Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2022

Hãy đánh thức lòng trắc ẩn!

 

Hãy đánh thức lòng trắc ẩn!

Nguyễn Tiến Tường

4-8-2022

Cậu học sinh giỏi ở Cà Mau vì ngủ quên mà không làm bài thi tiếng Anh, dẫn tới bị điểm 0 và trượt tốt nghiệp 12, trong khi các môn khác cậu đều đạt điểm khá giỏi.

Giám thị coi thi đã không đánh thức cậu dậy và nói rằng mình làm đúng “quy chế”. Cá nhân tôi nghĩ rằng “quy chế” chỉ là cái cớ để các giám thị làm vỏ bọc cho sự lạnh lùng vô cảm của mình.

Bởi vì ở nơi khác, những thầy cô khác sẽ sẵn sàng lay cậu học sinh đó dậy. Điều này cũng giống như khi đứng trước một vụ tai nạn, có người bỏ đi nhưng cũng có người sẵn sàng giúp đỡ.

Buồn thay, trong một môi trường thanh tao và không hề hiểm nguy như đường phố, lại có một vài cá nhân sẵn sàng trút bỏ lòng trắc ẩn của mình để mưu cầu sự an toàn.

Nếu nghĩ sâu hơn quy chế, nghĩ về một cậu học trò bị chậm lại trước ngưỡng cửa cuộc đời vì một giấc ngủ, họ sẽ hành động khác. Thậm chí, một ca ngủ miên man giữa lúc quan trọng như vậy có thể là một tình trạng cần can thiệp y tế. Và thứ “quy chế” đó rất có thể tước đoạt đi tính mạng của một con người.

Sẽ có nhiều ý kiến nói rằng cậu bé nên “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, nhưng tôi cũng nghĩ rằng áp lực lều chõng là thứ gì đó thật đáng sợ, từ thế hệ chúng ta cho đến nay vẫn không nhiều thay đổi.

Điều đáng buồn nhất là nó làm cho một số đánh đổi lòng trắc ẩn, đánh đổi phẩm hạnh chỉ để mưu cầu sự an toàn cho mình. Nhưng cũng như đã nói, đây là một chuyện cá biệt.

Và để khẳng định nó là hiện tượng cá biệt, tôi nghĩ Cà Mau và Bộ GD nên cho cậu bé được hưởng một môn thi đặc biệt. Vì rằng trong một kỳ thi tốt nghiệp tỷ lệ đậu toàn quốc luôn vượt quá 97%, việc đánh rớt một học sinh giỏi trong nghịch cảnh đó là hoàn toàn không cần thiết. Cho cậu bé thi lại với đề dự phòng, sẽ không ảnh hưởng đến ai.

Điều quan trọng là nó sẽ giúp cho xã hội lưu giữ niềm tin vào giáo dục. Khi xã hội đầy rẫy sự hiểm nguy và vô cảm, chúng ta luôn ngưỡng vọng giáo dục sẽ là “mảnh đất thiêng” cuối cùng cho điều tốt đẹp nảy mầm. Sẽ luôn có ai đó ngủ quên trong chức sự làm người, nhưng giáo dục là để cùng nhau thức tỉnh.

Giáo dục là để cho tình thương và lòng trắc ẩn luôn luôn hiện hữu!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét