Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

Nông dân thì vẫn bấp bênh

 

Nông dân thì vẫn bấp bênh

KTSG 

Con số kim ngạch xuất khẩu 8 nhóm hàng nông, thủy sản chính tính từ đầu năm đến ngày 15-7-2022, theo công bố của Tổng cục Hải quan, tăng gần 17% so với cùng kỳ cho thấy triển vọng lạc quan về thị trường xuất khẩu đối với ngành nông nghiệp. Ở trong nước, mặt bằng giá nhiều loại nông, thủy sản hàng hóa cũng được duy trì ở mức khá cao so với năm ngoái. Thế nhưng, thu nhập của người nông dân thì không được lạc quan như vậy, thậm chí còn đang trên đà tụt dốc.

Nông dân thì thực trạng lâu nay muôn đời bấp bênh rồi. Được mùa mất giá/ Ba chìm bảy nổi/ Chín lênh đênh, mười ba con nước… Điều quan trọng nhất đối với họ chính là cần có một bộ đệm, một hệ thống lưới an sinh xã hội bền vững, phù hợp với đặc trưng của ngành nghề sản xuất và văn hóa lối sống truyền thống. Trách nhiệm chính phải thuộc về nhà nước, chứ không phải ai khác, bởi nếu nông dân càng bấp bênh hơn thì đất nước càng thêm bất ổn.

Phạm Mỹ

Sứ mệnh của nông dân, trước hết là tự nuôi sống mình. Nhưng dần dần, sứ mệnh đó đã vươn tầm lên để trở thành sứ mệnh của quốc gia, kể cả thời đại, phi nông bất ổn. Tay lấm chân bùn/ bán mặt cho đất/ bán lưng cho trời… nhưng có bao giờ họ kêu ca về chuyện được hưởng thụ những gì được đáng hưởng thụ? Không phải nông dân không hiểu điều này, nhưng khổ một nỗi là họ không hiểu tại sao mình lại bị đối xử như vậy?

Hoàng Sơn

Nếu xếp thứ tự từ cao xuống thấp, thì mức độ bấp bênh là: Nông dân/ Ngư dân/ Lâm dân/ Diêm dân. Nhưng mức độ nghèo khó thì: Diêm dân/ Lâm dân/ Ngư dân/ Nông dân. Minh họa này cho thấy việc tập trung vào cải thiện mức sống vật chất và tinh thần của 4 đối tượng nông lâm ngư diêm này rất cấp bách, phù hợp với từng đối tượng, với những chính sách ổn định và bền vững hơn nữa.

Trung Chính

Hiện nay, giá lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn đang cao hơn cuối năm ngoái khoảng 500 đồng/ki lô gam, nhưng thu nhập của người trồng lúa chẳng những không tăng mà còn giảm mất một nửa (1). Cũng vậy, giá cá tra nguyên liệu hiện đang cao hơn so với cùng kỳ năm ngoài 7.500-8.000 đồng/ki lô gam, nhưng người nuôi cá vẫn chưa thể đạt tới điểm hòa vốn (2). Với người chăn nuôi heo, niềm vui về giá heo hơi tăng trong mấy tuần trước giờ được thay bằng nỗi lo rớt giá, cộng với áp lực do giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới lần thứ sáu tính từ đầu năm – nguy cơ thua lỗ đang ở rất gần (3).

Cuộc khủng hoảng giá năng lượng và lương thực trên toàn cầu, một mặt tạo cơ hội cho ngành nông sản xuất khẩu của Việt Nam, nhưng đồng thời nó cũng làm cho chi phí sản xuất của nông dân tăng vọt. Điều đó cho thấy tình trạng bấp bênh và dễ tổn thương của ngành nông nghiệp lớn đến mức nào.

Mới đây, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tái khẳng định “nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế” và mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là “nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn”.

Vai trò của nông nghiệp đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề bảo đảm an ninh lương thực và ổn định xã hội trong những giai đoạn thế giới xảy ra khủng hoảng, là không có gì phải bàn luận. Tuy nhiên, để nông nghiệp có thể phát huy tốt vai trò trụ đỡ của nền kinh tế thì người nông dân ít nhất là phải sống được trên mảnh đất của mình, chứ không phải sống trong nỗi lo thường trực “nông sản rớt giá” và “chi phí đầu vào tăng” như lâu nay.

Có một điều nghịch lý, đó là dù nông nghiệp, nông dân được khẳng định có vai trò rất quan trọng với nền kinh tế, nhưng đây lại là đối tượng yếu thế nhất trong việc tiếp cận chính sách trợ giúp của Nhà nước, thậm chí chính sách còn bỏ quên họ. Điều này có thể thấy rõ trong cơn bão đại dịch Covid-19 vừa qua và đợt bão chi phí đầu vào hiện nay.

Nghị quyết 19 đưa ra mục tiêu tăng thu nhập bình quân của người dân nông thôn vào năm 2030 gấp 2,5-3 lần so với năm 2020. Đây là một viễn cảnh đẹp đối với người nông dân, nhưng chừng nào Nhà nước chưa tìm ra được biện pháp hữu hiệu để giải tỏa người nông dân khỏi nỗi lo “nông sản rớt giá”, để họ không còn phải canh cánh với hai từ “thua lỗ”, thì mục tiêu này sẽ vẫn chỉ là một giấc mơ.

———-

(1) https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/gia-lua-the-gioi-tang-nong-dan-dbscl-van-chua-vui-post954285.vov  
(2) https://vnexpress.net/gia-ca-tra-tang-nguoi-nuoi-van-lo-4492346.html  
(3) https://laodong.vn/kinh-doanh/gia-thuc-an-chan-nuoi-lai-tang-cao-nong-dan-kho-khan-them-chong-chat-1063856.ldo

Nguồn: Thesaigontimes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét