Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

“Một xã hội bất ổn” qua sự việc VinFast tố cáo khách hàng ra công an

 

“Một xã hội bất ổn” qua sự việc VinFast tố cáo khách hàng ra công an

Cao Nguyên

“… Nhờ cậy vào công an có lẽ vì hai lý do. Một là người ta nghĩ rằng công an có thể làm mọi chuyện, kể cả những chuyện không thuộc thẩm quyền của họ. Đó là nhận thức rất kém, sai lệch.

Thứ hai, về mặt tham nhũng mà nói thì có những người người ta nghĩ là có thể dùng tiền sẽ sai bảo được công an.”

TS Hà Hoàng Hợp

“Một xã hội bất ổn” qua sự việc VinFast tố cáo khách hàng ra công an

Hình minh hoạ. Xe hơi của VinFast trên đường phố Hải Phòng hôm 22/4/2021. Reuters

Tuần này, vụ việc hãng sản xuất ô tô VinFast ở Việt Nam tố cáo khách hàng than phiền về sản phẩm của hãng ra công an với lý do đăng tải những bình luận không tốt về chất lượng của xe hơi VinFast lên kênh YouTube cá nhân, đã tạo ra rất nhiều ý kiến trái chiều.

Một Tiến sỹ luật nhận định với RFA rằng việc công an nhúng tay ngày càng nhiều vào các bất đồng dân sự cho thấy xã hội Việt Nam ngày càng “bất ổn”.

Vụ việc khởi đầu khi chủ kênh YouTube GogoTV, ông Trần Văn Hoàng, hồi cuối tháng Tư đăng tải một video chỉ ra các lỗi của chiếc Lux A 2.0 mà mình đã mua gần 1 tỷ đồng của hãng VinFast.

Vào ngày 2/5, VinFast tuyên bố trên Fanpage đã gởi đơn tố cáo ông Hoàng do đăng thông tin “không đúng sự thật”, gây thiệt hại về “uy tín và vật chất” cho thương hiệu VinFast. Đồng thời hãng này cho biết cơ quan công an đã tiếp nhận đơn tố cáo và có lịch mời YouTuber Trần Văn Hoàng lên làm việc.

Ngày 5/5, ông Hoàng thông báo trên kênh YouTube của mình rằng đã nhờ Luật sư bảo vệ quyền lợi của mình. Ông nói trên video rằng:

Nhận thấy đây là vấn đề mang tính pháp lý nhưng mình chỉ là bên người tiêu dùng đang thắc mắc với bên bán hàng, nhà sản xuất mà không nhận được câu trả lời mà chỉ nhận đơn tố cáo nên mình cần có một tổ chức am hiểu về pháp luật để đứng ra bảo vệ cho người tiêu dùng như mình”

Kết thúc video, chủ kênh YouTube GoGo TV chia sẻ ông mong muốn hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung và sự việc kết thúc sớm nhất có thể.

Làn sóng tranh cãi

Giải quyết vấn đề bằng cách “báo công an” của hãng ô tô VinFast tạo nên một làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan điểm của mình về vụ việc này. Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói với RFA từ Hà Nội rằng cách giải quyết vấn đề của VinFast cho thấy nhận thức của doanh nghiệp này rất yếu kém, sai lệch:

Tốt nhất là VinFast nên gặp người ta. Hai bên cùng giải quyết cho êm đẹp. Nếu xe hư hỏng thì sửa cho người ta. Nhưng mà bây giờ lại báo công an thì nó không hay một tí nào cả. Nó sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như hình ảnh của công ty VinFast. Có thể nói là nhận thức của doanh nghiệp này rất thấp.

Nhờ cậy vào công an có lẽ vì hai lý do. Một là người ta nghĩ rằng công an có thể làm mọi chuyện, kể cả những chuyện không thuộc thẩm quyền của họ. Đó là nhận thức rất kém, sai lệch.

Thứ hai, về mặt tham nhũng mà nói thì có những người người ta nghĩ là có thể dùng tiền sẽ sai bảo được công an.”

tranvanhoangvinfast.png

Hình chụp màn hình: Anh Trần Văn Hoàng bên cạnh chiếc xe VinFast của mình

Từ Hoa Kỳ, Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ nhận định hành động báo công an cho thấy VinFast muốn ém nhẹm những lỗi của chiếc xe. Việc đó có thể gây nguy hiểm cho tình mạng của cả cộng đồng sử dụng xe của hãng này:

Bất kỳ ai, mà đặc biệt trong trường hợp này là người tiêu dùng đều có quyền đưa ra công luận những lỗi của sản phẩm mà mình mua, để từ đó hoặc là nhà sản xuất phải bồi thường hoặc phải sửa ngay những cái lỗi đó, để đảm bảo cho cả một cộng đồng người tiêu dùng.

Vấn đề thứ hai, không những không cảm ơn người đã phát hiện ra lỗi, mà còn báo công an, tức là VinFast đã có hành vi hình sự hóa của việc dân sự. Cái chuyện đó về mặt đạo đức của nhà sản xuất là rất đáng chê trách.

Thứ ba, thậm chí tôi còn thấy trong việc VinFast báo công an để mà mà dập tắt tiếng nói của người phát hiện ra các lỗi thì nó còn có dấu hiệu hình sự. Tức là VinFast đã cố tình gây thiệt hại cho khách hàng bằng cách ém nhẹm những cái lỗi xe do VinFast sản xuất.

Một sản phẩm bình thường thì có thể có lỗi mà không gây nguy hiểm cho tính mạng con người. Trong khi cái xe, nếu có lỗi thì không những gây nguy hiểm cho tính mạng của người trực tiếp lái xe mà thậm chí là cho những người cùng đi xe. Nên cái việc mà VinFast tìm cách ém nhẹm, báo công an là một hành vi tôi kết luận là tội ác.”

Trên Fanpage Đài Á châu Tự do, tin tức về sự kiện này thu hút gần 1.200 bình luận, ý kiến của độc giả. RFA xin trích đăng một số quan điểm như sau:

Độc giả Rikki: “Chưa từng thấy luôn. Khách hàng khiếu nại thì trước tiên là trả lời và kiểm tra lại sản phẩm của mình, chứ đâu ra kiểu kiện ngược khách vậy! Xin lỗi chưa cần biết ai đúng ai sai nhưng VinFast đã mất một lượng khách hàng lớn rồi đó! Chả ai muốn bỏ tiền ra mua đồ để rồi khi có thắc mắc, khiếu nại lại phải lên hầu toà.”

Độc giả Hoa Nguyễn: “Ở nước ngoài chỉ cần nghe loại xe của họ có vấn đề là ngay lập tức cho điều tra và thu hồi sửa chữa tất cả cho khách hàng miễn phí, mà còn xin lỗi. Sao ở Việt Nam ngộ vậy, từ người khách hàng trở thành tội phạm.

Độc giả Phạm Văn Hải: “Nếu Hoàng đưa tin đúng sự thật thì không sợ. Có thể kiện ngược lại VinFast vì xe và dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng xấu đến quyền lợi khách hàng.”

Độc giả Võ Thịnh: “Người tiêu dùng ngày nay cũng khôn ra rồi. VinFast nên giải quyết cho khéo để thương hiệu Việt vươn ra thế giới. Đừng để cộng đồng mạng và cũng là người tiêu dùng phản ứng mạnh thì tương lai sẽ mệt hơn”

Độc giả Nguyễn Công Hoa: “Đây là vụ việc dân sự mà sao lại có dính công an vô đây!”

Cơ sở pháp lý

Một thạc sỹ từng học Đại học Luật ở Việt Nam, yêu cầu không nêu tên vì lý do an toàn, cho biết xét về cơ sở pháp lý, VinFast hoàn toàn có quyền tố cáo ra công an nếu thấy ông Hoàng cố tình đăng thông tin sai sự thật, gây hậu quả cho doanh nghiệp của mình:

“VinFast có quyền tố giác tội phạm mà. Nó có cơ sở nếu có bằng chứng cụ thể là người dùng cố tình đăng thông tin sai sự thật và có hậu quả xảy ra, theo điều 156 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Nói chung là phải có chứng cứ về tính cố ý và về hậu quả. Mà nếu có bằng chứng chứng minh người dùng cố tình nói sai để tạo dư luận rồi gây thiệt hại cho Vin thì Vin nhờ công an là không sai.”

Theo khoản 1, điều 156 BLHS năm 2015 quy định về Tội vu khống rằng: Người nào thực hiện hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2021-05-04T091617Z_1518434247_RC2X8N9YSDZW_RTRMADP_3_VIETNAM-VINFAST-POLICE.JPG

Hình minh hoạ. Xe ô tô của VinFast tại nhà máy ở Hải Phòng hôm 14/6/2019

Tuy nhiên, cụ thể trong vụ việc này, ông cho rằng VinFast bị dư luận chỉ trích vì đã làm quá sự việc lên:

Chuyện này là quan hệ dân sự mua bán hàng hoá thôi mà. Người dùng phàn nàn sản phẩm thôi. Nó có thể đính chính gì đó. Chứ báo công an là liên quan đến hình sự. Nó sẽ thay đổi hoàn toàn góc nhìn trong vụ việc.”

Ở góc độ khách hàng, ông cho biết trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng, điều 8 quy định rõ Người tiêu dùng có quyền “Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và có quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.”

Công an “nhúng tay” vào hoạt động dân sự thể hiện một xã hội bất ổn

Theo ông Cù Huy Hà Vũ, chuyện VinFast báo công an để dập tắt tiếng nói của khách hàng, qua đó có thể gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng, lợi ích của cộng đồng người tiêu dùng, cho thấy rõ ràng là ở Việt Nam đang càng ngày càng dùng nhiều biện pháp bạo lực để mà trấn áp những người cất lên tiếng nói trung thực. Trong trường hợp này, nó không liên quan đến gì chính trị mà chỉ đơn thuần là kinh tế:

Tóm lại, quan điểm của tôi là mọi việc từ dân sự cho đến chính trị, kinh tế đều cần phải được giải quyết bằng con đường tòa án.

Theo tôi, cái quan điểm bất kỳ chuyện gì cũng ra báo công an nó chỉ nằm trong đầu óc của những kẻ có quyền lực, hoặc có mối quan hệ làm ăn với giới chức nhà nước mà cụ thể là với công an. Họ dùng biện pháp đó để bảo vệ quyền lợi xấu xa của họ, chứ còn nếu là quyền lợi chính đáng thì họ phải đưa ra tòa với tất cả các bằng chứng.

Và cho đến bây giờ, việc công an ngày càng vào cuộc, ngày càng tham gia vào việc đàn áp những tiếng nói phản biện từ xã hội cho đến kinh tế, cho thấy rằng xã hội Việt Nam ngày càng bất ổn. Một xã hội ổn định bao giờ cũng dựa trên việc xử lý các vấn đề dân sự bằng tòa án nếu có xảy ra bất đồng.”

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí trong nước hôm 6/5, người đại diện VinFast khẳng định rằng VinFast luôn coi "khách hàng là trung tâm”. Doanh nghiệp này đã rất cầu thị và tích cực giải quyết tất cả các lỗi được xác định là đúng ngay tại thời điểm vào xưởng cho khách hàng. Chính vì tôn trọng và bảo vệ quyền lợi tối thượng của khách hàng nên VinFast càng phải kiên quyết làm rõ theo hướng công khai minh bạch. Trong vụ việc này, cực chẳng đã hãng ô tô này mới phải viện đến pháp luật.

Theo kế hoạch, VinFast sẽ kinh doanh ở thị trường Mỹ vào cuối năm nay. Trả lời Reuters hôm 4/5, VinFast cho biết đây là lần đầu tiên hãng báo cáo với cơ quan chức năng để bảo vệ danh tiếng của mình và khách hàng. Đồng thời khẳng định họ cũng sẽ yêu cầu các “cơ quan chức năng” của Mỹ bảo vệ quyền lợi nếu một sự cố tương tự xảy ra.

C.N.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét