Thư Ngỏ của các gia đình Tù Nhân Lương Tâm: CHỮA BỆNH LÀ MỘT PHẦN CỦA NHÂN QUYỀN
Chúng tôi, các gia đình Tù Nhân Lương Tâm ký tên dưới đây, vô cùng đau xót và phẫn uất trước sự qua đời của TNLT Đỗ Công Đương ngày 2/8/2022 trong lúc đang bị giam cầm tại Trại giam số 6 tỉnh Nghệ An.
TNLT Đỗ Công Đương là người tranh đấu chống lại bất công xã hội. Trước khi bị bắt vào năm 2018, ông là người khỏe mạnh. Khi phát hiện bị bệnh, gia đình đã nhiều lần yêu cầu trại giam để ông được khám bệnh nhưng phía trại giam đều từ chối. Chỉ đến lúc bệnh tình trở nên quá nặng, họ mới đưa ông vào bệnh viện nhưng ông không qua khỏi.
Đây không phải lần đầu tiên một TNLT qua đời trong khi bị giam cầm. Chẳng hạn như Thầy giáo Đinh Đăng Định, thầy giáo Đào Quang Thực là những người yêu nước đầy lòng thương người cũng bị đày đọa đến chết trong nhà tù, không cho chữa bệnh. Và còn bao nhiêu trường hợp tương tự mà gia đình các TNLT không dám tiết lộ.
Dù đối với các tù nhân, các quyền con người của họ vẫn phải được tôn trọng bởi các chính phủ đã ký kết vào Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Đối với các TNLT, những người chấp nhận tù ngục vì quyền và nhân phẩm của người khác, nguyên tắc trên lại càng phải tuyệt đối tôn trọng.
Chúng tôi kêu gọi các tổ chức nhân quyền quốc tế, đại diện các chính phủ tự do hãy cùng chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền phải tôn trọng quyền con người của các TNLT Việt Nam - được cung cấp nước sạch, thực phẩm an toàn và chăm sóc y tế kịp thời.
Nhà cầm quyền phải chịu mọi trách nhiệm về tình trạng thể chất của các TNLT vô tội. Họ phải được trả tự do về với gia đình.
Ngày 9 tháng 8 năm 2022
Đồng ký tên (theo thứ tự ABC)
1. Đỗ Thị Bé; vợ TNLT Hồ Đình Cương; trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai
2. Huỳnh Ngọc Chênh; chồng TNLT Nguyễn Thuý Hạnh; bị giam tại Viện pháp y Tâm thần trung ương
3. Nguyễn Thị Chương; vợ TNLT Trần Đức Thạch; trại giam số 5 Yên Định, Thanh Hóa
4. Nguyễn Nữ Long Duyên; vợ TNLT Lê Văn Phương; trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai
5. Đỗ Văn Hà; bố vợ TNLT Trịnh Bá Phương; trại giam số 1 Công an Tp. Hà Nội
6. Nguyễn Thị Hanh; mẹ TNLT Từ Công Nghĩa; trại giam Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu
7. Triệu Thị Hạnh; mẹ vợ TNLT Trịnh Bá Phương; trại giam số 1 Công an Tp. Hà Nội
8. Nghiêm Thị Hợp; vợ TNLT Trương Văn Dũng; trại giam số 1 Công an Tp. Hà Nội
9. Trịnh Bá Khiêm; chồng TNLT Cấn Thị Thêu; trại giam số 5 Thanh Hoá
Và là bố TNLT Trịnh Bá Phương; trại giam số 1 Công an TP. Hà Nội
Và là bố TNLT Trịnh Bá Tư; trại giam số 6 Nghệ An
10. Nguyễn Thị Lành; vợ TNLT Mục sư Nguyễn Trung Tôn; trại giam Gia Trung
11. Nguyễn Thị Lâm; em gái TNLT Nguyễn Quốc Hoàn; trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai
12. Phạm Thị Lân; vợ TNLT Nguyễn Tường Thụy; trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương
13. Đỗ Lê Na; vợ TNLT Lê Trọng Hùng; trại giam số 6 Nghệ An
14. Huỳnh Thị Kim Nga; vợ TNLT Ngô Văn Dũng; trại giam An Phước
15. Trịnh Thị Nhung; vợ TNLT Bùi Văn Thuận; trại giam Công an tỉnh Thanh Hóa
16. Trần Thị Niêm; mẹ TNLT Lê Anh Hùng; trại tạm giam số 1 Công an Tp. Hà Nội
17. Nguyễn Thị Quý; vợ TNLT Lê Đình Lượng; trại giam Nam Hà, tỉnh Hà Nam
18. Bùi Thị Sen; vợ TNLT Huỳnh Minh Tâm; trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai
19. Trịnh Thị Thảo; con gái của TNLT Cấn Thị Thêu; trại giam số 5 Thanh Hóa
Và là chị gái của TNLT Trịnh Bá Tư; trại 6 Nghệ An
Và là em gái của TNLT Trịnh Bá Phương; trại giam số 1 Công an Tp. Hà Nội
20. Lê Thị Thập; vợ TNLT Lưu Văn Vịnh; trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai
21. Đỗ Thị Thu; vợ TNLT Trịnh Bá Phương; trại giam số 1 Công an Tp. Hà Nội
22. Trần Thị Thu Thủy; em họ của TNLT Huệ Như; trại giam số 5 Yên Định Thanh Hóa
23. Nguyễn Thị Tình; vợ TNLT Nguyễn Năng Tĩnh; trại giam số 5 Thanh Hóa
24. Nguyễn Thanh Trúc; vợ TNLT Trương Hữu Lộc; trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai
25. Nguyễn Thị Ánh Tuyết; vợ chưa cưới của TNLT Đỗ Nam Trung; trại giam số 5 Thanh Hóa
26. Đinh Thị Xa; vợ TNLT Mục sư Đinh Diêm; trại giam số 6 Thanh Chương Nghệ An
27. Nguyễn Thị Xoan; con dâu TNLT Lê Đình Lượng; trại giam Nam Hà, tỉnh Hà Nam
Nguồn: FB Thu Đỗ
*
Xem thêm:
ÔNG ĐỖ CÔNG ĐƯƠNG CHẾT TRONG TÙ VÀ LỜI KÊU GỌI 'QUYỀN CHỮA BỆNH' CHO TÙ NHÂN
BBC - 10 tháng 8 2022
Tù nhân lương tâm Đỗ Công Đương, 58 tuổi, chết ngày 2/8/2022 tại Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An sau một thời gian dài đau ốm và được cho là không được khám chữa bệnh đầy đủ.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) trong thông cáo mới đây xác nhận tin này và cho hay 'rất lấy làm tiếc' khi 'nhà báo công dân' Đỗ Công Đương chết trong tù.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt sáng 10/8, luật sư Hà Huy Sơn, người từng tham gia bào chữa cho ông Đương cho hay em gái ông từng nhiều lần phản ánh về tình trạng sức khỏe của ông.
"Em gái ông Đương nhiều lần nói ông yếu lắm. Gia đình nhiều lần gửi đơn tới ban giám thị trại giam để xin đưa ông về nhà chữa bệnh, nhưng không được giải quyết", luật sư Sơn nói.
Theo RSF, nguyên nhân chính thức dẫn đến cái chết của ông Đương không được công bố, nhưng trước đó ông đã bị hàng loạt bệnh như tim phổi, suy hô hấp, mà 'không được chữa trị'.
Cũng theo RSF, trại giam số 6 từ chối trả thi thể ông Đương cho gia đình ông và đã chôn ông tại khu nghĩa trang của trại tù.
BBC News Tiếng Việt gọi điện tới số của em gái ông Đương trong sáng 10/8 nhưng không liên lạc được.
Kêu gọi khám chữa bệnh cho tù nhân lương tâm
Trước ông Đương, thầy giáo Đinh Đăng Định, thầy giáo Đào Quang Thực, và một số tù nhân lương tâm khác đã chết trong tù, được cho là do điều kiện nhà giam tồi tệ khiến sức khỏe của họ suy giảm.
Ngày 9/8, gia đình của 27 tù nhân lương tâm đã có thư ngỏ gửi các tổ chức quốc tế và chính quyền Việt Nam, kêu gọi khám chữa bệnh cho các tù nhân lương tâm (TNLT).
Bức thư có đoạn:
"TNLT Đỗ Công Đương là người tranh đấu chống lại bất công xã hội. Trước khi bị bắt vào năm 2018, ông là người khỏe mạnh. Khi phát hiện bị bệnh, gia đình đã nhiều lần yêu cầu trại giam để ông được khám bệnh nhưng phía trại giam đều từ chối. Chỉ đến lúc bệnh tình trở nên quá nặng, họ mới đưa ông vào bệnh viện nhưng ông không qua khỏi.
"Dù đối với các tù nhân, các quyền con người của họ vẫn phải được tôn trọng bởi các chính phủ đã ký kết vào Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Đối với các TNLT, những người chấp nhận tù ngục vì quyền và nhân phẩm của người khác, nguyên tắc trên lại càng phải tuyệt đối tôn trọng.
"Chúng tôi kêu gọi các tổ chức nhân quyền quốc tế, đại diện các chính phủ tự do hãy cùng chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền phải tôn trọng quyền con người của các TNLT Việt Nam - được cung cấp nước sạch, thực phẩm an toàn và chăm sóc y tế kịp thời.
"Nhà cầm quyền phải chịu mọi trách nhiệm về tình trạng thể chất của các TNLT vô tội. Họ phải được trả tự do về với gia đình".
RSF qua vụ việc này cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để đảm bảo sự sống còn của 40 nhà báo, blogger khác tại các trại giam của Việt Nam.
Quyền khám chữa bệnh của tù nhân
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, luật sư Hà Huy Sơn khẳng định tù nhân nói chung tại Việt Nam có quyền được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo quy định của Luật Thi hành Án Hình sự sửa đổi 2019.
Theo đó, Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của trại giam quy định tại mục d:
"Quyết định trích xuất phạm nhân phục vụ yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh, quản lý, lao động, học tập; phạm nhân đến khu điều trị tại bệnh viện để phục vụ phạm nhân bị bệnh nặng không tự phục vụ bản thân được, phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam bị bệnh phải đưa đi bệnh viện điều trị".
Một số tù nhân chính trị từng kể với BBC về điều kiện khắc nghiệt trong tù.
Nói với BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn hôm 10/8, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên chia sẻ:
"Hồi tôi trong tù, may là không bị mắc các bệnh nghiêm trọng mà chỉ bị viêm họng, ho, sốt, cảm thông thường thôi. Thành ra chỉ phải xin mấy loại thuốc hạ sốt, giảm đau thì không bị gây khó khăn gì lắm.
"Nhưng tôi chứng kiến bạn tù bị bệnh nhiều. Đa số họ gặp khó khăn trong việc điều trị, thậm chí có người không được điều trị hoặc khi được điều trị thì đã quá muộn".
Bà Cấn Thị Thêu, một nông dân mất đất, hiện đang thụ án tù tám năm, từng nói với BBC trong lần bà được ra tù cách đây vài năm, rằng nước trong tù rất bẩn, nhà tù mùa hè nóng đến ngất xỉu, mùa đông lạnh cóng, quá khổ sở khiến bà từng đi tiểu ra máu.
Người nhà ông Trần Huỳnh Duy Thức từng nói với BBC rằng ông 'có biểu hiện ngộ độc' và không dám ăn đồ ăn trại giam. Nhưng khi thấy ông ăn mì gói thì trại giam không chịu cấp nước sôi cho ông để nấu mì...
Ông Đỗ Công Đương là ai?
Ông Đỗ Công Đương. NGUỒN HÌNH ẢNH: TIENG DAN TV
Ông Đỗ Công Đương bị tù từ 2/8/2018 với án tù tám năm, sau khi quay phim vụ chính quyền cưỡng chế đất ở Từ Sơn, Bắc Ninh, với tội danh 'gây rối trật tự công cộng' và 'lợi dụng quyền tự do dân chủ'.
Ông Đương quê ở Bắc Ninh, bắt đầu viết các tin, bài trên mạng xã hội về các vấn đề bức xúc của Việt Nam. Ông cũng tham gia kênh Tiếng Dân TV trên Facebook với gần 150.000 người theo dõi, nơi thường xuyên livestream các buổi đàm luận về tranh chấp đất đai và các vấn đề xã hội nổi cộm khác.
VN nói về quyền cho phạm nhân
Một bài viết trên trang dangcongsan.vn năm 2020 cho hay 'Việt Nam luôn tuân thủ đúng quy định đối với phạm nhân'.
Bài viết có đoạn:
"Thời gian qua, có một số thông tin của các thế lực thù địch, phản động cho rằng Việt Nam sử dụng phạm nhân trong các trại cải tạo lao động không đúng mục đích. Nhưng thực tế, Việt Nam luôn tuân thủ đúng các quy định của quốc tế và Luật Thi hành án dân sự (2019) về tổ chức và sử dụng lao động đối với phạm nhân".
Bài này cho hay Việt Nam luôn tuân thủ các quy tắc đối xử với phạm nhân của Liên Hiệp Quốc.
Chính phủ Việt Nam khẳng định trong nền tư pháp Việt Nam không có "tù nhân lương tâm" vì các bị cáo ở Việt Nam đều được "xét xử công khai, nghiêm minh" tại tòa án.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều, trong đó riêng Chương II có 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Việt Nam luôn khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của LHQ về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản.
Nguồn: BBC Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét