Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2022

Sao phải tiêu hủy?

 

Sao phải tiêu hủy?

Lê Huyền Ái Mỹ

16-8-2022

Ngày 9-8, UBND TP HCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Bùi Quang Viễn, tức nhà thơ Bùi Chát do “tại thời điểm kiểm tra ông Bùi Quang Viễn triển lãm 29 bức tranh tại phòng tranh Alpha Art Station mà không có giấy phép theo quy định” (trích văn bản), ngoài số tiền phạt 25 triệu đồng, UBND TP “buộc ông Bùi Quang Viễn tiêu hủy 29 bức tranh triển lãm tại địa chỉ số 271/5 đường Nguyễn Trọng Tuyển, P.10, Q. Phú Nhuận theo quy định tại điểm c, khoản 8, Điều 19 Nghị định số 38/2021 của Chính phủ”.

Hồi còn làm phóng viên văn hóa, mấy bận tôi cùng theo đoàn liên ngành đi chứng kiến buổi tiêu hủy các văn hóa phẩm đồi trụy, bị tịch thu trong các đợt kiểm tra. Ôi thôi đủ sắc màu, kích cỡ; băng đĩa in sao phim đen… Nay, dù chưa xem nhưng đọc qua các nhận định của giới chuyên môn về cuộc triển lãm mang tên “Ứng tác” của Bùi Chát (15.7-30.7) không hiểu vì sao lại kèm theo cái “biện pháp khắc phục hậu quả” một cách quái gở như thế.

Theo giám tuyển, nhà phê bình Nguyên Hưng: “Không giống nhiều văn nhân băng ngang vào hội họa, thường vẽ theo lối tượng trưng hay biểu hiện. Bùi Chát nghiêng hẳn theo hướng trừu tượng – đòi hỏi sự tinh tường và tinh tế trong dụng ngôn hội họa. Và hầu hết tranh tôi đã xem đều thực sự là những tác phẩm đẹp với phong cách lyrical abstraction rất riêng”.

Theo nhà phê bình hội họa Lý Đợi: “Cũng như thơ, với nhiều tìm tòi thể nghiệm và pha trộn, trong tranh dù chọn hội họa tình huống, nhưng bản sắc pha trộn – tìm tòi của Bùi Chát vẫn vậy. Về ngôn ngữ, chúng ta có thể thấy chủ đạo là trừu tượng trữ tình (lyrical abstraction), nhưng bảng màu thì phảng phất chất dã thú (fauvism), còn tinh thần sáng tác thì pha trộn giữa ngẫu biến (fluxus) và đa đa (dadaism)”.

Là tất cả đều phát biểu công khai trên các báo.

Tại sao không thể áp dụng theo khoản 9, Điều 4 là “buộc di dời tang vật vi phạm khỏi địa điểm tổ chức triển lãm mỹ thuật hoặc tổ chức trại sáng tác điêu khắc”, dù triển lãm đã kết thúc thì cũng là một sự nhắc nhớ cho tác giả lẫn đơn vị tổ chức. Mà nghĩ cho cùng, bày biện một cuộc triển lãm nghệ thuật là mở thêm một không gian thẩm mỹ cho thành phố, “quân pháp bất vị… tình” thì phạt tiền, ai lại buộc đem tiêu hủy ngần ấy cái “trừu tượng trữ tình”, ứng xử với nghệ thuật, với văn hóa mà như thể… rác thế kia!

Chợt nhớ cái vụ một sáng mai ra, bảng hiệu Chùa Nghệ sĩ người ta cũng nhanh nhảu tháo mà không nghĩ dưới nó, trước nó, sau nó là cả một dòng chảy trăm năm, với bao tinh anh lẫn thể phách còn lưu giữ nơi ấy, cho nơi này.

Bùi Chát bảo: “Hội họa tình huống không bắt đầu và kết thúc bằng các ý tưởng, mà chỉ bắt đầu và kết thúc bằng các tình huống và cách ứng biến – ứng xử tình huống. Đối tượng của hội họa tình huống không gì khác ngoài các tình huống hội họa. Các nghệ sĩ không mô tả, thể hiện, phản ánh, hoặc hướng đến đối tượng – mà chỉ có thể xử lý, ứng biến, ứng xử với đối tượng”.

Và giờ, anh hẳn đã có một “tình huống” bất ngờ để có thể ứng biến rồi đấy!

Sao lại thế, khi một bên đang từng ngày tìm cách phục dựng, tôn tạo, chỉnh trang các công trình văn hóa, di tích lịch sử cho thành phố này thì vẫn có một kiểu quản lý văn hóa và hành xử với văn hóa rất phản văn hóa?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét