Bài đăng nổi bật

Vì sao chưa có chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội

  Vì sao chưa có chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội. .........................  Như dự kiến do bà Mai trên cương vị Ban Bí Thư đề xuất, thì bà...

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Nói xấu, xúc phạm, căn cứ pháp lý nào chế tài?

Nói xấu, xúc phạm, căn cứ pháp lý nào chế tài? 
Thứ Năm,  24/12/2015, 08:35 (GMT+7)
Nguồn:thesaigontime

TS. Nguyễn Sỹ Phương - CHLB Đức
(TBKTSG) - Để quyền tự do biểu đạt đóng vai trò động lực phát triển của xã hội loài người, không bị kìm hãm, cần cải cách quy định của pháp luật về hành vi xúc phạm theo chuẩn mực phổ quát của các nước văn minh.
Joschka Fischer là một chính khách Đức tên tuổi. Phát ngôn của ông tại một phiên họp Quốc hội Đức năm 1984 được cho là nổi tiếng nhất trong lịch sử chính trường Đức.
Năm 1983, là thành viên Đảng Xanh, ông trúng cử nghị sĩ Quốc hội, rồi làm Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Đức nhiệm kỳ 1998-2005.
Tại phiên họp Quốc hội nói trên, ông bị Phó chủ tịch Quốc hội Stücklen - chủ tọa - nhắc nhở nhiều lần do phát biểu chen ngang. Tới lúc thấy một nữ đồng nghiệp Đảng Xanh của mình bị Phó chủ tịch cắt ngang không cho phát biểu tiếp, ông liền nổi nóng to tiếng phản đối. Theo đúng nội quy họp Quốc hội, ai cắt ngang, xúc phạm hoặc gây mất trật tự, chủ tọa có quyền xử lý, buộc im lặng hoặc đuổi ra khỏi cuộc họp. Phó chủ tịch tuyên bố: “Ngài nghị sĩ Fischer, tôi không cho ngài tham gia tiếp tục phiên họp”. Fischer phản ứng: “Tốt nhất ngài hãy đuổi luôn tất cả nghị sĩ đi”. Stücklen kiên quyết: “Tôi xin tuyên bố tạm dừng cuộc họp cho tới khi ông Fischer ra khỏi hội trường”. Mọi người lục tục đứng dậy giải lao. Fischer phẫn nộ, buột miệng chửi tục, xúc phạm: “Ngài Phó chủ tịch như... lỗ đít, nếu được phép nói thế”.
Rất may cho Fischer, do giải lao nên câu nói đó không bị đưa vào biên bản cuộc họp, tức không bị chế tài bởi Nội quy, mà chỉ mang tính chất quan hệ cá nhân hai bên. Ngày hôm sau, Fischer tuyên bố rút lại phát ngôn, xin lỗi đối phương, kết thúc vụ xúc phạm cá nhân. Ở họ, tội xúc phạm không có gì to tát gớm ghê, có thể tránh được chế tài, nếu biết phục thiện xin lỗi.
Quyền hiến định khen, chê, phê bình, chỉ trích, nhắm vào ai?
25 năm sau, ngày 13-12-2009, camera trích đoạn phiên họp có quay cảnh phát ngôn của Fischer được đưa lên mạng, tới nay có hàng trăm ngàn người đọc và trên trăm bình luận khen chê, chỉ trích đủ kiểu. Gậy ông đập lưng ông, Fischer thậm chí bị miệt thị bóng gió mang nghề taxi (trước đây của ông) vào nghị trường, mà không làm gì được. Bởi, khác xúc phạm hay vu khống cá nhân, việc khen, chê, nói xấu, nói tốt, phê bình, chỉ trích thuộc chuẩn mực quyền tự do tư tưởng (nằm trong đầu, không hại được ai), quyền tự do ngôn luận, biểu đạt (tiếng nói chẳng hại ai ngoại trừ xúc phạm vu khống) được hiến định.
Theo đó, (1) nhà nước không được phép ngăn cấm, nếu không bản thân nhà nước sẽ bị chế tài, hiến pháp sinh ra chính vì chức năng tối thượng đó; (2) quyền tự do ngôn luận, biểu đạt ở đây được hiểu là biểu đạt về nhà nước, tức khen, chê, phê bình, chỉ trích nhân sự bộ máy của nó; chứ không phải trong phạm vi tình cảm gia đình, riêng tư với nhau vốn không thuộc phạm trù pháp lý. Hai nguyên tắc (1) và (2) lý giải tại sao ở các nước được xếp hạng dân chủ đầu bảng thế giới, các chính khách, quan chức, đảng phái, cơ quan nhà nước (kể cả cơ quan quyền lực cao nhất như Quốc hội), nguyên thủ (như Tổng thống)... luôn bị người dân soi mói, phê bình chỉ trích sôi sục.
Ngược lại, nhà nước không có quyền tự do đó đối với từng cá nhân người dân vốn được ràng buộc bởi quyền riêng tư và nhân phẩm được hiến pháp bảo vệ. Báo chí truyền thông có quyền chụp ảnh ghi âm bất cứ chính khách, quan chức, viên chức nào thực thi công vụ, bởi lúc đó họ không còn là cá nhân mà là công bộc nhà nước, ngược lại không được chụp ảnh cá nhân nào khi họ không cho phép, kể cả bị cáo trước tòa.
Tự do khen chê, nói xấu, nói tốt, phê bình, chỉ trích không chỉ mang ý nghĩa quyền cơ bản mà còn có ý nghĩa sâu xa hơn thế nhiều, thiếu nó dân tộc, quốc gia, xã hội loài người không thể cân bằng, phát triển; thậm chí không có cả khoa học vốn bắt buộc phải có phản biện, bác bỏ hay khẳng định.
Ranh giới giữa quyền biểu đạt và xúc phạm
Nếu xử phạt như thế sẽ mang tiếng với thế giới rằng ta cản trở quyền tự do biểu đạt, trong khi đó chỉ là do hành xử của những cá nhân chức quyền gây ra.
Vừa qua, ở nước ta liên tiếp xảy ra các vụ xử lý công dân phát ngôn chỉ trích quan chức, cơ quan công quyền. Chỉ vì viết câu: “Ông chủ tịch này cái mặt kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang” và bấm nút “like” trên Facebook mà ở An Giang, hai người bị xử phạt 5 triệu đồng, một người bị kỷ luật (sau này quyết định này được rút lại). Một giáo viên tiểu học ở Long An bị Đảng ủy xã yêu cầu cơ quan phải kiểm điểm (sau đó thì dừng lại) khi viết trên Facebook: “Trưa nay, một cán bộ quản lý trường tôi trên đường đi công tác về thì gặp tai nạn khi qua cầu. Thử hỏi có ai nhìn thấy được cảnh nơm nớp lo sợ hay mọi nguy hiểm luôn đe dọa với người dân đi trên con đường này”.
Căn cứ xử phạt các trường hợp trên là văn bản dưới luật. Cơ quan quản lý nhà nước đã viện dẫn khoản 3, điều 66, Nghị định 174/2013 của Chính phủ. Theo đó, nếu cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì bị phạt 10-20 triệu đồng.
Điều khoản trên đã sử dụng những khái niệm khó định lượng nên dễ bị vận dụng khác nhau bởi nhận thức của người hành xử, gây phân biệt, bất công, oan sai; người này nói không sao, người kia nói bị tội.
Ở Đức, tội xúc phạm người khác được quy định bởi Bộ luật Hình sự chứ không phải trong văn bản dưới luật như ta. Tại điều 185 và điều 194 của luật này, hình phạt có khung từ phạt tiền hoặc tù tới một năm, nếu kèm cả hành động thì tới hai năm. Khái niệm xúc phạm được giới hạn, đó là dùng những từ ngữ chỉ đối phương kém giá trị nhân phẩm như thằng ngốc, thằng ngu..., con chó, con lợn, cái lỗ đít..., với điều kiện người đó nghe rõ hiểu được. Nghĩa là nếu cũng phát ngôn xúc phạm nhưng (1) đối phương không nghe được hay thông qua người khác, hoặc (2) có nghe nhưng không hiểu từ ngữ đó, hoặc (3) xảy ra trong phạm vi tình cảm thân nhân, gia đình, đều không thuộc tội xúc phạm.
Tội xúc phạm nói trên chỉ bị xử phạt khi và chỉ khi có đơn của nạn nhân kiện lên tòa án, bởi đây là quan hệ giữa hai cá nhân, ngay cả khi họ ở cương vị nhà nước. Nếu công chức bị xúc phạm khi hành xử thì đơn đó phải do cấp trên họ đệ trình. Vụ xử phạt ba công chức ở An Giang tội nói xấu chủ tịch tỉnh, nếu chiếu theo luật của Đức, vừa sai khái niệm phổ quát (chỉ trích phê bình nói xấu bị hiểu nhầm sang khái niệm xúc phạm), vừa sai cả thủ tục tố tụng khi chủ tịch An Giang không hề lên tiếng kiện cáo.
Trường hợp ở An Giang chỉ cần xin lỗi là có thể kết thúc, như trường hợp của ông Fischer nói trên. Còn xử phạt như vừa rồi sẽ ảnh hưởng tới uy tín đất nước, mang tiếng với thế giới rằng ta cản trở quyền tự do biểu đạt, trong khi đó chỉ là do hành xử của những cá nhân chức quyền gây ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét