Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Ý: Con kiện mẹ vì bị lấy ảnh đăng Facebook

Ý: Con kiện mẹ vì bị lấy ảnh đăng Facebook

Tại Ý, một cậu bé 16 tuổi đã làm đơn kiện chính mẹ của mình ra toà, yêu cầu bồi thường thiệt hại chỉ vì mẹ cậu đã tự ý lấy hình ảnh cá nhân của cậu đăng lên trang Facebook của mình mà không "xin phép" hoặc được sự đồng ý của cậu. Cậu bé đã biết bảo vệ quyền lợi của mình một cách hợp pháp và người đáng chê trách ở đây chính là mẹ cậu.

<< Ba mẹ đừng đăng ảnh con nha,  vì con không thích thế (ảnh minh hoạ, nguồn: internet)


* Bình luận của Ls. Trần Hồng Phong

Cuối năm 2017 vừa qua, báo chí nước ngoài đưa tin về một vụ kiện khá thú vị. Một cậu bé 16 tuổi người Italy đã kiện chính mẹ mình ra tòa, vì bà đã đăng những bức ảnh của cậu lên Facebook mà không được cậu đồng ý.

Trong đơn khởi kiện, nguyên đơn (cậu bé) cho rằng hành động của mẹ mình đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống vốn đang "bình yên" của cậu. Thậm chí khiến cậu đang phải xem xét chuyển sang một trường trung học ở Mỹ để "bắt đầu lại".

Trong phiên tòa diễn ra vào ngày 23/12/2017, thẩm phán Monica Velletti, thuộc Tòa án dân sự thành phố Rome đã đưa ra phán quyết yêu cầu người mẹ phải xóa hết các hình ảnh của con trai ra khỏi tài khoản mạng xã hội. Hoặc sẽ bị bị phạt số tiền 10 nghìn bảng Anh (hơn 320 triệu đồng). Việc thi hành án toà phải được hoàn tất trước ngày 1/2/2018.

Ngoài ra, Toà cũng yêu cầu người mẹ không được tiếp tục tự tiện đăng ảnh của con trai nữa.

Vụ án khá hiếm gặp này đã gây sự chú ý trong dư luận tại Ý, và được báo chí theo dõi, đưa tin. Theo các phương tiện truyền thông, thì giữa cậu bé và người mẹ đã xảy ra xung đột sau khi cha mẹ cậu ly dị. Có lẽ vì tâm lý không ổn định và thiếu cân nhắc, người mẹ đã thường xuyên đăng những bức ảnh của con trai, kể chi tiết mọi chuyện trong đời sống riêng tư của cậu, thậm chí còn gọi cậu bé là một "bệnh nhân tâm thần" và so sánh cậu với "kẻ giết người" ...vv - trên trang cá nhân của mình.

Luật sư Giuseppe Croari cho biết người mẹ đã vi phạm luật về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của Italy. Luật này yêu cầu người đăng ảnh phải được sự cho phép của nhân vật xuất hiện trong ảnh trước khi đăng lên các phương tiện truyền thông xã hội.

......

Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong:

Cân nhắc và hạn chế việc đăng ảnh con lên Facebook

1. Việc cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình được pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới quy định, chứ không riêng gì nước Ý. Tại Việt Nam, vấn đề này được quy định tại Điều 32 Bộ luật dân sự (2015). Theo đó, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Tuy nhiên, thế nào là "hình ảnh cá nhân" thì trong nhiều trường hợp vẫn có sự tranh luận hay cách hiểu chưa thực sự thống nhất. Chẳng hạn như ông A đi chơi Vũng Tàu chụp một tấm ảnh đăng lên Facebook của mình. Vô tình trong bức ảnh đó là "dính" cô B đang trong một tư thế không được đẹp. Khi bạn cô B phát hiện, mách với cô B, cô B liền liên hệ yêu cầu ông A xoá ảnh. Ông A thì nói đó là ảnh của ông, chụp ở chỗ đông người, nên không phải là ảnh cá nhân của cô B. Ông A không làm gì sai. 

Trong trường hợp có tranh cãi giữa ông A và cô B, thì các bên có thể đưa ra Toà án để giải quyết tranh chấp. Toà án sẽ đánh giá, xem xét và xác định ai đúng ai sai. Tuy nhiên ngay phán quyết của Toà án thì cũng chưa chắc được tất cả các bên tâm phục khẩu phục. Vì dù sao thì cũng chỉ là nhận định chủ quan của con người.

3. Song đó là nói về ảnh chụp đông người, hay từ các hoạt động nơi công cộng, công khai ... Chứ còn ảnh chụp chỉ 1-2 người, về sinh hoạt riêng tư, ảnh chân dung, ảnh thẻ, và đặc biệt là ảnh dạng "nóng", "hót" ... thì chắc chắn là ảnh cá nhân. Việc tự ý sử dụng, phát tán ảnh cá nhân dạng "nóng" của người khác trên mạng xã hội không chỉ thuần tuý là vi phạm về pháp luật dân sự, mà thậm chí còn có yếu tố hình sự (liên quan đến các tội danh như: vu khống, làm nhục người khác, hay truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ ... - quy định tại Bộ luật hình sự.

4. Riêng về hình ảnh cá nhân của các bị can, bị cáo tại các phiên toà xét xử hình sự thì hiện nay tại Việt Nam luật pháp chưa có quy định thật sự rõ ràng. Hoặc là vẫn có sự "xung đột" giữa luật dân sự và luật chuyên ngành. Chẳng hạn trong Luật báo chí thì cho phép nhà báo có quyền tác nghiệp tại phiên toà xét xử, Luật tố tụng hình sự thì quy định mọi người (gồm cả nhà báo) phải tuân thủ sự điều hành/quyết định của chủ toạ phiên toà. Tuy nhiên trong Bộ luật dân sự, hay luật hình sự, không hề nói rằng bị can, bị cáo bị mất quyền đối với hình ảnh của mình. Trong khi đó, tại nhiều nước tư bản, luật không cho phép báo chí được đăng ảnh bị can, bị cáo. (Chúng tôi sẽ có bài riêng phân tích và bình luận về vấn đề này).

5.  Quay trở lại vụ án cậu bé kiện mẹ nói ở trên, có thể thấy đây là tình huống cũng khá phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Rất nhiều bậc cha mẹ, phụ huynh vẫn vô tư thoải mái đăng hình ảnh của con mình, rồi bình bàn rôm rả, thường thì khoe con học giỏi, xinh đẹp, khoẻ mạnh ....vv. Lại có người đăng rồi commen là "con nó không chịu chụp nhưng ... cứ chụp", để đăng lên. 

Tất nhiên về nguyên tắc, thì không có bậc cha mẹ nào lại muốn nói xấu hay làm hại con mình. Tuy nhiên việc đăng ảnh con một cách quá vô tư, quá nhiều và thiếu cân nhắc, theo tôi là không hay. Tiềm ẩn những rủi ro, không tốt cho con. Mà chưa chắc con đã thích hay đồng ý (nếu cha mẹ hỏi trước khi đăng). Còn xét về phương diện pháp luật, thì cha mẹ đã sai. 

Tại Khoản 11 Điều 6 Luật trẻ em (2016) quy định cấm "công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em".  "Thông tin về đời sống riêng tư" được hiểu là bao gồm cả hình ảnh cá nhân và quy định này áp dụng cho cả bậc cha mẹ.

6. Tuy chưa xảy ra, nhưng việc trong tương lai, có một cô bé hay cậu bé nào đó tại Việt Nam "khiếu nại" hay kiện cha mẹ mình ra Toà, tương tự như cậu bé ở Ý, thì cũng không phải là điều quá bất ngờ. 

.........

* Quy định của pháp luật Việt Nam:


Quyền bí mật đời sống riêng tư 

1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

(Điều 21 Luật trẻ em 2016)

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

(Điều 32 Bộ luật dân sự 2015)

......

Thông tin hữu ích
  1. Trẻ em có những Quyền gì?
  2. Quyền trẻ em đang bị người lớn tước đoạt
  3. Quyền nuôi con khi ly hôn
  4. Quy định về việc xác định CHA, MẸ, CON
  5. Qui định về việc kết hôn, ly hôn của các dân tộc thiểu số & những hủ tục/phong tục bị cấm hoặc cần xóa bỏ
  6. Quy định về xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội
  7. Bé gái và nguy cơ bị lạm dụng tình dục
  8. Các hành vi vi phạm quyền trẻ em & trách nhiệm bảo đảm quyền cơ bản của trẻ em
  9. Khi trẻ em bị bắt làm “cần câu” cho người lớn
  10. Trẻ em - món hàng béo bở của những kẻ bất nhân
  11. Cha, con gái và 18 thắc mắc về tình dục, giới tính
  12. Dịch sởi và mục tiêu "loại trừ bệnh sởi vào năm 2012": thực tế phũ phàng và sự lừa dối
  13. Con tự tử, cha mẹ có chịu trách nhiệm?
  14. Cần truy tố người mẹ vứt bỏ con mình
  15. Mẹ giết con rồi tự vẫn – phạm tội gì?
  16. Vụ học sinh chết oan và “kẽ hở” trong pháp luật hình sự
  17. Mẹ “giết” con trong bụng vì nóng giận
  18. Bé sơ sinh chết vì bú sữa mẹ say rượu
  19. Bỉ cho trẻ em "quyền được chết" (2/2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét