Tại sao dân Việt Nam lại tàn bạo với đồng loại như vậy?
4-4-2021
Mấy hôm nay người ta share rất nhiều bài viết của ông Lê Kiên Thành, một thái tử đảng chính hiệu, con trai cố TBT Lê Duẩn. Bài viết thể hiện tâm tư sâu sắc của ông với hiện tình đất nước nhưng với các câu hỏi để ngỏ hoặc ngầm ý đánh lạc hướng người đọc.
Có lẽ đa số độc giả sẽ cho rằng sự tàn bạo kia là lỗi của chính CHÚNG TA, tức là người dân. Và trách nhiệm để giải thoát chính là dựa vào thức tỉnh của CHÚNG TA. Vậy đổ lỗi cho “chúng ta” chính là cào bằng trách nhiệm, với các nước CS thì mọi thứ đã có đảng và nhà nước lo. Chính phủ vú em muốn ôm hết quyền lợi thì trách nhiệm cũng phải chịu tất, sao lại vu cho bọn CHÚNG TA chưa thức tỉnh!?
Nếu ông Thành đang là người của hệ thống, từng là UVTƯ chẳng hạn, mà nói đó là lỗi của chúng ta, thì còn tạm chấp nhận. Nhưng như mình biết, ông Thành chưa từng tham gia hệ thống này. Nên khái niệm chúng ta đó chính là toàn dân.
Bài viết của ông Thành cũng cho độc giả hiểu rằng VN ta còn giỏi hơn BTT và Hàn quốc khi đã có thể thống nhất đất nước. Điều đó hàm ý ca ngợi chính bố ông là TBT Lê Duẩn! Nhưng cái giá của thống nhất không hề nhỏ không chỉ có vấn đề kinh tế chậm phát triển hơn Hàn Quốc 30 năm mà còn vô số hệ luỵ về xã hội, đạo đức mà ông đang chỉ ra.
Ông cho rằng VN hiện tại có quá nhiều vấn đề về đạo đức xã hội xuống cấp, tham nhũng tràn lan, CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ, kể cả khi so với thời đế quốc thực dân người Việt vẫn không tàn ác như giờ. Nhận định đó có đúng không?
Nhận định này qua mặt được nhiều người, thậm chí cả anh em dân chủ, vì nó vừa đúng vừa sai! Xin thưa, khi chúng ta nội chiến (mà ta gọi là chống đế quốc, thực dân, giải phóng dân tộc) thì chúng ta có tàn bạo với đồng bào không? Hỏi tức là trả lời. Quá tàn bạo nhưng với vỏ bọc ý thức hệ và được coi là hợp lý và hợp pháp. Sự tàn bạo đó diễn ra hàng ngày trong hơn 20 năm (nếu tính cả thời gian tù cải tạo thì hơn 30 năm) và đó là một phần của cái giá phải trả cho sự thống nhất. Sự tàn bạo đó để lại hệ luỵ đến giờ khi dân tộc chưa thể hoà hợp được khi những nhân chứng của hai bên vẫn còn sống.
Bài viết của ông Thành còn cho độc giả thấy rằng thời xưa (là thời ông Duẩn nắm quyền) thì chế độ ta không có tham nhũng và hết sức nhân văn, không có những tệ nạn, vô đạo như bây giờ! Vậy thực tế thế nào?
Chúng ta cần hiểu rằng thời ông Duẩn nắm quyền đúng là VNDCCH ít tham nhũng hơn bây giờ, cũng ít tệ nạn xã hội hơn bây giờ và cũng ít hơn chính quyền miền Nam lúc đó. Lý do rất đơn giản, không phải chính quyền đó ưu việt mà do nó là cỗ máy chiến tranh, tất cả vì tiền tuyến, chính quyền kiểm soát chặt chẽ kinh tế xã hội nên người dân không có cơ hội để tư hữu, không có động cơ để cày tiền, nên ít có cướp giật, giết người vì tiền. Thử hỏi, thời đó người ta lấy đâu ra nhiều tiền mà cướp, mà giết nhau? Đó là nền kinh tế tem phiếu mà! Tem phiếu cướp được cũng đâu sử dụng được? Tài sản cướp được cũng đâu bán cho ai được? Ai có tiền mua mua đồ ăn cướp? Bạn có tiền mua con gà về thịt mà hàng xóm đã biết để báo cáo lãnh đạo rồi!
Còn về tham nhũng, quan lại thời đó ít có cửa mà tham nhũng, đó là do nền kinh tế kế hoạch nó vận hành như cỗ máy vô hồn do Uỷ ban Kế hoạch nhà nước chế tạo. Tham nhũng thời đó chỉ là tham nhũng vặt, kiểu như lợi dụng chức quyền để có vài đặc quyền đặc lợi cho cá nhân và gia đình chứ chính ông Duẩn cũng không có nhiều tài sản hơn nhiều so với các cán bộ cấp dưới. Tài sản đáng giá của ông Duẩn, ông Giáp để lại có lẽ chỉ là căn nhà ở Hoàng Diệu, quyền lợi còn lại chủ yếu là mối quan hệ chứ không phải tài sản hữu hình như anh em quan lại bây giờ.
Như vậy, chính quyền thời đó ít tham nhũng không phải do nó ưu việt mà thể chế tạo nên cơ chế đó, không nhằm mục đích chống tham nhũng mà chỉ là hệ quả của nền kinh tế CS, do Marx và Lenin nghĩ ra. Nó không cho phép cán bộ có quyền tự chủ trong quản lý kinh tế, do đó nó cắt luôn quyền ban phát quyền lợi và đồng thời cắt luôn cơ hội tham nhũng kinh tế.
Vậy tại sao chế độ hiện tại cũng là CS mà lại có nhiều tham nhũng và đạo đức xã hội xuống cấp?
Ông Thành cố tình không lý giải và đổ lỗi cho bọn “chúng ta”! Chúng ta nên hiểu là chế độ CS hiện tại không hoàn toàn giống chế độ CS nguyên bản thời ông Duẩn. Chế độ hiện tại mình vẫn gọi là CS 2.0, vận hành theo kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tức là sự lai tạp giữa con lừa và con ngựa, đẻ ra con la!
Nền kinh tế hỗn hợp kiểu này sẽ có đủ tật xấu của chế độ TBCN và CSCN. Tật xấu (cũng chính là sự ưu việt với góc nhìn khác) của chế độ tư bản là kích thích lòng tham của cá nhân. Quyền lợi cá nhân chính là động lực phát triển cho chế độ TB nhưng hệ luỵ của nó là khiến cho con người sẵn sàng bất chấp tất cả để kiếm được nhiều tiền, thoả mãn tham vọng cá nhân. Nhưng chế độ TB kìm hãm động cơ đê hèn của con người bằng pháp luật chặt chẽ, nghiêm minh và những thiết chế xã hội như đạo đức, tôn giáo.
Còn dưới chế độ CS 2.0 thì pháp luật không thể nghiêm minh và công bằng, do nó không phải là khế ước xã hội do đa số dân soạn ra mà do đảng soạn ra. Còn đạo đức xã hội bị lu mờ bởi tham vọng cá nhân và sự vô đạo. Tôn giáo hiện nay có vai trò khá thấp và chỉ kiểm soát được một nhóm nhỏ người dân. Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất lại trở nên suy đồi hơn bao giờ hết. Thậm chí chính nhiều chức sắc tôn giáo còn gây nên nhiều vấn đề như chùa Ba Vàng, hay cư sĩ Phật giáo có chức vụ trong Giáo hội PG còn phải đi tù.
Khi hội tụ đủ các tật xấu của cả hai thể chế thì đạo đức xã hội cũng xuống cấp là đương nhiên. Anh em giết nhau vì đất đai (như vụ ở Hoài Đức, Hà Nội) là do người ta không tin là pháp luật có thể bảo vệ lẽ phải. Hiện tại hầu như các vụ án đều có thể chạy, trừ án dính tới an ninh quốc gia. Vì thế, người ta phải “thế thiên hành đạo” phải tự tay giết người thay cho phán xử của toà. Đó là lý do tại sao người dân lại xuống tay giết kẻ trộm chó. Chúng ta cần biết một sự thật nữa là hầu như những vụ kẻ trộm chó bị giết đều không tìm được thủ phạm. Tức là người ta đã ngầm đồng tình cho việc thế thiên hành đạo! Vậy cái vô pháp vô thiên đó là tại bọn CHÚNG TA hay tại ai!? Hỏi tức là trả lời!
Một thực tế éo le hơn nhiều là kẻ trộm chó chỉ ăn trộm chục con chó với tổng giá trị cỡ vài triệu nhưng bị người dân thiêu sống nhưng chưa có một quan tham ăn trộm vài ngàn tỷ nào bị người dân thay trời hành đạo, thậm chí được nhân dân thương xót như đồng chí Đinh La Thăng! Vậy pháp luật đang do ai và vì ai?!
Để có thể chế với những hệ luỵ mà ông Thành chỉ ra, liệu ông Lê Duẩn có vô can?
Không có CS 1.0 thì sao có CS 2.0? Ông Duẩn có công thống nhất đất nước tức là “có công” CS hoá cả nước và là tiền đề để có những gì hiện tại.
Anh em bò đỏ vẫn chửi bọn phản động là đi ỉa táo bón cũng đổ cho CS. Ví thế cũng không sai đâu. Vì mọi thứ đã có đảng và chính phủ lo thì trách nhiệm cũng phải do đảng và chính phủ chứ? Vậy nếu muốn giải quyết các vấn đề xã hội mà ông Thành kể ra (không hề sai) thì trách nhiệm lớn nhất là ở đảng, còn trách nhiệm của bọn “chúng ta” chỉ là thứ yếu. Còn nếu đảng muốn “bọn chúng ta” cùng chịu trách nhiệm thì đảng phải chia sẻ quyền lực cho chúng ta. Không thể mất mùa thì bởi chúng ta, được mùa thì bởi thiên tài đảng ta.
***
Lưu Trọng Văn: Hãy đọc lời cầu mong ấy và thức tỉnh
Đêm qua Sài Gòn đột nhiên ào mưa. Cơn mưa làm dở dang bao giấc mộng dữ và lành. Ác và thiện luôn bình đẳng chia ngôi nhau vô thức trong giấc chiêm bao. Nhưng, khi tuồn lọt ra đời thì, giời, cái ác hùng dũng ào ào đông đảo dàn quân đi trước, còn cái thiện lác đác, lơ đễnh tụt sau. Giời. Chỉ con đường này duy nhất đến Tương lai.
Sớm lướt facebook bạn bè, gã dừng lại ở facebook của Lê Kiên Thành – con trai ông trùm cộng sản Lê Duẩn với tít bài: “Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh“.
Lê Kiên Thành cầu mong chúng ta ấy thức tỉnh cái gì? Thức tỉnh trước cái ác. Tại sao một con ruột của đảng, của chế độ lại phải da diết cầu mong mọi người thức tỉnh trước cái ác?
Chả qua vì cái ác đã chễm chệ ngất ngưởng ngôi cao đòi vung vương quyền định đoạt Tương lai của Dân tộc. Hãy đọc lời cầu mong ấy và thức tỉnh.
***
Lê Kiên Thành: Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh
“Điều rõ nhất tôi cảm nhận được là chưa bao giờ cái xấu và tội ác đến với chúng ta bình thản như thế này. Người ta nhìn nó thản nhiên, như là điều tất yếu.
Đó là buổi sáng, khi tôi đọc tin về một cậu thanh niên cứa cổ đứa bé 8 tháng tuổi; đó là khi tôi đọc tin về những người dân cùng xông vào đánh chết một kẻ trộm chó… Có những người trong chúng ta hôm nay dùng cái ác và cái xấu để sinh tồn. Việc một tên cướp bị tuyên án tử hình vì chém đứt tay một người và trước đó đã chém 14 người, nhưng bà mẹ đẻ ra thằng bé đó không hề mảy may ân hận. Đó là hình ảnh đáng sợ nhất: một người mẹ biết quý con mà không còn coi sự sống của người khác ra gì.
Có thể con người VN hôm nay dường như đang gặp phải một sai lầm nào đó trong tổ chức cuộc sống, khiến cho tình cảm, lòng thương người, sự vị tha đang bị biến dạng một cách ghê gớm. Đó là điều quá lạ lùng với xã hội này.
Có lẽ chưa từng có một giai đoạn nào trong quá khứ mà người VN phải trải qua tình cảnh như ngày hôm nay. Người Việt từng sống dưới ách nô lệ cả nghìn năm của các triều đại phương Bắc, từng bị đế quốc, thực dân đô hộ, chịu đựng đủ sự tàn ác, bóc lột từ ngoại bang.
Nhưng chưa bao giờ tôi nghe được về chuyện người Việt tàn ác với chính đồng bào của mình. Chưa bao giờ người Việt đối xử với nhau hằn học đến thế, man rợ đến thế. Chúng ta không nghèo như ngày xưa, không đói như ngày xưa, tại sao chúng ta lại ác hơn ngày xưa?
Những gì đang diễn ra ở đất nước ta hôm nay, có lẽ cần phải được suy nghĩ cho thật kỹ. Ví dụ, tại sao nhiều người có tiền mà vẫn tham nhũng khủng khiếp như vậy? Có lẽ đó không phải văn hóa.
Người ta hay nói “bần cùng sinh đạo tặc” nhưng nhìn vào xã hội mình, đúng là đạo tặc có một phần từ bần cùng đi lên, nhưng một phần rất đông đạo tặc lại sinh ra bởi những người không bần cùng. Những quan chức phạm hàng loạt tội ác mà chúng ta thấy trong những năm qua, họ đâu phải là những người bần cùng?
Chúng ta có thể dùng từ gì khác ngoài từ “dã man” khi mà một con người có thể cứa cổ một đứa bé 8 tháng tuổi, khi mà một cậu thanh niên còn đang đi học có thể giết chết cả một gia đình để cướp của, hay một chàng trai trẻ mặt mũi sáng ngời có thể giết cả gia đình bạn gái để trả thù.
Mà sự tàn ác không chỉ xuất hiện ở đó. Tôi nhìn thấy sự tàn ác cả ở những vụ án tham ô, tham nhũng, cướp đất dân nghèo của những người có quyền lực. Tôi nhìn thấy sự tàn ác trong những vụ án oan mà những người đại diện pháp luật bằng sự lạnh lùng, vô tình, vô trách nhiệm của họ, đã vội vã đưa ra những kết luận điều tra vô lý nhất mà không cần quan tâm đến việc họ có thể đẩy một con người vô tội vào con đường chết.
Không biết các nhà lãnh đạo đất nước có bao giờ ra đường nhìn những người nông dân đi biểu tình không. Nhưng tôi cứ nhìn những bà già trùm khăn ngồi bên vệ đường trong đoàn biểu tình, càng nhìn càng không tin nổi họ đang làm gì xấu hay đang cố giành về cho mình những thứ không phải của mình.
Nếu bản chất họ thế thì sẽ không có việc họ đi theo cách mạng trong suốt cuộc kháng chiến. Họ sẽ không hiến cả nhà cửa của mình, gia sản của mình, con cái của mình cho cách mạng. Vậy mà chúng ta đã làm gì để khiến họ thành ra như thế? Tại sao những cái đã tạo ra sức mạnh phi thường cho chúng ta trong quá khứ thì giờ đây chúng ta lại đang phá vỡ nó?
Khi góp ý cho Đại hội Đảng, tôi từng nói một điều rất đau khổ là bản thân chúng ta chưa tạo được một cơ chế dân chủ cho chính Đảng của mình. Và khi chưa thể làm được điều đó, ta khó lòng tạo ra sự dân chủ cho cả xã hội. Và sự mất dân chủ này sẽ làm biến dạng ghê gớm, biến dạng sâu sắc Đảng. Sự biến dạng này nó sẽ gây ra những sự biến dạng trong các vấn đề khác: vấn đề về kinh tế, về xây dựng, về giáo dục, về con người… Mà sự biến dạng đó sẽ vô cùng nguy hiểm!
Việc những người Việt sẵn sàng trói và đánh đến chết một kẻ trộm chó không đúng với bản chất của dân tộc này. Việc 5 người công an cùng đánh một nghi can của vụ án đến chết cũng không đúng với những gì tôi biết về dân tộc này. Tôi không tin một người có thể cứa cổ đứa trẻ 8 tháng tuổi có thể chết vì dân tộc mình. Những người không biết động lòng, không biết xót xa trước sự đau khổ của người khác thì không thể nào chờ đợi tình yêu đất nước từ họ.
Có lẽ, những điều mà chúng ta đã từng vì nó mà chiến đấu ngày xưa, thì giờ chúng ta đang phản bội nó, đi ngược lại nó, xa rời nó.
Ngày xưa chúng ta chiến đấu để bảo vệ nhân dân, để giải thoát nhân dân khỏi những bất công, bóc lột, thì bây giờ sự bất công đang quay trở lại trong sự phân chia lợi ích giữa những người có chức có quyền với những người dân thường, giữa những người giàu với những người nghèo.
Khi người dân yêu ta, họ sẽ yêu đến tận cùng. Nhưng để đến lúc họ quay lưng lại, thì sự quay lưng ấy cũng có thể sẽ khủng khiếp hơn cả những gì mà chúng ta có thể hình dung. Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh sớm để vẫn giữ gìn được bản chất tốt đẹp của dân tộc này!”.
***
QH đang họp. Nếu lời cầu mong của một trí thức con nhà nòi cộng sản, từng tự ứng cử ĐBQH nhưng không được chọn, được phát cho các đại biểu đã được chọn, gã hy vọng sẽ có thế rúng động lương tri các vị để các vị tại QH cùng lên án cái ác, ngăn chặn cái ác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét