Đồng Tâm: Luật sư của 3 công an 'biến tòa thành nhà tang lễ'?
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bảo vệ quyền lợi cho một số bị cáo ở Đồng Tâm, nhận định rằng phần bảo vệ quyền lợi ba công an thiệt mạng sáng 10/9 thiếu tính pháp lý và biến phiên tòa thành một nhà tang lễ.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt sau phần làm việc buổi sáng tại tòa, luật sư Nguyễn Văn Miếng bình luận:
"Diễn. Diễn quá. Diễn cho phiên tòa nó tang thương. Trong khi cái chúng tôi cần là về mặt pháp lý."
Luật sư Miếng thuật lại:
"Phiên xử sáng 10/9 chủ yếu tập trung vào phần bào chữa của luật sư Nguyễn Hồng Bách cho 'bị hại' là ba công an thiệt mạng."
"Nhưng hôm nay Hội đồng Xét xử (HĐXX) để cho luật sư của bị hại lấy nước mắt của nhiều người quá. Thay vì chỉ bảo vệ quyền lợi về mặt dân sự cho ba công an thiệt mạng, thì HĐXX để đại diện luật sư của bị hại là ông Lê Hồng Bách kể tội những bị cáo và nói về nỗi thương đau của các chiến sỹ một cách rất mùi mẫn làm gia đình của các bị hại khóc suốt bài bảo vệ đó."
"Các luật sư bào chữa cho các bị cáo có một số người đứng lên phản đối nhưng HĐXX không cho."
"Gia đình ba công an được tham dự phiên tòa từ những ngày đầu. Họ ra tòa thì nói chung chỉ khóc chứ không nói gì nhiều."
"Bài bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bị hại (ba công an) của ông luật sư Nguyễn Hồng Bách kéo dài khoảng nửa tiếng đồng hồ."
"Ông ấy quên mất chức năng luật sư, nên dường như đã đứng về phía Viện Kiểm sát (VKS) để luận tội các bị cáo và khiển trách, chê những luật sư bào chữa cho các bị cáo, cũng như nâng công của các bị hại."
"Không phủ nhận việc các bị hại đã chết, nhưng khi khơi lại nỗi thương đau như vậy, tả lại cái chết, đọc lại biên bản giảm định [với những mô tả] như 'trơ xương' rồi 'cụt tay', v.v…, làm cho gia đình các bị hại ngồi khóc lóc làm cho khán phòng của vụ án giống như nhà tang lễ vậy."
"Cái chúng tôi cần là về mặt pháp lý. Về mặt hình sự, tội trạng của các bị cáo thì đã VKS và có tòa, có bản án và pháp luật quy định. Bên bị hại chỉ lo về mặt dân sự, là đòi bồi thường bao nhiêu. Nhưng khi hỏi đòi bồi thường bao nhiêu thì phía bị hại lại không nói rõ ràng mà rất chung chung, chỉ nói là theo quy định của pháp luật. Nên cũng không rõ là tòa sẽ phạt các bị cáo bao nhiêu tiền."
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hồng Bách được báo Người lao động trích lời, khẳng định tại tòa rằng "ba cảnh sát hy sinh đã thực thi công vụ theo kế hoạch 419A được giao," và rằng không cần thực nghiệm hiện trường vụ án vì sẽ 'gợi lại nỗi đau cho thân nhân'.
Ông Bách nói: "Chúng ta có thể dựng lại hiện trường một vụ giết người tàn bạo như vậy hay không? Ai là người dám chui xuống cái hố đó, cho người khác đổ xăng lên?"
Tước phần bào chữa cho 29 bị cáo
Phần còn lại của buổi sáng 10/9, Viện Kiểm sát đối đáp các vấn đề mà luật sư đưa ra. Luật sư sau đó chấn vấn lại. Sau đó đại diện bị hại nói mấy lời.
"Nhưng với các bị cáo thì Hội đồng Xét xử (HĐXX) không cho nói thêm gì nữa vì cho rằng họ đã trình bày hết trước đó rồi. Phần bào chữa của luật sư cho 29 bị cáo đã bị tước,"
"HĐXX có vẻ muốn gói lại trong một buổi sáng, ép về thời gian, có vẻ như không muốn có phần VKS đối đáp lại với luật sư vì HĐXX nói là 'đã rõ rồi', 'đã có trong cáo trạng'."
"Trong khi lẽ ra VKS phải tranh luận tới cùng những phần các luật sư đã kiến nghị, như việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung lại các thiếu sót, yêu cầu thực nghiệm hiện trường, yêu cầu cung cấp kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự công trình xây dựng sân bay Miếu Môn của công an TP Hà Nội, xem có kế hoạch tấn công nhà ông Kình hay không, nhưng HĐXX nói 'đã rõ rồi', luật sư Miếng nói với BBC.
Khó giảm án tử hình hai ông Công, Chức
Theo luật sư Nguyễn Văn Miếng, vấn đề mầu chốt chỉ xoay quanh cái chết của ba công an, nhưng lại chưa được làm rõ.
Đây là phần đã gây ra nhiều tranh cãi, bàn luận trên các diễn đàn mạng xã hội. Các luật sư cũng đã kiến nghị thực nghiệm hiện trường nhiều lần để làm rõ nguyên nhân cái chết.
"Mới đây nhất, LS Hà Huy Sơn đã đưa ra một bản quy trình cháy của xăng, một lượng xăng bao nhiêu thì cần bao nhiêu xăng, trong diện tích bao nhiêu mới cháy được. Cái hố các công an rơi xuống lại quá nhỏ, nên lượng xăng mà giám định điều tra đưa ra, nói là đã đổ xuống hố, thì không thể thiêu ba công an thành than như văn bản pháp y nói được."
"Với một cái hố nhỏ như thế, cao 4 m, thiếu ô xy, có đổ xăng xuống cũng không cháy. Chết ngạt thì có thể đúng nhưng chết cháy thành than thì không thể. Chính vì thế mà chúng tôi kiến nghị thực nghiệm hiện trường,"
"Tuy nhiên tòa có xu hướng không trả hồ sơ để điều tra lại, không khởi tố vụ bắn chết ông Kình như kiến nghị của các luật sư, mà sẽ tuyên án luôn.
"Tùy theo trường hợp tòa có thể tuyên hạ xuống một chút hoặc cao hơn một chút ở những trường hợp đặc biệt," luật sư Miếng nói.
Luật sư Hà Huy Sơn cũng đã công bố "Phương trình hóa học của xăng cháy" trên Facebook cá nhân hôm 9/9. Ông viết:
"C6H14+9.5O2=6C02+7H20."
"Theo phương trình trên, cứ 1 mol xăng cần 9.5 mol oxy, mà mỗi mol ở điều kiện khí lý tưởng (1 at 25oC) chiếm ~25 lít, 9.5 mol tương đương 235 lít."
"Vì tỷ lệ oxy trong không khí bằng 1/5, cho nên để đốt hết 1 mol xăng (86g) cần có ~1.2 m3 không khí."
"Giếng trời giữa nhà ông Hợi và ông Chức có kích thước (0,76m x 1,45m x 4m) chứa 4,408m3 không khí, tức chỉ đủ để đốt hết có 367g xăng, tỷ trọng 0,750 tương đương khoảng 0,625 lít. Nếu chỉ đốt hết 0,625 lít xăng thì 03 Công an không thể bị than hóa."
"Do giếng kín, nên xăng đổ xuống "nhiều chậu" chỉ có thể bốc hơi lên trên và cháy phía trên miệng giếng, chứ không thể cháy trong giếng. Nó giống như một trò chơi dân gian. Người ngậm dầu vào miệng và phun vào ngọn lửa trần tạo ra ngọn lửa nhưng miệng người phun không hề bị bỏng. Vì trong miệng anh ta không có ô xy."
"Vì thế, với kịch bản đổ xăng được đưa ra trong cáo trạng, thì sẽ có một cột lửa lớn phụt trên miệng giếng, 03 Công an rơi trong giếng chỉ chết ngạt chư không thể bị than hóa. Vì không đủ oxy để cháy."
"Trước khi làm Luật sư, tôi đã làm ở nghành xăng dầu Petrolimex gần 20 năm nên tôi hiểu về xăng dầu. Năm 1988, chính ông Trương Đình Tuyển khi đó làm TGĐ ký tiếp nhận tôi về TCT xăng dầu VN)."
Trong khi đó, kết luận điều tra của công an TP Hà Nội viết rằng ông Lê Đình Chức Chức "cầm can xăng đổ ra chậu", và "dùng chậu đổ xăng 3-5 lần xuống hố, cứ 3-5 phút thì đổ một lần…"
Về khả năng giảm hình phạt tử hình đối với ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức như VKS đề nghị hôm 9/9, luật sư Nguyễn Văn Miếng nói: "Khó."
"Vì tòa nói là 'đã rõ', và không cho bào chữa thêm cho các bị cáo."
"HĐXX tuyên bố chiều 10/9 sẽ cho các bị cáo nói lời sau cùng, sau đó nghị án và tuyên án. Không rõ nghị án và tuyên án ngay chiều 10/9 hay như thế nào. Thường họ tuyên luôn sau khi nghị án nhưng với vụ án có nhiều bị cáo như thế này thì chưa biết trước được," luật sư Miếng nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét