Sức cuộn chảy của dòng sông cuộc sống (Mênh mông thế sự 21)
bauxitevn9:10 AM
Liệu có đúng như nhận định của Jonathan London, “chính trị của Việt Nam vẫn là hộp đen”? Đúng hay không chắc còn phải bàn, nhưng đó là môt cái nhìn có trách nhiệm của một nhà quan sát có chính kiến và giàu suy tư. Chỉ có điều, nếu vận dụng thuật ngữ “hộp đen” theo nghĩa cần để giải mã thông tin về nguyên nhân sau khi tai nạn xảy ra thì thực trạng chính trị hiện nay chỉ để dành cho lịch sử kết vòng tang mặc niệm. Mà nếu vậy thì không là cái cuộc sống đang cần.
Sẽ có ý nghĩa hơn nếu thuật ngữ này được được hiểu là cấu trúc và hoạt động bên trong của nó đang còn bí ẩn, hoặc người ta chưa khám phá được hình hài của nó, cho dù đâu đó vẫn úp úp mở mở, hoặc làm ra vô tình lộ ra, nhưng có khi lại là “hữu tình” cũng chưa biết chừng.
Đấy là nói đối với cách làm chính trị của những đầu óc thông minh, bằng bản lĩnh trí tuệ mà tung ra những đòn công hoặc thủ tuyệt chiêu khiến đối phương bị động đối phó, thậm chí phải “gác kiếm” lui về ẩn dật! Chứ còn với những kẻ chó ngáp phải ruồi vớ được cái ghế quyền lực để mà tự tung tự tác một cách ngô nghê, nói câu nào sai câu ấy, tự trình diễn sự kém cỏi của mình trên sân khấu chính trị nhưng cứ luôn phải nghểnh tai lên để nghe “người lạ” nhắc vở cho dù đã khổ công ôn luyện nhằm nhồi sâu vào não trạng mớ giáo điều nhai đi nhai lại đã nhão nhoét thì chẳng phải phí lời để luận bàn.
Một phóng viên của Hãng Bloomberg hỏi tôi: “Theo dõi thông tin trên báo chí chính thống và trên mạng của các ông khó để xác định được chiều hướng của thế lực nào, nhân vật nào sẽ chiếm lĩnh thế thượng phong trong cuộc đua quyền lực trong mấy Hội nghị Trung ương sắp tới để có quyết định mở Đại hội XII. Ông nghĩ thế nào về điều này?”.
Thủng thẳng chiêu thêm nước sôi vào ấm trà rót mời khách nhằm kéo dài sự cân nhắc câu trả lời, chứ tránh hẳn hoặc láu cá “đánh bùn sang ao” theo kiểu “Thế thì Bloomberg nhận định thế nào?” e không đàng hoàng. Đành đi đường vòng vậy.
“Tôi hay nhìn nhận sự việc không như nó đang trần trụi hiện ra bởi lẽ, hiện thực không “hiện thực” như như người ta tưởng”, tôi chậm rãi nói. Chẳng hạn, “những bèo bọt nổi lên trên mặt nước thường đập vào mắt ngay, còn sức cuộn chảy ở bên dưới dòng sông thì đôi mắt trực quan thường bất lực. Dòng sông cuộc sống cũng vậy thôi. Mọi con sông đều chảy. Và hình như hầu hết những con sông trên mặt quả đất này đều chảy ra biển. Thế nhưng, phải nương theo địa hình nơi chúng chảy qua, có lúc sông dường như chảy ngược. Cho dù như vậy thì chính lúc tưởng là chảy ngược đó, sông vẫn tìm đường để ra biển. Và rồi những đoạn chảy xiết, những lúc vượt thác ghềnh, những đoạn rẽ ngoặt, chuyển dòng, sông ầm ầm sủi bọt, váng bẩn nổi đầy trên mặt, sóng đánh dạt vào bờ đập vào mắt mọi người, song không phải ai cũng nhìn qua những rác rưởi đó mà hiểu được sức cuộn chảy từ dưới sâu kia”.
Dòng sông trong tự nhiên thường như vậy. Dòng sông cuộc sống phức tạp hơn rất nhiều song không hề đảo ngược quy luật vận động của tự nhiên, vì cuộc sống con người là một bộ phận của tự nhiên. Nói dòng sông cuộc sống cũng là nói dòng chảy bất tận của thời gian cuốn theo nó những biến động dữ dội của cuộc sống. Khó để đoán trước được hết độ phức tạp những biến động của dòng sông cuộc sống. Nhưng lịch sử cũng đã chứng kiến không hiếm sự giản đơn đến bất ngờ của những sự kiện từng xảy ra. Chẳng thế mà Nelson Mendela, một trong những nhân vật chói sáng của thế kỷ XX bước vào thế kỷ XXI tiên đoán “sự việc đều tưởng như bất khả thi cho tới khi nó được hoàn thành”. Đương nhiên, khuyến cáo của Paul Krugman, người được giải Nobel về kinh tế, là một gợi ý để suy nghĩ thêm về điều vừa nói: “Khi khủng hoảng trở nên trầm trọng, những cách tư duy thông thường không còn đúng nữa: cái bạn cho là tốt thực ra là tệ hại, cái mà bạn tưởng là thận trọng thực ra lại đầy rủi ro, và sự khôn ngoan lại hóa ra là dại dột”.
Phải chăng vì thế mà Hegel cho rằng động cơ của những nhân vật lịch sử, xét đến cùng, không phải là những nguyên nhân cuối cùng của lịch sử. Điều này không hề phủ nhận vai trò cá nhân trong lịch sử, những cá nhân góp phần quyết định thúc đẩy lịch sử đi tới cũng chính là sản phẩm của lịch sử. Vấn đề thời thế tạo anh hùng và anh hùng biết cách tạo thời thế vốn là chủ đề quen thuộc được đúc kết trong tiến trình thịnh suy của lịch sử. Vậy thì xét đến cùng, đáp số của lịch sử là gì nếu không là cái hợp lực làm bật dậy sức mạnh của cả dân tộc, đẩy tới bước đột phá, mở ra một cục diện mới, đưa đất nước bứt lên như đã từng diễn ra trong dòng chảy của thời gian kết nối quá khứ với hiện tai? Cái hợp lực bật dậy sức mạnh của cả dân tộc ấy sẽ đẩy tới bước đột phá để tạo ra sự chuyển đổi mang tính đột biến, mở ra một cục diện mới, đưa đất nước bứt lên. Chính cái đó mới là đáp số của lịch sử. Biết cách làm bừng nở những nhân tố hợp thành sức mạnh hợp trội ấy thì sức cuộn chảy của dòng sông cuộc sống từ bên dưới sẽ cuốn phăng đi mọi vật cản, xô dạt mọi rác rưởi, bèo bọt, xuôi về biển cả. Một giai đoạn lịch sử mới sẽ mở ra. Thì chẳng phải lịch sử đau thương và quật khởi của dân tộc ta đã cho thấy rất rõ những dẫn chứng sống động như thế đó sao? Đã không thiếu những điều “tưởng như bất khả thi cho tới khi nó được hoàn thành”, và đến lúc đó thì bài học được rút ra lại hết sức giản đơn, dễ hiểu. Và rồi cũng chính trong những bước đi khó đoán định ấy của lịch sử mà nhân tố ngẫu nhiên có vai trò đặc biệt của nó.
K. Marx có lý khi chỉ ra rằng lịch sử sẽ mang tính chất thần bí nếu tất cả những cái ngẫu nhiên không có tác dụng gì cả. Chẳng hạn như sự kết hợp tình cờ của động lực cá nhân để tạo ra một sự mở cửa cho cải cách và một sự đoạn tuyệt nghiêm túc với quá khứ trong sự kiện Myanmar gây chấn động thế giới là một ví dụ. Những ngẫu nhiên này chính là một bộ phận trong tiến trình chung. Sự phát triển diễn ra nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào cái ngẫu nhiên, kể cả những cái ngẫu nhiên rất nhỏ. Thí dụ như: cá tính của người thủ lĩnh. Chẳng hạn như sự kiện Myanmar: Khi Ne Win từ chức giữa những rối loạn của sự nổi dậy của dân chúng năm 1988, ông đã ra lệnh cho nội các của ông đưa đất nước chuyển dần sang sự cai quản nghị viện đa đảng. Các nhà quân sự kế vị ông đã coi đấy là một mệnh lệnh và đã bắt đầu ngay lập tức để trù tính một sự chuyển đổi.
Tiếp đó, khác với tiếp tục buông rèm chấp chính một cách tích cực như Ne Win, lão tướng Than Shwe đã gây ngạc nhiên khi ông rút lui vào sự tương đối vô hình sau khi đặt chính phủ mới vào đúng chỗ như nó cần phải vậy. Phải chăng đây là điều được gọi là ngẫu nhiên lại ẩn giấu cái tất yếu. Cũng là cái tất yếu phải thông qua cái ngẫu nhiên để biểu hiện ra. Mà sự trớ trêu của cuộc sống lại thường hiện diện trong mối quan hệ mà thoạt nhìn có vẻ bí ẩn đó. Vì thế, trong một bài viết gần đây tôi có dẫn ra điều mà các cụ ta xưa nói một cách dung dị nhưng mang ý nghĩa đúc kết rất hàm súc: “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”! Nhà Khai sáng Pháp thì diễn đạt ý này trong một khái quát về những oái oăm của lịch sử bằng những mệnh đề giàu tính triết lý khiến càng suy ngẫm càng thấy cuộc sống đầy rẫy những nghịch lý mà muốn hiểu thấu chúng không thể chỉ bằng những cảm tính hời hợt.
Voltaire viết trong bản anh hùng ca La Henriade:
“Tội ác có anh hùng của nó, sai lầm có tử sĩ của nó.
Lòng nhiệt thành và vô vọng là những gì chúng ta có!
Thường những kẻ côn đồ giống các vĩ nhân.”
Người đưa ra những so sánh này vốn nổi tiếng là một nhà triết học thích bông đùa khi bàn chuyện thế sự. Voltaire đã từng bị tống vào ngục Bastille do đã châm biếm quan phụ chính của vua Louis XV khi y quyết định bán đi một nửa số ngựa trong các chuồng ngựa của hoàng gia với lý do tiết kiệm, nhà triết học đã mỉa mai: “Giá như loại đi một nửa số con… lừa trong triều đình thì có lợi hơn”. Đấy là chuyện của thế kỷ XVIII!
Với phép mầu nào đó mà Voltaire sống lại thì e nhà Khai sáng của thời đại Phục hưng thích bông đùa này sẽ tăng tỷ lệ số lừa phải thải loại lên cho tương xứng với thời cuộc của chế độ toàn trị phản dân chủ đang là nỗi ô nhục của thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI này. Thì cứ nhìn sang Trung Quốc mà xem cách Tập Cận Bình loại bỏ đối thủ chính trị dưới chiêu bài chống tham nhũng trong chiến dịch đả hổ, diệt ruồi của người đang nắm trong tay bộ máy siêu quyền lực, cũng hiểu ra thêm được phần nào những mệnh đề triết lý giàu chất châm biếm của đại văn hào thế kỷ XVIII. Không chỉ loại bỏ thẳng cánh những người từng là nhân vật số 2, số 3 như một số uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Tập đánh thẳng vào chính Giang Trạch Dân, người đưa ra thuyết “ba đại diện” mà một thời Tập và bộ sậu hiện nay của y từng thành kính tụng niệm để rồi nay thì lột truồng đối thủ, phơi ra giữa thiên hạ sự tởm lợm của Giang, người vẫn đang đứng cạnh Tập trên lễ đài Thiên An Môn vừa rồi đấy thôi. “Thiên triều” đã vậy thì các “chư hầu” cùng “chung ý thức hệ” cũng phải tìm cách vận dụng sáng tạo vào nước mình là chuyện dễ hiểu.
Cho dù mọi sự so sánh đều khập khiễng và dễ rơi vào khiên cưỡng nhưng xem ra những lời vàng ngọc mà ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa đưa ra để cảnh tỉnh nhân dân trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 8.12.2015 mà báo chí chính thống đã trang trọng đưa tin: “Không cẩn thận thì sẽ gây phá hoại từ trong ra, chứ không phải từ bên ngoài đâu” là một chỉ dấu cho thấy cuộc chiến quyền lực đã đến hồi chung kết. Ông Tổng còn lấp lửng giảng giải: “Còn bên ngoài thì âm mưu người ta vẫn luôn có, ngày càng thâm độc”. “Bên ngoài” là ai, là những ai, thì ngài Tổng Bí thư bỏ lơ, thần dân muốn hiểu thế nào thì hiểu, ngài chỉ lưu ý rằng “có ý kiến nói chuyện quan hệ với Mỹ để chống Trung Quốc ở Biển Đông thì cũng chỉ là một cách suy diễn”.
Và đây mới là những lời gan ruột mà không “suy diễn” chút nào thật xứng đáng là người láng giềng đồng chí “cùng chung ý thức hệ”: “Giờ Mỹ là đối tác toàn diện, quan hệ thương mại đã trên 36 tỷ USD, chỉ sau Trung Quốc thôi… Rất hay là vừa đi Mỹ về, thì Phó thủ tướng Trung Quốc cũng sang đây”.Thì “hay” quá chứ còn gì! Ông càng hay thì dân tộc, đất nước phải “ngậm đắng nuốt cay thế nào”! Cái chữ “tâm” của ông mờ tối quá! Thế mà ông còn định tăng nó lên gấp ba chữ tài thì cái bể trầm luân mà nhân dân đang phải lặn ngụp trong đó sẽ còn kéo đến bao giờ nữa đây?
Liệu có phải vì cái “tài” của ông đã tự phơi bày trong suốt cả mấy chục năm chấp chính, từ cái ghế Bí thư Hà Nội leo lên ghế Chủ tịch Quốc hội rồi ngất nghểu trên ghế Tổng Bí thư và khoe đã đến ngồi trong phòng bầu dục tại Nhà Trắng của Nước Mỹ, nên ông mới lánh sang “chữ tâm”? Nhưng ông hiểu sai về chữ tâm rồi ông Trọng ơi. Rồi sẽ phải bàn về cái chữ “tâm” của Nguyễn Du mà cái vốn tri thức của ông chưa kham nổi để hiểu cho thấu đáo đâu, nhưng xin dành một dịp khác để nói chuyện cần thiết hơn.
Trong Thư gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 9.12.2015 chúng tôi đã nói rõ những sai lầm cơ bản của Đảng mà Tổng Bí thư phải gánh chịu trách nhiệm chính. Đó là: “bám giữ thể chế độc tài toàn trị với bộ máy cầm quyền hết sức nặng nề, thiên về dùng bạo lực và dối trá, vi phạm nhiều quyền tự do dân chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân, tạo thuận lợi cho tệ tham nhũng, ức hiếp dân và sự thao túng của các nhóm lợi ích bất chính. Đường lối sai lầm theo ý thức hệ cùng với bộ máy cầm quyền nhiều khuyết tật cũng không dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc để có đối sách đúng đắn bảo vệ độc lập, chủ quyền chống mưu đồ và hành vi bành trướng của Trung Quốc”.
Do những sai lầm nghiêm trọng đó, “so với nhiều nước, nhất là các nước trong khu vực (trong đó có những nước cách đây không lâu còn ở trình độ phát triển ngang hoặc kém nước ta), Việt Nam đã tụt hậu xa hơn cả về kinh tế, khoa học công nghệ và giáo dục, đặc biệt là về năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực trạng kinh tế đang có nhiều bất ổn (nổi lên là ngân sách và cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt nặng kéo dài, nợ công tăng quá nhanh); nhiều tài nguyên bị khai thác cạn kiệt; môi trường bị tàn phá và ô nhiễm nghiêm trọng; văn hóa xuống cấp; đạo đức xã hội bị băng hoại; nhân dân ngày càng mất lòng tin vào thể chế chính trị”. Bức thư cũng vạch rõ hiểm hoạ trực tiếp của đường lối sai lầm khiến “Trung Quốc ngày càng ngang nhiên thực hiện mưu đồ bành trướng, hòng biến nước ta thành một chư hầu kiểu mới, liên tục xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ của nước ta cả trên biên giới đất liền và biển đảo, tăng sự uy hiếp và chi phối đối với nước ta trên nhiều mặt. Thời gian gần đây, trong khi vẫn dùng những lời hoa mỹ về hòa bình, hữu nghị, nhà cầm quyền Trung Quốc đã có những bước leo thang thực hiện mưu đồ bành trướng trên Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, không chỉ trắng trợn xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn gây bất ổn cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới”.
Thế mà ông Tổng Bí thư còn cao giọng khoe khoang: “Các bác thấy vấn đề Biển Đông chúng ta giải quyết như thế có đúng không? Chuyện Biển Đông, càng ngày càng thấy tính đúng đắn của hướng giải quyết, vẫn đảm bảo được môi trường ổn định, hoà bình để phát triển”.
Đã thế, ông đang tiếp tục biểu lộ những huyễn tưởng mang “màu sắc AQ” mà công luận từng được biết “mình là thế nào người ta mới mời chứ” để đưa ra những phát ngôn tuỳ tiện mà một chính khách không thể bạ đâu nói đấy theo cách ông nói nhiều lần trước công chúng: “Nhưng Mỹ đang muốn trở lại châu Á, Đông Nam Á, mà trong đó Việt Nam là nước rất quan trọng”. Báo chí chính thống cứ thế tung ra những lời “vàng ngọc” của ngài Tổng Bí thư: “Tôi nói là, gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Gác lại quá khứ, chứ không nói là khép lại, quá khứ không bao giờ thay đổi, chúng tôi không quên, nhưng vì lợi ích của hai nước, hai dân tộc, vì hòa bình ổn định, thì ta gác lại. Đối đầu với nhau chả hay ho gì”. Ông cũng nói thêm với cử tri rằng “Mỹ mời ông sang thăm từ tháng 7/2012, tức là 3 năm nay rồi, và phải cân nhắc lắm xem có đi không, rồi mới quyết định”.
Hình như trong lúc ngẫu hứng, ông đã quên mất sự hồ hởi, nhiệt tình mà các đài Phương Tây thuật lại: “[…] “thú vị”, “sâu sắc”, “ngỡ ngàng”, “kỳ diệu”, “hết sức tâm đắc”, đó là những từ mà Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã dùng trong phát biểu với Tổng thống Obama và trong bài diễn văn đọc trước bữa tiệc chiêu đãi do Phó Tổng thống Joe Biden chủ trì”. Thậm chí ông còn tỏ rõ quyết tâm: “cần tiếp tục thông qua đối thoại thẳng thắn, xây dựng để có cách nhìn tổng thể về những thay đổi cơ bản mang tính hệ thống” trong bài nói chuyện tại CSIS. Nhớ cho là “thay đổi cơ bản mang tính hệ thống” đấy nhé! Liệu ông có hiểu thấu đáo từng câu chữ cực kỳ hệ trọng đó trong lời ông nói tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Hoa Kỳ không đấy? Đúng vào thời điểm ấy, trên Asia Sentinel, David Brown đưa ra nhận định: “Ở Việt Nam, chuyến đi của ông Trọng được coi như một bước đột phá trong quan hệ với kẻ thù một thời của Hà Nội… trong dịp này các hệ phái chính trị đã đi vào cùng chiều với nhân vật chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người vốn được xem… là một “lãnh đạo đảng yếu kém nhất từ trước đến giờ”. Nhưng vào dịp này, ông đã hành xử đúng với danh nghĩa nhân vật số một của chế độ Hà Nội… Không ai ở Hà Nội có thể hiểu biết hơn ông Trọng về thông điệp mà chuyến đi của ông sẽ chuyển tới Bắc Kinh “người hàng xóm khổng lồ muôn thưở” rằng: Hà Nội đã tự điều chỉnh để gần gũi hơn với Washington, ít nhất là trong suốt thời gian Trung Quốc theo đuổi bá quyền trên vùng biển ngoài khơi bờ biển dài 3.260 km của Việt Nam”.
Phải chăng vì đây là tử huyệt của ông nên bây giờ, sau khi vòng vo lấp lửng chuyện “phá hoại từ trong ra, chứ không phải từ bên ngoài đâu” ông đã bộc bạch không úp mở điều đã ghim quá sâu vào trong não trạng thần phục Trung Quôc của mình: “nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?”. Câu nói bộc lộ khá rõ cái tầm tư duy cũng như trí tuệ và bản lĩnh của ông Trọng, điều này không gây ngạc nhiên mà chỉ vấn vương trong một liên tưởng: Giả dụ đại văn hào thích bông đùa đã cho côn đồ và vĩ nhân vào một bị mà nghe được những lời vàng ngọc trên liệu có ngẫu hứng gợi ý cho Phó Tổng thống Mỹ Biden, sau khi lẩy câu Kiều “tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”, thì phải lẩy tiếp mấy câu cho xứng với những lời của ông Trọng khi những ấn tượng “thú vị”, “sâu sắc”, “ngỡ ngàng”, “kỳ diệu”, “hết sức tâm đắc” ở Mỹ dạo nào đã nhạt nhoà (hay là ông lại học hỏi thái độ lật lọng của Tập Cận Bình vừa quay đít bước khỏi thảm đỏ ở Hội trường Diên Hồng theo đúng đường lối của ông, đã thẳng thừng tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là của tổ tiên nhà hắn để lại?). Mấy câu đó như sau:
“Này này sự đã quả nhiên…
…Ra tuồng mèo mả gà đồng
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào.
Đã đem mình bán cửa tao
Lại còn khủng khỉnh làm cao thế này
Nào là gia phá nọ bây!
Hãy cho ba chục, biết tay một lần…”
Là nhân nói đến ẩn ý thâm trầm của Voltaire mà liên tưởng tào lao vậy thôi. Thực ra, không chỉ nhà Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII, mà vào thế kỷ XX ở nước ta, nhà văn Nguyễn Bá Ngọc đã cũng từng viết “Phàm vật đã đến cực điểm thì hay giống nhau: cho nên người cực hiền giống như ngu; người cực gian giống như thật…”. Dù sao thì sự liên tưởng để dẫn đến mấy câu Kiều nói trên e là sự xúc phạm đến thâm ý của một vĩ nhân, cho dù ông đã chua chát mà rằng “lòng nhiệt thành và vô vọng là những gì chúng ta có”!
Chính vì vậy xin tạ lỗi với vĩ nhân thế kỷ XVIII bằng lời của chính ông: “Tôi bắt đầu bằng tên của tôi, ngài kết thúc bằng tên của ngài”. Thế đấy ngài Tổng Bí thư ạ.
T. L.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét