạt nhân sẽ không chỉ là thất bại mà còn là sự cô lập trên trường quốc tế.

Tất nhiên, Putin có khả năng đưa ra những lựa chọn khủng khiếp, trong bối cảnh ông ấy đang tuyệt vọng. Cả Ukraine và phương Tây đều không thể coi thường khả năng Putin ra lệnh tấn công hạt nhân. Nhưng phương Tây có thể răn đe ông ta bằng cách nói rõ rằng, nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công như vậy, thì phương Tây sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột. Việc né tránh sự can dự của NATO là một trong những lý do chính khiến Putin tiếp tục đe dọa tấn công hạt nhân – Putin biết rằng nếu Nga không thể thắng Ukraine, thì Nga không có cơ hội nào nếu chống lại NATO – và do đó, ông khó có thể làm điều gì đó khiến khối quân sự này phải vào cuộc. Điều này là đặc biệt đúng nếu bàn về tốc độ mà NATO sẽ giành chiến thắng. Cuộc phản công của Ukraine đang diễn ra tương đối chậm, tạo điều kiện cho Putin sử dụng bộ máy tuyên truyền của mình để quản lý nhận thức của công chúng về các sự kiện xảy ra. Một khi NATO gia nhập cuộc chiến, Putin sẽ không có thời gian để che chắn danh tiếng của mình trước sự tan vỡ kinh hoàng của quân đội Nga.

NATO không thiếu cách đe dọa Nga một cách nghiêm túc mà không cần sử dụng vũ khí hạt nhân. NATO thậm chí có thể không cần một hoạt động quân sự trên đất liền. Liên minh phương Tây có thể nói một cách đáng tin cậy với Điện Kremlin rằng họ sẽ đánh trúng quân Nga bằng các cuộc không kích và tên lửa trực tiếp, phá hủy các cơ sở quân sự và vô hiệu hóa Hạm đội Biển Đen. NATO có thể đe dọa cắt tất cả các liên lạc trong nội bộ quân Nga bằng chiến tranh điện tử và sắp xếp một cuộc tấn công mạng chống lại toàn bộ quân Nga. Phương Tây cũng có thể đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đầy đủ (không có ngoại lệ đối với việc mua năng lượng), điều này sẽ khiến Nga nhanh chóng phá sản. Đặc biệt nếu được thực hiện cùng nhau, các biện pháp này sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng không thể khắc phục được cho các lực lượng vũ trang Nga.

Những gì phương Tây không nên và không thể làm là bị Nga lừa với trò tống tiền hạt nhân. Nếu phương Tây ngừng hỗ trợ Ukraine vì lo ngại hậu quả, các quốc gia hạt nhân sẽ tha hồ áp đặt ý chí của họ đối với các quốc gia phi hạt nhân trong tương lai. Nếu Nga ra lệnh tấn công hạt nhân và sau đó không bị trừng phạt, các quốc gia hạt nhân sẽ gần như tự động được phép xâm lược các quốc gia nhỏ hơn. Trong cả hai trường hợp, kết quả sẽ là các quốc gia sẽ đe dọa chơi hạt nhân với nhau từ sáng tới tối. Ngay cả những nước nghèo hơn cũng sẽ dồn nguồn lực của họ vào các chương trình hạt nhân, và vì một lý do dễ hiểu: Đó sẽ là cách chắc chắn duy nhất để đảm bảo chủ quyền của họ.

TỘI ÁC VA HÌNH PHẠT

Với số lượng đầy đủ vũ khí của phương Tây, Ukraine sẽ tiếp tục xuyên thủng hàng phòng ngự của Nga. Ukraine sẽ sử dụng các tên lửa tầm xa để phá hủy các sở chỉ huy, kho chứa và đường tiếp tế, khiến Nga không thể tăng quân tiếp viện một cách hợp lý cho những binh sĩ bị tấn công. Ukraine sẽ bắn hạ máy bay Nga, ngăn không quân Nga bảo vệ các điểm cao. Ukraine sẽ tiếp tục đánh chìm tàu ​​hải quân Nga. Và Ukraine sẽ được giúp đỡ trong suốt quá trình này do nhiều khiếm khuyết của quân đội Nga: quản lý quá tập trung, chú trọng trừng phạt quân lính của mình khi mắc sai lầm hơn là học hỏi từ chúng, và phong cách chiến đấu kém hiệu quả của toàn quân. Đối mặt với những thất bại ngày càng tăng, tinh thần của người Nga cuối cùng sẽ sụp đổ. Những người lính Nga sẽ bị buộc phải chạy trở về.

Việc Ukraine giải phóng Crimea và các phần của Donbas mà lực lượng ủy nhiệm của Nga chiếm giữ vào năm 2014 sẽ diễn ra sau đó. Và sau những chiến thắng của Ukraine ở những nơi khác, những hoạt động quân sự này không đến mức quá khó khăn. Vào thời điểm các lực lượng Ukraine tiến đến những khu vực đó, quân đội Nga rất có thể sẽ quá kiệt sức để có thể dồn lực bảo vệ chúng. Nhiều nam cư dân của Donbas do Nga kiểm soát đã bị giết trên tiền tuyến. Những người sống sót (có thể sẽ bao gồm hầu hết dân số nam giới còn lại của khu vực) không có khả năng trung thành với Điện Kremlin, với những gì Putin đã bắt họ phải trải qua. Một số nhà quan sát phương Tây có thể coi Crimea là một trường hợp đặc biệt và khuyến khích Ukraine không nên tiến tới đó, nhưng mặc dù nó đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga lâu hơn, việc sáp nhập Crimea vẫn là bất hợp pháp vào năm 2022, như đã là bất hợp pháp vào năm 2014. Luật pháp quốc tế không nên có thỏa hiệp, hoặc tiêu chuẩn kép.

Tuy nhiên, việc giải phóng Crimea và Donbas nên bao gồm một chiến dịch tái hòa nhập. Do thời kỳ chiếm đóng của Nga, với sự tuyên truyền tích cực của những người ủng hộ họ, đã kéo dài quá lâu, nên người dân sẽ cần nhận được hỗ trợ xã hội, pháp lý và kinh tế từ Ukraine như một phần của nỗ lực hòa giải. Những nỗ lực này sẽ làm cho hoạt động quân sự trở nên tinh vi hơn. Khi chính phủ Ukraine khôi phục lại việc quản trị vùng này, họ sẽ cần phải cho người dân thấy rằng, không giống như Matxcơva, Kyiv có thể mang lại sự ổn định và pháp quyền.

Trong khi đó, thế giới phải chuẩn bị cho những gì Ukraine giành được ở những khu vực bị chiếm đóng lâu đời này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với Putin. Sáp nhập Crimea và tạo ra các quốc gia bù nhìn ở Donbas là hai thành tựu tiêu biểu của ông, và chế độ của ông có thể không tồn tại nếu mất chúng. Thế giới có thể sẽ phải chuẩn bị sãn sàng ngay cả trước khi Ukraine tiến vào Crimea; Chế độ của Putin sẽ gặp nguy hiểm nếu Ukraine chỉ chiếm lại những khu vực mà Nga chiếm giữ sau ngày 24 tháng 2. Mất gần như toàn bộ đất đai mà Nga vừa sáp nhập sẽ là một thất bại nhục nhã đối với Matxcơva, một điều có thể khiến giới tinh hoa của Nga cuối cùng nhận ra rằng nỗi ám ảnh chiến tranh của Tổng thống của họ là rất không hiệu quả và nổi lên chống lại Putin. Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử Nga có một nhà lãnh đạo bị đẩy ra khỏi vị trí quyền lực.

Một khi Putin ra đi, thế giới phải tập trung vào việc khiến Nga phải bồi thường chiến tranh. Matxcơva phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những thiệt hại mà họ đã gây ra cho Ukraine, cung cấp các khoản bồi thường cho Ukraine và cho người dân Ukraine. Lý tưởng nhất là sau khi thay đổi chế độ, Nga sẽ tự giác thực hiện điều này. Nhưng nếu không, phương Tây có thể chuyển hàng trăm tỷ đô la tài sản bị đóng băng của Nga sang Ukraine làm tài sản thế chấp. Nga phải trả tự do cho tất cả các tù nhân chiến tranh và tất cả thường dân Ukraine mà nước này đã giam giữ hoặc bị buộc phải chuyển đến Nga. Đặc biệt Nga cần phải trả lại hàng ngàn trẻ em mà Nga đã bắt cóc trong cuộc xâm lược và thời gian chiếm đóng. Cuối cùng, Ukraine và các nước ủng hộ phải yêu cầu Matxcơva giao nộp Putin, các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Nga và bất kỳ nhân vật nào liên quan đến các hành động tàn bạo thời chiến cho một tòa án hình sự được công nhận trên toàn cầu. Phương Tây nên từ chối dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Matxcơva cho đến khi những yêu cầu này được đáp ứng. Họ phải chứng minh rằng hành vi gây hấn, diệt chủng và khủng bố dã man là không thể chấp nhận được.

Quá trình bồi thường và xét xử này có vẻ khiến các nhà lãnh đạo quốc tế lo sợ, những người tin rằng việc này có thể gây ra bất ổn ở Nga. Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng Liên bang Nga có thể tan rã, dẫn đến hậu quả thảm khốc cho phần còn lại của thế giới. Nhiều nhà lãnh đạo quốc tế cũng từng lo ngại tương tự khi Liên Xô tan rã, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ George H. W. Bush, người đã đến Ukraine vào năm 1991 để cố gắng ngăn nước này ly khai khỏi Nga. Nhưng những nhà lãnh đạo này đã sai lầm. Bất chấp chiến tranh, Ukraine đã trở thành biểu tượng của nền dân chủ trên khắp thế giới. Nhiều quốc gia hậu Xô Viết khác đã trở nên giàu có và tự do hơn rất nhiều kể từ năm 1991. Nếu ngày nay Nga bị suy yếu, kết quả chung cuộc cũng sẽ là tích cực tương tự. Nội lực bị suy kiệt sẽ khiến Matxcơva khó đe dọa nhiều quốc gia như hiện nay. Đơn giản là không công bằng khi cố gắng giữ các cư dân của Nga dưới quyền của một kẻ độc tài diệt chủng hoang tưởng.

Thật sự là Ukraine cần một nước Nga yếu ớt hơn thì mới có thể bảo vệ chiến thắng của mình. Ở mức tối thiểu, Ukraine sẽ cần Nga thay đổi chế độ một cách đáng kể để cảm thấy an toàn. Cam kết của Putin trong việc xóa sổ Ukraine và buộc nước này trở lại đế chế Nga là cực đoan đến mức không thể nào đảm bảo chiến thắng ở Ukraine chừng nào Putin còn nắm quyền. Và nước Nga đầy rẫy những nhà lãnh đạo tàn nhẫn với một kiểu đạo đức cũng bị bóp méo tương tự và một thế giới quan chủ nghĩa đế quốc y hệt. Cho đến khi Ukraine được phép gia nhập NATO, nước này sẽ phải xây dựng một quân đội hùng mạnh, trở thành – như Zelensky đã nói – một “Israel rất lớn”. Điều này không phải là lý tưởng, và thực hiện nó sẽ rất tốn kém. Nhưng ít nhất trong thời gian tới, đó sẽ là cách duy nhất mà một Ukraine chiến thắng có thể đảm bảo một nền hòa bình lâu dài.

Nguồn: FB Cù Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét