Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

8 điều đáng chú ý về Hiến pháp 1956 của Việt Nam Cộng hòa

 

8 điều đáng chú ý về Hiến pháp 1956 của Việt Nam Cộng hòa

Võ Văn Quản

Chúng ta có thể học được gì từ bản Hiến pháp của nền Đệ nhất Cộng hòa?

Bản Hiến pháp 1956 của Việt Nam Cộng hòa được công bố vào ngày 26/10/1956. Đồ họa: Luật Khoa. Ảnh gốc: nhatbaovanhoa.com.

Luật Hiến pháp (hay luật nhà nước) là một trong những ngành luật quan trọng nhất đối với quá trình đào tạo pháp luật cũng như nắm bắt nền tảng pháp lý và lịch sử pháp lý của một quốc gia. Nó bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ cơ bản về tổ chức quyền lực nhà nước, về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, chế độ bầu cử, quyền và nghĩa vụ của công dân, về quốc tịch, v.v.

Tại Việt Nam, sinh viên và những người theo học chuyên ngành luật nhà nước thường sẽ được giới thiệu năm bản hiến pháp gồm: Hiến pháp 1946 và 1959 của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hiến pháp 1980, 1992 và 2013 của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn hai bản hiến pháp quý giá mà hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay phủ nhận: Hiến pháp 1956 và Hiến pháp 1967 của nhà nước Việt Nam Cộng hòa (hay còn được biết đến là chính quyền miền Nam Việt Nam). Với những đặc trưng riêng biệt về hình thức chính thể, chế độ chính trị và cấu trúc nhà nước, việc tìm hiểu các bản hiến pháp của Việt Nam Cộng hòa chắc chắn sẽ có những lợi ích nhất định cho các nhà nghiên cứu pháp lý về một giai đoạn lịch sử thường bị bỏ qua của Việt Nam.

Trong bài viết này, tác giả xin được phép giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam một số điểm thú vị trong Hiến pháp 1956 của Việt Nam Cộng hòa (bạn đọc hứng thú với bản tiếng Anh có thể xem tại đây).

1. Có màu sắc tôn giáo

Thông tin về việc Tổng thống Ngô Đình Diệm xuất thân từ một gia đình Công giáo truyền thống không có gì mới lạ đối với bạn đọc có tìm hiểu sơ qua về Chiến tranh Việt Nam, nhưng ít ai để ý rằng ảnh hưởng của tư duy Công giáo có lấn sân sang bản hiến pháp đầu tiên của nhà nước Việt Nam Cộng hòa. Cụ thể, phần Mở đầu của bản Hiến pháp 1956 ghi:

“Ý thức rằng nước ta ở trên con đường giao thông và di dân Quốc-Tế, dân-tộc ta sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ mạng trước Đấng Tạo-hóa và trước Nhân-loại là xây dựng một nền văn minh nhân-bản bảo-vệ và phát triển con người toàn diện”.

Khái niệm Đấng Tạo hóa (Almighty) dù không hẳn là mới tại Việt Nam, lại là một khái niệm được du nhập từ Công giáo trong bối cảnh văn hóa chính trị mấy ngàn năm của nước ta vẫn còn chịu ảnh hưởng của mô hình Khổng giáo. Trong Kinh thánh, Đấng Tạo hóa được xưng tụng là Đấng Tự Hữu và Hằng Hữu, chính là Đức Chúa trời tạo nên vũ trụ, đất, nước và con người.

Bằng cách diễn giải việc tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ của dân tộc Việt Nam như cách để hoàn thành sứ mạng trước Đấng Tạo hóa, bản Hiến pháp 1956 thừa nhận một cách gián tiếp nghĩa vụ phụng sự Chúa, từ đó dẫn đến việc công nhận các nghĩa vụ của nhà nước như khai minh, xóa bỏ các hủ tục, tệ nạn cũng như thay đổi những truyền thống xưa cũ. Điều này lý giải được vì sao Ngô Đình Diệm có phần cương quyết, ít linh hoạt trong việc giải quyết các tệ nạn, hủ tục và nền tảng xã hội cũ tại Việt Nam, gây mất lòng khá nhiều lãnh tụ tôn giáo – chính trị và các tầng lớp bình dân khác tại miền Nam.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng màu sắc tôn giáo chỉ xuất hiện trong phần mở đầu của bản Hiến pháp. Trong những phần sau, vấn đề này không còn được nhắc đến nữa.

2. Tuyên bố vùng lãnh thổ trên toàn Việt Nam

Dù chính quyền miền Nam Việt Nam hầu như chưa từng phát động phong trào Bắc tiến hay “giải phóng miền Bắc” như cách mà chính phủ Bắc Việt làm, bản Hiến pháp 1956 xác định chính quyền Việt Nam Cộng hòa “ý thức rằng Hiến pháp phải thể hiện nguyện vọng của nhân dân, từ Mũi Cà-Mau đến Ải Nam-Quan” (xem phần mở đầu).

Điều này lại được khẳng định thêm một lần nữa tại Điều 1 của Thiên Thứ Nhất, khẳng định “Việt Nam là một nước Cộng-Hòa, Độc-Lập, Thống-Nhất với lãnh-thổ bất khả phân”. Như vậy, có thể thấy nhà nước Việt Nam Cộng hòa cũng có mong muốn đại diện cho toàn bộ Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Về mặt chính trị, điều này thật ra là vô cùng cần thiết bởi chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn thường xuyên sử dụng hình ảnh của các triều đại trước đó như nhà Trần, nhà Lê, huyền sử Hùng Vương… để thể hiện sự tiếp nối tính chính danh của mình.

Song, như đã nhắc đến ở trên, chính quyền này ít khi phổ biến quan điểm đưa quân lên trên vĩ tuyến 17 để giải phóng miền Bắc. Trái lại, họ thường kêu gọi người dân miền Bắc rời bỏ chủ nghĩa cộng sản để vào miền Nam sinh sống hơn.

3. Hình thức chính thể có giống Hoa Kỳ?

Nhiều học giả mặc nhiên cho rằng hình thức chính thể và cấu trúc bộ máy nhà nước của Việt Nam Cộng hòa sẽ tương tự với nhà nước Hoa Kỳ, đặc biệt khi về danh xưng, chính quyền này được xây dựng theo mô hình cộng hòa tổng thống. Tuy nhiên, thực tế là chỉ đến bản Hiến pháp 1967 thì mô hình tổ chức bộ máy nhà nước của chính quyền miền Nam Việt Nam mới tiệm cận với mô hình của Hoa Kỳ. Còn trong bản Hiến pháp 1956, hình thức chính thể và cấu trúc tổ chức bộ máy nhà nước tương đối sáng tạo với nhiều chế định mới lạ so với các mô hình nhà nước trước đó.

4. Quốc hội và dân biểu định hướng chuyên nghiệp 

Không tổ chức cơ quan dân cử theo khuynh hướng nhị nguyên với Thượng viện và Hạ viện, Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1956 chỉ xác định một cơ quan lập pháp duy nhất là Quốc hội. Các nhà lập pháp khi đó biện luận rằng dân số và đặc điểm chính trị Việt Nam không phức tạp đến mức phải duy trì hai cơ quan trong cùng nhánh lập pháp.

Những thành viên của Quốc hội được gọi chung là dân biểu, với điều kiện là công dân Việt Nam hoặc đã hồi tịch, phục tịch, đủ 25 tuổi và có các điều kiện khác trong đạo luật tuyển cử. Dân biểu có nhiệm kỳ là ba năm và không giới hạn số lần tái cử, đồng nghĩa với việc một bộ phận dân biểu chuyên nghiệp có thể sẽ được hình thành.

Không chỉ vậy, quy định tại Điều 53, Hiến pháp 1956 cũng loại trừ khả năng dân biểu tham gia vào các hoạt động chính trị, quân sự, dân sự, hành chính khác. Như vậy, công chức đắc cử thì phải nghỉ giả hạn (*), quân nhân đắc cử thì phải giải ngũ mới được phép tham gia vào Quốc hội Việt Nam Cộng hòa. Tại Thiên Thứ Bảy bàn về chế định Hội đồng Kinh tế Quốc gia, thành viên của Hội đồng cũng không được phép đồng thời là dân biểu thuộc Quốc hội.

Khác với Quốc hội Việt Nam đương đại luôn cố gắng duy trì xu hướng kiêm nhiệm giữa đại biểu Quốc hội và các chức danh nhà nước khác, ví dụ như chủ tịch tỉnh, giáo viên hay giám đốc công an tỉnh đều có thể vừa làm công việc chuyên môn của mình vừa giữ vai trò đại biểu Quốc hội; mô hình chuyên nghiệp hóa của bản Hiến pháp 1956 chắc chắn có những ưu điểm nhất định liên quan đến năng lực và thời gian dành cho hoạt động lập pháp của các dân biểu.

Hiện nay, các quan điểm xem xét không bắt buộc chủ tịch tỉnh hay bộ trưởng phải là đại biểu Quốc hội đang xuất hiện, phần nào chứng minh chuyên nghiệp hóa các dân biểu là xu thế lập pháp đúng đắn.

5. Tổng thống có thẩm quyền tạm thời vượt khỏi sự khống chế của Quốc hội

Chế định tổng thống trong Hiến pháp 1956 của Việt Nam Cộng hòa thì khá tương tự với hầu hết các nền cộng hòa tổng thống khác. Trong đó, tổng thống sẽ là người đứng đầu hành pháp, nguyên thủ quốc gia và là tổng tư lệnh tối cao của các lực lượng quân sự toàn quốc. Ông cũng nắm một số đặc quyền trong nhánh tư pháp như quyền ân xá tội phạm, ân giảm hoặc hoán cải hình phạt hoặc huyền án (án treo).

Tổng thống trong bản Hiến pháp này cũng sẽ có các quyền đặc biệt như đối thoại với Quốc hội thông qua các thông điệp (khá tương tự với kiểu Thông điệp Liên bang của Hoa Kỳ mà Luật Khoa từng phân tích); quyền trưng cầu dân ý (sau khi đã thỏa thuận và thống nhất với Quốc hội) tại Điều 40, hay quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp, báo động, giới nghiêm tại một hoặc nhiều địa phương tại Điều 44. 

Trong tổ chức nhà nước Hoa Kỳ, một trong những cách mà lưỡng viện (mà đặc biệt là Hạ viện) có thể can thiệp vào công việc điều hành đất nước của tổng thống là thông qua các đạo luật ngân sách mỗi năm. Tuy nhiên, trong Hiến pháp 1956, người nắm quyền tổng thống vẫn có quyền ký sắc luật ngân sách nếu Quốc hội từ chối thỏa thuận về chi tiêu công với tổng thống.

Giới hạn là mỗi tam cá nguyệt (quý) tổng thống chỉ có thể chi tối đa ¼ ngân sách dự toán cho cả năm cho đến khi Quốc hội chung quyết vấn đề liên quan đến tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc cho dù Quốc hội không chấp nhận nghị quyết để thông qua ngân sách của năm, tổng thống Việt Nam Cộng hòa vẫn có quyền sử dụng toàn bộ ngân sách. Nhược điểm duy nhất của cách tiếp cận này đối với tổng thống là tổng thống phải dàn trải việc thu chi để bảo đảm mỗi quý không dùng quá ¼ ngân sách cả năm.

Quy định này có một điểm lợi rõ ràng là tránh trường hợp bế tắc chính trị dẫn đến việc cơ quan hành pháp không thể hoạt động, khiến các dịch vụ công và các nhiệm vụ cấp bách của chính phủ bị trì trệ. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho phía Quốc hội còn rất ít công cụ để kiểm soát hành vi của phía hành pháp, ngoại trừ việc ban hành các đạo luật chính thức. Đặc điểm này có thể phản ánh nhu cầu quản trị trong thời chiến.

6. Quyền tự do công dân và mô hình kinh tế: Tư bản và cũng không tư bản

Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trong Hiến pháp 1956 thừa nhận tất cả các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội cơ bản; song quy cách và ngôn ngữ lập pháp có xu hướng khá giống với chính quyền Việt Nam hiện nay.

Các quyền được công nhận bao gồm quyền không bị bắt bớ, giam giữ, tù đày trái phép; quyền không bị tra tấn hoặc bị đối xử bất nhân; quyền bảo vệ đời tư và sự riêng tư của bản thân, gia đình, nhà cửa, tài sản riêng; quyền tự do đi lại và cư ngụ; quyền làm việc và bình đẳng về tiền lương; quyền tự do tư tưởng, hội họp và lập hội; quyền tự do tín ngưỡng; quyền bầu cử. Đặc biệt nhất phải kể đến việc công nhận – bảo đảm quyền tư hữu; đồng thời với các điều khoản khuyến khích người dân sử dụng của để dành để đầu tư vào nhà ở, ruộng cày và cổ phần xí nghiệp, cùng theo đó là công nhận quyền hợp tác kinh tế tự do của công dân.

Tuy nhiên, ngoài các quyền tự do, chính phủ Việt Nam Cộng hòa thời kỳ này cũng không hẳn là một chính phủ tư bản thuần túy như cách mà bản Hiến pháp Hoa Kỳ thể hiện, thông qua cách mà họ mong muốn can thiệp vào các vấn đề xã hội.

Ví dụ như tại Điều 24, Hiến pháp xác định nghĩa vụ trong giới hạn của quốc gia đối với các nhu cầu an sinh xã hội như thất nghiệp, già yếu, bệnh tật và thiên tai. Điều 25 quy định về vấn đề gia đình, đề ra chủ trương khuyến khích và chính sách giúp đỡ việc sinh đẻ, giáo dục. Điều 26 lại khẳng định sẽ cố gắng xây dựng “nền giáo dục cơ bản theo tích cách bắt buộc và miễn phí”; đồng thời công nhận hệ thống giáo dục tư thục.

7. Vẫn còn chưa chú trọng đến chế định tòa án và thẩm phán

Trong khi chế định tổng thống và quốc hội được dành nhiều dung lượng để bàn, hệ thống tư pháp lại lọt thỏm trong Hiến pháp 1956. Chỉ có bốn điều khoản liên quan đến chế định tư pháp và rất ít thông tin liên quan các mô hình và phương pháp tổ chức của hệ thống tòa án.

Bản hiến pháp nhắc đến việc thành lập một Thượng Hội đồng Thẩm phán để trông coi và áp dụng quy chế Thẩm phán tại Điều 73, nhưng ở phía dưới tại một thiên khác thì nhắc đến Tòa Phá án, vốn chưa từng xuất hiện trong các điều khoản của Hiến pháp và cũng không rõ quyền hạn, vị trí trong bộ máy nhà nước ra sao.

Để tiện so sánh, Tòa Phá án (từ Việt hóa của Cour De Cassation) là tòa thượng thẩm tối cao, hay tòa giám đốc thẩm, đối với các bản án trong ngành tư pháp tại Pháp, để phân biệt với Hội đồng Nhà nước (tạm dịch từ Conseil d’État) được xem là tòa thượng thẩm tối cao đối với các bản án và quyết định hành chính.

Tuy nhiên, không có nhiều bằng chứng cho thấy Việt Nam Cộng hòa sau bản Hiến pháp 1956 đi theo xu hướng này.

8. Đặc biệt Pháp viện và Viện Bảo hiến: Hai cơ chế tư pháp đi trước thế giới

Đặc biệt Pháp viện và Viện Bảo hiến là hai cơ chế tư pháp hoàn toàn đặc biệt và được chú tâm hơn hệ thống tư pháp thông thường. Trong đó, Đặc biệt Pháp viện khác hoàn toàn với quy trình luận tội – phế truấtcủa Hoa Kỳ; và Viện Bảo hiến thì đi trước Pháp quốc hai năm vì đến năm 1958 thì Hiến pháp hiện đại  – mà Đệ Ngũ Cộng hòa Pháp đang sử dụng hiện nay – mới nhắc đến Hội đồng Bảo Hiến (Conseil constitutionnel).

Đối với Đặc biệt Pháp viện, đây là một tòa án thường trực có thẩm quyền xét xử các chức danh nhà nước tối cao như tổng thống, phó tổng thống, chánh án Tòa Phá án và Chủ tịch Viện Bảo hiến đối với trường hợp can tội phản quốc và những loại trọng tội khác.

Thành viên của Đặc biệt Pháp viện gồm chánh án Tòa Phá án (hoặc chủ tịch Viện Bảo hiến trong trường hợp chánh án là bị can) ngồi vị trí chánh thẩm, 15 thành viên còn lại sẽ do Quốc hội bầu ra mỗi nhiệm kỳ. Ban Điều tra của Pháp viện thì gồm 5 thành viên cũng do Quốc hội bầu chọn. Như vậy, có thể nói chế định Đặc biệt Pháp viện là một cơ quan của nhánh lập pháp có thẩm quyền tư pháp vươn dài để kiểm soát hành vi phạm tội của các chức danh nhà nước cao cấp.

Viện Bảo hiến thì là một cơ quan tư pháp đặc thù cho các vấn đề lập pháp, mà cụ thể là họ sẽ đưa ra các phán quyết về tính hợp hiến của các đạo luật, sắc luật và quy tắc hành chính, mà nói rõ hơn là cơ quan xét xử tranh chấp lập pháp giữa Tổng thống và Quốc hội; hoặc giữa các chủ thể khác trong xã hội.

Vì nguyên cớ này, thành viên của Viện Bảo hiến thể hiện sự thỏa hiệp giữa cả tổng thống và Quốc hội. Trong đó, một vị chủ tịch do Tổng thống và Quốc hội cùng nhau cử; tám thành viên còn lại gồm bốn thẩm phán hoặc luật gia do Tổng thống toàn quyền đề cử; và bốn Dân biểu được bầu chọn ra từ Quốc hội.

***

Với những phân tích sơ lược trên, có thể thấy ngành luật hiến pháp của Việt Nam Cộng hòa có rất nhiều điều mà các học giả đương đại có thể nghiên cứu và phân tích thêm. Thậm chí nếu khách quan và thận trọng xem xét, việc học hỏi và áp dụng quy định hành chính và pháp luật nhà nước của chính quyền này là hoàn toàn khả thi trong điều kiện hiện nay.

Chú thích:

(*) Nghỉ giả hạn: Nếu một công chức đắc cử dân biểu phải nghỉ giả hạn. Nghỉ giả hạn không có nghĩa là bị loại khỏi cơ quan Nhà nước mà trái lại được đặt trong một tình trạng đặc biệt nhưng đương sự – lẽ dĩ nhiên không hưởng lương bổng – vẫn giữ quyền thăng thưởng và hưu bổng. Nếu một dân biểu chấp nhận một công vụ – được xem là bất khả kiêm nhiệm thì đương nhiên dân biểu ấy được xem là từ chức nhiệm vụ dân biểu của mình. (Trích: Luật Hiến pháp và Chính trị học, Giáo sư Nguyễn Văn Bông)

V.V.Q. 

Nguồn: Luật khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét