Bức bách sinh bạo lực
Chu Mộng Long
Tôi, một thầy giáo trong ngành giáo dục, không thể đứng về phía ngành giáo dục để bào chữa cho hành vi bao lực học đường. Tôi cực lực lên án những kẻ nhân danh nhân đạo, nhân văn bào chữa cho những hành vi côn đồ là "thiếu chuẩn mực", kể cả lên án sự lạm dụng chuyên chính trấn áp dư luận bằng chiêu bài quy kết, chụp mũ những ai lên tiếng phản đối bạo lực. Càng trấn áp càng sinh ra bí bách cho cả xã hội chứ không riêng ngành giáo dục.
Tháng 2 năm Tân Sửu, tại Ba Đình, Hà Nội, một nam học sinh lớp 10 tát thẳng tay vào mặt cô giáo ngay trên bục giảng. Trừ những tiếng nói tỉnh táo, khách quan, đa số, đặc biệt là quý thầy cô giáo, trong đó có cả chuyên gia giáo dục học, lên giọng hùm beo đòi tống tù thằng bé. Mọi quy kết đều hướng vào giáo dục gia đình, rằng bố mẹ mất dạy làm cho con em mình cũng mất dạy! Vậy là búa rìu đã có thể giết chết một thằng bé tuổi vị thành niên, trong khi thằng bé mắc bệnh trầm cảm. Một nền giáo dục như vậy được cho là nhân đạo, nhân văn?
Tháng 3 năm Tân Sửu, tại Quốc Oai, Hà Nội, cả tập thể học sinh lớp 5 đồng loạt tấn công cô giáo bằng súng nước, bằng đạn giấy, cũng ngay trên bục giảng. Dư luận chia làm hai phe. Phe đứng về phía cô giáo, cho rằng chắc chắn có sự chống lưng của Ban Giám hiệu và Hội Cha mẹ học sinh để trù dập cô giáo, vì lý do cô giáo đã kiện tụng chuyện thu phí tuỳ tiện. Phe chống cô giáo, hiển nhiên là Ban Giám hiệu và các bậc cha mẹ, cho rằng cô giáo phá hoại, kiện tụng gây mất ổn định nhà trường. Đặc biệt chuyên gia giáo dục học Vũ Thị Hương quy hết trách nhiệm về phía cô giáo, yếu kém, không biết dạy, không ổn định được lớp! Quy trách nhiệm hết cho nạn nhân cũng là giáo dục nhân đạo, nhân văn?
Tháng 4 năm Tân Sửu, tại TP Hưng Yên, trong một cuộc họp hội đồng, một cô giáo chất vấn Ban Giám hiệu về một số vấn đề thu chi và chuyên môn, Ban Giám hiệu không thèm trả lời mà ném thẳng quyển sổ vào mặt người chất vấn. Cách trả lời như vậy cũng có thể xem là giáo dục nhân đạo, nhân văn? Tiếc là vụ này chưa thấy dư luận ồn ào và đứng về phe nào.
Ngày 29 tháng 4 năm Tân Sửu, tại Lục Ngạn, Bắc Giang, trong một cuộc sinh hoạt cuối tuần, một thầy giáo chủ nhiệm lớp 10 gọi học sinh lên bục, vừa đ. mẹ đ. bố học sinh vừa đấm đá thụi bịch vào mặt, vào đầu, vào bụng từng đứa mà thầy cho là hư hỏng. Ngày 30 tháng 4, Hiệu trưởng và Giám đốc Sở đình chỉ thầy giáo 15 ngày chỉ vì thầy có hành vi "thiếu chuẩn mực". Cùng ngày Giám đốc Sở còn báo cáo công an xử lý hai tài khoản xuyên tạc, bóp méo sự vụ làm mất uy tín ngành giáo dục. Cả hệ thống tự lột truồng giữa chợ rồi tự khen tròn vo, méo là do bị bóp. Đến nước này thì dư luận không thể đứng về ngành giáo dục được nữa, vì bạo lực có thể giáng lên đầu bất cứ ai.
Hai trường hợp vừa xảy ra xuất phát từ bàn tay nhà quản lý và thầy giáo. Trường hợp này thì còn đổ lỗi giáo dục gia đình nữa hay không. Học sinh lớp 10 tát cô giáo thì gọi là "mất dạy", nhà quản lý tấn công cô giáo và thầy giáo đánh học sinh như đại ca xã hội đen đánh đàn em, thì "có dạy" thế nào, ai dạy?
Tôi, một thầy giáo trong ngành giáo dục, không thể đứng về phía ngành giáo dục để bào chữa cho hành vi bao lực học đường. Tôi cực lực lên án những kẻ nhân danh nhân đạo, nhân văn bào chữa cho những hành vi côn đồ là "thiếu chuẩn mực", kể cả lên án sự lạm dụng chuyên chính trấn áp dư luận bằng chiêu bài quy kết, chụp mũ những ai lên tiếng phản đối bạo lực. Càng trấn áp càng sinh ra bí bách cho cả xã hội chứ không riêng ngành giáo dục.
Bí bách sinh ra bạo lực là đương nhiên. Những nhà quản lý không có cái đầu và cái miệng đối thoại một cách cởi mở, ôn hoà hay sao?
C.M.L.
Nguồn: FB Chu Mộng Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét