Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

30/4 lại về và nghĩ về một ngày mai…

 

30/4 lại về và nghĩ về một ngày mai…

Lâm Bình Duy Nhiên

1-5-2021

Năm nay, những ngày này, tôi bỗng dưng lại ít nghĩ đến sự kiện 30/4 và những kỷ niệm đau buồn liên quan. Thành thật mà nói thì nơi tôi đang “tạm dung thân” vẫn đang còn loay hoay đối phó với đại dịch Covid. Cũng đã hơn một năm rồi, mọi thứ bỗng dưng biến đổi một cách lạ thường. Sự tĩnh lặng từ bên ngoài xã hội đến nội tâm khiến tôi chóng quên nhiều thứ. Đơn giản chỉ là quên hay lần đầu tiên trong cuộc đời này, tôi cố tình lờ đi cái ngày đã đưa đẩy mảnh đất quê hương thân yêu của tôi vào sự chia cắt và thù hận triền miên?

Thú thật, tôi cũng không rõ câu trả lời. Chỉ một cảm nhận chán nản và buồn tẻ khi mọi năm vẫn như nhau. Một cảm giác bất lực về một sự kiện, về một khoảng thời gian và đâu đó khiến tôi không còn mang nhiều hy vọng vào những đổi thay tích cực tại quê nhà.

Vào một ngày cuối tháng 3, tôi nhận được thư mời tham gia viết bài về ngày 30/4 từ một tờ báo mạng. Mục đích của những người chủ trương tờ báo là tập hợp những đoản văn ghi lại những ký ức, kỷ niệm đau buồn về sự kiện trên. Một hình thức di sản văn hóa dành cho các thế hệ mai sau. Lưỡng lự mãi để rồi bất chợt tôi nhận ra rằng cái sự kiện này, một thảm kịch đối với dân tộc, đã vô thức trở thành một gánh nặng trong tiềm thức của cả một dân tộc. Cứ mỗi tháng Tư lại về, có nhiều tranh luận thậm chí tranh cãi lại bùng nổ về một vết thương đã âm ỉ trong cơ thể èo uột từ hàng chục năm nay. Thắng, thua vẫn chỉ như mới hôm qua. Nước mắt cay đắng, máu đỏ thắm nhuộm đất Mẹ dường như vẫn chưa nguôi sau gần nửa thế kỷ.

Nửa thế kỷ đủ biến một dân tộc khởi sắc và cường thịnh như những gì người Nhật và người Đức đã làm. Nhưng cũng chừng ấy thời gian lại vẫn chưa cứu vãn được vết thương của người Việt. Oan nghiệt thay!

Lẽ ra tôi chẳng viết được gì nhưng hôm nay, khi gặp cậu học trò người Thụy Sĩ đang viết luận văn trung học về Sự kiện Mậu Thân 1968 (Offensive du Tết), tôi lại phải đối mặt với những gì tôi cố tình quên đi, ít nhất trong bối cảnh hiện tại. Cậu học trò nhờ tôi hướng dẫn qua lời giới thiệu của cô đồng nghiệp dạy Sử. Trong cuộc trò chuyện, cậu ta đưa ra những câu hỏi rất nghiêm túc, trong đó, liệu cuộc “Tổng tấn công Mậu Thân” có phải là một chiến thắng quân sự như sách vở chính quyền trong nước vẫn thường rao giảng? Vấn đề giới trí thức phản chiến ở Mỹ và châu Âu cũng được cậu ta tìm hiểu và phân tích. Đề tài luận văn không chỉ dừng lại ở sự kiện Mậu Thân mà nó còn lan rộng đến cả một cuộc chiến ý thức hệ và cả ngày 30/4/1975 với thảm kịch thuyền nhân sau đó.

Trong gần một giờ trao đổi với cậu học trò, tôi vẫn cố gắng không muốn áp đặt những cái nhìn của cá nhân mình về cuộc chiến đã qua tại quê hương. Quan sát một thanh niên nước ngoài, chỉ 19 tuổi, đang bỏ sức tìm hiểu về lịch sử Việt Nam khiến tôi cảm động và trân quí công việc cậu ấy đang làm. Tôi cố tình không muốn hỏi cậu ta vì sao lại chọn Việt Nam. Lập trường và quan điểm chính trị của tôi, cậu ta thừa biết. Cậu có cho tôi xem vài bài báo từ trang Le courrier du Vietnam, một tờ báo mạng bằng tiếng Pháp của chính phủ trong nước. Cậu thắc mắc về luận điệu của kẻ chiến thắng, “giải phóng và thống nhất” đất nước nhưng lại khiến cho hàng triệu người phải bỏ nước ra đi… Những câu hỏi giản đơn nhưng vẫn có khối người trong nước không hiểu hay cố tình không chịu hiểu!

Tôi có đưa ra vài nhận định và giới thiệu cho cậu học trò vài tờ báo tư liệu hay tài liệu từ Mỹ và Pháp để cậu tìm hiểu thêm. “Lịch sử luôn được viết bởi người chiến thắng, còn lịch sử của những người thuộc phe thất bại thì thuộc những người ngày càng ít đi.”, tôi có nhắc lại câu nói của Joachim Peiper để kết thúc cuộc trò chuyện. Trong phạm vi của một luận văn trung học, đi tìm Sự thật vẫn là điều quan trọng và cần thiết nhất.

Sự thật vẫn luôn là đích đến trong một nền giáo dục tiến bộ, nhân bản và khai phóng. Tại Thụy Sĩ, học trò các cấp đều được dạy dỗ và khuyến khích khả năng lập luận và phản biện để tìm hiểu bản chất của mọi vấn đề. Khả năng tự phân tích đúng, sai khiến cho các em có cái nhìn cởi mở và độ lượng với thế giới xung quanh. Chấp nhận những sai lầm trong quá khứ để tự hoàn thiện và không lập lại những sai lầm của thế hệ trước khiến tuổi trẻ phương Tây nói chung và Thụy Sĩ nói riêng, có đủ tự tin và can đảm để gánh vác tương lai dân tộc.

Tất cả những yếu tố, những đức tính trên đều thiếu hẳn trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Khi lương tâm và đạo đức bị chà đạp, khi sự thật lịch sử bị bóp méo bởi sự tuyên truyền có chủ đích thì xã hội chỉ gầy dựng nên những cá thể máy móc, vô cảm và vô tri. Đó chẳng phải là những gì mà người cộng sản đang cố tình tạo ra tại Việt Nam?

Nhìn bóng dáng cậu học trò khuất dần, tự dưng tôi bỗng ao ước một điều. Đơn giản thôi, như những gì bọn học trò phương Tây đang được học. Đó là Sự thật lịch sử được giảng dạy tại quê nhà. Bỏ hẳn sự tuyên truyền sáo rỗng về những “chiến thắng lịch sử thần kỳ” của người cộng sản. Vứt đi những trang sử ý thức hệ, nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ, chấp nhận sự khác biệt về tư tưởng cũng như quan điểm và lập trường chính trị. Tất cả đồng nghĩa với giáo dục nhân bản và khai phóng, đặt Dân tộc lên trên tất cả những tư lợi đảng phái. Chỉ khi ấy thì tuổi trẻ Việt Nam mới có khả năng phán xét lịch sử dân tộc một cách công tâm và minh bạch, từ đó không còn tự ti và bị dối lừa để hội nhập với thế giới tiến bộ.

Suy cho cùng, đã 46 năm trôi qua, súng đã im tiếng, khói lửa chiến tranh (trong chừng mực) đã không còn trên quê hương nhưng lòng người vẫn còn bị chia rẻ sâu đậm. Có “một cuộc chiến” trong lòng người dân, giữa hai miền, bên “thắng” và bên “thua”, giữa những người đang cầm quyền và hàng trăm ngàn người đã phải bỏ xứ tha hương. Đó là một cuộc chiến đau thương và không kém phần bi kịch vì nó là lực cản cho sự quật khởi của dân tộc. Đó là một cuộc chiến mà không ít người, nhất là nhà cầm quyền vẫn cố tình im lặng và gạt bỏ ngoài tai dẫu họ vẫn thường nhấn mạnh chiêu bài “hoà giải, hoà hợp”.

Một cuộc chiến chỉ kết thúc khi lòng người được hoà giải và mọi sai lầm, tội ác đều được giải tỏa và tha thứ. Chỉ có sự can đảm nhìn nhận sự thật mới khiến cho hận thù được xoá bỏ. Đôi khi cần thời gian và cả một vài thế hệ để có thể chấp nhận Lịch sử. Một dân tộc lớn và trưởng thành là một dân tộc dám đối mặt với sai lầm trong quá khứ.

Chỉ có một nền giáo dục cởi mở, nhân văn và nhân bản mới khiến một xã hội trở nên vị tha, rộng lượng và công bằng hơn.

Đã chừng ấy thời gian, những người lãnh đạo trong nước còn chờ đợi gì nữa để không chấm dứt vết thương dân tộc?

Họ có tất cả trong tay! Họ có thể làm những điều thiết thực nhất thay vì những khẩu hiệu hô hào rỗng tếch.

Và nhất là hãy thôi “Nhiệt liệt chào mừng” bao năm “giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước”. Sự hận thù và chia rẻ đến chính từ những khẩu hiệu tuyên truyền như thế chứ chẳng cần khói lửa chiến tranh.

Một biến cố đau thương và đáng buồn thì nên đưa nó vào dĩ vãng và hãy xem đó là một bài học lịch sử cho thế hệ sau. 30/4/1975 không đơn thuần là một sự kiện mà chúng ta đã rút tỉa ra được những bài học cần thiết. Thậm chí nó phức tạp hơn chúng ta hình dung. Chỉ có lương tâm và trách nhiệm của những người đang cầm quyền mới có thể đem lại sự thật và xoá bỏ dần dần những hận thù từ sự kiện trên.

Đó phải là bổn phận của nhà cầm quyền.

Hãy đối xử một cách nhân bản với nhau thì quá khứ, dẫu có đẫm máu đến đâu, cũng sẽ được xoá bỏ dần vì đất nước này vẫn còn rất nhiều trang sử chung được viết bởi toàn thể người Việt, bất chấp những khác biệt về tôn giáo hay quan điểm chính trị.

Tương lai dài hơn quá khứ nhưng chính quá khứ lại là nền tảng vững chắc để dân tộc đi lên.

Cách đây vài hôm, khi viết về cuộc “diệt chủng Armenia “, tôi có nhắc lại bài hát “Ils sont tombés” do Charles Aznavour trình bày, trong đó đoạn:

Ils sont tombés sans trop savoir pourquoi

Hommes, femmes et enfants qui ne voulaient que vivre…

(Họ đã ngã xuống, không biết vì sao

Đàn ông, phụ nữ và trẻ thơ, những người chỉ muốn sống…)

Đó là những nạn nhân người Armenia đã bị sát hại bởi binh lính của Đế chế Ottoman.

Nhưng đó cũng là những nạn nhân của bao cuộc chiến hay thảm sát đâu đó trên thế giới này, xuyên suốt lịch sử nhân loại. Đó là hàng triệu người Việt đã bỏ mạng trong cuộc chiến mang tên “ý thức hệ”, hay “nội chiến Nam Bắc” hoặc thậm chí “bảo vệ Tự do”. Ít có một gia đình Việt Nam nào lại không có một nạn nhân đã phải bỏ mạng trong cuộc chiến ấy. Và cũng không ít gia đình có bà con xa gần từng là những thuyền nhân vượt biển trong thảm kịch bỏ nước tìm Tự do. Tất cả đều chỉ muốn được Sống và được hít thở bầu không khí Tự do.

Chẳng lẽ lời thơ đượm tính nhân văn của Nguyễn Duy lại không thể làm rung động lương tâm của những người đang độc quyền lãnh đạo đất nước?

Nghĩ cho cùng

Mọi cuộc chiến tranh

Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…

Mong rằng sự đổi thay phải đến từ những kẻ “chiến thắng”.

Mong rằng tuổi trẻ Việt Nam sẽ được tiếp thụ một nền giáo dục nhân bản và khai phóng, biết tôn trọng Sự thật và can đảm đối mặt với quá khứ đau thương của cha ông.

Để biết đâu, hy vọng, ước vọng rằng (giờ thì tôi lại lạc quan), chính thế hệ trẻ ấy sẽ hàn gắn những vết thương lịch sử và kết nối lòng người lại với nhau…

Như Albert Camus từng viết: Chỉ có “ngày hôm qua” và “ngày mai” còn ý nghĩa với tôi.

Dẫu có thể còn lâu, rất lâu, nhưng vẫn đáng để chờ đợi và lạc quan hy vọng…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét