Việt Nam đang tốt lên hay xấu đi?
Jackhammer Nguyễn
Hai bài sát nhau trên Tiếng Dân có thể cho người đọc nghĩ rằng có sự mâu thuẫn.
Bài của ông Nguyễn Ngọc Chu: “Sự thua và lối thoát”, nêu tình trạng kinh tế Việt Nam đang ở mức thấp kém trên thế giới và không có công nghệ. Viễn cảnh của nền kinh tế như vậy, chắc chắn là không sáng sủa.
Bài thứ hai của ông Huy Đức: “Lối rẽ của một nền kinh tế” và tầm vóc của một con người, kể lại chuyện nhà đàm phán thương mại Việt Nam, ông Nguyễn Đình Lương đã thành công trong việc đàm phán với Mỹ để mở lối cho hàng hóa Việt Nam xuất cảng vào thị trường tiêu thụ lớn nhất toàn cầu này. Việc này đã kéo theo sự thay đổi của kinh tế Việt Nam, theo hướng tốt hơn rất nhiều, ở mức mà tác giả dùng từ: lối rẽ.
Bài nào đúng? Tôi cho là cả hai đều đúng.
Đây chỉ là một trong vô vàn ví dụ mà chúng ta có thể lấy ra để so sánh những quan điểm, thông tin trái ngược hẳn nhau về Việt Nam trong những năm gần đây. Một chiều là những phân tích, thông tin bi quan cho tương lai Việt Nam, đôi khi đi đến thái cực là cái gì cũng xấu; chiều kia thì quá lạc quan, đôi khi đi đến sự tô hồng rạng rỡ.
Chiều thứ nhất thường đến từ hải ngoại, qua không gian mạng xã hội của giới bất đồng chính kiến (ý kiến của giới này giảm hẳn trong thời gian gần đây vì nhiều người bị nhà cầm quyền, đàn áp, bắt bớ). Chiều thứ hai đến từ các nhà quan sát nước ngoài, hoặc từ các quan chức lãnh đạo, các chuyên gia trong nước, thông qua báo chí “lề đảng”, kiểu như: ‘Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam’.
Công bằng mà nói, báo chí trong nước cũng có nhiều ý kiến phê phán, chỉ trích, dự báo những kịch bản xấu cho Việt Nam, những bài này đôi khi còn thuyết phục hơn, chỉ trích hơn các nguồn bên ngoài như BBC, RFA, VOA…
Một ví dụ rất thú vị trong thời gian gần đây là chuyện anh du học sinh bên Úc chà đạp lên cờ vàng và mạ lỵ cộng đồng hải ngoại. Báo chí tiếng Việt hải ngoại, các tiếng nói bất đồng thông qua mạng xã hội, cũng như các trang mạng ủng hộ đảng Cộng sản Việt Nam… có hàng chục bài về câu chuyện này (kể cả người viết bài này cũng góp một bài trên Tiếng Dân), trong khi báo chí trong nước gần như im lặng tuyệt đối.
Trong lĩnh vực địa chính trị, các bài phân tích, bình luận từ hải ngoại, hoặc từ các trang mạng bất đồng chính kiến… đưa ra hình ảnh thân Trung Quốc của chính quyền Việt Nam, thậm chí đi đến chuyện cực đoan mang đậm màu sắc thuyết âm mưu như chuyện hội nghị Thành Đô, trong đó dự báo Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc vào năm 2020. Ngược lại, báo chí “lề đảng” lại đưa tin và hoan nghênh những phản ứng mạnh mẽ của quân đội Việt Nam chống Trung Quốc ngoài Biển Đông.
Sự phiến diện thông tin như trên là điều rất dễ hiểu trong tình trạng chia cắt về không gian địa lý, lối sống và nhất là về mặt chính trị… giữa gần 100 triệu dân trong nước và vài triệu người Việt hải ngoại. Sự phân cách này đưa đến những cực đoan đáng ngạc nhiên trong thời đại thông tin internet hiện nay.
Đối với một số người ở hải ngoại thì Việt Nam Cộng sản yếu lắm rồi, sắp sụp đổ tới nơi rồi, trong khi thực tế là sản phẩm từ Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trong các chợ châu Á tại các khu người Việt ở Mỹ. Đối với mạng xã hội ủng hộ đảng CSVN, thì người Việt nào ở Mỹ cũng đầu tắt mặt tối, bận đi làm nail kiếm cơm, bị coi thường trong xã hội mà họ đang sống. Nhưng trên thực tế, ngày càng có nhiều chính trị gia, khoa học gia, giới khoa bảng… người Mỹ gốc Việt.
***
Thiết nghĩ, thực tế Việt Nam diễn ra như sau: Việt Nam là một quốc gia đang thay đổi, từ một nước nông nghiệp sang một nước gia công và chế tạo. Hàng triệu nông dân đang bỏ quê lên phố kiếm cuộc sống mới. Vào năm 1975 có đến 80-90% người Việt sống ở nông thôn, con số này hiện nay chỉ còn là 60%.
Trong tình cảnh như vậy sự phát triển kinh tế là có thật như trong phân tích của nhà quan sát người Mỹ David Dapice, hồi năm 2017.
Bên cạnh đó, có nhiều người bỏ ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội, bằng phương tiện bất hợp pháp (vụ 39 người chết trong thùng xe đông lạnh ở Anh năm 2019), hay hợp pháp (đoàn tụ gia đình, du học). Những người này ra đi vì nhiều lý do: Mưu sinh, tị nạn giáo dục, không chịu được sự áp bức về tinh thần,… Đây là một thực tế chứng minh rằng, không phải người Việt Nam nào cũng hài lòng về cái gọi là phát triển hiện nay.
Trong ngoại giao, địa chính trị, việc quan hệ khắng khít giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc là có thật, không thiếu các bài báo tâng bốc nhau của hai bên, sau các chuyến thăm qua lại của các viên chức đảng. Bên cạnh đó, sự kháng cự của Việt Nam chống lại sự bành trướng của Trung Quốc cũng có thật. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á quyết định không quan tâm đến công nghê 5G của Hoa Vi, và cũng không bị chiến dịch ngoại giao vaccine Covid-19 của Bắc Kinh lung lạc, đến nay chỉ quan tâm đến vaccine AstraZeneca, Pfizer, Sputnik V của phương Tây và Nga.
Với cái nhìn hai chiều như vậy, có thể thấy rằng hai ông Huy Đức và Nguyễn Ngọc Chu đều đúng. Bài viết về “lối rẽ” của ông Huy Đức cho thấy một trong những nguyên nhân của sự phát triển hiện nay ở Việt Nam là mở được thị trường Hoa Kỳ, người đọc sẽ thấy là, cứ theo “lối rẽ” ấy mà đi thì sẽ có tương lai tốt đẹp. Bài của ông Nguyễn Ngọc Chu cho thấy, là phải liên tục thay đổi thì mới thoát được sự bế tắt. Hai bài không có gì mâu thuẫn nhau.
Cuộc sống đôi khi không chỉ có hai màu trắng và đen, mà còn có màu xám và những gam màu khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét