Quốc hội Đức phỏng vấn Dân biểu Julian Pahlke về tù nhân Hoàng Đức Bình
Phóng viên trang mạng của Quốc hội liên bang Đức đã phỏng vấn Dân biểu Julian Pahlke về việc bảo trợ cho tù nhân chính trị Hoàng Đức Bình.
Trong tuần đầu tiên sau ngày 27/07/2022 một bài phỏng vấn viết dưới dạng tường thuật đã xuất hiện trên trang chính của Quốc hội Liên bang Đức và sau đó có thể tìm thấy nơi trang của Uỷ Ban Nhân quyềnvà trang lưu trữ của Quốc hội.
———
Bản dịch tiếng Việt của tổ chức VETO! Human Rights Defenders‘ Network (VETO! Mạng lưới Người Bảo vệ Nhân quyền) Email: VETO.germany@gmail.com, Web: www.veto-network.org
———
Dân biểu Julian Pahlke yểm trợ một nhà hoạt động bảo vệ môi trường tại Việt Nam
Dân biểu Julian Pahlke, 30 tuổi, thuộc khối Liên Minh 90 / Đảng Xanh là một trong những gương mặt mới trong Quốc hội Liên bang Đức. Điều được ông xem là đương nhiên đối với một dân biểu là việc dấn thân cho bảo vệ khí hậu và bảo vệ nhân quyền ở khắp nơi trên thế giới, cũng như cho những ai đang tranh đấu trong những lãnh vực này và vì thế đang phải gánh chịu nhiều khó khăn cho chính bản thân. Khi nhận nhiệm vụ đại diện cử tri, ông ý thức rất rõ rằng mình cần phải tham gia chương trình “Dân Biểu Bảo Vệ Dân Biểu”. Ông đã nhận bảo trợ cho nhà hoạt động bảo vệ môi trường và bảo vệ nhân quyền Hoàng Đức Bình tại Việt Nam.
Ông Hoàng Đức Bình bị bắt vào tháng 05/2017 vì đã tường trình về thảm họa môi trường do một nhà máy luyện gang thép gây ra dọc bờ biển Việt Nam và chính thức bị cáo buộc các tội danh “Chống người thi hành công vụ” và “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”. Đến tháng 8 cùng năm, bản cáo trạng được bổ túc thêm tội danh “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” và ông Bình bị kết án 14 năm tù giam, chủ yếu vì ông đã phát trực tuyến trên mạng cuộc tuần hành phản đối nhà máy luyện gang thép Formosa của Đài Loan. Các tổ chức nhân quyền đã tường thuật về sự kiện này. Trong nhiệm khóa quốc hội trước, ông Hoàng Đức Bình đã được bà dân biểu Margarete Bause thuộc khối Liên Minh 90 / Đảng Xanh đưa vào chương trình bảo trợ.
“Bảo vệ môi trường không phải là một tội phạm”
Đảm nhận sự bảo trợ, dân biểu Julian Pahlke cũng đã kế thừa những mục tiêu dấn thân của dân biểu Margarete Bause. Ông nói: “Là người bảo trợ, tôi sẽ yểm trợ ông Bình cho đến khi ông ấy được trao trả tự do và phục hồi danh dự.” Vị dân biểu yêu cầu chính phủ Việt Nam hãy “trả tự do tức khắc và vô điều kiện” cho ông Hoàng Đức Bình. Dân biểu Pahlke cũng bày tỏ sự quan ngại rằng nhà hoạt động Bình đã bị giam giữ từ 5 năm nay và đó là “một thời gian dài mà khó ai có thể dễ dàng vượt qua được”.
“Bảo vệ môi trường không phải là một tội phạm”, dân biểu Pahlke nhấn mạnh lại phương châm của vị tiền nhiệm. Ông có nhiều thiện cảm với sự dấn thân của ông Bình. Đối với ông, những nhà hoạt động vì môi trường có vai trò rất quan trọng. Cho dù chỉ là một thảm họa môi trường tại Việt Nam ở cách nước Đức thật xa, nhưng: “Rốt cuộc mọi thứ đều có liên quan và có trách nhiệm liên đới với nhau. Cuộc khủng hoảng về khí hậu và những vấn đề về môi trường đều không bị giới hạn trong biên giới của mỗi nước”.
Dân biểu Pahlke giải thích về sự giúp đỡ mà mình dành cho nhà hoạt động Hoàng Đức Bình trên một bình diện rộng hơn: “Nếu muốn thay đổi những vấn đề về khí hậu và môi trường, chúng ta phải yểm trợ sự dấn thân của những người hoạt động trên khắp thế giới và cần hỗ trợ cho sự lớn mạnh của một xã hội dân sự ở mọi quốc gia”; “Tôi thấy mình có bổn phận phải theo dõi sát và yểm trợ cho một trường hợp như vậy”.
Không quên những nhà hoạt động đang bị giam giữ
Theo ông, Hoàng Đức Bình là một trong số rất nhiều tù nhân chính trị tại Việt Nam bị truy tố với các lý do ngụy tạo và bị giam giữ trong những điều kiện vô nhân đạo. Pahlke nhắc nhở không nên bỏ quên những nhà hoạt động bảo vệ môi trường và bảo vệ nhân quyền khác đang chịu sự truy bức gắt gao và không dung thứ, như trường hợp ông Bình.
Do đó Chương trình “Dân Biểu Bảo Vệ Dân Biểu” không chỉ muốn khuyến khích người được bảo trợ giữ vững niềm tin mà còn là một công cụ tạo sự quan tâm và là một phương tiện để áp lực lên những người có trách nhiệm tại chỗ. Chương trình này có mục đích bênh vực các nạn nhân trước những kẻ đàn áp. Dân biểu Pahlke kể: “Tôi đang cố gắng kể về số phận của ông Bình với công luận Việt Nam và vận động giới truyền thông tường thuật để phơi bày trường hợp này”. Qua cuộc vận động, ông nhận thấy có một sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía báo chí. “Hiện có một luồng dư luận công khai về trường hợp này và những trường hợp tương tự như vậy tại Việt Nam”.
Liên Hiệp Quốc khiển trách án quyết độc đoán
Nhằm mục đích vận động chính phủ Hà Nội phải suy xét lại, cũng như để thông báo cho Việt Nam biết về quyết định bảo trợ của mình, dân biểu Pahlke viết thư cho Đại sứ quán Việt Nam. “Tôi đã yêu cầu Chính phủ Việt Nam hãy trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho ông Bình, cũng như tôn trọng những quy ước tối thiểu của Liên Hiệp Quốc về việc đối xử với tù nhân hay còn gọi là Quy Ước Nelson Mandela”. Không phải chỉ có dân biểu Pahlke nhận định rằng án quyết đối với ông Bình hoàn toàn xuất phát từ động cơ chính trị mà những tổ chức nhân quyền cũng đã lên án toàn bộ quá trình tố tụng, từ cáo trạng cho đến tuyên án và điều kiện giam giữ đã vi phạm những công ước của Liên Hiệp Quốc. Và chính Liên Hiệp Quốc, được đại diện bởi Nhóm Công Tác Chống Giam Giữ Độc Đoán (Working Group on Arbitrary Detention), cũng đã khiển trách việc giam giữ nhà hoạt động Hoàng Đức Bình là độc đoán.
Dân biểu Pahlke yêu cầu Việt Nam phải thực thi những cam kết của mình về nhân quyền, trong đó có sự tôn trọng các quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp như được quy định trong Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị. Trong vai trò là thành viên chính thức của các Ủy ban Âu Châu, Uỷ ban Nội Vụ và Quê Hương, và thành viên dự khuyết của Ủy ban Nhân Quyền của Quốc hội Liên bang Đức, dân biểu Pahlke nhấn mạnh rằng bản án dành cho ông Bình không đáp ứng được những yêu cầu vừa nêu.
Dân biểu Julian Pahlke yêu cầu cải thiện điều kiện giam giữ
Ngoài yêu cầu chủ yếu về việc trao trả tự do vô điều kiện, dân biểu Pahlke còn ưu tiên chú ý đến việc cải thiện điều kiện giam giữ. Theo ông, nhà hoạt động Hoàng Đức Bình cũng như nhiều tù nhân chính trị khác tại Việt Nam đang bị giam giữ tại những nơi cách gia đình thật xa; sự liên lạc giữa họ và người thân bị giới hạn gắt gao. Vì từ chối không mặc quần áo tù theo quy định (của trại giam) nên ông Bình còn chịu thêm nhiều sự đàn áp khác nữa. Mặc dù sức khỏe đã có vấn đề từ lâu, nhưng ông vẫn không được điều trị y tế đúng mức. Cách giam giữ ông phải được xem như là một sự cô lập hoàn toàn.
Gia đình ông Bình rất buồn bực về tình trạng này. Dân biểu Pahlke khẳng định: “Cách đối xử với ông Bình vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc căn bản của một nhà nước pháp quyền”. Bằng thái độ rõ ràng dứt khoát, ông phê phán hệ thống nhà nước Việt Nam luôn dùng mọi cách để đàn áp những người đối lập và hoạt động bảo vệ nhân quyền, cũng như lợi dụng những năm tháng tù để loại bỏ họ (ra khỏi xã hội).
Liên lạc khó khăn
Dân biểu Pahlke cho biết ông rất khó liên lạc với các nhà hoạt động tại Việt Nam. “Việc trao đổi với ông Bình cực kỳ khó khăn và chỉ có thể thực hiện bằng cách gián tiếp”. Ông giải thích thêm rằng các cuộc điện thoại hiếm khi xảy ra và thời gian nói chuyện cũng vô cùng bị giới hạn. Thư từ thường xuyên bị chặn lại. Qua tổ chức nhân quyền Veto!, dân biểu Pahlke có thể liên lạc với gia đình của nhà hoạt động Hoàng Đức Bình và đều đặn nhận được tin tức về tình trạng của ông ấy. Ông cũng nói rằng, hiện nay ông Bình đã biết đến sự bảo trợ của ông. Ngoài ra, ông cũng được Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cập nhật thông tin.
Vị dân biểu xuất thân từ miền ven biển phía Bắc Đức, người từng có mặt trong những hoạt động dân sự nhằm cứu người tị nạn trên biển Địa Trung Hải trong những năm vừa qua, quả quyết rằng ông sẽ kiên trì theo sát vụ này. Đối với những trường hợp như vậy, theo ông, người ta cần phải bền chí như khi phải khoan thủng những tấm gỗ dày cứng. Dân biểu Pahlke xem nhiệm vụ đương nhiên của một đại diện cử tri là tận dụng “vị trí ưu đãi được hưởng tự do và bảo vệ của một dân biểu Quốc Hội Liên Bang Đức” để lên tiếng về những đề tài và cho những trường hợp như vậy, cũng như để yểm trợ những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền như ông Bình.
—————
Nguyên bản tiếng Đức Julian Pahlke hilft vietnamesischem Umweltaktivisten
https://www.bundestag.de/dokumente/textarchiv/2022/kw30-psp-julian-pahlke-903132
Trang của Uỷ Ban Nhân quyền Quốc hội Liên bang Đức xem ngày 03/08/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét