Canh tân nước Mỹ: Một “New Deal” thế kỷ 21
Nhã Duy
2-4-2021
Nhắc đến Tổng Thống Franklin Delano Roosevelt (1882-1945), người ta thường ghi công ông như vị tổng thống Hoa Kỳ đã lãnh đạo nước Mỹ và thế giới tự do dành được chiến thắng trong Đệ Nhị Thế Chiến.
Nhưng một nghị sự đối nội quan trọng khác của ông phải kể đến là chương trình tái thiết nước Mỹ “New Deal” rất thành công. Đó là lý do không phải ngẫu nhiên mà ông được xem là một tổng thống cận đại vĩ đại nhất của Hoa Kỳ, chỉ thua Tổng Thống George Washington thời lập quốc và Abraham Lincoln của thời nội chiến Hoa Kỳ.
Tổng Thống Roosevelt thuộc đảng Dân Chủ, là tổng thống Mỹ duy nhất đắc cử bốn nhiệm kỳ, trước khi Quốc Hội thông qua Tu Chính Án 22 chỉ còn tối đa là hai nhiệm kỳ như hiện nay vào năm 1947. Nhậm chức ngay giai đoạn Đại Khủng Hoảng (Great Depression) vào năm 1933 với tỉ lệ thất nghiệp lên đến 25%, trọng trách của ông là phải vực dậy nền kinh tế Hoa Kỳ lúc bấy giờ với bất cứ giá nào. Kế hoạch tái thiết nước Mỹ qua các chương trình xây dựng cấu trúc hạ tầng và tạo công ăn việc làm cho người dân với tên gọi “New Deal” ra đời theo mục tiêu này.
Đây là chương trình liên bang nhằm cải tổ hệ thống tài chính để tránh tái diễn sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào năm 1929 rồi dẫn đến cuộc đại khủng hoảng, cũng như tái thiết hệ thống công chánh, xây dựng thêm hàng chục ngàn công trình công cộng, năng lượng, y tế, giáo dục, nghệ thuật, công viên… tại các thành phố lớn nhỏ khắp nước Mỹ.
“New Deal” không chỉ giải quyết công ăn việc làm trước mắt cho người dân thời kỳ hậu khủng hoảng thập niên 1930 mà còn để lại cho các thế hệ sau này nhiều công trình giá trị, có thể nhiều người không chú ý là đã được xây dưới thời Tổng Thống Roosevelt.
Có thể kể ra một vài công trình và kiến trúc công cộng quen thuộc và nổi tiếng của Mỹ trong vô số công trình khác thuộc “New Deal”, như phi trường LaGuardia ở New York, cầu Golden Gate ở San Francisco, phố Riverwalk ở San Antonio, đập Hoover Dam tại vùng ven Las Vegas, cụm kiến trúc Griffith Observatory ở Los Angeles… mà người dân vẫn còn đang sử dụng hiện nay.
Nhắc về “New Deal” để thấy những ảnh hưởng và lợi ích to lớn đến đời sống của xã hội và người dân Mỹ trong nhiều thế hệ sau như thế nào với những chính sách và tầm nhìn của TT Roosevelt hay những tổng thống tiền nhiệm khác. Và nhắc đến nó vì không thể không liên tưởng đến kế hoạch tạo công ăn việc làm và cải tổ cơ sở hạ tầng (American Jobs Plan) của Tổng Thống Joe Biden qua khẩu hiệu “Tái dựng tốt hơn” (Build Back Better) vừa được thông báo trong tuần này.
Đây là một chương trình không chỉ tái thiết hệ thống cầu đường, phi trường, năng lượng, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) mà còn nâng cao đời sống, phúc lợi cho người dân qua các kế hoạch xây dựng, thay thế hay hiện đại hóa hệ thống điện nước, nước thải, gia cư, giáo dục, môi trường, kỹ thuật, huấn nghệ lực lượng nhân công, giúp đỡ người già và tàn tật… lên đến hơn hai tỉ ngàn đô la.
Trong thông báo cùng các số liệu từ Bạch Ốc đưa ra, thì dù là quốc gia giàu có và hùng mạnh bậc nhất thế giới, cơ sở hạ tầng nói chung của nước Mỹ nằm ở hạng 13 và thấp hơn trong một số lãnh vực riêng biệt như hệ thống giao thông công cộng, cầu đường, internet tốc độ cao… Phần lớn hệ thống công chánh đã không được thay thế hay có sự tái thiết quy mô từ thập niên 1960.
Đây là một kế hoạch cần thiết cho nước Mỹ và cho những thế hệ tương lai, cũng như là sự đầu tư chiến lược cho vị thế hàng đầu của Hoa Kỳ trước tham vọng phát triển và muốn dẫn đầu của Trung Cộng. Nó từng nằm trong kế hoạch của các đời tổng thống tiền nhiệm, bất kể đảng phái nào nhưng chưa thực hiện được vì các lý do và ưu tiên khác nhau.
Trong khi cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đồng ý, đây là một nhu cầu cấp bách, kế hoạch giữa hai đảng chưa có sự đồng thuận. Nếu Tổng Thống Joe Biden muốn đệ trình một kế hoạch cải tổ quy mô và toàn diện, liên quan và phục vụ cho phúc lợi người dân thì phía Cộng Hòa chỉ đồng ý những dự án liên quan đến việc tu bổ cầu đường, đặc biệt phản đối việc tăng thuế với các tập đoàn.
Để có ngân sách cho kế hoạch này thì nội các TT Joe Biden cần phải tăng thuế doanh nghiệp lên 28%, mà thật sự chỉ là quay lại mức thuế trung bình trước khi được Donald Trump cắt giảm còn 21% bất kể thu nhập vào năm 2017. Theo số liệu từ Tax Foundation, cho đến năm 1986, các doanh nghiệp có thu nhập trên 1.4 triệu đô la đã chịu thuế đến 46% và năm 2017 thì thu nhập trên 10 triệu là 35%.
Nghĩa là, thực chất không tăng thuế mà chỉ không để các đại tập đoàn hưởng các chính sách thuế ưu đãi quá lớn. Theo nghiên cứu từ Institution on Taxation and Economic Policy, có đến 91 tập đoàn trong nhóm Fortune 500 không phải trả thuế liên bang (zero tax) trong năm 2018 và các tập đoàn trung bình chỉ trả mức thuế khoảng 8% nhờ việc tái đầu tư lợi nhuận tại nước ngoài dù có lợi nhuận to lớn. Với kế hoạch của TT Biden, họ sẽ chỉ được miễn giảm thuế nếu tái đầu tư và tạo công ăn việc làm ngay trong lãnh thổ Hoa Kỳ.
Tổng Thống Joe Biden kêu gọi sự hợp tác và cộng tác từ phía đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội, cũng như ngay thành phần cấp tiến trong đảng Dân Chủ muốn thêm bớt những khoản đầu tư to lớn hay các điều khác hơn trong dự luật. Mitch McConnell, Chủ tịch khối thiểu số tại Thượng Viện nói, phía Cộng Hòa sẽ chống tới cùng (fight them every step of the way). Nhưng người ta tin rằng, TT Biden và nội các của ông chắc chắn sẽ thực hiện chương trình nghị sự này với vài thêm bớt, ngay cả khi không có sự đồng thuận từ phía Cộng Hòa.
Tổng thống Franklin Roosevelt bảo rằng, có những kẻ ích kỷ chỉ muốn vặt lông con đại bàng Mỹ để lót tổ cho riêng mình và sự thành công của các chương trình quốc gia tất nhiên phụ thuộc vào sự hợp tác của công chúng, bằng sự ủng hộ có trí tuệ (intelligent support). Chương trình “New Deal” của ông cũng từng bị nhóm bảo thủ phản đối và ngăn chận nhưng sự quyết tâm và nỗ lực của ông đã chứng minh bằng kết quả là đã mang lại cho nước Mỹ một khuôn mặt mới và phục vụ cho lợi ích người dân đến hiện nay.
Chương trình cải tổ cơ sở hạ tầng, một “New Deal” thế kỷ 21 của tổng thống Joe Biden cũng vậy. Nó sẽ mang lại ích lợi to lớn cho quốc gia và người dân Mỹ, một khi được thực hiện. Liệu có lý do gì để chống đối việc người dân cùng con cháu họ sẽ được uống nước sạch, có thêm trường học, chạy trên xa lộ an toàn, có hệ thống giao thông công cộng tiện nghi và sử dụng mạng internet nhanh và rẻ hơn?
Tương lai nước Mỹ nằm trong tay những cấp lãnh đạo quốc gia luôn đặt trách nhiệm của mình với các thế hệ mai sau bằng chiến lược và viễn kiến. Và người lãnh đạo tài ba không chỉ là người mang lại niềm hy vọng về một đất nước phồn thịnh, phát triển và nhân bản mà còn đang ra sức thực hiện điều này. Chương trình này là một thách đố, đồng thời cũng là một di sản to lớn mà tổng thống Joe Biden sẽ để lại cho nước Mỹ, nếu được thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét