Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Đại hội 12 sắp tới của Đảng Cộng Sản có gì đặc biệt?

Đại hội 12 sắp tới của Đảng Cộng Sản có gì đặc biệt?

noreply@blogger.com (Danlambao 2012)5:43 AM


Trần Quang Thành (Danlambao) - Lời giới thiệu: Còn không đầy một tháng nữa, vào ngày 21/12/2016, Đại hội 12 của ĐCSVN sẽ chính thức khai mạc. Đây là Đại hội khó khăn nhất trong lịch sử của Đảng Cộng Sản vì họ không còn đồng thuận trên một lý tưởng chung và chia rẽ nội bộ đã đạt tới cực điểm. Dự thảo báo cáo chính trị đã chỉ hoàn tất cuối tháng 9 và cũng không chứa đựng một dự án chính trị nào dù đúng hay sai. Cố gắng duy nhất của Đảng Cộng Sản chỉ là giải quyết những xung đột tranh giành quyền lợi.

Từ Paris, ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã có cuộc trao đổi sau đây với nhà báo Trần Quang Thành.

Mời quí vị cùng nghe


*
Trần Quang Thành: Xin chào ông Nguyễn Gia Kiểng.

Nguyễn Gia Kiểng: Xin chào ông Trần Quang Thành.

TQT: Thưa ông Nguyễn Gia Kiểng,

Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc Hội nghị trung ương 13 khóa XI. Và họ cũng đã quyết định triệu tập Đại hội lần thứ mười hai chính thức khai mạc vào ngày 21 và kết thúc vào ngày 28/1/2016.

Nhưng trước khi đi vào thảo luận sự kiện này chúng tôi muốn trao đổi với ông một vấn đề rất thời sự hiện nay, rất đáng quan tâm hiện nay, là việc nhà nước cộng sản Việt Nam vừa bắt giữ luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

NGK: Trước hết xin cảm ơn ông về câu hỏi đã cho tôi một cơ hội để chia sẻ nỗi đau và sự phẫn nộ với Khánh, vợ Đài mà tôi biết, với gia đình Đài, với Hội Anh Em Dân Chủ và với mọi người dân chủ Việt Nam.

Tôi biết Khánh là một con người rất vững vàng. Tôi xin kể một câu chuyện: Năm 2007, ít lâu sau khi Đài bị bắt lần đầu tôi có gọi về thăm Khánh. Mục đích của tôi lúc đó là để động viên Khánh. Nhưng điều rất đáng ngạc nhiên là chính tôi được động viên. Chính Khánh động viên tôi. Tôi định chia sẻ với Khánh, an ủi một người vợ một tù nhân chính trị, nhưng trái lại Khánh lại động viên tôi nên tin tưởng vào hồng ân Thiên Chúa! Tôi đã gặp một nhà truyền giáo sốt sắng. Tôi nghĩ rằng đức tin tôn giáo sẽ đem lại cho Khánh sức mạnh để trải qua thử thách này.

Hôm nay các tín đồ Thiên Chúa Giáo trên toàn thế giới đang hân hoan mừng lễ Giáng Sinh. Đây cũng là một cơ hội để tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ và khâm phục đối với sự dũng cảm của anh em Công Giáo và Tin Lành. Tôi đặc biệt khâm phục sự dũng cảm của anh em thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, Giáo xứ Thái Hà và Giáo phận Vinh. Giáng Sinh không chỉ là một lễ lớn đối với người Thiên Chúa giáo mà đối với cả thế giới. Bởi vì sự ra đời của Giê-su Ki-tô đã là một thông điệp của tình yêu và lẽ phải. Ngày hôm nay chúng ta có rất nhiều anh chị em ở trong nước đang gặp phải hoàn cảnh rất gian truân, đang bị mắc nạn vì đã đấu tranh cho dân chủ. Trong giờ phút này nhiều người đang đón Giáng Sinh trong nhà tù. Đối với anh em đó, tôi xin trích dẫn để tặng họ, dù họ có phải là người Công giáo, hay người Tin lành hay Phật giáo, hay theo một tôn giáo khác hay là không có tôn giáo một câu nói của Giê-su Ki-tô trong một bài giảng ở trên núi. Câu nói đó như thế này: "Ai chịu khổ sở vì lẽ phải là có phúc thật vì Nước Trời là của họ". Tôi muốn anh chị em này hiểu răng là họ có phúc thật vì họ đang tranh đấu cho lẽ phải. Họ rất cao cả. Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam mang ơn họ.

Nhưng tôi cũng xin phép nói một điều về vụ bắt anh Đài. Họ nhân danh điều 88 của bộ luật Hình Sự. Chúng ta phải khẳng định rằng điều 88 này không phải là luật bởi vì nó vô đạo. Nó không có giá trị luật pháp. Điều 88 này tự nó đã là một sự vi rất phạm trắng trợn luật Nhân Quyền Quốc Tế; nó là một dụng cụ đàn áp cho phép chính quyền cộng sản Việt Nam bắt giam và bỏ tù tùy tiện bất cứ ai. Nhưng chúng ta phải giữ vững niềm tin. Chúng ta khẳng định Đảng Cộng sản không thể tiếp tục như thế này mãi được. Bởi vì thế giới đã thay đổi, bởi vì bối cảnh trong vùng đã thay đổi, bởi vì tâm lý xã hội Việt Nam đã thay đổi. Hiện nay Myanmar vừa trở thành một nước dân chủ và ngay cả chế độ hung bạo lớn nhất trong vùng Đông Nam Á là Trung Quốc cũng đã phải nhượng bộ. Chúng ta thấy trong vụ xử luật sư nhân quyền Phổ Chí Cường Trung Quốc đả không dám tuyên án nặng, chỉ xử ba năm tù treo mà thôi. Tôi nghĩ rằng những người cộng sản Việt Nam sẽ tiếc vì đã bắt Đài và tiếc vì đã bắt những người khác, họ không thể tiếp tục thách thức lương tâm thế giới.

TQT: Thưa ông Nguyễn Gia Kiểng,

Bây giờ trở lại cuộc bàn thảo của chúng ta về Đại hội lần thứ mười hai Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ khai mạc chính thức vào ngày 21/1/2016, tức là còn khoảng gần một tháng nữa. Trước khi đi vào nội dung chính ông thấy có những điểm gì đáng quan tâm?

NGK: Điểm thứ nhất đáng được quan tâm và nhận diện là Đại hội này nó khác hẳn so với các đại hội trước, đó là nó có một mục tiêu quan trọng là đưa bản Hiến pháp năm 2013 vào thực tế. Bản hiến pháp này đã ban hành và trên nguyên tắc đã có giá trị thi hành từ đầu năm 2013 nhưng cho đến nay vẫn chưa được áp dụng. Theo bản Hiến pháp này Đảng Cộng sản Việt Nam rập khuôn theo chế độ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc nghĩa là tổng bí thư sẽ là Chủ tịch nước và nắm trọn quyền hành. Nói một cách khác với Hiến pháp 2013, Đảng Cộng Sản muốn thể chế hóa sự lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Đặc tính chính của sự chuyển hóa này là chuyển hóa từ từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân. Đó là một bắt buộc bởi vì đảng cộng sản không còn thực chất nữa. Sau khi chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ, họ không còn có lý tưởng chung và những mục tiêu chung. 

Họ có thành công trong sự chuyển hóa này hay không là một vấn đề khác. Tôi nghĩ có nhiều triển vọng là họ sẽ không thành công, như chúng ta sẽ nói trong phần sau.

Điểm đáng chú ý thứ hai là đại hội này phơi bày sự lúng túng của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hai tài liệu là Báo cáo Chính trị và Báo cáo Kinh tế - Xã hội chỉ được công bố vào tháng 9 nghĩa là trễ hơn 6 tháng so với các đại hội trước. Điều này chứng tỏ Đảng Cộng sản Việt Nam không còn đồng thuận. Hai văn kiện của họ là hai văn kiện rỗng nghĩa, họ không còn đồng ý với nhau trên một quan điểm nào, chúng ta không nhìn thấy một định hướng nào. Vào giờ này tất cả những cố gắng của Đảng Cộng sản chỉ dồn vào việc giải quyết những xung đột cá nhân để chỉ định nhân sự lãnh đạo của Đảng.

Điểm chú ý thư ba là sự ly dị dứt khoát của xã hội Việt Nam với Đảng Cộng Sản. Trước đây trước mội đại hội đảng chúng ta vẫn thấy có hàng trăm nghìn ý kiến góp ý với Cương lĩnh của Đảng. Cũng có rất nhiều thư ngỏ, kiến nghị với hàng trăm, hàng ngàn người ký. Lần này chúng ta thấy tuyệt nhiên không có đóng góp nào ngoài một vài đả kích, một vài phê phán. Cũng có một thư kiến nghị của 127 nhân sĩ và trí thức ký tên. Nhưng đó là kiến nghị duy nhất và được công bố trong sự lãnh đạm tuyệt đối của dư luận. Điều này chứng tỏ nhân dân Việt Nam đã nhận diện Đảng Cộng sản như là một lực lượng chiếm đóng và họ thấy không có gì để nói với nó cả, trừ trường hợp Đảng Cộng Sản công khai tuyên bố chấp nhận chấm dứt chế độ độc tài toàn trị.

TQT: Cách đây ít lâu họ có đưa ra Báo cáo Chính trị và Báo cáo Kinh tế - Xã hội, coi đây là Cương lĩnh chính trị của Đại hội Đảng lần thứ mười hai. Ông có đọc các tài liệu đó không và so sánh với các bản đưa ra trong các đại hội trước có gì mới không thưa ông?

NGK: Tôi có đọc. Hai tài liệu này dài hơn 60.000 chữ. Nó có chiều dài của một cuốn sách, nhưng nó không nói lên một nhận định lớn nào cả. Toàn bộ cương lĩnh có thể tóm tắt đầy đủ trong một câu: "Chúng tôi đã thất bại trong tất cả mọi địa hạt, trên tất cả mọi phương diện; chúng tôi kém cả về mặt tư tưởng chính trị lẫn đạo đức; chúng tôi vừa tham nhũng, vừa bất tài. Nhưng chúng tôi kiên quyết giữ độc quyền lãnh đạo đất nước trong thời gian vô hạn định!?"

Những điều đáng nói không phải là những gì cương lĩnh này nói ra mà là những gì mà nó không giấu được và đã để lộ ra cho người đọc biết. Bởi vì không thể nào viết một tài liệu dài hơn 60.000 chữ mà không nói gì cả. Do đó vẫn phải để lộ một cái gì đó.

Tôi lấy thí dụ một điểm đáng chú ý. Họ nói là sở dĩ họ không đạt được những mục tiêu đưa ra trong Đại hôi XI vì Đại hội XI đã tiên liệu sai về biến chuyển của thế giới. Theo Đại hội XI thì sau năm 2010 kinh tế thế giới sẽ phục hồi, bối cảnh kinh tế thế giới sẽ thuận lợi. Điều này phải nói là rất khó tưởng tượng bởi vì đại hội họp đầu năm 2011. Làm sao đầu năm 2011 mà có thể không thấy rằng cuộc khủng hoảng sẽ còn kéo dài? Làm sao có thể dự liệu bối cảnh kinh tế sẽ thuận lợi ngay lập tức bởi vì kinh tế thế giới sẽ phục hồi. Làm sao có thể dự liệu một cách sai lầm quá đáng đến như vậy? Điều này chứng tỏ hoặc là chế độ không có những chuyên gia đúng nghĩa hoặc là không biết nghe lời các chuyên gia. 

Một điều khác nữa mà tài liệu ấy tiết lộ là điều mà chúng ta cũng đã thấy. Đó là không có một mục tiêu nào đề ra mà đạt được cả, dù là mục tiêu kinh tế, tài chính, giáo dục xa hội, y tế hay là về an ninh, quốc phòng. Tất cả mọi mục tiêu đều không đạt được. Trong 5 năm qua Đảng Cộng sản đã hoàn toàn thất bại.

TQT: Họ đã cãi nhau rất nhiều điều nhưng hình như họ có thống nhất với nhau một điều là họ cho rằng đã thành công ngăn chặn lạm phát. Theo ông đó là sự thật hay giả dối?

NGK: Lạm phát có vẻ đã được ổn định ở mức chung quanh 5%. Thế nhưng mà đây là một mối nguy lớn, rất lớn, cho chế độ chứ không phải là một thành tích. Chính quyền cộng sản đã vay để giữ cho giá cả được ổn định và để che giấu sự suy sụp kinh tế. Hậu quả của nó là khối nợ công càng ngày nó càng phình ra. Bây giò nó đã đạt một mức nguy hiểm. Nợ công không phải ở mức 65% tổng sản lượng quốc gia GDP như người ta nói đâu. Đó chỉ là nợ chính phủ thôi. Nợ công phải kể nợ của chính phủ, nợ của các chính quyền địa phương, nợ của các xí nghiệp quốc doanh và các khoản nợ của các ngân hàng, các công ty mà nhà nước đứng ra bảo lãnh. Nếu tính chính xác như vậy thì nợ công có thể đã đạt tới trên 200% GDP, nghĩa là trên 200% tổng sản lượng quốc gia, chứ không phải là 65% như chính quyền nói. Vào năm 2015 này nhà nước dự trù sẽ phải trả nợ 13 tỷ đô-la Mỹ. Sang năm 2016 số tiền cần có để trả nợ mỗi năm sẽ lên đến 18 tỷ đô-la Mỹ, nghĩa là vào khoảng 12% tổng sản lượng quốc gia. Hiện nay số tiền phải trả nợ năm 2015, 13 tỷ, đã là 8% GDP rồi. Tôi nghĩ chúng ta cần có một ý niệm chính xác về sự nghiêm trọng của vấn đề này. Bởi vì ngay cả nếu chúng ta đạt được mức tăng trưởng 5 đến 6% -như là Đảng Cộng sản hy vọng mặc dầu chẳng dựa trên một cơ sở nào cả- thì khối gia tăng sản lượng quốc gia cũng không đủ để trả nợ, toàn bộ cố gắng tăng trưởng kinh tế sẽ bị tịch thu để trả nợ! Mà cũng không đủ! Còn phải cắt xén vào sản lượng quốc gia sẵn có. Chúng ta phải đặt câu hỏi ai sẽ phải trả món nợ này? Ngoài những con người hôm nay là các thế hệ mai sau. Cho nên Đảng Cộng sản đã tịch thu cố gắng tăng trưởng của nhân dân Việt Nam. Họ không chỉ tàn phá môi trường, không chỉ làm cho đất nước tụt hậu, không chỉ làm cho dân chúng nghèo khổ. Họ còn phá hoại hy vọng của những thế hệ mai sau. Điều này cực kỳ nghiêm trọng chúng ta phải chú ý.

Đảng Cộng sản có lẽ cũng đã thấy được sự nghiêm trọng của tình hình đất nước cho nên lần đầu tiên trong Báo cáo Chính trị họ đã nói rằng vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đang bị thách thức nghiêm trọng và sự tồn vong của chế độ đang bị đe dọa. Nếu có một điều mới trong báo cáo chính trị này so với những báo cáo chính trị trước thì theo tôi đó là điểm đáng chú ý.

TQT: Trên thế giới này có một số nước giàu có như Venezuela, nhưng khi họ chuyển hướng đi vào chủ nghĩa xã hội thì họ thất bại trở thành một nước đang nghèo. Nhiều nước trên thế giới đã từ chối đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Nhưng mà tại sao ở Việt Nam Đảng Cộng sản vẫn kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vẫn kiên trì kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thưa ông?

NGK: Chủ nghĩa Mác - Lê-nin được nhắc lại 3, 4 lần trong báo cáo chính trị nhưng không được nhắc đến trong báo cáo kinh tế - xã hội. Còn lập trường "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" thì được nhắc lại nhiều lần. Nhưng họ nhắc lại một cách không có niềm tin gì cả. Điều thú vị nhất là họ nhìn nhận sau 30 năm theo đuổi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa họ vẫn chưa hiểu nó là cái gì. Nếu chúng ta đọc kỹ báo cáo chính trị và báo cáo kinh tế - xã hội thì ta thấy là họ sẽ bỏ. Họ chủ trương sẽ phải có cạnh tranh đồng đều. Họ chủ trương sẽ bán hết công ty quốc doanh, chỉ giữ lại những công ty có vai trò đặc biệt trong an ninh quốc phòng. Họ không có sự chọn lựa nào khác. Bây giờ họ phải bán xí nghiệp công để lấy tiền trả nợ. Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đang ở trong thế phải bán nhà để trả nợ. Nếu đọc kỹ chúng ta thấy họ sẽ bỏ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Họ không có chọn lựa nào khác cả. Họ nhắc đi nhắc lại nhưng đọc kỹ chúng ta thấy họ sẽ phải bỏ. Lần này muốn kiên định cũng không được nữa.

TQT: Đảng Cộng sản Việt Nam hãnh diện về đổi mới. Lúc nào họ cũng tuyên bố đổi mới. Nhưng giữa thực tế và lý luận lại khác. Lý luận thì vẫn kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin; vẫn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy đổi mới là ở chỗ nào. Có đúng sự thật họ đổi mới không thưa ông?

NGK: Cụm từ "đổi mới" được nhắc đi, nhắc lại vài trăm lần trong hai văn kiện này. Nhưng họ nói tới "đổi mới" một cách rất là vu vơ. Chúng ta có thể thấy là Đảng Cộng Sản biết rằng đường lối họ đang theo đuổi là lỗi thời và phải đổi mới nhưng họ không biết phải đổi mới như thế nào. Cho nên họ nói là "đổi mới cơ chế", "đổi mới mô hình tăng trưởng", "đổi mới công nghiệp"… Nhưng đó chỉ là những khẩu hiệu. Họ không nói được một cách cụ thể cụ thể phải đổi mới cái gì, tại sao phải đổi mới, đổi mới như thế nào. Họ hoàn toàn không biết. Phải nói khi đọc chúng ta thấy đó chỉ là những khẩu hiệu rỗng nghĩa, những công thức có sẵn thôi. Nó không có gì đổi mới cả. Đổi mới quan trọng nhất để đưa đất nước ra khỏi bế tắc và để cứu nguy chính với Đảng Cộng sản là thay đổi chế độ, là chuyển hóa về dân chủ thì họ quyết liệt từ chối. Không những họ từ chối áp lực dân chủ hóa từ bên ngoài mà họ gọi là "đến từ các thế lực thù địch" mà họ chống cả những khuynh hướng muốn dân chủ hóa từ bên trong. Họ gọi những đảng viên sáng suốt muốn dân chủ hóa là những phần tử "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" mà họ nhắc đi, nhắc lại là phải kiên quyết chống lại. Nhưng vấn đề là họ có thể chống lại được không? Tôi nghĩ là không. Bởi vì thế giới đã thay đổi, khu vực đã thay đổi và xã hội Việt Nam cũng đã thay đổi. Chế độ cộng sản Việt Nam lệ thuộc một cách rất nặng nề vào thế giới. Trọng lượng ngoại thương của Việt Nam hiện nay là gần 200% tổng sản lượng quốc gia. Chế độ lệ thuộc thế giới về ngoại thương với thế giới, về đầu tư nước ngoài và, trong những năm gần đây, về cả tín dụng nước ngoài nữa. Đảng Cộng sản không thể cưỡng lại được bối cảnh và môi trường của thế giới đâu. Họ ngoan cố như vậy là một sai lầm lớn. Đến lúc họ phải nhìn nhận sự thật, và đành phải chấp nhận dân chủ hóa thì đã quá trễ. Cá nhân tôi nghĩ nếu họ bắt đầu dân chủ hóa ngay từ lúc này thì cũng đã hơi trễ rồi.

TQT: Ở đầu câu chuyện này ông có nói mục tiêu duy nhất mà những người cầm đầu Đảng Cộng sản hiện nay đang muốn hướng đại hội XII của họ là làm sao tập trung xây dựng được đội ngũ nhân sự ổn định trong vòng 5 năm tới. Theo ông họ phải làm thế nào để có được như vậy và cố gắng của họ liệu có đạt được kết quả hay không?

NGK: Theo tôi bài toán nhức nhối của Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay là Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Nguyễn Tấn Dũng đã được ông Lê Đức Anh chuẩn bị để lên làm người lãnh đạo chế độ từ 30 năm nay, kể từ khi ông Lê Đức Anh nắm được quyền lực. Thế nhưng mà khuyết tật của ông Dũng chính là ở chỗ ông được đào tạo theo mô hình Lê Đức Anh, nghĩa là theo mẫu người lãnh tụ của thời đại bạo lực và khủng bố. Ông không có kiến thức, không có khả năng, cũng không có văn hóa của người lãnh đạo hiện đại. Mặc dầu như vậy nhưng nhờ sự nâng đỡ của ông Lê Đức Anh ông ấy năm được quân đội và công an, và nhờ đó nắm luôn được khối tư sản đỏ. Hiến pháp 2013 đã được chuẩn bị thực ra từ năm 2010 do phe của ông Dũng và cho ông Dũng. Nó nhắm đưa ông Dũng lên làm tổng bí thư kiêm chủ tịch nước để áp dụng mô hình Trung Quốc tại Việt Nam. Thế nhưng vì ông Dũng kém bản lĩnh nên nó đã không diễn ra như ông Dũng muốn. Lần này đến Đại hội XII vấn đề lại được đặt ra trong những điều kiện khó khăn hơn cho ông Dũng. Vấn đề then chốt lần này là hoặc ông Dũng nắm được chức tổng bí thư hoặc sẽ phải về vườn. Vấn đề cũng là nếu ông Dũng thất bại thì ai nắm chính quyền? Phải chăng đó là phe chống ông Dũng, nghĩa là liên minh Nguyễn Phú Trọng – Trương Tấn Sang?

Trong cả hai trường hợp đều cũng sẽ có những thanh trừng nội bộ rất dữ dội có thể làm tan vỡ Đảng Cộng sản. Bởi vì nếu ông Dũng thắng thì chắc chắn với bản tính của ông, ông Dũng sẽ không tha thứ cho những người đã làm nhục ông ấy, đã đòi kỷ luật ông ấy vì bất tài và tham nhũng. Ngược lại ông Dũng thua và phe chống ông Dũng thắng thì nhiều tay chân của ông Dũng, có thể chính cá nhân ông Dũng, sẽ bị truy tố vì tham nhũng, vì làm giầu bất hợp pháp.

Trong cả hai trường hợp đều sẽ xảy ra những cuộc thanh trừng nội bộ rất gay gắt có thể làm Đảng Cộng Sản tan vỡ. Cho nên giải pháp an toàn nhất trong lúc này đối với Đảng Cộng sản vẫn là thỏa hiệp, nghĩa là vẫn giữ nguyên công thức "tứ trụ" như hiện nay. Ông Dũng rút lui và phe chống ông ấy ra mặt và gay gắt cũng rút lui. Những người khác lên cầm quyền và chia nhau bốn chức vụ: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Nhưng mà thỏa hiệp này chưa chắc đã đạt được. Và nếu đạt được nó cũng không ổn bởi vì Hiến pháp 2013 sẽ không được áp dụng, bởi vì không có lãnh đạo thống nhất để có thể giải quyết những vấn đề cấp bách của đất nước, để có thể đương đầu với những thử thách đang được đặt ra và như vậy chế độ cộng sản cũng sẽ bị sụp đổ. Cho nên tôi nghĩ rằng có thể có nhiều triển vọng sẽ có giải pháp thỏa hiệp này nhưng mà nó không tránh cho Đảng Cộng sản sự sụp đổ. Rất có thể Đại hội XII sẽ là đại hội cuối cùng của Đảng Cộng Sản.

TQT: Thưa ông Nguyễn Gia Kiểng, Đại hội XII sẽ là đại hội cuối cùng của Đảng Cộng Sản và Đại hội XII cũng là đại hội còn có một bản kiến nghị duy nhất góp ý cho Đảng, kiến nghị của 127 vị gọi là nhân sĩ, trí thức và chủ yếu trong đó nhiều người là đảng viên cao cấp của Đảng. Khác với những bản kiến nghị trước, bản kiến nghị này lời lẽ rất là mạnh mẽ, nhưng lại có người nói những lời mạnh mẽ đó đã có người như ông Trần Độ nói ra cách đây nhiều năm rồi. Kiến nghị này khi ra đời rất nhiều người không đồng tình và dư luận người dân có lẹ lại phê phán nhiều nhất. Ông Nguyễn Gia Kiểng nghĩ sao về bản kiến nghị này ạ?

NGK: Cá nhân tôi cũng chưa thấy người nào tán thành thư kiến nghị này. Theo tôi nhận xét thư kiến nghị này vẫn theo tinh thần cũ, nghĩa là một mặt đưa những đề nghị -có thể có những đề nghị quan trọng, trên những vấn đề nhại cảm như đề nghị đổi tên đảng, đề nghị đổi tên nước, đề nghị trả tự do cho các tù nhân chính trị, thế nhưng, mặt khác, vẫn xác định sự ủng hộ, sự trung thành với chế độ. Những người chủ xướng bản kiến nghị này cũng đã rất thận trọng. Họ chỉ mời ký vào bản kiến nghị này những người mà họ nghĩ là không thuộc thành phần đối lập, dù là đối lập ôn hòa. Dù vậy một phần ba trong số hơn 150 người được mời ký tên đã từ chối không ký. Điều này cho thấy đã có một sự chuyển biến tâm lý khá quan trọng trong xã hội Việt Nam, ngay cả trong giới được coi là thân thiện với chế độ.

Cá nhân tôi không phủ nhận thiện chí của các vị đã chủ trương hoặc các vị đã ký tên vào bản kiến nghị này, nhưng mà tôi nghĩ những kiến nghị như thế này không còn hợp thời nữa, bằng cớ là đã không có ai hưởng ứng. Có lẽ đây là lần cuối cùng còn có những người gửi thư đề nghị với Đảng Cộng Sản. Người Việt Nam đã hiểu rằng tự do, dân chủ là những điều không có thể xin để có mà phải đấu tranh để có. Đất nước mình đã thay đổi nhiều lắm rồi và sẽ còn thay đổi nhanh hơn, mạnh hơn trong những ngày sắp tới. Chúng ta có thể chờ đợi những năm tháng rất mới, trong đó người Việt Nam chỉ chấp nhận đối thoại với Đảng Cộng Sản trên căn bản đối thoại giữa những người có quyền và những người đang vi phạm quyền và để yêu cầu họ chấm dứt sự vi phạm, đồng thời, với sự bao dung tối đa, chấp nhận để họ có chỗ đứng bình thường trong lòng dân tộc. Nhưng những kiến nghị, những cung cách đề nghị cải tổ trong nội bộ chế độ từ nay trở đi sẽ không còn được hưởng ứng nữa.

TQT: Xin cảm ơn ông Nguyễn Gia Kiểng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét