Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

Cái gốc của nạn dạy thêm – học thêm

 

Cái gốc của nạn dạy thêm – học thêm

Thái Hạo

18-10-2022

Đầu tiên hãy gọi đúng tên: Nạn. Nó từ đâu sinh ra? Hãy hỏi Bộ Giáo dục, khoan nói tới giáo viên và hiệu trưởng các trường.

Học thêm là học cái gì? Nếu vẫn chỉ là học trước và học lại sách giáo khoa, vậy chương trình chính khóa (gọi là “giáo dục quốc dân”) đã bị vứt đi đâu rồi? Mỗi ngày bỏ ra 5 đến 8 tiết để học chính khóa, nó đã dùng vào việc gì? Vô ích, vô dụng chăng? Vậy, Bộ Giáo dục phải tự coi lại chương trình của mình, là nó quá nặng, không thể tải hết trong thời gian như đã thiết kế? Trong trường hợp này phải thiết kế lại.

Trường hợp thứ 2 là do cách quản lý. Nếu vấn đề không phải nằm ở lượng kiến thức quá lớn đã bị tích hợp trong chương trình thì Bộ Giáo dục đã quản lý làm sao mà để công tác triển khai dạy học không phát huy được hiệu quả, đến nỗi phải “học ngày không đủ, tranh thủ cày đêm”? Một lần nữa trách nhiệm lại thuộc về Bộ này.

Trường hợp thứ 3 là nội dụng và phương pháp thi cử phải chăng đã không ăn khớp với nội dung học, để đến nỗi phải đẻ ra học thêm nhằm đáp ứng nhu cầu phát sinh do sự lệch pha này? Một lần nữa, Bộ Giáo dục phải thiết kế lại cái đầu ra thi cử ấy, chứ không phải ai khác.

Trường THPT Đông Sơn 1 (Thanh Hóa) thông báo thu các khoản đầu năm tới hơn 10 triệu đồng mỗi học sinh, trong đó tiền học thêm đã chiếm gần một nửa. Ảnh trên mạng

Theo đánh giá của tôi, để xảy ra quốc nạn dạy thêm – học thêm như hàng chục năm nay, nguyên nhân nằm chủ yếu ở sự sai lầm trong phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, đẩy việc học đến chỗ không những không hiệu quả mà còn trở thành gánh nặng, biến sự học thành một sự đối phó. Giáo dục chỉ còn một “sứ mạng” là học để thi. Sâu xa hơn, do không có một nền giáo dục tự do, lấy khai phóng và giải phóng con người làm triết lý mà mãi bám chặt lấy mục tiêu đào tạo con người công cụ, nên lúng túng, què quặt, không thể thoát ra khỏi mớ bòng bong chằng chịt này.

Tóm lại, dù là nội dung chương trình, là quản lý, là phương pháp kiểm tra đánh giá hay triết lý giáo dục thì mọi trách nhiệm và tội trạng vì đã để xảy ra nạn dạy thêm học thêm hoành hành trên khắp cả nước, vắt kiệt túi tiền còm cõi và sức lực èo uột của nhân dân, đều thuộc về Bộ Giáo dục. Trước khi đổ lỗi và xử lý bất kỳ cá nhân nào trong hệ thống giáo dục thì Bộ này phải nhận hoàn toàn trách nhiệm và tự mình gánh lấy trách nhiệm bằng cách sửa chữa những hỏng hóc, bệnh tật do mình gây ra. Nếu xét thấy vấn đề còn thuộc về “thượng tầng”, nằm ngoài sự chi phối của ngành thì cũng chính Bộ GD phải đòi hỏi nhà nước đáp ứng cho bằng được các điều kiện cần thiết cho một sự thay đổi dứt khoát phải được thực hiện chứ không thể tiếp tục thoái thác, láo lơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét