Quyền sở hữu trí tuệ, chuyện không hề nhỏ
Đỗ Ngà
Với dân số chỉ có khoảng 8,5 triệu người, nhưng số công ty khởi nghiệp lại nhiều nhất thế giới, do đó Israel được mệnh danh là “quốc gia khởi nghiệp”. Quốc gia này là cường quốc nông nghiệp ngay trên sa mạc khô cằn, một cường quốc quân sự ngay giữa thế giới hồi giáo thù địch có dân số trên 50 lần dân số của họ. Nếu họ không có trí tuệ và không có công cụ để bảo vệ nó thì liệu họ có tồn tại đầy kiêu hãnh như thế không?
Thông thường những công ty khởi nghiệp dựa trên sự sáng tạo, đấy là thế mạnh lớn nhất mà họ có thể vươn lên giữa thế giới của các doanh nghiệp lắm tiền. Tuy nhiên, sự sáng tạo có thể bị nghiền nát thành tro bụi nếu Nhà nước Israel không đặt nặng quyền sở hữu trí tuệ lên tầm quan trọng sống còn để bảo vệ và khuyến khích nguồn chất xám của quốc gia họ phát triển.
Cho nên, bằng mọi giá, luật pháp phải nghiêm minh xử thẳng tay nạn đạo nhái, ăn cắp ý tưởng.
Có người bạn tôi nói đùa, nếu quốc gia khởi nghiệp đem quẳng vào tay CS Việt Nam quản lý thì các startup sẽ chết như ngã rạ và chẳng còn ai đứng dậy nổi, và Israel không thể có được “danh hiệu” quốc gia khởi nghiệp.
Để nhận biết nơi nào coi trọng quyền sở hữu trí tuệ thì hãy xem thị trường đó như thế nào? Nếu thị trường nào hàng nhái hàng giả tràn lan, thì tất nhiên nhà nước đó không xem trọng quyền sở hữu trí tuệ. Thị trường Việt Nam được mệnh danh là thiên đường của hàng giả hàng đạo nhái thì dù cho nhà cầm quyền có hô hào “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” thì đấy cũng chỉ là khẩu hiệu mà thôi.
Doanh nghiệp có thương hiệu của doanh nghiệp, quốc gia cũng có thương hiệu quốc gia. Nhiều thương hiệu doanh nghiệp gộp lại thành thương hiệu quốc gia. Lấy ví dụ như các sản phẩm đến từ Nhật, Đức dù cho đó là thương hiệu lạ hoắc thì nó vẫn là sản phẩm có chất lượng.
Nước Nhật có những Toyota, Honda, Sony, Misubishi... khắc ghi vào đầu của người tiêu dùng toàn cầu là “hàng Nhật tốt” thì đấy là nước Nhật đã xây dựng thương hiệu quốc gia rồi. Khi thương hiệu quốc gia mạnh lên thì các doanh nghiệp mới, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận với thị trường thế giới hơn. Nước Nhật sẽ không có thương hiệu quốc gia như ngày hôm nay nếu Nhà nước của họ để cho quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm một cách dễ dàng. Âu cũng là cái giá, các nhà quản lý vĩ mô Nhật Bản có tầm nhìn xa.
Không phải Việt Nam không có những doanh nghiệp có năng lực, tuy nhiên khi doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển ra thị trường thế giới thì dù cho có làm tốt cách mấy cũng bị thế giới nhìn họ với cặp mắt ác cảm rằng “Ôi! Hàng Việt Nam mà, không dỏm thì cũng nhái”. Với ấn tượng của khách hàng trên toàn thế giới như thế thì các doanh nghiệp chân chính cực kỳ gian nan khi phát triển sản phẩm ra thị trường thế giới, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp phải bỏ cuộc.
Còn nhớ cách đây khoảng 20 năm, xe máy Trung Quốc đạo nhái xe Nhật tràn lan Việt Nam và nó đã để lại ấn tượng xấu trong đầu người dân Việt Nam về thương hiệu xe Tàu. Và hậu quả là xe Tàu sau này dù cho có làm chất lượng thế nào thì cũng chịu chính thương hiệu quốc gia dìm nó xuống và nó mất cơ hội mở rộng thị trường.
Tôi có anh bạn khá rành về ô tô nói rằng, khi rã chiếc xe Hongqi của Trung Quốc, về độ chất lượng của thiết thị bên trong không thua hàng Nhật hay hàng Đức. Rất nhiều phụ tùng xuất xứ từ các hãng nổi tiếng trên thế giới, thế nhưng để thuyết phục khách hàng mua Hongqi thay vì mua Mercedes hay Lexus thì bao giờ cũng rất khó. Đấy là cái hại nhãn tiền cho thói ăn xổi ở thì của các doanh nghiệp và nhà quản lý quốc gia đó.
Việc đạo nhái đem lại cái lợi tiết kiệm chi phí đầu tư và giảm giá thành sản phẩm thấp đến mức khó tin. Đấy là cái lợi trước mắt, tuy nhiên về lâu về dài thì thương hiệu doanh nghiệp đó không thể phát triển và thậm chí có thể lụi tàn, mà nếu quốc gia nào dung túng cho nạn đạo nhái, trộm cắp ý tưởng thì cái hại có cực kỳ kinh khủng. Thương hiệu quốc gia bị xấu đi thì nó để lại hệ quả cho hàng vạn công ty phải thiệt thòi vì không thể vươn tầm ra khỏi biên giới quốc gia để phát triển.
Ở Thụy Điển có hãng hypercar rất trẻ, mới thành lập năm 1994, đó là hãng Koenigsegg, hãng có tiềm lực tài chính rất khiêm tốn so với đối thủ Buggatti thuộc tập đoàn Valkswagen. Tuy nhiên hãng xe Thụy Điển vẫn có được chỗ đứng đáng nể bên cạnh gã nhà giàu lâu đời Buggatti. Có người nói, Koenigsegg sẽ khó thành công nếu nó là hãng xe đến từ Trung Quốc, bởi Thụy Điển có vị thế thương hiệu quốc gia ở top đầu thế giới, khi xe được bung ra khách hàng dễ dàng đón nhận hơn dù cho đó là thương hiệu mới. Có ai thấy hàng Thụy Điển nào kém chất lượng đâu? Đấy! Cái lợi của thương hiệu quốc gia nó thế.
Quyền sở hữu trí tuệ, tưởng nhỏ nhưng không nhỏ. Xem nhẹ nó thì tác hại cực lớn, nếu nhà quản trị quốc gia không có tầm thì không bao giờ thấy hết vấn đề của nó.
Đ.N.
Nguồn: FB SOI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét