Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2022

“Chúng ta đánh giá thấp sự tàn bạo của người Nga”

 

“Chúng ta đánh giá thấp sự tàn bạo của người Nga”

NTV

Phan Ba, dịch

11-8-2022

Chính trị gia chuyên về quốc phòng Marcus Faber của Đảng Tự Do Dân Chủ Đức đi thăm Ukraine một tuần. Trong một cuộc phỏng vấn với trang tin ntv.de, ông nói rằng ông rất ấn tượng trước quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Nga của người dân trên khắp nước. Ông mô tả các hành động tàn bạo của người Nga và lợi ích của vũ khí Đức như pháo tự hành Panzerhaubitze 2000. Nhưng trong số 15 hệ thống pháo tự hành do Đức và Hà Lan cung cấp, chỉ còn một số ít hiện đang được sử dụng.

ntv.de: Thưa ông Faber, ông là chính trị gia Đức đầu tiên có mặt ở Kharkiv kể từ đầu cuộc chiến. Ông thấy thành phố như thế nào?

Marcus Faber: Thật đáng sợ. Đây là một thành phố có quy mô như München (Munich) mà chỉ có khoảng 100.000 người sống ở thời điểm thấp nhất của nó. Bây giờ đã tăng lên khoảng 300.000 đến 400.000, nhưng không ai biết con số chính xác. Giới nghiêm từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng. Hằng ngày, thành phố này bị Nga bắn phá một cách bừa bãi bằng tên lửa. Hằng ngày, hằng đêm, các bệnh viện và khu dân cư bị tấn công bằng bom bi. Người ta nhận biết lần đạn nổ đầu tiên cùng với lúc báo động. Nó không giống như trong Thế chiến thứ hai, khi mà người ta có nửa giờ kể từ khi báo động cho tới khi máy bay ném bom đến. Không còn có cách nào để dân thường tự bảo vệ mình. Tôi phải nói rằng khi hệ thống báo động của một chiếc xe ô tô bị kích hoạt ở bên cạnh chỗ ở của tôi vì áp lực nổ của quả đạn rơi xuống quá gần, thì điều ấy đã ở lại trong ký ức của tôi.

Người dân thì như thế nào?

Ở đó có một sự quyết tâm bình thản, gần như điên rồ. Khi có báo động, không ai xuống hầm hoặc vào nơi trú ẩn nữa vì họ biết rằng không còn đủ thời gian cho đến khi đạn nổ. Tôi đứng trong một khu chợ ở một thị trấn nhỏ khi báo động được phát ra. Không ai bỏ chạy, mọi người vẫn sinh hoạt bình thường. Họ nói sẽ một tên lửa rơi xuống ở đâu đó, nhưng không ai biết ở đâu. Những người tôi gặp đơn giản là chấp nhận thêm rủi ro này trong cuộc sống và cố gắng lạc quan về nó. Họ rất chắc chắn rằng Ukraine sẽ chiến thắng và chấp nhận điều đó. Họ cố gắng tránh những rủi ro không đáng có, không đến những nơi công cộng có thể bị đánh bom thường xuyên hơn. Gần Sloviansk, tôi đã thấy những người nông dân vẫn thu hoạch giữa các vị trí đóng quân của Ukraine, trong khi có đám cháy ở bên phải và bên trái vì đạn pháo của Nga đã đốt cháy các cánh đồng. Các đường hào chiến đấu đang được đào ở trung tâm thành phố Kramatorsk trong khi cách đó 50 mét mọi người đang ngồi trên ghế đá công viên, hút thuốc và nói chuyện với nhau.

Chiến tranh đã để lại những dấu vết gì?

Sự điềm tĩnh đó cũng đi kèm với một sự cay đắng về cách tiến hàng chiến tranh của Nga. Người ta phải gọi đó là khủng bố khi các khu dân cư và bệnh viện bị tấn công. Hoặc khi người ta tấn công hai lần một tòa nhà hành chánh. Lần đầu là để phá hủy nó và sau đó một giờ nữa là để giết các nhân viên cứu hộ.

Ông đã tiếp nhận được những gì trong chuyến đi mà trước đó ông đã không rõ?

Nghị sĩ đối lập Inna Sovsun nói với tôi về việc bà được gọi đến một phiên họp đặc biệt của quốc hội ở Kyiv lúc 7 giờ sáng vào ngày chiến tranh nổ ra. Thiết quân luật được ban bố và sau đó vũ khí được giao cho các dân biểu để bảo vệ thành phố của họ. Tôi cũng mới biết xã hội dân sự đã ủng hộ quân đội một cách quyết tâm như thế nào và ở mức độ nào. Cách mọi người cố gắng mang vật liệu tập trung lại với số lượng lớn, xe tải, máy bay không người lái, xe jeep. Tôi chưa bao giờ trải qua bất cứ điều gì giống như vậy ở bất cứ đâu, tôi đã không thể tưởng tượng ra được.

Nó diễn ra như thế nào?

Ví dụ như tôi đã thăm Quỹ Pyrtula, tổ chức quyên góp tiền và sau đó cố gắng mua các máy bay không người lái nhỏ trên khắp châu Âu và thế giới để giao cho lực lượng vũ trang của họ. Họ cũng vừa mua thành công những chiếc xe jeep cũ của Pháp và đưa sang Ukraine. Có khá nhiều quỹ và tổ chức tình nguyện này. Điều này đã giúp cho công tác hậu cần và trinh sát của người Ukraine tốt lên hơn nhiều. Ở Kramatorsk và Sloviansk, tôi thấy tầm quan trọng của việc Mỹ cung cấp cho bệ phóng tên lửa HIMARS, giá trị mà pháo tự hành Panzerhaubitzen 2000 của Đức đã cung cấp. Người Ukraine chắc chắn rằng nếu không có chúng, họ sẽ không còn đứng ở vị trí hiện tại mà thay vào đó là Dnepr. Và tất nhiên, người ta cũng đi đế một kết luận theo chiều ngược lại rằng họ có thể đẩy bật người Nga thối lui nếu chúng ta giúp đỡ nhiều hơn nữa.

Có báo cáo rằng một số pháo tự hành của Đức đã bị hỏng và hao mòn. Ông có nghe nói gì về điều này hay không?

Tôi được biết từ Bộ Quốc phòng rằng 5 trong số 15 chiếc pháo tự hành vẫn đang hoạt động ở đó.

Năm trong số mười lăm chiếc?

Đúng vậy. Chúng được sử dụng ở cường độ cao. Vì vậy mà phụ tùng thay thế là cần thiết. Mặc dù phụ tùng đã được cung cấp, nhưng rõ ràng là không phải lúc nào cũng đúng thứ đang cần. Không phải lúc nào cũng có đủ phụ tùng thay thế. Đối với những sửa chữa lớn hơn, người ta cũng cần có xưởng phù hợp với nó. Ở mặt trận thì điều đó không phải lúc nào cũng đơn giản. Người Ukraine lạc quan rằng họ có thể nâng cao con số hoạt động trở lại. Nhưng họ cũng nói rằng họ cần cơ sở sửa chữa của riêng họ ở Ukraine. Nếu không, họ sẽ phải đưa những chiếc pháo tự hành đó ra khỏi đất nước một lần nữa. Hiện tại họ chỉ có thể tự thực hiện những sửa chữa nhỏ. Không có chiếc nào bị phá hủy bởi hỏa lực của Nga.

Pháo tự hành và bệ phóng tên lửa HIMARS của Mỹ đã có tác động lớn, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu những hệ thống pháo phương Tây này có lật ngược được tình thế chiến tranh hay không.

Bệ phóng tên lửa thực sự đã tạo ra sự khác biệt. Các khu vực bị chiếm đóng ở phía nam gần Cherson hiện có thể được tái chiếm là kết quả từ đó. Mặt khác, người Nga vẫn đang tiến lên ở vùng Donbass. Khi tôi ở đó hai ngày trước đây, họ đang tiến về Bakhmut. Ở đó, người Ukraine vẫn còn rất khó khăn để giữ vững vị trí của họ. Tức là: Có, các hệ thống này tạo ra sự khác biệt, nhưng đơn giản là cần nhiều hơn, và cũng cần nhiều đạn dược hơn. Đây là một điểm rất quan trọng. Chúng ta sẽ có một hội nghị tại Copenhagen vào ngày 11 tháng 8, nơi các quốc gia ủng hộ Ukraine sẽ gặp nhau. Chủ đề ở đó phải là: Các gói tiếp tế tiếp theo là gì? Làm thế nào để chúng ta vượt qua được mùa thu và mùa đông? Đó là về sản xuất đạn dược. Đối với tôi, điều này cho đến bây giờ dường như không được quan tâm đến nhiều cho lắm.

Những người Ukraine trao đổi với ông nói gì về việc giao vũ khí của Đức?

Trước hết họ nói cảm ơn vì những gì đã đến với họ. Nhưng họ cũng đã nói rõ rằng họ cần nhiều hơn thế. Với chiến tuyến dài 1000 km, thật là tuyệt khi chúng ta giao đi 10 trong số 119 xe pháo tự hành của mình. 30 sẽ tốt hơn. Chính Ukraine cũng đã đặt hàng 100 chiếc xe pháo tự hành, nhưng chúng có sớm nhất là vào cuối năm sau. Bây giờ người ta không thể cung cấp nhiều hơn cho Ukraine và sau đó bổ sung vào cơ số của riêng mình từ đơn đặt hàng của Ukraine hay sao? Điều này sẽ làm cho việc ra chiến trường tiến triển nhanh hơn. Đó cũng là về các loại xe bọc thép phục vụ hậu cần và vận chuyển quân đội, và về xe tăng chiến đấu, điểm mà Ukraine thua kém rất nhiều. Nếu muốn lấy lại các vùng đã bị chiếm đóng và chấm dứt tội ác chiến tranh, đơn giản là cần phải có xe tăng.

Có phải vấn đề cũng gồm cả loại Leopard 1 cũ hay không? Vẫn còn hàng chục chiếc như vậy nằm trên một sân bãi được trích dẫn nhiều của ngành công nghiệp vũ khí. Một số người nói rằng dẫu sao thì chúng cũng thua kém xe tăng Nga một cách vô vọng.

Nếu nhìn vào những gì người Nga đang tung ra, tức là tất cả những gì còn sót lại, thì Leopard 1 vẫn ngang ngửa với rất nhiều xe tăng loại cũ của Liên Xô. Người Ukraine nói rằng họ muốn có Leopard 2 hơn, nhưng có xe tăng còn hơn là không có xe tăng.

Ở Đức, người ta chủ yếu tìm hiểu về cuộc chiến từ các phương tiện truyền thông. Nhưng khi ở đó, người ta sẽ nhận được nhiều ấn tượng trực tiếp hơn. Có điều gì đó còn chưa được hiểu đúng ở Đức không?

Tôi tin rằng đó thực sự là sự tàn bạo của phía Nga. Họ cố phá vỡ ý chí của người dân thường, đe dọa họ, khủng bố họ như thế nào. Việc phía Nga thực sự mất hết mọi nhân tính ở đây, điều đó đã không thực sự đến được với chúng ta. Chúng ta đang nói về một cuộc chiến, và điều đó là đúng. Nhưng việc đánh bom có chủ đích vào các khu chung cư và công viên không chỉ xảy ra một lần. Người ta nhìn thấy những chiếc ô tô bị cháy ở Kyiv với dòng chữ “Trẻ con” ở trên đó. Người Ukraine nói họ có ấn tượng rằng chính vì vậy mà người Nga đã bắn vào đó nhiều hơn.

Người Ukraine có thể cầm cự được bao lâu nữa?

Người ta phải hiểu rằng: Người Ukraine đang tức giận. Họ thực sự quyết tâm chiến đấu đến cùng và bảo vệ tổ quốc của họ. Mọi hành động khủng bố của Nga càng khiến họ quyết tâm hơn. Họ biết rằng sẽ mất nhiều thời gian và cũng rất biết ơn cho sự giúp đỡ. Nhưng những cuộc tranh luận triết học, giống như những cuộc tranh luận mà đôi khi chúng ta có ở Đức, không liên quan gì đến thực tế.

Ý ông là suy nghĩ về một cuộc đình chiến sắp xảy ra?

Vào năm 2015, người Ukraine đã trải qua những gì sẽ xảy ra khi đàm phán về một lệnh ngừng bắn không được giữ đúng. Nó chỉ tạo cơ hội cho người Nga chuẩn bị một cuộc tấn công mới. Họ đã phạm sai lầm đó một lần, họ sẽ không mắc phải sai lầm đó lần thứ hai.

Volker Petersen trao đổi với Marcus Faber

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét