Ngày 30/04/1975 có ngăn được Việt Nam không trở thành một dạng Bắc Hàn?
Thục Quyên
29-4-2021
Tỏ thái độ bằng biểu tình
Hai năm sau những cuộc biểu tình của vài trăm ngàn người trên các đường phố Nhật Bản và Philippines chống chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc (1) thì “Cách mạng Ô dù” (2) cũng nổi lên ở Hồng Kông năm 2014 với những cuộc biểu tình, những hành động như trưng cầu dân ý trên mạng đòi hỏi quyền dân chủ thực thụ, với hàng trăm ngàn người dân già trẻ lớn bé thuộc mọi tầng lớp tham dự, để chống lại nguy cơ vùng đất của mình bị nhà cầm quyền Trung Cộng nuốt trọn.
Trong khi đó 91,7 triệu dân Việt Nam từ Bắc chí Nam chỉ có được một số cuộc biểu tình lẻ tẻ vài chục người dám xuống đường tỏ thái độ bằng vài cái biểu ngữ, hô to vài câu chống đối, cách xa toà đại sứ Trung Quốc vài trăm thước mà vẫn phập phồng bị đánh, đạp vào mặt, hay ăn mưa dùi cui. Cuộc biểu tình của các công nhân tại Bình Dương là cuộc biểu tình duy nhất được cho là lên tới gần 10.000 người thì trở thành bạo động và bị nghi là có sự nhúng tay của những đặc vụ Trung Quốc gây ra biến loạn, cướp bóc, để lấy cớ có thái độ với Việt Nam (3).
Thức tỉnh chính trị và sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp dân chúng
Năm 2019 bắt đầu làn sóng biểu tình thứ hai tại Hong Kong còn gọi là “Phong trào chống sửa đổi dự luật dẫn độ” (4). Nhưng “Dự luật dẫn độ” chỉ là nguyên nhân trực tiếp, trong khi nguyên nhân cơ bản theo khảo sát của Đại học Hồng Kông là do càng ngày càng ít thanh niên Hồng Kông tự nhận mình là người Trung Quốc, do luật pháp, xã hội và văn hóa có quá nhiều sự khác biệt giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
Ngoài ra “Cách mạng Ô dù” tuy cuối cùng không thay đổi được giới cầm quyền nhưng là nguồn cảm hứng và sự thức tỉnh chính trị cho mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội. Khi Trung Cộng không tuân thủ cam kết, rằng cho tới năm 2047 sẽ không can dự vào nền dân chủ và tự trị của Hồng Kông, thì những cuộc “Biểu tình của người cao tuổi” hay ” Biểu tình của các bà mẹ” cho thấy, một nền dân chủ Hồng Kông lâu đời không thể dễ dàng khuất phục trước “mẫu quốc”. Sự đồng lòng nhất trí của dân Hồng Kông đã mạnh tới mức các chính phủ Mỹ và Âu châu đã phải tiếp cậu sinh viên Joshua Wong, một trong những người nổi tiếng của phong trào, trong khi những chính phủ này đã nhiều lần né tránh tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma hay cả Tổng thống Đài Loan.
Miến Điện, một quốc gia nhỏ bé khác, mới được hưởng một nền dân chủ tương đối và ngắn ngủi trong vòng 10 năm, nhưng từ đầu tháng 2/2021 cũng đã có một làn sóng biểu tình vũ bão và kiên định của người dân, chống lại chính quyền quân phiệt, đã đảo chính bắt giam một số người của chính phủ dân sự (5).
Cho tới nay, mặc dù gần 800 người dân Miến Điện đã bị bắn chết, những cuộc biểu tình vẫn tiếp tục. Dân lao động, nhà tu, giới y tế, sinh viên học sinh, phụ huynh… đang vẫn bền bỉ biểu tình đấu tranh bảo vệ nền dân chủ mong manh của họ và tố cáo ảnh hưởng của Trung Cộng trên nhóm quân đội đang cầm quyền. Sự bền bỉ tranh đấu của người dân khiến thế giới phải lên tiếng và Mỹ đã cấm vận các doanh nghiệp Miến Điện để cắt nguồn tài chánh của lãnh đạo phe quân sự.
Bắc Hàn và Việt Nam, hai quốc gia yên ắng
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Hàn) và Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là hai quốc gia chỉ có một đảng cầm quyền hoạt động và đảng cầm quyền này chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Cộng. Về địa lý, cả hai quốc gia đều giáp ranh với Trung Hoa.
Bắc Hàn là một quốc gia cô lập, thường được cho là bí ẩn vì các số liệu thường được đưa ra chỉ dựa trên ước đoán. Bắc Hàn dựa phần lớn trên sự tự cung tự cấp, một phần nhận viện trợ của Trung Hoa và một phần nhỏ viện trợ nhân đạo từ quốc tế. Chính quyền kiểm soát chặt người dân và con số ít ỏi dân chúng được phép tiếp xúc với bên ngoài thì bị quản lý sát sao, không được lên tiếng.
Việt Nam trái lại, tuy kiểm soát chặt chẽ người dân nhưng mở rộng giao thiệp với toàn thế giới và biết cách xin viện trợ nước ngoài. Viện trợ quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong ngân sách nhà nước, song vai trò này cũng đang có xu hướng giảm dần. Dân chúng tiếp xúc bên ngoài dễ dàng nếu không bị chính quyền xếp vào loại có tư tưởng không tùng phục họ.
Hoàn toàn không có tiếng nói tranh đấu cho dân chủ tại Bắc Hàn, ngoại trừ lẻ tẻ từ những người dân đã trốn được qua Nam Hàn tỵ nạn. Còn Việt Nam thì được biết tới như một thiên đường du lịch, người dân vui vẻ, không than vãn, ngoại trừ con số vài trăm người bất đồng chính kiến thì đã nối tiếp nhau bị bắt và đang lãnh những án tù nặng nề.
Bao giờ dân chủ là một nhu cầu?
Sau ngày 30/04/1975, sự gặp gỡ trực tiếp của người dân hai miền Nam – Bắc Việt Nam đã xoá bỏ những tuyên truyền láo khoét về một miền Nam đói khát bị Mỹ xâm chiếm. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã khiến câu “tư bản giãy chết” biến mất. Sự trù phú của miền Nam được tải ra xây dựng miền Bắc, còn ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ thì chưa được đáng giá.
Khách đến Việt Nam ngày nay thấy nhiều nhà cao cửa rộng, xe chạy chật đường hơn xưa. Nhưng đa số người Việt Nam có vẻ không có cái nhu cầu dân chủ của người Miến Điện hay người Hồng Kông.
Hay là họ có, nhưng 20 năm chiến tranh đã làm họ mệt mỏi, xuôi xị chấp nhận chút đầy đủ vật chất, nhắm mắt với tương lai? Và Đảng Cộng sản Việt Nam có thể hy vọng người Việt sẽ ngoan ngoãn như người dân Bắc Hàn, không cần dự phần tự quyết cho tương lai của mình và con cháu mình?
______
(1) https://vietbao.com/a221363/giac-da-vao-nha-bay-gio-ai-ra-danh
(2) https://vi.wikipedia.org/wiki/Phong_tr%C3%A0o_%C3%94_d%C3%B9
(3) Biểu tình phản đối Trung Quốc tại Việt Nam 2014 – Wikipedia tiếng Việt
(5) https://vi.wikipedia.org/wiki/Bi%E1%BB%83u_t%C3%ACnh_Myanmar_2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét