Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2023

Vũng lầy Uk

 


Vũng lầy Ukraine

Liam Collin*

The making of a quagmire in Ukraine, Asia Times, February 27, 2023

Ly Ngữ dịch

Có nhiều khả năng chiến tranh sẽ còn tiếp diễn lâu khi xung đột đang đi đến chỗ bế tắc, gây khó khăn cho tất cả các bên.

clip_image002

Một người lính Ukraine đang huấn luyện gần tiền tuyến trong cuộc chiến Nga-Ukraine vào ngày 18 tháng 2 năm 2022. Ảnh: Mustafa Ciftci / Anadolu Agency qua Getty Images / The Conversation

Hầu hết các nhà phân tích quân sự dự kiến Ukraine sẽ thất thủ trong vòng vài ngày khi Nga tiến hành xâm lược vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Tuy nhiên, một năm sau cuộc chiến, người Ukraine vẫn chiến đấu và thể hiện quyết tâm phi thường trước một đội quân hùng mạnh. Trên thực tế, một số nhà phân tích quân sự, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, đã bắt đầu tự hỏi liệu cuộc chiến đã đi đến hồi kết hay chưa.

Theo quan điểm của tôi, với tư cách là một sĩ quan quân đội chuyên nghiệp của Hoa Kỳ, cuộc chiến vẫn chưa đi đến hồi kết. Thay vào đó, thời gian tạm lắng các hoạt động quân sự chỉ là “sự thăng trầm bình thường của một cuộc chiến tranh lâu dài được tiến hành bởi các quốc gia có nguồn lực tốt và có sự hỗ trợ từ bên ngoài”, như Tướng Mick Ryan của Úc đã lưu ý.

Đáng buồn thay, có nhiều khả năng cuộc chiến ở Ukraine còn tiếp diễn lâu.

Sự bế tắc ngày càng lớn

Các cuộc tấn công lớn, chẳng hạn như cuộc tấn công do Ukraine tiến hành vào mùa thu năm 2022, cần có thời gian để lên kế hoạch và tổ chức.

Đối với người Ukraine, việc lập kế hoạch cho cuộc phản công tiếp theo rất phức tạp, vì thực tế các hoạt động này phụ thuộc vào việc cung cấp thiết bị từ phương Tây và nếu điều đó liên quan đến hệ thống vũ khí mới thì còn mất nhiều thời gian hơn nữa.

Tương tự như vậy, Nga, sau khi hứng chịu những tổn thất đáng kể trong cuộc chiến, cho đến nay, phải động viên quân dự bị và cố gắng sửa chữa một hệ thống hậu cần đã bị hỏng hoàn toàn.

Kể từ những ngày đầu xâm lược, Nga dường như không có khả năng lên kế hoạch cho các cuộc tấn công lớn của riêng mình.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thấy tốc độ các chiến dịch chậm lại vào mùa đông khi cả hai phía cố gắng khôi phục khả năng chiến đấu và chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn tiếp theo.

Những gì chúng ta có thể thấy trong nguyên cả năm thứ hai của cuộc chiến phần lớn sẽ là những gì mà chúng ta đã thấy trong năm vừa qua.

Ukraine sẽ giữ những vùng lãnh thổ mà họ có có thể giữ và buộc phải rút khỏi những vùng lãnh thổ cần rút để duy trì lực lượng cần thiết cho các cuộc phản công.

clip_image004

Xe bọc thép của Nga bị lực lượng Ukraine thu giữ được trưng bày tại Quảng trường Độc lập ở Kiev, Ukraine, vào ngày 25/8/2022. Ảnh: Metin Aktas/Anadolu Agency qua Getty Images/The Conversation

Thách thức đối với Ukraine là những cuộc phản công này sẽ trở nên khó khăn hơn khi quân Nga được củng cố và tập trung ở một khu vực nhỏ hơn. Điều đó hạn chế lợi thế cơ động của Ukraine.

Bởi vì Nga thiếu quân đội được huấn luyện tốt để tiến hành các cuộc tấn công, nước này sẽ dựa vào các cuộc pháo kích để giành những phần lãnh thổ tương đối nhỏ ít giá trị chiến thuật và thậm chí còn ít giá trị chiến lược hơn.

Theo quan điểm của tôi, cuộc chiến sẽ kéo dài cho đến khi chi phí kinh tế và chính trị của cuộc chiến trở nên quá lớn đối với Nga.

Nhưng đừng nhầm lẫn, Nga còn xa mới đến lúc đó và chiến tranh có thể sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm trước khi Nga đuối sức.

Trong khi chờ đợi, có sáu bài học sau rút ra qua năm đầu tiên của cuộc chiến.

1. Chiến tranh ở châu Âu chưa chấm dứt

Nếu cuộc xâm lược Georgia của Nga vào năm 2008 hay việc nước này sáp nhập Crimea bất hợp pháp và hỗ trợ trực tiếp cho phe ly khai ở Donbas của Ukraine vào năm 2014 không cho thấy rõ điều đó, thì cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga đã đưa ra bằng chứng không thể chối cãi rằng chiến tranh trên lục địa châu Âu vẫn là hiện thực vào năm 2023.

Kết quả là, thay vì NATO đã “lỗi thời” như tuyên bố vào năm 2017 của tổng thống mới đắc cử lúc đó là Donald Trump, cuộc xâm lược của Nga đã củng cố liên minh châu Âu.

Sự củng cố này nhiều đến mức Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia nổi tiếng trung lập, đang xin gia nhập NATO sau hơn 70 năm đứng ngoài kể từ khi NATO thành lập.

2. Răn đe không ngăn được Nga

Rất khó để biết liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể bị ngăn cản xâm lược Ukraine hay không.

Theo quan điểm của tôi, Hoa Kỳ và các đồng minh NATO đã không thực sự cố gắng ngăn chặn các cuộc xâm lược trước đó của Nga vào Ukraine và Crimea, và những thất bại này đã có từ thời chính quyền George W. Bush.

Các biện pháp trừng phạt sau cuộc xâm lược Georgia của Nga và sau sự sáp nhập bất hợp pháp Crimea chỉ là những trừng phạt nhẹ nhàng. 

Khi Nga dành nhiều tháng để bố trí quân dọc biên giới, Hoa Kỳ và các đồng minh của họ chỉ đơn giản là đe dọa trừng phạt nếu Nga tiến hành xâm lược. Nhưng những lời đe dọa đó đã bị Putin phớt lờ.

Khi cuộc xâm lược sắp xảy ra, thay vì thực hiện nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn, thì trên thực tế, Hoa Kỳ đã bật đèn xanh cho cuộc xâm lược bằng cách đóng cửa Đại sứ quán và di dời các nhà ngoại giao.

Để so sánh, trong Thế chiến II, Hoa Kỳ đã từ chối đóng cửa Đại sứ quán của mình ở Paris ngay cả khi Đức Quốc xã đe dọa Pháp.

3. Sức mạnh chiến đấu không chỉ là số lượng thiết bị và con người

Vào lúc bắt đầu cuộc xung đột, Nga được xem là cường quốc quân sự thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ.

Nga có lợi thế 10/1 trước Ukraine ­– nước xếp thứ 22 về sức mạnh quân sự thế giới.

Mặc dù rất khó đo lường, nhưng cuộc chiến đã chỉ ra rằng học thuyết, huấn luyện, lãnh đạo và tinh thần cũng là những yếu tố quan trọng.

Cam kết của Ukraine chuyển mình từ quân đội Xô Viết sang quân đội kiểu phương Tây vào năm 2015 đã được đền đáp.

4. Nhưng các thiết bị chiến tranh vẫn quan trọng

Người dân Ukraine có thể có ý chí kháng cự, nhưng nếu không có đủ vũ khí và có các hệ thống vũ khí phù hợp, họ có thể đã thua trong cuộc chiến thông thường từ nhiều tháng trước và giờ đây là những chiến dịch nổi dậy xảy ra trên khắp đất nước.

Phần lớn sự quan tâm về những vũ khí mà Ukraine cần đều hướng vào hệ thống tên lửa HIMARS, xe chiến đấu bộ binh, xe tăng và máy bay chiến đấu.

Nhưng với lực lượng quân sự yếu hơn nhiều so với Nga, Ukraine đang cần gần như mọi thứ.

Mặc dù không dễ nhìn thấy như xe tăng, nhưng đạn dược cũng quan trọng không kém và Ukraine không thể tự sản xuất đủ trong nước để thay thế cho các kho dự trữ đã cạn kiệt.

clip_image006

Một quân nhân Ukraine chất lên xe tải tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ vào ngày 11/2/2022. Ảnh: Sergei Supinsky / AFP qua Getty Images / The Conversation

Ukraine hoàn toàn cần những hệ thống vũ khí và đạn dược này để duy trì cuộc chiến.

5. Chưa thể đưa xe tăng vào bảo tàng

Một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi rằng liệu xe tăng có phải đã lỗi thời sau cuộc chiến Nagorno-Karabakh năm 2020 giữa Armenia và Azerbaijan hay không, vì chúng dễ bị tấn công bởi hệ thống máy bay không người lái của Azerbaijan.

Tương tự như vậy, Hoa Kỳ đã tiêu diệt các xe tăng của Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Nhưng vấn đề của cả hai cuộc chiến đó không phải là xe tăng, mà là đào tạo và tuyển dụng kém.

Xe tăng vẫn có vai trò trong các cuộc diễn tập quân sự và người Ukraine đã chứng minh rằng chúng có thể rất hiệu quả khi được sử dụng đúng cách.

6. Các cuộc chiến thường xảy ra ở khu vực đô thị

Quân đội muốn tránh chiến tranh đô thị, và đúng như vậy.

Nó được cho là môi trường thách thức nhất để chiến đấu, và nó thường tàn bạo nhất, như cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy.

Nhưng chiến tranh cũng đã chứng minh rằng không thể tránh các cuộc chiến ở khu vực đô thị, chúng là nơi phần lớn các cuộc giao tranh đã xảy ra.

Tuy nhiên, bất chấp sự phổ biến của chiến tranh đô thị ở Ukraine, ở Marawi của Philippines và ở Iraq, quân đội vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng cho môi trường này.

Một bài học chưa được học

Đây có phải là cuộc chiến lớn cuối cùng mà chúng ta sẽ thấy các phi công chiến đấu?

Các máy bay chiến đấu ít gặp rủi ro trong các chiến dịch chống nổi dậy ở Afghanistan và Iraq, nhưng chúng cực kỳ dễ bị tấn công trước các hệ thống phòng không của các quốc gia tiên tiến hơn.

Trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh năm 2020, máy bay không người lái nổi bật hơn so với máy bay chiến đấu, và điều đó cũng đúng trong cuộc chiến này.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Việc chế tạo một chiếc máy bay sẽ dễ dàng và rẻ hơn nếu con người không phải lái nó. Còn quá sớm để nói đây là khởi đầu hay kết thúc của máy bay chiến đấu có người lái.

Nhiều khả năng, theo quan điểm của tôi, đây chỉ đơn giản là sự xuất hiện của các loại vũ khí mới chứ không phải là sự thay thế hoàn toàn vai trò của các phi công chiến đấu.

L.C.

* Liam Collins là Giám đốc Sáng lập Viện Chiến tranh Hiện đại, Học viện Quân sự Hoa Kỳ West Point

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét