RSF: Pháp phải đặt vấn đề nhân quyền với ông Nguyễn Phú Trọng
24/03/2018
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp kêu gọi chính phủ Pháp lên tiếng với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng về việc Việt Nam trấn áp các nhà báo và blogger độc lập, khi ông Trọng đến Paris vào Chủ nhật này.
Nhận lời mời của Tổng thống Emmanuel Macron, ông Trọng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 3, theo truyền thông trong nước. Chuyến thăm cũng diễn ra nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt-Pháp.
"'Quan hệ đối tác chiến lược' này có mục đích gì nếu thiếu tự do báo chí?" ông Daniel Bastard, trưởng phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong RSF, nói. "Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách Pháp hãy chất vấn Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam những câu hỏi bị cấm ở nước ông ấy, những câu hỏi khiến các phóng viên Việt Nam bị cầm tù nếu họ dám hỏi."
RSF cho biết kể từ đầu năm 2017, hơn 20 nhà báo công dân đã bị bắt, bị trục xuất hoặc bị kết án tới 9, 10 hoặc thậm chí 14 năm tù chỉ vì cố gắng cung cấp thông tin cho công chúng. "Đây là đợt trấn áp tồi tệ nhất nhắm vào quyền tự do cung cấp thông tin trong hơn 20 năm qua," RSF nói thêm.
Tổ chức vận động cho quyền tự do báo chí này cũng lưu ý tới tình trạng sức khỏe đang xấu đi của nhiều nhà báo công dân đang bị cầm tù, trong đó có luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và blogger Mẹ Nấm.
Nghị viện Châu Âu tháng 12 năm ngoái đã thông qua nghị quyết khẩn cấp đòi Việt Nam thả các nhà báo công dân mà họ nói là bị giam giữ sai trái ở Việt Nam.
Trong một thông cáo chung với hai tổ chức khác, RSF kêu gọi Pháp đòi hỏi nhà chức trách Việt Nam thực thi các nghĩa vụ quốc tế và tôn trọng các quyền được bảo đảm trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
"Điều thiết yếu là, trong các cuộc gặp với Tổng bí thư Trọng, các đại diện của Pháp phải hết sức thẳng thắn nêu lên các vấn đề nhân quyền," RSF nhấn mạnh trong thông cáo.
Việt Nam xếp thứ 175 trên 180 quốc gia trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2017 do RSF thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét