Màn kịch múa rối cuối nhiệm kỳ
noreply@blogger.com (danlambao)Thu 10:06 PM
Phạm Trần (Danlambao) - Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng loan báo Đại hội đảng XII sẽ diễn ra nội trong 3 tháng đầu năm 2016. Tuy nhiên, ông nói rằng: “Công tác nhân sự đang triển khai tích cực theo từng bước, từng khâu, chặt chẽ, bài bản, chắc chắn nhưng cũng rất khó khăn.”
Việc chọn nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các lãnh đạo chủ chốt gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng đã được chuẩn bị từ năm 2014, nhưng đến gần ngày Đại hội mà vẫn còn nhiều khó khăn, tại sao?
Thứ nhất, vì tình trạng tham nhũng, lãng phí và kê khai tài sản của các cấp lãnh đạo, những kẻ cơ hội và các nhóm lợi ích trong đảng chưa được làm rõ đã khiến đảng viên hoang mang, nhân dân ta thán.
Thứ hai, ngày càng có nhiều cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng, đạo đức và lối sống khiến nhân dân bất bình, xa lánh đảng.
Thứ ba, tình trạng chia rẽ, chống đối, nói xấu nhau, gây bè, kết cánh để kèn cựa, tranh chức tranh quyền trong hệ thống cai trị đã khiến phát sinh tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ đe dọa sự sống còn của đảng.
Vì vậy, ông Trọng đã nói với cử tri hai Quận Ba Đình và Hoàn Kiếm ngày 8/12 (2015): “Dân than phiền từ bộ phận hư hỏng đảng nên vì thế cán bộ phải gương mẫu, cơ sở phải vững chắc... Đây là những điều đặt ra tại Đại hội tới, làm sao có đội ngũ lãnh đạo kiên định, trình độ nhưng gắn với dân, được nhân dân ủng hộ. Như thế thì bản thân người đó phải trong sáng chứ tham nhũng hư hỏng thì dân có tin được không? Cho nên người dân lo là đúng. Vì thế xây dựng Đảng là then chốt, trong đó cán bộ là nhân tố quyết định như lời Bác Hồ đã nói “đức là gốc”; hay Nguyễn Du nói trong truyện Kiều: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Vì vậy quan trọng chọn người phải có phẩm chất tốt, tuyệt đối trung thành với dân, với Đảng.” (trích báo Đại Đoàn Kết/Mặt trận Tổ quốc)
Nhưng ông Trọng là người đứng đầu đảng. Ông cũng là người chịu trách nhiệm làm cho đảng trong sạch như đã quy định trong Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ban hành ngày 16/01/2012.
Vậy tại sao ông Trọng lại phát ngôn như người ngoài? Nhân dân cũng chưa thấy ông Trọng và các lãnh đạo chủ chốt khác gồm các ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết họ đã chống tham nhũng và xây dựng đảng như thế nào mà dân vẫn còn phải ta thán?
Bằng chứng - Trương Tấn Sang
Dân kêu vì chính Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa đã nhìn nhận trong bài viết tháng 11/2015: “Từ Đại hội VI của Đảng đến nay, không có nhiệm kỳ nào Trung ương Đảng không có nghị quyết về xây dựng Đảng, về đổi mới chỉnh đốn Đảng, về công tác cán bộ. Nhưng có một điều hết sức quan ngại là chúng ta đã tiến hành thường xuyên, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, với nhiều biện pháp, nhiều cuộc vận động nhưng kết quả vẫn còn khá khiêm tốn. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi mà thậm chí có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng.” (trích báo Nhân Dân, 20/11/2015)
Sự mất lòng tin lớn nhất của dân vào đảng trước ngày Đại hội XII là tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, tinh vi và phức tạp.
Điều này chứng tỏ cán bộ, đảng viên đã không coi lời dạy “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của ông Hồ Chí Minh ra gì. Họ đã tự do tham nhũng, nhưng lại thờ ơ trước hiểm họa xâm lăng của Tàu cộng.
Trong suốt thời gian có cuộc khủng hoảng Tàu cộng đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 2/5 đến 15/7/2014, Quốc hội không dám ra Nghị quyết lên án Tàu cộng. Các đảng bộ địa phương và các tổ chức chính trị-xã hội của đảng trong Mặt trận Tổ quốc cũng không dám lên tiếng phản đối Bắc Kinh.
Ông Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị (16 người) đã quyết định mọi việc nên trách nhiệm hoàn hoàn thuộc về họ.
Cuộc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong toàn đảng, toàn dân bắt đầu từ ngày 03-02-2007, vì vậy đã như nước đổ đầu vịt.
Từ năm 2007, Đảng đã nâng cấp tham nhũng từ “tệ nạn” lên “quốc nạn”. Mánh khóe tham nhũng càng ngày càng tinh vi, phức tạp. Hang cùng ngõ hẻm nào trong hệ thống cũng có tham nhũng sống chung với dân. Chúng cười vào mũi lãnh đạo và thách đố nhân dân đi tố cáo.
Kẻ tham nhũng không đơn độc mà đã được tổ chức thành các “nhóm lợi ích” để cùng nhau chia phần, có tổ chức, tập đoàn bao che cho nhau và bảo vệ nhau.
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang là người bạo miệng than phiền về nạn tham nhũng hơn ba lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng và Nguyễn Tấn Dũng.
Từ năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói nhiều câu ấn tượng về tình trạng tham nhũng lãng phí, nhưng giải quyết thì không thấy.
Đối với ông Sang thì cứ mỗi lần về Sài Gòn tiếp xúc với cử tri là cả nước được nghe ông ta thán tham nhũng như người đứng ngoài nhìn vào.
Từ tháng 10 năm 2014, ông Sang đã nói với cử tri: “Chúng tôi theo dõi cũng biết tham nhũng tinh vi, không phải một người riêng lẻ mà dây mơ rễ má, nó hình thành nhóm xâu chuỗi, bao che, bảo vệ cho nhau.” (báo Tiền Phong, 15/10/2014)
Một năm sau thì sao, hãy bắt đầu với phát biểu của ông Sang ngày 5/12/2015. Ông nói: “Nhà nước đã thực hiện rất nhiều giải pháp phòng chống tham nhũng nhưng hiện vấn nạn này còn “hết sức nghiêm trọng”. Trước thềm đại hội Đảng, vấn đề này càng nóng bỏng và gay gắt... Trong phòng chống tham nhũng chúng tôi thấy chưa làm tròn trách nhiệm của mình”.
“... điều đáng buồn nhất là nhìn vào bảng xếp hạng tham nhũng của Việt Nam so với thế giới.
“Xấu hổ lắm! Tại sao nước mình anh hùng, oanh liệt trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm qua mấy ngàn năm mà tệ nạn tham nhũng thì đứng trên 100? Tôi cảm thấy không chấp nhận được”.(Zing.VN, 5/12/2015)
Theo lời ông Sang thì khi ông tham gia 6 đại hội đảng bộ địa phương thì thấy“nơi nào cũng đánh giá là thành công rực rỡ nhưng tiếp xúc người dân ở đâu cũng kêu... Chúng ta không đến nỗi thất bại nhưng chúng ta cần nói sự thật cho người dân biết các mảng tối, yếu kém chưa phơi bày. Càng giấu thì người dân càng mất lòng tin”.
Nhưng “chúng ta” là ai? Ông Chủ tịch nước có là một bộ phận của “chúng ta” không? Hay là ông chỉ muốn ám chỉ đến trách nhiệm của người khác và những người đứng đầu các cơ sở đảng, tổ chức từ địa phương lên đến trung ương?
Trách nhiệm của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở đâu trong các “mảng tối” này?
Chuyện dân mất niềm tin vào đảng thì đã có từ lâu ai cũng biết, nhưng ai trong Lãnh đạo phải có trách nhiệm nói thật với dân? Chẳng lẽ ông Chủ tịch nước cũng bị che giấu như dân nên ông mới đòi phải minh bạch?
Một trong nhưng nơi phát sinh và nuôi dưỡng tham nhũng là các Tổng Công ty của Nhà nước. Báo điện tử Zing.VN tường thuật: “Về các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, Chủ tịch nước cho rằng dù những nơi này nhận được nguồn vốn lớn và có nhiều ưu đãi, đạt nhiều thành tựu, đóng góp ngân sách giải quyết việc làm... Tuy nhiên, một số nơi còn tình trạng hoạt động kém hiệu quả và còn tham nhũng, tiêu cực.”
Theo Zing.VN thì: “Tổ chức Minh bạch Thế giới, năm 2014, chỉ số tham nhũng của Việt Nam đứng thứ 119/174 quốc gia, vùng lãnh thổ với 31 điểm (năm 2013 là 116/177). Tại Châu Á, Singapore là quốc gia đạt vị trí cao nhất là thứ 7 trong khi Đan Mạch, New Zealand và Phần Lan là ba nước đạt thứ hạng trong sạch nhất.”
Ngày 02/12/2014, ông Sang cũng đã nói với dân Sài Gòn: “Nghị quyết của Đảng, luật của Quốc hội về phòng chống tham nhũng đã có, nhưng trong thực tế rõ ràng chúng ta chưa ngăn chặn được nạn tham nhũng. Tôi mong các cô bác anh chị khi họp tổ dân phố, đoàn thể, các tổ chức khác cũng phải mạnh mẽ đấu tranh như ở hội trường này để tạo sự chuyển động thực sự. Thứ hai nữa, chúng ta nói về sức mạnh nhân dân thì vai trò giám sát phải thể hiện thực tế, phải tăng cường giám sát. Các cơ quan chức năng phải đeo đuổi đến cùng những vấn đề nhân dân đưa ra.” (báo Pháp Luật Thành phố online).
Ông Sang khuyến khích dân đấu tranh chống tham nhũng, nhưng ai bảo đảm người tố cáo không bị các quan chức trù dập? Dân giám sát việc làm của cán bộ ư? Đảng đã nói liên miên thông điệp “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhưng đó chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo. Có cho ăn vàng dân cũng không dám xông mình lôi ra kẻ tham nhũng.
Ngay đến Mặt trận Tổ Quốc (MTTQ), tổ chức quy tụ hàng trăm hội đoàn chính trị và xã hội của đảng được pháp luật quy định có nhiệm vụ giám sát nhà nước và cán bộ, đảng viên mà còn không dám tổ chức điều tra tham nhũng thì người dân nhỏ bé ai dám hé răng?
Không tin cứ hỏi nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch MTTQ Phạm Thế Duyệt thì biết ngay đã có bao nhiêu vụ tham nhũng được phanh phui thành công bởi Mặt Trận?
Quốc hội cũng có vai trò giám sát của cơ quan lập pháp đấy mà có dám tổ chức đi điều tra tham nhũng đâu, nói chi đến dân?
Vì vậy không lạ khi dân đã được nghe ông Trương Tấn Sang nhìn nhận trong lần gặp cử tri quận 1 và quận 3 ngày 14/10/2014: “Bức xúc của dân là so với yêu cầu, thực tế vẫn chưa đạt. Tham nhũng chưa được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi nên chưa đạt yêu cầu”.
Một trong những cử tri dự buổi họp, bà Phạm Thị Cát (phường Cầu Kho, quận 1) nói với ông Sang: “Tôi tham gia cách mạng từ năm 1960, tố cáo chống tham nhũng rất nhiều và cũng mất rất nhiều. Mỗi lần nộp đơn, tôi như quả bóng, còn các cơ quan từ địa phương đến trung ương trở thành cầu thủ đá qua, đá lại.” (báo Tiền Phong, 15/10/2014)
Tại cuộc tiếp xúc này, ông Sang còn đưa ra sáng kiến: “Tôi đề nghị trong những cuộc tiếp xúc như thế này hoặc cô bác cứ mạnh dạn viết thư, thường xuyên liên hệ với chúng tôi cung cấp thông tin về tham nhũng.
Chúng tôi sẽ bố trí người tiếp xúc với bà con và xác minh, xử lý, góp phần đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Để tình hình này lòng dân không yên. Kết quả chưa tốt, dân gay gắt là phải. Mong bà con hết sức kiên trì, nếu phát hiện những vấn đề gì liên quan đến tiêu cực, tham nhũng thì cộng tác với nhau góp phần đẩy lùi tiêu cực”.
Sau một năm, chưa thấy bất cứ thông tin nào được Văn phòng Chủ tịch nước đưa ra xác nhận đã có hợp tác thành công giữa cử tri Sài Gòn với Chủ tịch Sang.
Ngược thời gian vào năm 2013, ông Sang thừa nhận với cử tri tham nhũng lãng phí “là một vấn đề hệ trọng”. Ông nói: “Nếu khắc phục không tốt, chống không tốt sẽ đe dọa tồn vong của chế độ, đe dọa đến sự lãnh đạo của Đảng, làm giảm sút lòng tin của người dân vào Đảng, vào chế độ”. Thật ra mà nói về văn bản đến giờ này có thiếu đâu, nhiều lắm rồi nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện không nghiêm minh.”(báo Thanh Niên, 25/06/2013)
Nguyễn Phú Trọng và tham nhũng
Về phần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì từ tháng 9/2013, ông đã nói nhiều câu ấn tượng với cử tri quận Ba Đình (Hà Nội).
Ông cũng hòa đồng bực tức với dân trước sự hoành hành của tham nhũng:“Sốt ruột, bức xúc lắm, không phải bây giờ mà mấy năm trước Đảng đã gọi đây là quốc nạn, giặc nội xâm, quyền lực lớn mà không kiểm soát dễ sinh hư hỏng, tham nhũng... Lãng phí cũng ghê gớm, có khi còn hơn tham nhũng, về thời gian, công sức, tiền bạc...”(báo Người Lao Động, 27/09/2013).
Ông phân trần đảng “phải chống nhiều thứ như lợi ích nhóm, cục bộ, suy thoái và cả tham nhũng nhỏ”, rồi thừa nhận “Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu”.
Nhắc đến chuyện bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khi đi cơ sở về đã phải thốt lên rằng: “Tôi càng đi càng thấy buồn, người ta ăn của dân không từ một thứ gì”, ông Trọng đồng ý: “Đây là vấn đề nhức nhối. Cách đây vài chục năm, lãnh đạo ta đã nói là giặc nội xâm, quốc nạn rồi. Khi có quyền mà không kiểm soát dễ sinh ra hư hỏng. Tham nhũng là một bệnh, lãng phí cũng lớn lắm. Có những con số thống kê lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng phải đặt câu hỏi: “Phải chăng tham nhũng đã len lỏi vào ngay cả lực lượng chống tham nhũng của chúng ta?”
Đến các cuộc tiếp xúc cử tri năm 2014 và 2015 thì cường độ than phiền tham nhũng của cử tri tuy vẫn y nguyên nhưng phản ứng của ông Trọng đã hạ nhiệt để tập trung vào công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng XII.
Tại cuộc gặp cử tri ngày 8/12/2015, ông Trọng nói: “Người dân bức xúc nhất là sự suy thoái của một bộ phận trong Đảng, mà không cẩn thận thì sẽ gây phá hoại từ trong ra, chứ không phải từ bên ngoài đâu. Cốt yếu là từng cơ sở Đảng phải vững chắc, Đảng phải trong sạch. Vậy nên băn khoăn của các cô, các bác rất đúng, mà Trung ương Đảng cũng rất lo việc đó.”
Nhưng trong cương vị Tổng Bí thư, ông Trọng đã làm gì để có “từng cơ sở Đảng phải vững chắc, Đảng phải trong sạch” hay ông cũng chỉ biết nói cho xong?
Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nhìn nhận tình trạng thực tại: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”
Sau đó, chiến dịch học tập làm theo gương Hồ Chí Minh đã rầm rộ bung ta cùng với phong trào tự phê bình và phê bình trong nội bộ đảng. Nhưng ông Trọng đã tiếp tục thất bại tại Hội nghị Trung ương 6 (từ ngày 01-10 đến ngày 15-10-2012) khi ông không vận động được Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã bị Bộ Chính trị đề nghị phải chịu một hình thức kỷ luật vì đã có những sai phạm trong chức vụ Thủ tướng.
Từ đó, uy tín lãnh đạo của ông Trọng lu mờ.
Chỉ thị đánh tham nhũng mới
Hình ảnh ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống Tham nhũng càng mờ nhạt hơn khi Bộ Chính trị, vào ngày 7/12/2015, vẫn còn phải ra Chỉ thị số 50-CT/TW để “nói về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.”
Chỉ thị này do Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký phổ biến ngày 9/12/2015 nói rằng: “Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít; một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm; thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém trên trước hết là do người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý tham nhũng, chưa ý thức đầy đủ hậu quả của tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, sự tồn vong của chế độ; chưa thực sự coi chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Quy định pháp luật chưa hoàn thiện, có những nội dung chưa phù hợp, khó áp dụng; một số cơ chế, chính sách quản lý kinh tế-xã hội còn sơ hở, chưa theo kịp tình hình thực tiễn. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, phương tiện làm việc và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp phát hiện, xử lý tham nhũng còn bất cập. Chưa phát huy tốt vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phát hiện và xử lý tham nhũng. Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng kết quả còn hạn chế.”
Để chữa cháy trước Đại hội đảng, Chỉ thị đặt ra 7 nhiệm vụ, theo đó tóm tắt đặt trọng tâm nhiệm vụ chống tham nhũng vào:
1-Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng... Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Nếu để xảy ra tham nhũng mà người đứng đầu “không chủ động phát hiện” thì sẽ bị “xử lý kịp thời... nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng.”
2- Sửa luật để làm rõ công tác phát hiện và xử lý “các vụ việc, vụ án tham nhũng sát với thực tiễn” của Việt Nam và “phù hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.”
Việc này có liên quan đến Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP, Trans-Pacific Partnership) mà Việt Nam mới ký kết.
3- Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của xã hội, nhất là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, ban thanh tra nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong phát hiện tham nhũng...
Trong phần này, chỉ thị đưa ra điểm mới là sẽ: “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng đối với cơ quan, đơn vị chức năng có nhiệm vụ trực tiếp thực hiện công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.”
Điều này có nghĩa trong tương lai nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ công tác phát hiện và xử lý tham nhũng của các cơ quan, đơn vị, thay vì chỉ biết nhận báo cáo là xong.
4- Các thủ tục điều tra, xét xử tham nhũng sẽ nhanh hơn theo: “Nguyên tắc: Tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử.”
Bộ Chính trị cũng hứa sẽ: “Khắc phục tình trạng hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm, nhưng chỉ xử lý kỷ luật hành chính, kinh tế” như đã và đang xẩy ra theo kiểu giơ cao đánh khẽ khiến nhân dân bất bình.
Đối với việc điều tra tài sản của kẻ tham nhũng đã thất bại từ năm 2007, Chỉ thị đòi phải: “Xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.”
Đi xa hơn, “những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng sẽ bị xử lý nghiêm minh.”
5- Sẽ rà soát lại để điều chỉnh tổ chức và hoạt động của “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy” để “ấn định cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.”
Một “mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ” sẽ được thành lập.
Sau cùng, Chỉ thị của Bộ Chính trị hứa sẽ: “Tăng cường hợp tác có hiệu quả với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong việc xử lý tội phạm tham nhũng. Chủ động đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với các nước; thực thi công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng theo đúng lộ trình, phù hợp điều kiện, quy định của pháp luật Việt Nam.”
Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã đưa ra Chỉ thị có nhiều điểm mới đế chống tham nhũng, trừng phạt người đứng đầu không làm tròn nhiệm vụ và muốn thành lập một cơ chế mới chuyên trách chống tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị. Nhưng đề xướng này đã công bố trước vài tháng kết thúc nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và khóa đảng XI thì chẳng đem lại lợi ích gì cho dân.
Hành động của Bộ Chính trị chỉ có giá trị như màn kịch múa rối vào cuối nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và khoá đảng XI. Bộ Chính trị đã thất bại trong công tác chống tham nhũng trong suốt 5 năm, và ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã không làm tròn nhiệm vụ của một Trưởng ban Trung ương về Chỉ đạo phòng, chống Tham nhũng.
10.12.2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét