'Nạn nhân' của tổng thầu Trung Quốc
Khốn nạn cho nền kinh tế Việt Nam trước một láng giềng khốn nạn!
BVN
(KTSG) - 19 người đã phải ra trước vành móng ngựa do sai phạm trong dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Trong vụ án này, cái tên tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC), đơn vị tổng thầu của dự án, được nhắc đến như nút thắt chính đưa những người này vào vòng lao lý.
Toàn cảnh dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: TTO
Ngày 12-7-2007, Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) ký hợp đồng giao cho MCC làm tổng thầu dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Nếu MCC giữ chữ tín, tuân thủ giá cả trong hợp đồng và bàn giao công trình cho Tisco đúng thời hạn sau 30 tháng, chắc hẳn nhà máy đã không trở thành đống sắt phế liệu như hiện nay và 19 con người kia có thể đã không phải đối mặt với tù tội.
Tại phiên tòa diễn ra ngày 13-4, ông Mai Văn Tinh, cựu Chủ tịch Tổng công ty Thép Việt Nam, công ty mẹ của Tisco, đã không trả lời câu hỏi của thẩm phán “có bao giờ có tư tưởng nể nang nhà thầu Trung Quốc không?”.
Thái độ im lặng này có thể là do ông Tinh và thuộc cấp có liên quan đã lỡ “cắn câu” của MCC và đành để cho nhà thầu mặc sức sai khiến mà không dám nói ra. Nhưng cũng có thể là do ông nhận thấy vị thế của mình quá lép vế trước nhà thầu Trung Quốc, có cứng rắn cũng vô ích nên buộc phải làm theo ý họ.
Gang thép Thái Nguyên không phải là cái tên duy nhất phải khốn đốn vì tổng thầu Trung Quốc, mà có cả chục cái tên khác cũng đã và đang phải “ngậm đắng nuốt cay”.
Vấn đề đặt ra ở đây là nhà thầu Trung Quốc vốn đã có rất nhiều tai tiếng, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác, nhưng sao họ vẫn dễ dàng có được nhiều hợp đồng tổng thầu ở Việt Nam?
Trước hết, với các dự án có mời thầu quốc tế, Việt Nam hầu như không có lý do gì để không cho nhà thầu Trung Quốc tham gia. Nhà thầu Trung Quốc thì vốn nổi tiếng với chiêu bỏ giá thấp đến mức khó tin, nên nếu ham giá rẻ thì sẽ dễ sập bẫy.
Thứ hai, với những dự án đầu tư bằng vốn vay ưu đãi của Trung Quốc thì hiển nhiên phải chọn một công ty Trung Quốc làm tổng thầu. Với một đối tác vốn đã mang tiếng không tốt trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế, lại còn giữ vai trò là người cấp vốn cho dự án, thì việc họ không coi trọng những nội dung đã cam kết trong hợp đồng là điều dễ hiểu
Nhưng yếu tố thứ ba mới đáng để suy nghĩ. Phát biểu tại một hội thảo bàn về nguồn vốn từ Trung Quốc diễn ra vào cuối tháng 7-2019, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng (trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nói rằng: “Trung Quốc có chiến lược đặc thù, tận dụng kiểu làm việc của một số đối tác Việt Nam là thích đi đêm; đặt cược trước được bao nhiêu phần trăm của hợp đồng” nên đa số dự án Trung Quốc thắng thầu”(1).
Không khó để nhận ra những dự án bị “mắc kẹt” kéo dài với tổng thầu Trung Quốc hầu hết là thuộc khu vực nhà nước. Trong khi đó, khu vực tư nhân cũng làm việc với nhà thầu Trung Quốc không ít, nhưng không mấy ai phải trả giá như chủ đầu tư nhà nước.
Sự khác biệt này chỉ có thể lý giải là các ông chủ tư nhân đầu tư bằng tiền mồ hôi nước mắt của mình, nên họ không có nhu cầu “đi đêm”, không “đặt cược trước được bao nhiêu phần trăm của hợp đồng”, nên tổng thầu của họ, dù là đến từ đâu, cũng không thể mặc sức thao túng được.
(1) https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/hop-dong-epc-tu-trung-quoc-hang-loat-bat-on-lam-meo-mo-du-an-554711.html
Nguồn: Kinh tế Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét