Bài đăng nổi bật

CHÂN DUNG NHÀ VĂN DƯƠNG THU HƯƠNG

 CHÂN DUNG NHÀ VĂN DƯƠNG THU HƯƠNG  Tác giả : Nguyễn Đăng Mạnh Tôi không nhớ rõ đã quen Dương Thu Hương từ bao giờ. Có lẽ từ hồi chị học trư...

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

Cái cười của kẻ hèn

 

Cái cười của kẻ hèn

Khải Đơn

23-9-2020

Nếu không thể cười nhạo và lên án kẻ cường quyền, hãy chế giễu người yếu thế.

Có lẽ đây là phương châm mà tờ báo Tuổi Trẻ Cười chọn khi quyết định đăng tải những mẩu biếm họa như vầy, về nữ giới và về sinh viên.

Điều đáng sợ của những biếm họa này nằm ở chỗ – nó giúp xã hội nhiều lần xác nhận rằng một phụ nữ nếu có thể giàu có khi còn trẻ, thì chắc chắn là đi làm gái (hoặc sugar baby).

Ảnh: Báo TTC

Trong khi ở Việt Nam, các nhóm bảo vệ quyền của phụ nữ dành nhiều năm để bơi ngược dòng định kiến giới, và mở đường cho phụ nữ tiến tới các giá trị tự do về học hành, sức khỏe, tài chính và phẩm giá mà họ xứng đáng dành được nếu nỗ lực, thì chỉ cần hai chiếc biếm họa, tất cả những nỗ lực đó có thể đổ thẳng xuống ao.

Chắc các bạn phóng viên ở Tuổi Trẻ Cười cũng có thời làm phóng viên các mảng khác, như tôi biết anh tổng tờ này ngày xưa từng đi phỏng vấn sinh viên nghèo. Anh chị hẳn đã đọc những phỏng vấn mà nữ sinh thường trả lời: Ba mẹ muốn em nghỉ học sớm, vì con gái học nhiều làm gì, cũng đi lấy chồng. Em tự cãi lời vào Sài Gòn học đi rửa bát tự kiếm sống.

Để đoạt được học vị, sự công nhận, nghề nghiệp, chuyên môn, và cả sự công nhận phẩm giá, rất nhiều phụ nữ trẻ trả bằng nhiều năm tháng vật lộn chống lại định kiến xã hội về họ. Họ chống lại cha mẹ không thừa nhận giá trị của họ. Họ chống lại hàng xóm cười cợt sự học của họ. Họ phải chống lại đồng nghiệp nam coi họ chỉ là vật trang trí ở văn phòng. Và cuối cùng, sau chừng đó nỗ lực, họ vẫn bị cười nhạo bởi một trong những tờ báo hàng đầu Việt Nam dành cho trí thức.

Sự coi thường nữ giới không chỉ nằm ở các hành động chống lại sự thăng tiến của họ, nó còn nằm ở tâm lý cho rằng là nữ giới tất nhiên không thể có cách nào khác thành công ngoài dựa vào nhân vật chống lưng tên “sugar daddy”. Tâm lý này mở đường cho hành vi bắt nạt và coi nữ giới trong văn phòng, ở nơi làm việc, khi nam giới sẽ dễ dàng được công nhận hơn, trong khi nữ giới phải nỗ lực gấp nhiều lần mới có thể thăng tiến.

Đáng sợ hơn, tôi biết Tuổi Trẻ Cười nhắm vào ai khi họ đăng hình biếm họa này. Họ đăng bức hình này vài ngày sau khi tờ báo Thanh Niên giới thiệu một nhân vật nữ, là sinh viên trẻ, đã kiếm đủ tiền mua một ngôi nhà, và cô bé tự hào khoe đã vất vả ra sao khi hành nghề suốt mấy năm qua. Họ dùng một biếm họa vô danh để “nói mát”một người thật – có sự thành công và kỳ vọng bình thường trong đời sống – là có tổ ấm của riêng họ.

Ảnh: Báo TTC

Đến đây, tôi xin được nhắc các họa sĩ biếm họa rằng – nếu bạn không đủ dũng cảm để cười nhạo cường quyền, hãy nhét miệng cười của bạn vào háng, đừng dùng nó để cười những người vô tội. Bởi sự cười nhạo khát vọng mưu sinh và thành công bình thường là hành vi vô sỉ nhất mà nghệ sĩ có thể nghĩ ra được.

Họa sĩ biếm có thể cười. Cười mọi thứ trên đời. Đó là vẻ đẹp của bộ môn nghệ thuật này. Nhưng vẻ đẹp đó trở nên hài hước và kệch cỡm, khi hàng loạt post trên tờ báo cười “hàng đầu Việt Nam” này chỉ dùng để nhắm tới nữ giới, sinh viên, người mới bước vào sự nghiệp : vốn là nhóm người dễ bị tổn thương và ức hiếp nhất trong xã hội hiện thời.

Nếu nghệ sĩ không đủ dũng cảm để nói về đau đớn của xã hội, xin đừng nhây nhưa cười đùa trước đời sống bình thường vốn mong manh và chịu nhiều bất nhẫn.

Khi mạch lạc vẽ nên những bức tranh cười này, có thể các bạn làm quản lý tờ Tuổi Trẻ Cười nghĩ là cho vui. Nhưng việc các bạn dựng hình ảnh hai cô gái ngồi co chân, húp tô mì, trong khung cảnh dơ bẩn tối tăm, tôi muốn hỏi các bạn kỳ vọng điều gì? – Có phải ý định các bạn kỳ vọng rằng giới sinh viên phải húp mì, hay thậm chí không có đủ mỳ tôm ăn? – Bạn không hề biết giới sinh viên có thể đẹp, làm việc rất giỏi, có thể bắt đầu nấc thang sự nghiệp từ năm đầu đại học, có thể ăn mặc nhã nhặn và am hiểu tri thức, có thể đi du học nhờ khả năng của họ?

Các bạn không chịu nổi sinh viên thành đạt?

Hay các bạn không thể chấp nhận được nữ giới trẻ có nhà?

Trong các bức biếm họa, cô sinh viên chỉ đẹp lên với váy đỏ và “có sự nghiệp” nhờ nhân vật thứ ba nào đó tên sugar daddy. [Mà tôi biết, rất nhiều sugar daddy trong số đó là các nhân vật tai to mặt bự mà các anh chị không bao giờ dám hé răng nói tới]

Nếu đó là mục đích của tờ báo, thì tôi rất tiếc phải nói rằng, tờ báo đang đi ngược lại với những giá trị quan trọng của báo chí, là tôn vinh tri thức, ghi nhận phẩm giá và nỗ lực sống của mọi tầng lớp trong xã hội.

Tờ báo Cười này chỉ muốn cười mãi trên sự nghèo, sự khổ, sợ đói rách, sự khốn cùng và kiệt quệ về phẩm giá của người khác.

(Hay nó tưởng như vậy).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét