Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2022

Hiệu ứng trái cấm

 

Hiệu ứng trái cấm

Nguyễn Phương Mai

17-8-2022

Trên đời có rất nhiều thứ trở nên hấp dẫn hoặc khiến ta tò mò chỉ vì nó là thứ bị cấm đoán.

Ví dụ, nhiều người cho rằng dân Hà Lan hẳn suốt ngày lờ đờ như con nghiện vì đất nước này cho phép vào quán mua cần sa như thể mua một điếu thuốc. Tuy nhiên cũng như phố đèn đỏ và việc mua dâm được pháp luật công nhận, người Hà Lan không bị nghiện sex hay nghiện cần. Ngược lại, họ có phần lo lắng vì nhiều dân du lịch tới đây chỉ có mục đích thoả mãn trái cấm – thứ mà chính dân bản địa không quá mặn mà, đơn giản vì nó không hề bị cấm.

Những người có thẩm quyền kiểm duyệt văn hoá ở Việt Nam có lẽ nên cẩn trọng hơn với hiệu ứng trái cấm. Vài ví dụ gần đây cho thấy sự cấm cản đôi khi có tác dụng ngược.

Khi một MV của Sơn Tùng bị tuýt còi vì khiến người xem liên tưởng đến tự tử, lượng view tăng đột biến. Khi bức tranh vẽ chiến sĩ phất cờ Điện Biên Phủ bị tuýt còi, hàng triệu người đã tìm đến bức tranh. Và giờ đây, khi những tác phẩm trừu tượng của hoạ sĩ Bùi Chát bị bắt tiêu huỷ, tên anh trở nên nổi tiếng.

Cá nhân tôi không cùng tần số âm nhạc với Sơn Tùng, không thích bức Điện Biên Phủ, và cũng không rung cảm với những bức vẽ trừu tượng của Bùi Chát. Nhưng vì những lệnh cấm liên quan mà tôi cũng như nhiều người, đã dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu.

Lệnh cấm nếu sử dụng tuỳ tiện sẽ chỉ khiến cho người ta chuyển sang super soi chính lệnh cấm, hoặc nghi ngờ và tin vào những lý do không liên quan đến nghệ thuật đằng sau lệnh cấm.

Ví dụ, vì Bùi Chát vốn có một số ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng đó là sự trừng phạt có động cơ chính trị. Lý do triển lãm không có giấy phép (mà trách nhiệm thuộc về nhà tổ chức) không hề tương quan với hình phạt bắt anh phải tiêu huỷ toàn bộ 29 sản phẩm nghệ thuật.

Tệ hơn, nó khiến người ta liên tưởng đến phương cách thống trị kiểu độc đoán thời xưa như đốt sách hay phá huỷ các công trình nghệ thuật (phi) vật thể để tận diệt một tư tưởng bị cho là trái chiều.

Chuyện nào ra chuyện nấy. Thật sự là không cần biến một quả táo trần tục thành trái cấm địa đàng khi nó có khi cũng chỉ là một quả táo.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét