Covid-19: Tạm ngưng thử nghiệm vaccine Oxford sau một ca ốm bệnh
Các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng đối với vaccine phòng chống virus corona do hãng AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển vừa phải tạm dừng, sau khi một người tham dự ở Anh bị nghi là có phản ứng tiêu cực với vaccine.
AstraZeneca nói tạm dừng thử nghiệm do có phát sinh tình trạng ốm bệnh chưa rõ lý do.
Kết quả thử nghiệm vaccine đang được theo dõi sát sao trên toàn thế giới.
Vaccine của AstraZeneca và Đại học Oxford đang được coi là một ứng viên nặng ký trong số hàng chục loại đang được phát triển trên toàn cầu.
Người ta đã rất hy vọng vaccine này có thể sẽ là loại đầu tiên được tung ra thị trường, sau khi nó đã được thử nghiệm thành công trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2.
Việc thử nghiệm đã được chuyển sang giai đoạn 3 trong những tuần gần đây, với sự tham dự của khoảng 30.000 người tại Mỹ, Anh, Brazil và Nam Phi.
Các thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine thường cần đến sự tham dự của hàng ngàn người và có thể kéo dài trong vài năm.
Tờ New York Times tường thuật rằng một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm tại Anh đã được chẩn đoán mắc chứng viêm cơ ngang tủy sống, với triệu chứng sưng tấy, tác động tới dây sống mà có thể là do tình trạng nhiễm virus gây ra.
Tuy nhiên, nguyên nhân ngã bệnh hiện vẫn chưa được xác nhận. Một cuộc điều tra độc lập nay sẽ được tiến hành nhằm tìm hiểu xem liệu trường hợp này có liên hệ gì tới việc bệnh nhân được tiêm vaccine Covid-19 hay không.
Giám đốc Wellcome Trust, Sir Jeremy Farrar, chuyên gia trong lĩnh vực kiểm soát bệnh dịch lây truyền, nói rằng những lần tạm dừng trong quá trình thử nghiệm vaccine là chuyện bình thường, và điều quan trọng là bất kỳ phản ứng xấu nào cũng đều cần phải được xem xét nghiêm túc.
"Điều cốt yếu là toàn bộ các dữ liệu phải được chia sẻ công khai, minh bạch, bởi công chúng cần phải tuyệt đối tin tưởng rằng những loại vaccine được đưa ra sử dụng phải đạt mức độ an toàn, hiệu quả, và hy vọng là rốt cuộc chúng sẽ giúp chấm dứt đại dịch," Sir Jerremy nói thêm.
Các chuyên gia của Anh nói rằng việc tạm dừng có thể coi là điều tốt, bởi nó cho thấy giới nghiên cứu đang đặt vấn đề an toàn lên trên hết.
Một người có thể bị các phản ứng phụ khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, nhưng họ cũng có thể bị ốm bệnh vì những lý do tự nhiên.
Quá trình tìm kiếm vaccine hiện đã đi tới đâu?
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng ông muốn vaccine có ở Mỹ trước ngày bầu cử, 3/11, nhưng bình luận của ông khiến nhiều người lo lắng rằng yếu tố chính trị sẽ được ưu tiên so với yếu tố an toàn nếu người ta vội vã đưa vaccine ra sử dụng.
Hôm thứ Ba, một nhóm chín nhà phát triển vaccine Covid-19 đưa ra công chúng một cam kết lịch sử rằng họ này sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn khoa học và đạo đức trong tiến trình phát triển vaccine.
AstraZeneca là một trong chín hãng tham gia cam kết sẽ chỉ nộp đơn xin chuẩn thuận từ giới chức sau khi đã thử nghiệm vaccine qua cả ba giai đoạn nghiên cứu lâm sàng.
Các hãng dược phẩm khổng lồ Johnson & Johnson, BioNTech, GlaxoSmithKline, Pfizer, Merck, Moderna, Sanofi và Novavax cũng tham gia cam kết này.
Các hãng cam kết "luôn đặt sự an toàn và sức khỏe của những người được tiêm vaccine lên hàng đầu".
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng có gần 180 loại vaccine đang được phát triển trên toàn cầu, nhưng chưa có loại nào hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
WHO nói rằng họ dự đoán sẽ không có bất kỳ vaccine nào đáp ứng được tính hiệu quả và tiêu chuẩn an toàn để được thông qua trong năm nay, bởi cần phải có thời gian mới có thể thử nghiệm tính an toàn của chúng.
Tổng giám đốc Liên đoàn Sản xuất Dược phẩm Quốc tế, Thomas Cueni, cũng đồng quan điểm. Liên đoàn đại diện cho các công ty tham gia cam kết trên.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga đã bắt đầu tiêm chủng cho một số số nhân viên then chốt bằng các loại vaccine tự phát triển trong nước. Toàn bộ các loại vaccine này hiện vẫn đang được WHO liệt kê trong danh sách đang thử nghiệm lâm sàng.
Hồi tuần trước, tin tức nói rằng Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ đã thúc giục các bang cân nhắc việc bỏ một số yêu cầu nhằm sẵn sàng phân phối vaccine từ ngày 1/11, trước kỳ bầu cử tổng thống 3/11 tại Hoa Kỳ.
Tuy Tổng thống Trump tỏ dấu hiệu về việc một loại vaccine có thể sẽ có trước kỳ bầu cử, nhưng đối thủ của của ông, Joe Biden từ Đảng Dân chủ, nghi ngờ về việc ông Trump sẽ lắng nghe các khoa học gia và cho triển khai minh bạch tiến trình đưa vaccine vào sử dụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét