Bạo lực của lực lượng cảnh sát có thể được biện minh không và có cách nào để thuyết phục họ từ bỏ?
29-9-2022
Liệu có thể biện minh được cho lực lượng cảnh sát khi họ thực hiện hành vi bạo lực với người dân hay không? Khi một vụ việc xảy ra – ví dụ như khi hai cảnh sát cùng đánh hội đồng một người vi phạm giao thông gần đây – thì bên cạnh việc lên án từ một bộ phận lớn xã hội, cũng không ít tiếng nói biện minh cho các viên chức cảnh sát này. Những tiếng nói phản đối thì cho rằng các viên chức cảnh sát này không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn vi phạm cả đạo đức khi thực hiện hành vi bạo lực như vậy với người vi phạm.
“Phía lên án” thiết lập một trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý lẫn đạo đức mà viên chức cảnh sát cần phải mang theo – đó là nghĩa vụ làm đúng luật (mà luật thì cấm sử dụng vũ lực không cần thiết với người dân), và trách nhiệm đàng hoàng, không để cảm xúc cá nhân xâm lấn mình khi thi hành công vụ (có tức cũng không được đánh vì anh đang đại diện cho công quyền). Gần như các ý kiến của “phía lên án” không tách bạch trách nhiệm đạo đức và nghĩa vụ pháp lý nêu trên, xem việc thoả mãn cả hai là tiêu chuẩn của một viên chức cảnh sát.
Mặt khác, tuy không có sự phản đối về nghĩa vụ pháp lý, những ý kiến “thông cảm” thì lại có sự tách bạch khá rõ giữa “mặt con người” (hay tình cảm, cảm xúc) của viên chức cảnh sát, và “mặt công vụ” của họ (tức nghĩa vụ pháp lý và trách nhiệm đạo đức của công chức). Những diễn ngôn thường thấy của “phe thông cảm” đó là họ cho rằng bạo lực là hành xử tự nhiên của con người khi bị khiêu khích, tấn công hoặc khi phẫn nộ trước cái ác. Lập luận này dựa trên hai tiền giả định đạo đức rằng: (1) con người có quyền đánh trả khi bị khiêu khích, tấn công bất kể cương vị công tác hay nghề nghiệp, và (2) bạo lực để trừng phạt cái ác luôn thoả đáng, bất kể tính tương thích giữa cái ác và bạo lực. Từ hai tiền giả định trên, “phe thông cảm” kêu gọi sự thông cảm đặc biệt dành cho các viên chức cảnh sát. Đối với họ, nghĩa vụ pháp lý chưa chắc nên được ưu tiên, “máy móc” áp dụng.
Tất nhiên, “phía lên án” chỉ trích lập luận này của “phe thông cảm” vì cho rằng nó tiêu chuẩn kép, nhất là khi sự thông cảm đó ít khi có tính hai chiều (áp dụng cả cho người dân khi hành hung cảnh sát – lúc này thì nhiều người trong “phe thông cảm” lại nêu cao kỉ cương phép nước). Những người hoài nghi hơn thì còn cho rằng chính sự tiêu chuẩn kép đó là bằng chứng cho thấy một hành vi bao che, thao túng tâm lý mà lực lượng cảnh sát thường áp dụng, nhất là ở những quốc gia mà họ có quá nhiều quyền lực trong tay.
Tuy nhiên, dù vì lý do gì, cũng không thể chối cãi được sức hút của các lập luận “thông cảm” đối với người dân. Lợi thế của các lập luận “thông cảm” nằm ở chỗ nó gần gũi, dễ hiểu, khác với sự phức tạp và xa lạ của lập luận “lên án” vốn dựa vào pháp lý và trách nhiệm công quyền. Được bồi đắp một phần với thái độ xưa nay không hiếm là “quan trên hết” của một xã hội Nho Giáo như Việt Nam, và bộ máy tuyên truyền của nhà nước, không lạ khi dần dần các quan điểm “thông cảm” đó lại được chính miệng những người dân nói ra. Nó còn trớ trêu đến độ trong vụ việc gần đây, một người dân bình thường còn bịa ra việc anh là chủ của đoạn clip trên (xảy ra ở Sóc Trăng dù anh này ở Vũng Tàu). Anh cũng tiện miệng bịa luôn cả việc các viên chức cảnh sát hành xử như vậy vì tức trước cái ác của nạn nhân (theo lời anh, nạn nhân lao xe máy vào người cảnh sát với tốc độ kinh hoàng). Chính anh cũng giải thích rằng anh bịa ra như vậy để dư luận “suy nghĩ” chứ làm gì có chuyện “cảnh sát đánh dân” bao giờ (?!)
Những quan sát về một hệ thống đạo đức, phạm trù rất bình dân nhưng cũng rất khác dành riêng cho lực lượng cảnh sát kể trên khá tương đồng với các quan sát, đánh giá của Rachel Wahl trong tác phẩm “Just Violence: Torture and Human Rights in the Eyes of the Police” (tạm dịch: Bạo lực thoả đáng: Tra tấn và Nhân quyền trong quan điểm của Cảnh sát) xuất bản năm 2017. Rachel Wahl tiếp cận vấn đề không dưới con mắt của một luật sư, hay một chính trị gia, mà dưới con mắt của một nhà giáo dục vì bà đang là giáo sư của khoa giáo dục, đại học Virginia. Câu hỏi nghiên cứu của Wahl đó là liệu điều gì khiến cho việc giáo dục các giá trị nhân quyền – trong đó có việc cấm tra tấn và lạm dụng bạo lực – khó có thể bén rễ trong lực lượng cảnh sát? Bằng phương pháp nghiên cứu nhân dân tộc học (ethnographic) với trường hợp điển cứu là lực lượng cảnh sát ở Ấn Độ, Wahl rút ra một vài kết luận đáng lưu ý:
– Thứ nhất, cảnh sát có vẻ có một chuẩn mực đạo đức riêng và nó gần gũi với địa phương hơn: các nhà giáo dục nhân quyền đã sai (hay thậm chí là lười biếng, tự cao tự đại) khi cho rằng sở dĩ cảnh sát lạm dụng bạo lực là do họ “thiếu năng lực” và “vô đạo đức”. Wahl từ chối quan điểm này khi bà nhận thấy rằng ngay cả những cảnh sát có năng lực điều tra nhất ở Ấn Độ (và hiếm khi nào phải dùng đến bạo lực) vẫn cho rằng bạo lực là một kĩ thuật hỏi cung hoặc trấn áp nên tồn tại. Và quan trọng hơn cả, lực lượng cảnh sát gần như phản ánh một giá trị đạo đức khá khác với những chuẩn mực nhân quyền, nhưng vô tình lại gần gũi hơn với người dân địa phương. Ví dụ, Wahl nhận ra rằng khái niệm công lý của lực lượng cảnh sát và người dân địa phương có nghĩa là “đúng người, đúng tội” chứ không nhất thiết phải là dựa trên quy trình công bằng và quyền lợi bình đẳng. Nếu theo thảo luận này thì việc nạn nhân đã gây ra cái ác khiến cho viên cảnh sát nổi giận, đánh người đó là thoả đáng vì sớm muộn gì bạo lực cũng phải được thi hành để răn dạy kẻ đó. Với cái nhìn này, các khái niệm mang tính tố tụng hình sự, vốn được xây dựng để bảo vệ người phạm tội trong các giai đoạn khác nhau của tố tụng, như bị can, bị cáo, nghi can v.v… trở nên mờ nhạt, khó hiểu, và chỉ có tính chất kỹ thuật chứ không liên quan gì đến công lý.
– Thứ hai, cảnh sát xem nhân quyền như một rào cản kỹ thuật hơn là một chuẩn mực để học hỏi: khi có sự xâm nhập của những chuẩn mực nhân quyền, lực lượng cảnh sát không thẩm thấu hoá các giá trị này như những giá trị đạo đức, công vụ mà họ cần phải noi theo, mà xem nó như các rào cản kỹ thuật để làm việc. Chính từ đó, lực lượng cảnh sát tìm cách đưa ra các kiến giải rất riêng của họ liên quan đến cách hiểu các quyền này nhằm biện minh cho các hành vi của họ. Wahl gọi đây là các tranh luận ủng hộ bạo lực dựa trên quyền (right-based argument for violence). Điều này đặc biệt thú vị và khá gần gũi với bối cảnh Việt Nam. Tất nhiên, và đây không phải là quan điểm của Wahl mà là của mình, trình độ lý luận ít nhất là ở Việt Nam còn khá yếu nên các tranh luận dựa trên quyền này thường thiếu sót, không logic, không thống nhất và thường dẫn về một nghiệm cuối là “đây là giá trị phương Tây”.
– Cuối cùng, từ hai quan sát kể trên, Wahl đưa ra một kiến giải vốn đã được Daniel Bell đề ra trong cuốn East Meets West: Human Rights and Democracy in East Asia (tạm dịch: Đông Tây hội ngộ: Nhân quyền và Dân chủ tại Đông Á) xuất bản trước Just Violence gần 2 thập kỷ, đó là các chương trình giáo dục nhân quyền ngoài việc đưa ra những tiêu chuẩn đạo đức, pháp lý mang tính mệnh lệnh, cứng nhắc còn cần phải giúp đối tượng hưởng lợi thẩm thấu hoá nó thông qua các câu chuyện, ngôn ngữ, và cách nghĩ mang tính địa phương hơn.
Từ những gợi ý của Bell và Wahl, liệu có thể nghĩ ra một cách nào đó cho tình trạng bạo lực cảnh sát ở Việt Nam? Có lẽ sẽ không triệt để, nhưng hoàn toàn có thể thử bắt đầu để loại bỏ bạo lực vụn vặt. Chẳng hạn, có thể thử trao đổi bằng hình ảnh các hành vi quan đánh dân gợi nhớ đến sự đàn áp của chế độ phong kiến và thực dân lên đầu dân đen, và làm hoen ố hình ảnh của lực lượng cảnh sát. Hay một cách khác, hình ảnh hội đồng một người đã không còn khả năng chống cự (dù đó có là tội phạm hay không) là một hình ảnh khá hèn hạ và không phù hợp với hình ảnh thượng võ của nhà chức trách. Đối với công chúng, đây là các lập luận dễ hiểu hơn quyền bất khả xâm phạm về thân thể, hay khái niệm trình tự công bằng của tư pháp hình sự. Còn đối với lực lượng cảnh sát, những lý luận như vậy vừa có tính chất thuyết phục, nhưng cũng không đến mức loại bỏ hoàn toàn các chuẩn mực giá trị của lực lượng cảnh sát. Nó còn giúp cho lực lượng cảnh sát có thể khoanh vùng lại những đối tượng xấu mà không cảm thấy cả một ngành đang bị tấn công – vốn là một chiến thuật không mấy hiệu quả trong bối cảnh lực lượng cảnh sát quá quyền lực như hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét