Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

“Càn khôn bĩ rồi lại thái / Nhật nguyệt hối rồi lại minh” (Mênh mông thế sự 24)

“Càn khôn bĩ rồi lại thái / Nhật nguyệt hối rồi lại minh” (Mênh mông thế sự 24)

bauxitevn7:36 AM


Tương Lai
Đó là quy luật vận động của thế giới, thế giới tự nhiên, thế giới con người mà Nguyễn Trãi đã vận dụng nhằm khẳng định bản lĩnh dân tộc trước những thách đố nghiệt ngã với niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của con người Việt Nam.
Càn Khôn là hai quẻ trong Kinh Dịch. Bĩ cũng vậy, chỉ sự bế tắc, còn Thái là quẻ thứ 11, chỉ sự hanh thông. Từ điển Nho Phật Đạo do NXB Văn học ấn hành năm 2001 thì giải thích thêm: “quốc gia tốt đẹp hanh thông là nhờ vào sự hài hoà của vua tôi trăm họ” (tr.1317) sau khi đưa ra kiến giải “do Càn Khôn đại biểu cho hai lực lượng, tính chất, tác dụng và sự vật đối lập trong vũ trụ, vì vậy ý nghĩa tượng trưng của chúng là rất phong phú, vừa tượng trưng cho trời đất, vừa tượng trưng cho sự vật đối lập và thống nhất… cho nên nó thường được để gọi thay cho “thế giới”” (tr.141). 
Nguyễn Trãi dẫn ra quy luật này để kết thúc cho áng “kim cổ hùng văn” Bình Ngô đại cáo viết năm 1428 sau khi đánh tan quân xâm lược nhà Minh để “Xa gần bá cáo, Ai nấy đều hay”. Nhắc lại quy luật chung muôn đời, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi không quên trang trọng nói đến truyền thống dân tộc được hun đúc từ khí thiêng sông núi mà ông cha ta bao đời gìn giữ: “Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu. Muôn thuở nền thái bình vững chắc. Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ”. 

Mời gọi đến anh linh Nguyễn Trãi vào lúc này chính là viện dẫn đến những trang hào hùng và bi thương của lịch sử dân tộc mà ông là một chứng nhân sống động nhất để một lần nữa xác lập điểm quy chiếu trong đoán định chính tà, đạo đức và tài năng, những giá trị cốt lõi trong hệ thống giá trị đang bị xáo trộn và băng hoại. Điểm quy chiếu ấy không thể là gì khác lòng yêu nước, tinh thần quật khởi chống ngoại xâm, một hằng số của lịch sử Việt Nam. Đó là nhân tố tiên quyết và cũng là chỗ đến cuối cùng để nhìn nhận, đánh giá con người. 
Điểm quy chiếu đó là gì nếu không phải là ý chí và cách ứng xử trước kẻ thù xâm lược để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng được gọi là tổ quốc do ông cha bao đời gây dựng và bảo vệ. Điểm ứng xử đó là đặt tổ quốc lên trên hết và trước hết. Đức tài, chính tà, trung thành hay phản bội đều phải lấy đó làm điểm quy chiếu. Muốn vậy, phải đập vỡ bức tường của sự dối trá và lừa mị mà chúng ta đã tự nguyện xây nên để rồi tự giam cầm chính chúng ta trong sự lừa mị và dối trá đó. Đây là chuyện không hề đơn giản, nhưng nếu không có một bước chuyển động mang tính đột phá thì sẽ không có được bước thứ hai. Càng khó khăn bội phần khi đất nước ta ở vào cái vị thế địa-chính trị oái oăm, nằm sát nước láng giềng khổng lồ mà tất thảy mọi triều đại cai trị của nước khổng lồ này luôn nuôi mộng bành trướng, đồng hoá để biến các nước nhỏ láng giềng trở thành chư hầu. Tiến trình thực hiện tham vọng bành trướng này được biến hoá theo tình hình và tương quan lực lượng, song tính nhất quán của mưu đồ xâm lược và bành trướng thì không bao giờ thay đổi và ngày càng hung hăng hơn khi thế lực bành trướng được phình to ra. Càng nguy hiểm hơn khi chúng lại biết cách dùng thủ đoạn lừa mị, đưa ra cái chiêu bài “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” để mua chuộc một nhúm những kẻ dám đặt Đảng lên trên Tổ quốc, đặt Hiến pháp dưới Cương lĩnh của Đảng. Chưa bao giờ mà nguy cơ trở thành chư hầu lại lửng lơ treo trên đầu dân tộc ta rõ như lúc này. Chính vì thế, phải tìm về với lịch sử, với truyền thống ông cha để khẳng định một cách thế sống, một lối ứng xử minh bạch và sòng phẳng với lương tâm, lương tri để không hổ thẹn với ông cha, hổ thẹn với thế giới.
Không phải là ngẫu nhiên mà khí phách của Trần Bình Trọng lại được cả dân tộc sùng kính và noi gương. “Ta thà làm ma nước Nam, không thèm làm vương đất Bắc” chính là sản phẩm của ý chí quật cường của dân tộc nhỏ bé ở phuơng Nam mà các triều đại Trung Hoa xách mé gọi là “Nam Man”. Chúng tự cho là nước “đứng giữa thiên hạ”, bốn chung quanh đều là (Đông) Di, (Tây) Địch, (Bắc) Nhung, (Nam) Man. Theo nhà nghiên cứu Dương Danh Dy thì trong bốn chữ Hán: Di, Địch, Nhung, Man nói trên, có tới 3 chữ có bộ thú, chỉ thú vật ở bên cạnh. Láo xược đến thế là cùng! Ấy vậy mà chính cái nước “nằm giữa thiên hạ” này đã từng bị thống trị bởi những chư hầu mà chúng đè đầu cưỡi cổ. Triều đại nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc, là một trong những ví dụ về nỗi nhục khó rửa của bành trướng Đại Hán. 
Cũng cần phải nói thêm rằng, mối quan hệ giao hảo giữa các triều đại phong kiến Việt Nam với “thiên triều” luôn nằm trong thế bị chèn ép, ức hiếp từ nước lớn, chỉ tương đối dễ thở hơn tí chút là vào thời nhà Lý sau chiến thắng của Lý Thường Kiệt thế kỷ XI. Ấy là lúc Lý Thường Kiệt chủ trương “ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc” đập tan hậu cứ an toàn của chúng ở châu Ung, châu Khâm, châu Liêm sau 42 ngày vây hãm thành Ung Châu rồi rút quân về. Phạt Tống lộ bố văn được niêm yết khắp nơi, đẩy kẻ thù vào thế bị động, tạo ra thế chủ động phòng ngự của quân dân ta để rồi phản công tiêu diệt 50 vạn quân xâm lược nhà Tống. 
Nói điều này là để hiểu thêm bản chất xâm lược của chủ nghĩa bành trướng Trung Hoa và bản lĩnh của ông cha chúng ta trong trường kỳ lịch sử lúc nhu lúc cương trong việc xử lý mối quan hệ với nước láng giềng luôn toan tính âm mưu bành trướng. Nhưng nhu hay cương đều phải thực hiện trên cái nền vững chắc của truyền thống bất khuất quật cường, dám vì tổ quốc mà hy sinh, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Cái chết bi hùng của Trần Bình Trọng là biểu tượng sống động của tâm thế Việt Nam trong vị thế địa-chính trị oái oăm là vì ý nghĩa ấy. Không khẳng định cái tâm thế đó, không sao có đủ dũng khí và trí tuệ để tính đến chiến lược chiến thuật nhu hay cươngđánh hay đàm hoặc vừa đánh vừa đàm nhằm vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “dùng yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều” xuyên suốt lịch sử Việt Nam, trở thành một điểm sáng trong học thuyết quân sự của ông cha truyền lại. 
Cần nhớ rằng vào thời của Trần Bình Trọng ở thế kỷ XIII, dân số nước ta chưa đến 7 triệu người, (có sách nói là khoảng 3 hoặc 4 triệu), phải chống lại một kẻ thù xâm lược mà vó ngựa của chúng đã xéo nát bao thành trì từ Á sang Âu cho đến tận Hắc Hải. Nhà thơ đương thời người Armenia (1210-1290) V. Frik từng viết: “Không còn một dòng suối, một con sông nào không tràn đầy nước mắt chúng ta. Không còn một ngọn núi, một cánh đồng nào không bị quân Tartar giày xéo (dẫn theo Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông thế kỷ XIII, nxb Khoa hộc Xã hội, Hà Nội, 1972, tr. 38). Đế quốc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII-XIV chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử thế giới từ Đông Á sang đến Hắc Hải. Bóng đen Mông Cổ là nỗi ám ảnh khủng khiếp với châu Âu lúc bấy giờ. Vậy mà chúng dốc toàn lực quyết chinh phục cái nước nhỏ bé ở phương Nam này để mở đường xuống Đông Nam Á. Tổng cộng ba đợt xuất quân, đế quốc Nguyên-Mông huy động từ 60 vạn tới một triệu lượt quân, trong khi dân số Đại Việt khi ấy thì như vừa nói.
Thử hỏi nếu lúc ấy, thay vì khí phách Trần Bình Trọng, mà lại lởn vởn trong đầu những người nắm giữ vận mệnh quốc gia cái khẩu khí Nguyễn Phú Trọng ở thế kỷ XXI này: “Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không” thì liệu có ai khắc hai chữ “Sát Thát” trên cánh tay, tạo nên cái hào khí “Đông A” của thời Trần, nhân tố quyết định chiến thắng kẻ thù, mở ra trang sử vẻ vang nhất trong lịch sử dân tộc ta?
Khẩu khí của Trọng bộc lộ khá rõ cái tầm tư duy cũng như trí tuệ, bản lĩnh của ông ta, điều này không gây ngạc nhiên mà chỉ là sự chán ngán quen thuộc ngày càng đậm đặc. Với một thái độ khiếp nhược được nuôi dưỡng trong cái tâm thế chư hầu hèn mọn sợ “xảy ra đụng độ”, thì không những chỉ “bất ổn thế nào”, chẳng những không còn chỗ để “ngồi đây bàn việc tổ chức đại hội Đảng”, mà cái đầu của cả lũ đã mọc đuôi sam để chỉ còn lựa cách ứng xử như Thượng vị Văn Chiêu hầu Trần Lộng, Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, hoặc thái uý Trần Nhật Hiệu, em ruột vua! Toàn các đại thần đầy ắp ơn vua lộc nước thời buổi ấy chắc không kém “tiêu chuẩn” của các vị cao cấp mấy đâu. Vậy mà nếu so sánh với bây giờ thì e rằng Nguyễn Phú Trọng còn được điểm cao hơn Thái uý Trần Nhật Hiệu em ruột nhà vua thế kỷ XIII cũng nên: Thì đó, khiếp sợ sức mạnh kẻ thù, nhằm tránh “đụng độ” với quân Nguyên, Hiệu đã hèn nhát đưa ra diệu kế “nhập Tống”! Thật nhục nhã cho cái khẩu khí “đụng độ” này!
Có lẽ phải nhắc lại đây một câu của thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược của Bộ Công an tại cuộc toạ đàm ngày 24/11/2012 được ghi lại trong cuốn sách của Nguyễn Mạnh Can – nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng và nay là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Văn hoá mới – vừa gửi rộng rãi cho lãnh đạo và những người quan tâm đến thời cuộc: “Ngày xưa hầu hết thất bại của Việt Nam trước xâm lược phía Bắc đều xảy ra trong thời bình, do lãnh đạo yếu hèn và cấp cao có nội gián”. Cũng trong cuốn sách ấy đã ghi lại lời của ông Nguyễn Văn An: “Các ý kiến tâm huyết ở đây, tôi đã trao đổi đầy đủ. Ngoài ra, tôi đã phản ánh với đồng chí lãnh đạo nhiều người dân nói: Trong các đồng chí, có người “PHÁ NƯỚC” có người “BÁN NƯỚC””. 
Vấn đề đặt ra tuy hết sức nghiêm trọng song cũng không phải là cái gì quá khó hiểu, mà vốn là “Kê chư vãng cổ, Quyết hữu minh trưng (Việc xưa xem xét, Chứng cớ còn ghi) như Nguyễn Trãi đã chỉ ra trong Bình Ngô đại cáo. Lịch sử không quá hiếm những “nội gián”, những người “phá nước” và những kẻ “bán nước”. Viện dẫn đến Nguyễn Trãi trong bối cảnh hiện nay là muốn gợi lên những nét tương đồng giữa xưa và nay đang hoà quyện vào đời sống đương đại. Một quá khứ gần đang hối hả giục giã những suy nghiệm và một quá khứ xađang đánh thức những bài học lịch sử. 
Trần Quốc Vượng – nhà sử học đáng kính – đã có một nhận định sâu sắc mang ý nghĩa gợi mở cho những gì đang diễn ra hôm nay: “Nguyễn Trãi tắm mình trong một bầu khí văn hoá, ở đó đang diễn tiến cuộc đấu tranh gay gắt giữa TRUYỀN THỐNG và ĐỔI MỚI, cuộc đấu tranh giữa xu hướng Trung Quốc hoá với xu hướng giải Trung Quốc hoá trong nội bộ các thế lực cầm quyền và giới trí thức văn hoá Đại Việt. Hai mươi năm Minh thuộc, với chủ trương và âm mưu tái Trung Quốc hoá nền văn hoá Việt của bọn giặc Minh, càng làm gay gắt thêm, phức tạp thêm cuộc đấu tranh nhằm xây dựng một nền văn hoá Việt Nam, một lối sống Việt Nam. Nguyễn Trãi đã dấn thân hết mình vào các cuộc đấu tranh chính trị, văn hoá, xã hội này; và tiếc thay, ông đã ra khỏi cuộc đời này một cách bi thảm” (Văn hoá Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm, nxb Văn Học, 2001, tr. 728).
Gần 600 năm đã trôi qua, cuộc đấu tranh không khoan nhượng của Nguyễn Trãi, cũng là cuộc đấu tranh giữa những trí thức tiên phong – tinh hoa của trí tuệ và bản lĩnh dân tộc – với một bộ phận các thế lực cầm quyền xa rời dân, nhất là trong buổi mạt kỳ, chưa bao giờ ngưng nghỉ vì âm mưu đồng hoá của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán chưa bao giờ buông tha. Nguyễn Trãi là danh nhân văn hoá của thế giới vì ông là tượng trưng cao cả nhất, đẹp đẽ nhất cho lòng yêu nước, cho trí tuệ và bản lĩnh dân tộc. Với ông, “coi công việc của quốc gia làm công việc của mình, lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỷ” là nỗi niềm đau đáu (Chiếu cấm các đại thần tổng quản cùng các quan ở Viện, Sảnh, Cục tham lam lười biếng). Tâm niệm của ông là:
Bui có một niềm trung hiếu cũ,
Chẳng nằm thức dậy nẻo ba canh
(Bảo kính cảnh giới, số 158)
Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược
Có nhân, có trí, có anh hùng
(Bảo kính cảnh giới, số 132)
Trong bối cảnh phức tạp của cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đang trực tiếp uy hiếp lẽ tồn vong của đất nước gắn liền với cuộc đấu tranh chống thế lực phản dân chủ cố tình quay lưng lại với tiến trình dân chủ hoá – khát vọng mãnh liệt của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của trí thức và thế hệ trẻ – thì điểm quy chiếu ấy lại càng phải rạch ròi, minh bạch. Yêu nước, chống Trung Quốc xâm lược gắn làm một với ý chí đấu tranh thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình dân chủ hoá vì độc tài toàn trị phản dân chủ được kẻ xâm lược nuôi dưỡng để làm chỗ dựa cho toan tính của chúng. Có thể nói trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, chưa bao giờ cái xu hướng giải Trung Quốc hoá lại vấp phải một chướng ngại vật lớn và phức tạp như hôm nay! Mà “lớn” và “phức tạp” là vì nó được chính thống hoá bằng Cương lĩnh, đặt lên trên cả Hiến pháp, được áp đặt bởi một bộ máy tuyên truyền khổng lồ cộng với sự hậu thuẫn của một bộ máy bạo lực cũng khổng lồ không kém. 
Chướng ngại vật đó là cái “ý thức hệ xã hội chủ nghĩa”. Nguy hiểm và phức tạp hơn còn là vì cái “ý thức hệ” đã bị phá sản ấy lại được hà hơi tiếp sức bởi “người đồng chí láng giềng cùng chung ý thức hệ”. Kẻ xâm lược khoác bộ cánh “cùng chung ý thức hệ” ấy vừa thông qua những thủ đoạn lừa mị, mê hoặc những người kém hiểu biết và thiếu thông tin, vừa tác động trực tiếp vào thế lực đang giữ trọng trách trong bộ máy quyền lực, lung lạc nhúm người này bằng uy hiếp và mua chuộc. Thì ra, món võ Tàu cổ truyền xưa kia ừng uy hiếp, lung lạc những thân vương quý tộc đời Trần như những Thượng vị Văn Chiêu hầu, Chiêu Quốc vương, Thái uý em ruột vua …như vừa dẫn ra ở trên, thì nay đang tìm về những đối tượng hiện đại hơn trong danh xưng của “những đồng chí kiên định lập trường xã hội chủ nghĩa cùng chung ý thức hệ Mác-Lênin” đang chễm chệ trên những cái ghế quyền lực cao ngất ngưởng.
Xưa kia, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã mắng “thằng nhãi con Tuyên Đức” (tức là vua nhà Minh): “Tưởng chúng biết lẽ ăn năn nên đã thay lòng đổi dạ. Ngờ đâu vẫn đương mưu tính lại còn chuốc tội gây oan. Giữ ý kiến một người, gieo vạ cho bao nhiêu kẻ khác. Tham công danh một lúc, để cười cho tất cả thế gian. Liệu hôm nay, những lời mắng mỏ ấy Nguyễn Trãi nên dành cho ai đây? Câu trả lời xin nhường cho công chúng. Họ đang là chứng nhân của những rối ren, xáo trộn trong thế cuộc rối bời phơi bày trước mắt. 
Dành cho ai, là ai thì sự sòng phẳng của lịch sử sẽ điểm mặt chỉ tên. Mà trước khi chờ sự phán xét của lịch sử thì công luận cũng đã đưa ra những thẩm bình căn cứ vào điểm quy chiếu vừa đơn giản vừa rạch ròi: nhận thức và hành động trước kẻ xâm lược “Ngẫm thù lớn há đội trời chung . Căm giặc nước thề không cùng sống” như Nguyễn Trãi đã khẳng định trong Bình Ngô đại cáo. Những ai là “nội gián”, những kẻ nào là “phá nước”, những tên nào là “bán nước” mà cuốn sách do Nguyễn Mạnh Can chủ biên đã thẳng thắn chỉ ra cũng phải được thẩm định bằng điểm quy chiếu ấy. Đây không là điều gì phức tạp và khó hiểu. Đây là sự đúc kết nghiêm cẩn của lịch sử trong việc nhìn nhận, đánh giá nhân vật lịch sử. 
Không có một nhân vật lịch sử nào là toàn bích, thậm chí còn rất nhiều khiếm khuyết. Trần Thủ Độ là một ví dụ. Ông là một nhân vật bị các sử thần thời phong kiến chê trách nhiều. Dưới ngòi bút của họ, Trần Thủ Độ hiện ra như một quyền thần vô học, có tài mà không có đức, có công với nhà Trần, lại có tội với nhà Lý. Thế nhưng bằng những thử thách của thời gian lớp mây mù phủ lên tên tuổi và sự nghiệp của vị khai quốc công thần ấy đã tan dần. Cái gọi là “có tội với nhà Lý” thì sự sáng suốt của lịch sử đã ghi công cho người đã biết khôn khéo thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực một cách êm thấm từ một vương triều đã suy vong đang một chướng ngại cho sự tiến hoá của đất nuớc sang một triều đại mới đủ sức đương đầu với những thách đố ghê gớm ở bên trong cũng như từ bên ngoài mà không lâm vào cảnh đầu rơi máu chảy của muôn dân. Không có một bản lĩnh phi thường, một quyết đoạn sáng suốt, không thể thực thi một sứ mệnh lịch sử khó khăn như thế. Vì vậy, trong cái nhìn công minh và soòng phẳng của lịch sử, Trần Thủ Độ xứng đáng được xếp vào hàng những nhân vật kiệt xuất, đi đầu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong lịch sử dân tộc. Câu nói của ông “đầu thần chưa rơi xin bệ hạ đừng lo” mãi ngời sáng trong tâm thế Việt Nam. Chính vì vậy, nhân dân tôn thờ ông. Trong đền thờ ông trên đồi Lim (Tiên Sơn, Hà Bắc) có treo hai câu đối nói lên sự thẩm định công minh và song phẳng ấy:
Công đáo vu kim, bất đán Trần gia nhị bách tải.
Luận định thiên cổ, kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu.
(Công đức của ông để mãi đến ngày nay, không chỉ bó hẹp trong hai trăm năm đời nhà Trần. Sau nghìn đời, công luận đã định, ông đáng liệt vào bậc thứ nhất dưới trời Nam)
Thêm một ví dụ nữa, Lê Lợi. Sử gia Trần Quốc Vượng dẫn Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt thông sử viết về ông để đưa ra lời bình: “Con người Lê Lợi thật là mâu thuẫn, lượn lờ, phức tạp, đa dạng. Ông giết người ngay mà vẫn biết là họ oan. Ông theo lời bọn gian mà vẫn biết là chúng xảo. Người anh hùng khi đã già yếu thì lẫn cẫn, hay nghi rồi làm sai… đến chết người, nhưng vẫn còn giữ lại trong lòng cái Thiên Lương, cái Lương tri con người”! Phải nói thêm rằng, việc giết hại công thần thì Vương triều Lê mở đầu với Lê Thái Tổ có khi phải xếp vào đầu bảng mà Nguyễn Trãi cũng là ví dụ đau đớn nhất trong suốt chiều dài lịch sử. Thế nhưng, đánh giá một nhân vật lịch sử là phải căn cứ vào đóng góp của nhân vật ấy vào sự thúc đẩy lịch sử đi tới. Những sai lầm và khiếm khuyết của họ cần được xem là những hạn chế của điều kiện trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Chính vì vậy, nhân dân sùng kính tôn thờ Lê Lợi, đặt ông đứng cạnh Nguyễn Trãi vì ông đã cùng Nguyễn Trãi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Minh giành thắng lợi trọn vẹn. Không có một Lê Lợi chắc cũng khó có một Nguyễn Trãi, họ cùng đảm đương một sứ mệnh bằng ý chí, trí tuệ và bản lĩnh quyết đoán thực thi sứ mệnh ấy một cách trọn vẹn: 
Trời thử lòng trao cho mệnh lớn
Ta gắng trí khắc phục gian nan.
Ngẫm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống
Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối
Phải chăng đây chính là điểm quy chiếu quan trọng nhất, nếu chưa phải là duy nhất, để nhìn nhận, thẩm định: ai là nhân vật đang thúc đẩy lịch sử đi tới được nhân dân ủng hộ, ai là kẻ kìm hãm bước tiến của đất nước, đi ngược lại quy luật vận động của cuộc sống, bỏ lỡ thời cơ đưa dân tộc bứt lên thoát khỏi lạc hậu và lạc điệu với thế giới, trở thành tội đồ của lịch sử, bị nhân dân phỉ nhổ. 
Trong đám mây mù của sự nhiễu loạn thông tin về cuộc đấu quyền lực trước thềm Đại hội XII, hệ luỵ của một thể chế toàn trị bưng bít, che giấu sự thật, bóp nghẹt tự do tư tưởng nếu biết dựa vững vào điểm quy chiếu ấy thì “mọi trao qua đổi lại, mọi xem xét đánh giá đều vẫn rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vậy” (Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục).
Một khi mà sự thật đã “rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay” thì hành động hướng đến đổi mới mạnh mẽ, đẩy nhanh tiến trình dân chủ hoá đất nước là cái thuận với quy luật, đáp ứng được đòi hỏi của dân. Ai làm được điều đó thì nhân dân đứng về họ, cổ vũ cho họ. Xu thế đó đang được đẩy tới, một xu thế không sao đảo ngược được. 
Đó chính là lý do để tin chắc vào sự khẳng định của Nguyễn Trãi “Càn khôn bĩ rồi lại thái, Nhật nguyệt hối rồi lại minh.*
T. L.
Tác giả gửi BVN.
____________
*Mọi trích dẫn Bình Ngô đại cáo đều theo bản dịch của Ngô Tất Tố.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét