Bầu cử 2020: Quan chức Mỹ tố cáo bị áp lực giảm tin tình báo liên quan đến Nga

Người tố cáo nói Chad Wolf (trái) đã yêu cầu ông dừng việc phân tích sự can thiệp của Nga trong vấn đề bầu cử.
Chụp lại hình ảnh, 

Người tố cáo nói Chad Wolf (trái) đã yêu cầu ông dừng việc phân tích sự can thiệp của Nga trong vấn đề bầu cử.

Một quan chức tình báo cấp cao của Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói ông đã bị ban lãnh đạo cơ quan này gây áp lực phải hạ thấp mối đe dọa can thiệp bầu cử từ Nga vì nó "khiến tổng thống trông xấu đi".

Trong đơn tố cáo, Brian Murphy cho biết ông đã bị giáng chức vì từ chối thay đổi các báo cáo về vấn đề này và các vấn đề khác, bao gồm vấn đề da trắng thượng đẳng.

Ông nói rằng các chỉ đạo đó bất hợp pháp.

Nhà Trắng và Bộ An ninh Nội địa bác bỏ lời tố cáo này.

Đơn tố cáo được Ủy ban Tình báo tại Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo công bố và Ủy ban này đã yêu cầu ông Murphy điều trần trước Quốc hội vào cuối tháng.

Những cáo buộc liên quan đến Nga là gì?

Đơn khiếu nại bị trả đũa của người tố cáo, được đệ trình hôm thứ Ba, đưa ra một số cáo buộc cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen, Quyền Bộ trưởng Chad Wolf và cấp phó Ken Cuccinelli của ông.

Ông Murphy nói rằng, từ tháng 3 năm 2018 đến tháng 8 năm 2020, đã có "việc lạm dụng quyền lực lặp đi lặp lại, cố gắng kiểm duyệt phân tích thông tin tình báo và sự quản lý không đúng về chương trình tình báo liên quan đến nỗ lực của Nga nhằm gây ảnh hưởng và phá hoại lợi ích của Mỹ".

Vào giữa tháng 5 năm 2020, ông được ông Wolf chỉ đạo "ngừng cung cấp các đánh giá tình báo về mối đe dọa can thiệp của Nga ... và thay vào đó bắt đầu báo cáo về các hoạt động can thiệp của Trung Quốc và Iran". Đơn tố cáo cho biết những chỉ đạo này đến trực tiếp từ Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Robert O'Brien.

Ông Murphy không chịu tuân thủ "vì làm như vậy sẽ đặt đất nước vào tình trạng nguy hiểm đáng kể và cụ thể" nhưng vào tháng 7, ông được thông báo nên "hoãn" báo cáo tình báo vì nó "làm xấu mặt tổng thống".

Đơn tố cáo cho biết rằng ông Murphy đã bị loại khỏi các cuộc họp diễn ra sau đó và vào tháng 7, đã bị giáng chức từ quyền thư ký và trợ lý xuống làm trợ lý cho thư ký của bộ phần điều hành. Ông đang tìm cách được phục hồi chức vụ.

Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng có sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016, nhưng Tổng thống Trump đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng việc ông thắng cử có ảnh hưởng từ Nga và có lúc đặt nghi vấn đối với các phát hiện từ chính cơ quan thuộc chính quyền của ông. 

Còn những cáo buộc nào khác?

Ông Murphy khai rằng Nhà Trắng đã ép ông phóng đại số lượng người di cư có liên quan đến khủng bố vào thời điểm chính quyền đang thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn dòng người di cư không có giấy tờ đến biên giới Mỹ-Mexico, và đem ra để vận động cho kế hoạch xây tường biên giới.

"[Ông Murphy] đã từ chối kiểm duyệt hoặc tác động để sửa đổi thông tin tình báo," đơn tố cáo nêu.

Người tố cáo cáo buộc Kirstjen Nielsen đã đưa ra lời khai sai cho hai ủy ban Hạ viện
Chụp lại hình ảnh, 

Người tố cáo cáo buộc Kirstjen Nielsen đã đưa ra lời khai không chính xác cho hai ủy ban Hạ viện

Đơn kiện cũng cáo buộc rằng cựu Bộ trưởng Nielsen đã cố ý cung cấp "thông tin tài liệu sai lệch" về những kẻ khủng bố đã định danh hoặc nghi phạm bị bắt giữ ở biên giới trong khi làm chứng trước hai ủy ban Hạ viện, vào tháng 12/2018 và tháng 3/2019.

Ông cho biết lời làm chứng của bà Nielsen vào tháng 3 năm 2019 có một con số bị thổi phồng và "cấu thành một sự cung cấp cố ý và có cân nhắc các thông tin sai lệch". Bà Nielsen đã từ chức một tháng sau đó, sau những phàn nàn từ ông Trump rằng bà không đủ cứng rắn trong vấn đề nhập cư.

Đơn kiện cũng nêu chi tiết cuộc đụng độ với ông Cuccinelli về một báo cáo hồi tháng 5 xoay quanh mối đe dọa từ các nhóm da trắng cực đoan, cho rằng ông Cuccinelli đã ra lệnh thay đổi "theo hướng làm cho mối đe dọa ít nghiêm trọng hơn".

Ông Murphy cũng được cả ông Wolf và ông Cuccinelli chỉ đạo "sửa đổi đánh giá tình báo" đối với các nhóm cánh tả như Antifa "để đảm bảo chúng tương đồng với những bình luận công khai của Tổng thống Trump".

Ông Trump đã thường xuyên đổ tội cho Antifa - viết tắt của "chống phát xít", một mạng lưới liên kết lỏng lẻo chủ yếu là các nhà hoạt động cực tả - về phần lớn bạo lực đã nổ ra trên khắp nước Mỹ trong các cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd khi đang bị cảnh sát khống chế hồi tháng 5.

Đã có những phản ứng nào?

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Matthews nói: "Đại sứ O'Brien chưa bao giờ tìm cách ra lệnh Cộng đồng Tình báo tập trung vào các mối đe dọa đối với sự minh bạch của cuộc bầu cử hoặc về bất kỳ chủ đề nào khác; bất kỳ đề xuất trái ngược nào của một cựu nhân viên bất mãn, người mà ông ấy chưa từng gặp hoặc nghe nói đến, đều sai sự thật và là sự phỉ báng".

Bộ An ninh Nội địa cũng bác bỏ các cáo buộc, với việc người phát ngôn Alexei Woltornist lên tiếng: "Chúng tôi thẳng thừng phủ nhận rằng không có bất kỳ sự thật nào trong các tố cáo của ông Murphy".

Nhưng Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện thuộc đảng Dân chủ, nói: "Chúng tôi sẽ đi sâu vào vấn đề này, vạch trần bất kỳ và tất cả các hành vi sai trái hoặc tha hóa đối với người dân Mỹ, và chấm dứt chính trị hóa hoạt động tình báo."