Không quan tâm đến chính trị, chỉ thích đá bóng
27-9-2020
Chỉ còn vài ngày nữa là nước Đức kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước. Người Đức chọn ngày 3.10.1990 là ngày quốc khánh, vì ngày đó, hai sản phẩm của chiến tranh lạnh, Cộng hòa Dân chủ Đức (CHDCĐ) và Cộng hòa Liên bang Đức (CHLBĐ) đã tình nguyện sát nhập vào với nhau. Ngày lập quốc là ngày người Đức đến với nhau mà không ai giết ai.
Trong thực tế, việc thống nhất nước Đức bắt đầu từ ngay 18.5.1990, khi hai nhà nước Đức đàm phán về một “Liên minh tiền tệ, kinh tế và xã hội giữa hai miền”. Ngày 1.7.1990, Đông Đức bắt đầu đổi tiền, sử dụng đồng D-Mark của Tây Đức.
Trước đó, ngày 5.5.1990 hội nghị 4+2 về “Thống nhất nước Đức” khai mạc (4 cường quốc = Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp + 2 nhà nước Đức).
Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 10.1990 đã xảy ra cuộc lột xác xã hội Đông Đức. Trong khi các tổ chức chính trị, đảng phái mới lần lượt ra đời, thì nhà nước CHDC Đức cùng với tất cả các hội đoàn, tổ chức xã hội của nó đã bắt đầu giải thể, mặc dù vẫn tồn tại trên danh nghĩa.
Ngày 12.9.1990 là một ngày lịch sử. Hội nghị 4+2 kết thúc tại Moscow đã chính thức chấp nhận quá trình thống nhất nước Đức. Nhưng hôm đó còn xảy ra một sự kiện mà it ai quan tâm đến. Đó là trận đấu giữa đội tuyển bóng đá CHDC Đức và đội tuyển Bỉ tại Bruxells.
Nguyên bản của trận đấu này là đấu loại bảng 5 giải vô địch Châu Âu 1992, trong đó các đội CHDC Đức, CHLB Đức, Bỉ, Luxembourg và Wales tranh nhau 2 vé. Vì hai nước Đức đã dự định ngày 3.10 tới sẽ dọn về ở chung một nhà nên trận đấu đó chỉ còn được coi là đấu giao hữu giữa CHDC Đức và Bỉ. Trận lượt về ngày 1.5.1991 chỉ còn CHLB Đức đá với Bỉ.
Ông bầu đội tuyển quốc CHDC Đức ngày đó Eduard Geyer là một người có phẩm chất hiếm thấy. Sau 1997 chính ông đã đưa đội Energie-Cottbus, đội tuyển nghèo nhất nước Đức lên Bundesliga. Energie Cottbus là đội bóng của vùng than nghèo ở sát biên giới Ba Lan, nhưng quằn quại để tồn tại ở Bundesliga từ 1997-2014 với tổng mức lương cả đội không bằng một cầu thủ Bayer Munich.
Tháng 9.1990 đó, Geyer quyết bảo vệ màu cờ sắc áo của một liên đoàn bóng đá đang tan rã, vào lúc mọi công dân CHDC Đức đều chỉ còn lo thoát thân. Người thì lo chạy chọt đổi nốt số tiền trong tài khoản, kẻ lo xóa đi dấu vết hợp tác với STASI, kẻ thì lo đưa gia đình sang miền Tây. Nhiều cầu thủ của các CLB miền Đông đã chạy sang đầu quân cho các CLB phương tây từ khi bức tường Berlin bị xóa sổ tháng 11.1989.
Do vậy trong số 36 cầu thủ được Geyer mời về đấu có 22 người lần lượt từ chối, đa số là các cầu thủ sừng sỏ. Ai cũng lo giữ giò để đá cho các ông chủ mới, dại gì hao sức cho một đội tuyển coi như đã xóa sổ. Cuối cùng Geyer dẫn 14 cầu thủ trung thành nhất với mình đến Bruxells, trong đó có Matthias Sammer, đang lĩnh lương rất hậu của đội VfB Stuttgart ở Tây Đức. Sammer rất thất vọng khi thấy 13 đồng đội đa số là các cầu thủ trẻ, chưa có kinh nghiệm, nhiều người cũng chưa lọt vào mắt xanh các CLB phương Tây.
Geyer thì thất vọng hơn nhiều, vì ông vẫn mong gặp lại các cầu thủ cũ đã cùng ông xông pha khắp năm châu. Đá trận cuối cùng, không phải vì kết quả, mà chỉ để gặp nhau lần cuối. Thua hay thắng cũng uống với nhau cốc bia rồi chia tay. Vì vậy ông đánh giá cao phẩm chất của 14 cầu thủ trung thành và tâm huyết đó.
Mấy hôm rồi, nhân kỷ niệm 30 năm thống nhất nước Đức, nhiều người đã nhắc đến 14 cầu thủ trung kiên đó với cái tên “14 chàng trai hoang dã” (die 14 “Wilde Kerle”).
Đội Bỉ lúc đó vẫn còn mạnh, với những danh thủ như Preud’homme, Scifo, Willmots… Nhưng họ không dám coi thường đội CHDC Đức, đội bóng vừa thắng Scottland và hòa Brasil 3:3 ngay tại sân Rio de Janeiro cách đó mấy tuần.
Rồi 14 chàng khùng đã chứng minh phẩm chất của họ. Mặc dù còn trẻ và ít kinh nghiệm, đội hình chưa được thử thách, đội tuyển Đông Đức đã đã một trận xuất sắc. Tất cả các cầu thủ đều đá hết mình, thậm chí chấp nhận chấn thương cho một ngọn cờ đang dần quấn lại. Thủ môn trẻ Jens Schmidt đã có những pha phá bóng ngay dưới chân đối phương khiến 10.000 khán gỉa trên sân sửng sốt.
Cuối cùng đội CHDC Đức thắng ngoạn mục 2:0. Cả hai bàn thắng (phút 74 và 90) đều cho thấy phẩm chất chung của bóng đá Đức: Bất chấp các tên tuổi lớn trong đội Bỉ, đội Đức chỉ dựa vào kỷ luật chiến thuật và yếu tố đồng đội. Cầu thủ 23 tuổi Matthias Sammer đã sút vào gôn đối phương khi kết thúc hai đợt phản công từ sân nhà. Chơi với Đức, kể cả phút 90 kéo dài vẫn có thể bị thủng lưới.
Xem trận bóng ở đây.
Người Việt ai cũng ca ngợi việc thống nhất nước Đức trong hòa bình. Nhưng chúng ta quên mất những điều tưởng như không liên quan: Từ người cộng sản Đông Đức đến nhà tư bản Tây Đức, không ai có thói quen dùng bằng giả, và ai cũng có thói quen xếp hàng. Đó là nếp văn hóa được đào luyện qua nhiều thế hệ.
Hôm nay nghĩ về trận bóng cuối cùng của một đội tuyển đang tan rã, có thể nói thêm rằng, người Đức xứng đáng hưởng nền hòa bình này vì luôn có nhiều người suy nghĩ thật đơn giản: Không quan tâm đến chính trị, chỉ cần là người tử tế.
Đối với “14 Chàng trai hoang dã” kia, tử tế chính là đá bóng cho ra đá bóng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét