Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2022

Nhà hát Opera Tây Hồ – Bài toán không khó cho tân chủ tịch Hà Nội

 

Nhà hát Opera Tây Hồ – Bài toán không khó cho tân chủ tịch Hà Nội

Nguyễn Ngọc Chu

14-8-2022

Ông Trần Sỹ Thanh mới về nhận chức Chủ tịch Hà Nội.

Dư luận xã hội đã không ngừng lên tiếng về thất bại nối tiếp của nhiều đời Chủ tịch Hà Nội. Đỉnh điểm của sự thất bại đó là việc vào tù của liên tiếp hai vị Chủ tịch Hà Nội gần đây nhất.

Nhưng sự bỏ tù ông Nguyễn Đức Chung và ông Chu Ngọc Anh không nói lên được là các vị Chủ tịch Hà Nội trước đó mang được nhiều lợi về cho dân Hà Nội hơn ông Chung và ông Anh, hay họ ít tội hơn ông Chung và ông Anh. Ông Chung và ông Anh bị bỏ tù – theo suy nghĩ của không ít người – là “không may” bị khui ra những vụ đưa đến án hình sự.

Tác hại của ông Chung và ông Anh trên cương vị Chủ tịch Hà Nội không chắc gì đã bằng tác hại của các đời Chủ tịch Hà Nội trước đó. Trên cương vị Chủ tịch Hà Nội là phải làm cho Hà Nội phát triển giàu mạnh về kinh tế, đẹp về kiến trúc, hiện đại về giao thông, trong sạch về môi trường… Từ các tiêu chí này, thật đau xót, các đời Chủ tịch Hà Nội đã thay nhau làm cho Hà Nội không phát triển nhanh về kinh tế, làm cho giao thông càng thêm ách tắc, làm cho không khí thêm ô nhiễm, làm cho kiến trúc bị băm nát.

Muốn có một bầu không khí yên lành để cho tân Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh được tĩnh tâm mà đối phó với những vấn đề khó khăn phức tạp của thành phố. Nhưng có rất nhiều vấn đề cần phải được nêu lên để cảnh báo. Đó cũng là cách để giúp cho ông Trần Sỹ Thanh sớm có phương án giải quyết.

HÀ NỘI CÓ CẦN NHÀ HÁT OPERA TÂY HỒ?

1. Trong vòng 20 năm tới, Hà Nội không cần thêm bất cứ một nhà hát Opera nào nữa. Một nhà hát lớn Hà Nội đã quá dư thừa cho Opera. Một năm, tại nhà hát lớn Hà Nội những buổi diễu Oprea đếm được trên đầu ngón tay. Quanh năm suốt tháng là cho thuê sự kiện không phải Opera.

2. Ở Hà Nội còn có nhiều địa điểm lớn đủ đành cho các sự kiện văn hoá lớn mà chưa khai thác hết công suất. Điển hình là Trung tâm Hội nghị Quốc gia với hội trường 3 800 chỗ ngồi, mà đại đa số các ngày trong năm còn bỏ trống. Xây dựng thêm nhà hát Opera là xây dưng thêm một công trình bỏ trống, buộc phải cho thuê làm sự kiện khác. Xây dựng thêm nhà hát Opera là tốn thêm kinh phí hàng ngàn tỷ đồng- dù huy động từ nguồn nào, nhà nước hay tư nhân, ngân sách hay từ thiện – trong khi còn hàng ngàn việc cấp bách hơn đang đợi chờ nguồn vốn.

Nhận xét: “40 năm qua, Hà Nội chưa được bổ sung công trình văn hóa nào quy mô tầm cỡ” là sự hiểu mù loà về công trình văn hoá.

Thế Trung tâm Hội nghị Quốc gia là gì? Thế Nhà Quốc Hội với Hội trường Diên Hồng cùng kinh phí 5.500 tỷ đồng là gì? Đó không phải là công trình văn hoá ư? Hay chỉ dành cho “nhà hát” mới được gọi là công trình văn hoá?

“Văn hoá tinh thần của chúng ta hiện nay đứng trước những thiếu thốn đầy thử thách” không thể “ăn no” bằng nhà hát Opera Tây Hồ – xây lên để cho thuê làm sự kiện, đám cưới, thi sắc đẹp…

3. Vị trí chọn lựa cho nhà hát Opera Tây Hồ hoàn toàn không phù hợp. Không thuận lợi giao thông cho người đi xem biểu diễn và du khách đến thăm quan nhà hát. Dồn thêm người đến và gây thêm ách tắc giao thông cho khu vực Quảng An vốn đã đông đúc, nhất là vào những dịp lễ ở phủ Tây Hồ.

4. Ở Quẩng An đã có phủ Tây Hồ. Việc đưa nhà nhà Opera phương Tây đến sát nách phủ Tây Hồ là sự “đối chọi Tây – Đông” không thuận. Không thuận về bài bố khu vực văn hoá. Không thuận về bố trí khối kiến trúc. Không thuận về phong thuỷ. Không thuận về tâm linh. Không thuận vì đưa phủ Tây Hồ vào tình thế bất lợi. Tại sao phủ Tây Hồ thêm bất lợi thì xin tự lý giải.

5. Mô hình nhà hát Opera Hồ Tây trình ra là một bức hoạ phóng tác để thu hút sự chú ý, mê hoặc người quan sát bằng lạ lẫm, chứ không phải là một thiết kế đã vượt qua một hội đồng chấm thi và thẩm định để thi công xây dựng. Đó là một mô hình minh hoạ. Không ai đảm bảo được đó là một công trình kiến trúc đẹp. Càng không phải là một công trình phù hợp với kiến trúc tổng thể khu vực Hồ Tây.

6.Việc xây dựng một công trình “phóng tác” náo hoạt gồm các vỏ sò nối tiếp nhau trên Đầm Trị cũng là một vi phạm phong thuỷ đối với khu vực Đầm trị vốn chủ về tĩnh tại với bạt ngàn sen ngát hương. Nếu thực sự cần một nhà hát náo hoạt theo kiểu phương Tây thì có nhiều vị trí nơi khác phù hợp hơn ở Hà Nội, chứ không thể phá đi không gian văn hoá tĩnh tại của khu vực Đầm Trị – phủ Tây Hồ.

Dù các điều nêu ra, chưa bao quát hết các bất hợp lý của sự lựa chọn xây dựng nhà hát Opera tại Quảng An, nhưng lại quá dư thừa để loại bỏ nó ra khỏi Quảng An. Đó là chưa nói đến pháp lý và kiến trúc.

Nhưng tại sao vẫn có người đeo đuổi mục tiêu nhà hát Opera ở Quảng An?

Ấy là vì “sứ mệnh” đích thực của nhà hát Opera Tây Hồ.

“SỨ MỆNH” ĐÍCH THỰC CỦA NHÀ HÁT OPERA TÂY HỒ?

Quy hoạch nhát hát Opera Tây Hồ không phải là để dành cho Opera. Mục đích thật của việc đưa vào quy hoạch tại Quảng An một nhà hát nằm ở các điểm sau.

1. Tạo điều kiện để thay đổi quy hoạch Quảng An, hợp thức hoá sự xuất hiện của khu chung cư 58 Tây Hồ, chưa có trong quy hoạch trước đây.

2. Nhà hát Opera là lý do để mở đường giao thông rộng lớn từ đường Âu Cơ đến khu chung cư 58 Tây Hồ, làm gia tăng giá trị bất động sản cho khu chung cư 58 Tây Hồ về mặt thuận lợi giao thông và về bố trí kiến trúc, ga tăng sự thu hút khách hàng.

Không có nhà hát Opera thì không quy hoạch được đường giao thông “hoành tráng” như trong bản vẽ. Nhà hát Opera càng “hoành tráng” thì đường vào cảng phải “hoành tráng”.

3. Trở thành “chủ sở hữu gián tiếp” một khu vực rộng lớn đất đai, bao gồm nhà hát và khu vực xung quanh nhà hát, phục vụ cho mục tiêu khai thác dịch vụ.

Nếu nhà hát Opera Tây Hồ biết được “sứ mệnh ngoài Opera” của nó, thì chắc chắn nó phải tự hào là không có nhà hát Opera nào trên thế giới, từ cổ chí kim, có thể sánh ngang với nó về mặt “sứ mệnh”.

BÀI TOÁN KHÔNG KHÓ CHO TÂN CHỦ TỊCH HÀ NỘI

1. Khu chung cư 58 Tây Hồ đang được xây dựng, dù trong quy hoach trước đây không thấy. Dù đó là một khối nhà làm hỏng kiến trúc khu vực Hồ Tây. Đó là một thực tế.

Dân số phường Quảng An năm 2021 khoảng 10 000 người trên tổng diện tích 3,46km2. Với 1501 căn phòng khách sạn và 846 căn hộ kiểu khách sạn cho thuê, dự báo sẽ có thêm khoảng 5000 cư dân đến sống ở 58 Tây Hồ. Dân số Quảng An sẽ tăng lên 150%. Số lượng xe ô tô thường trực sẽ tăng thêm vài ngàn chiếc. Giao thông sẽ thêm tắc nghẽn. Đó là một thực tế.

2. Dù phường Quảng An hay quận Tây Hồ hay Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội có làm đúng hay sai quy trình, thì người gánh trách nhiệm thành bại cuối cùng vẫn là Chủ tịch Hà Nội. Người hứng chịu hậu quả cuối cùng là nhân dân Hà Nội.

Ở vị trí của Chủ tịch Hà Nội cần có tầm nhìn xa hơn tầm nhìn của phường, quận. Hơn thế nữa là một tầm nhìn sáng láng, trung thực, sòng phẳng. Thực tế là chung cư 58 Tây Hồ đã được xây dựng. Vấn đề giao thông của Quảng An phải giải quyết. Nhưng không cần đến nhà hát Opera. Kẻ quảng đại không nhờ vào điều dấu diếm.

3. Quy hoạch khu vực đường Lê Văn Lương giờ đây đang bị thanh tra. Vấn đề không phải ai có lỗi. Vấn đề là kiến trúc Hà Nội bị băm nát. Vấn đề là giao thông Hà Nội bị tắc nghẽn. Vấn đề là môi trường Hà Nội bị ô nhiễm. Ai có lỗi thì cuối cùng vẫn là người dân Hà Nội đã phải hứng chịu.

Ông tân Chủ tịch Hà Nội đừng để lặp lại một “khu vực Lê Văn Lương mới” ở Quảng An. Giải quyết giao thông ở khu vực Quảng An không đơn giản chỉ mở hành lang rộng đến cả trăm mét như trong bản vẽ từ đường Âu Cơ. Mấu chốt tắc nghẽn giao thông là trên đường Âu Cơ. Miệng phễu rộng 100 mét nà đít phễu rộng 5 mét thì lưu lượng đi qua cũng chỉ 5 mét.

4. Với vị trí Chủ tịch Hà Nội, bài toán không chỉ là Quảng An. Quy hoach Quảng An đẹp không có nghĩa là tự động phù hợp với quy hoạch tổng thể Hồ Tây. Quy hoach Quảng An phải nằm trong quy hoạch Hồ Tây. Cho nên không phải là Quảng An đồng ý, thống nhất, thì Hà Nội đồng ý. Quy hoạch Hồ Tây vô cùng nhức mắt.

5. Chuyên gia thời này cũng có 5,7 loại chuyên gia. Không phải ai mang học hàm học vị cũng có kiến thức. Không phải ai giữ chức vụ cao cũng tin cậy được. Không ít người trong số họ nói theo sức mạnh của quyền lực và đồng tiền. Lãnh đạo phải trên tầm chuyên gia thì mới có cơ ra được quyết định đúng.

6. Nâng cao văn hoá của người dân trước hết là nâng cao mức sống của người dân, nâng cao môi trường sống của người dân, chứ không phải xây nhà hát Opera “tầm cỡ” để thể hiện “đẳng cấp” sáo rỗng.

Nghe hát Opera không quên được cái đói. 10 người thì 9 người không hứng thú khi nghe Opera.

Xuất thân từ vùng quê lao động tần tảo, ông tân Chủ tịch Hà Nội chắc thấm thía nhu cầu bức thiết thực sự của người dân. Nếu ông không quên nguồn gốc, tất sẽ có quyết định đúng cho vấn đề nhà hát Opera Tây Hồ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét