Quy chế, quy trình và con người
Trân Văn
5-8-2022
Sở Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) tỉnh Cà Mau vừa tái xác nhận giám thị một điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học (PTTH) tại tỉnh này đã “thực hiện đúng quy chế” nhưng hoạt động giám sát phòng thi “chưa bao quát và thiếu kỹ năng xử lý tình huống” (1).
Cục Quản lý chất lượng của Bộ GDĐT thì loan báo đã yêu cầu Sở GDĐT tỉnh Cà Mau làm việc với giám thị rồi báo cáo chi tiết để cơ quan này có thể đưa ra quyết định đối với sự kiện đang tạo thành một trận bão về dư luận (2).
Sự kiện tạo thành trận bão về dư luận từ đầu tuần tới giờ là việc một nam sinh thiếp đi khi đang thi môn tiếng Anh. Giám thị không đánh thức thí sinh này cho đến khi hết giờ thi và cũng không chịu nhận giấy nháp – chứng tỏ thí sinh đã hoàn tất bài thi, chỉ chưa điền vào giấy thi. Cũng vì vậy, tuy là một học sinh giỏi, điểm thi các môn khác trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH không tệ chút nào nhưng nam sinh vừa kể phải nhận điểm 0 phần thi tiếng Anh, không được công nhận tốt nghiệp PTTH…
***
Trong khi các viên chức về GDĐT khẳng định giám thị phòng thi có thí sinh ngủ quên đã “thực hiện đúng quy chế” thì số đông dân chúng không nghĩ như vậy. Chẳng hạn Nguyễn Yến Trinh. Tuy giám thị tuân thủ đúng quy chế (phát đề, giám sát, thu bài thi), các thí sinh cũng theo quy chế (chỉ làm bài thi của mình) nhưng Trinh cảnh báo: Đó là kết quả của một quá trình mà cả giám thị và thí sinh cùng được giáo dục để biết sợ sai quy trình và chuyện bỏ rơi một thí sinh không có gì là lạ (3).
Cũng nhìn sự kiện ở góc độ đó, Nguyễn Tấn Thọ than: Vì quá mệt, con ngủ quên lúc làm bài. Con bị 0 điểm, điểm liệt, rớt. Thầy cô coi thi cũng vừa trải qua một cuộc thi và thản nhiên cho mình 0 điểm – cuộc thi nhân cách vì liệt não, liệt cảm xúc nên tự cho mình điểm liệt. Còn có một cuộc thi lớn hơn, bao trùm, đó là cuộc thi của NỀN GIÁO DỤC. Muốn gì được đó, nó rèn giũa ra những ROBOT, coi qui chế lớn hơn LƯƠNG TÂM và CON NGƯỜI (4).
Cũng có những người như Đàm Văn Việt nhìn vấn đề ở một góc độ khác – góc độ y học: Đành rằng giám thị phải tôn trọng, thực hiện đúng quy chế nhưng chuyện một học sinh đột nhiên gục xuống bàn cần phải được quan tâm về tình trạng sức khỏe. Những người soạn quy chế thiếu sâu sắc, thiếu trách nhiệm và không thể loại trừ việc bỏ lỡ “thời gian vàng” do thí sinh có vấn đề bất thường vì bệnh lý, bỏ lỡ cơ hội giữ sự sống cho một con người và sai lầm này sẽ không có cơ hội để sửa chữa (5).
Do có nhiều người trách giám thị, Hao-Nhien Q. Vu kể chuyện tham gia một kỳ thi ở Mỹ kéo dài hai ngày rưỡi (ba buổi sáng và hai buổi chiều) và ở buổi cuối cùng ngủ quên khoảng nửa tiếng thì bị giám thị đánh thức vì “ngáy to quá nên thí sinh khác khiếu nại”. Nhiên khẳng định: Giám thị phải theo quy định. Muốn trách giám thị thì phải trích dẫn quy định của kỳ thi nói gì về chuyện đó. Nếu quy định không rõ ràng thì là lỗi của cơ quan tổ chức cuộc thi, không phải của cá nhân giám thị (6).
***
Trong trận bão dư luận về sự kiện đang đề cập, khá nhiều người đã chia sẻ tâm tình của Nguyễn Thị Bích Hậu. Cô cho rằng: Đến nay, người trong cuộc – nam sinh ngủ quên – đã đứng ra nhận trách nhiệm, không đổ lỗi cho ai, cũng không thắc mắc về bài thi, điểm thi. Đó là thái độ của một người trưởng thành. Cứ như những gì truyền thông tường thuật, so với quy chế, giám thị không sai vì bảo đảm đúng quy trình nhưng điều đó chứng tỏ nhận thức của giám thị dường như chỉ xoay quanh quy trình mà thôi.
Theo Hậu: Tất cả các quy trình vốn vì con người. Tất nhiên cá nhân phải trả giá cho sai lầm của chính mình nhưng bắt một học sinh ngủ quên trả giá cũng giống như bắt rất nhiều người trả giá. Một năm nam sinh ngủ quên phải ở nhà chờ thi lại dù là học sinh giỏi, học trường chuyên, tức là gia đình em phải vất vả lo cho con trong thời gian đó. Một năm không đi học, thất nghiệp, có thể ảnh hưởng rất nhiều tới một người còn trẻ. Đó là một tổn thất cho xã hội.
Cũng vì vậy, Nguyễn Thị Bích Hậu thắc mắc: Điều đó có cần thiết không? Có nên hay không? Có những cách thức nào tốt hơn để chuyện này khôngxảy ra? Cô cho rằng: Cuộc sống ở đâu cũng cần tôn trọng luật lệ nhưng cuộc sống đó sẽ thế nào nếu như mỗi cá nhân hành xử như một robot, vì hànhxử cứng nhắc và hiểu sai mà đánh mất cả tình người. Sự trưởng thành của bất cứ con người nào, cũng bắt đầu từ việc họ được yêu thương và giúp đỡ, chứ không phải bắt đầu từ việc trừng phạtnghiêm khắc (7).
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/ca-mau-thua-nhan-thieu-sot-trong-vu-thi-sinh-ngu-quen-4496010.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét