Trao đổi với luật sư Vũ Đức Khanh về đối thoại
Jackhammer Nguyễn
20-3-2023
Luật sư Vũ Đức Khanh, từ Canada, có một bài viết trong mục Diễn Đàn của trang VOA (Đài tiếng nói Hoa Kỳ) tiếng Việt, đặt câu hỏi rằng, liệu Đảng (Cộng sản) muốn đối thoại? Có hai ý chính trong bài viết của ông Khanh.
Thứ nhất, ông cho rằng Đảng cộng sản Việt Nam và những người bất đồng chính kiến với họ nên đối thoại với nhau để tìm giải pháp tốt cho tương lai của Việt Nam.
Thứ hai, ông Khanh trình bày rằng, để cho cuộc đối thoại được diễn ra tốt đẹp, công bằng thì phải như thế nào.
Những phân tích của ông Khanh trong điều thứ hai, theo tôi, dễ dàng có được sự đồng ý của mọi người.
Còn ý thứ nhất, về nguyên tắc, dựa trên một sự suy luận hợp lý, cũng có vẻ đúng, có nghĩa là khi có những ý kiến khác nhau thì nên tranh luận (đối thoại) sẽ có giải pháp tốt nhất! Nhưng thiết nghĩ, đúng nhất là sự đối thoại sẽ tạo điều kiện thỏa mãn cả đôi bên, ai cũng hài lòng, không gây gỗ hay đánh nhau nữa.
Ngoài ra, ông Khanh cũng cẩn thận khi đặt tựa bài với một câu hỏi, rằng liệu Đảng (cộng sản Việt Nam) có muốn đối thoại? Sự nghi ngờ của ông Khanh hoàn toàn hợp lý, khi ông nhắc lại chuyện ông Võ Văn Thưởng, tân Chủ tịch nước, từng đứng đầu Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan tuyên truyền của Đảng, có nêu ra vấn đề đối thoại (với những người không cùng quan điểm), nhưng mãi không thấy làm.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta đang sống trong thời mà chính trị thực dụng (RealPolitik) rất mạnh mẽ (có thể nó sẽ thay đổi sau cuộc chiến Ukraine chăng?). Ta đã thấy những cuộc bắt tay ngoạn mục, hôm trước là thù, hôm sau là bạn, từ Nixon-Mao cho đến mối quan hệ đồng sàng dị mộng Việt – Mỹ hiện nay. Nhìn tổng thể, chính trị thực dụng chính là chính trị của kẻ mạnh. Đôi khi ta lầm tưởng khi thấy kẻ mạnh cúi xuống bắt tay kẻ yếu hơn, nhưng thực ra kẻ mạnh đó đang nghĩ tới việc chinh phục kẻ yếu, làm cho mình mạnh hơn, chứ chưa chắc theo kiểu… đôi bên cùng có lợi (win-win).
Trong không khí đó, nhà nước Cộng sản Việt Nam không có đối trọng nào mà họ cần chinh phục bằng sự đối thoại.
Các nhóm bất đồng chính kiến bên trong Việt Nam đã chấm dứt tồn tại vào năm 2020, sau khi các tổ chức, có thực lực hay không, bị giải tán, các nhân vật nổi bật bị bỏ tù.
Thế còn cộng đồng nói tiếng Việt bên ngoài Việt Nam? Đa số các đảng phái, tổ chức chính trị, là hữu danh vô thực. Một số đảng phái còn hoạt động thì rất vất vả để gầy dựng lực lượng, họ không chỉ gặp khó khăn rất lớn khi phát triển bên trong Việt Nam, mà ở hải ngoại họ cũng chẳng phát triển được là bao. Bên trong nước thì vấp phải bộ máy đàn áp của công an, khổng lồ và hiệu quả, còn bên ngoài, tuy không có trở ngại nào về kỹ thuật, về vật chất, nhưng bản thân tinh thần chống đối hầu như không còn nữa, hoặc vẫn còn theo quán tính, nhưng không quan trọng bằng những chuyện khác trong cuộc đời họ, cách Việt Nam hàng chục ngàn dặm.
Xin hỏi ông Khanh rằng, nếu ngày mai ông Võ Văn Thưởng tuyên bố tổ chức đối thoại, ở Hà Nội, hay Ottawa, ai sẽ là người tham gia đối thoại với Đảng cộng sản? Lúc đó tôi e rằng sẽ có cuộc tranh giành khốc liệt giữa các nhóm người Việt ở hải ngoại… với nhau!
Nhưng điều quan trọng nhất là, liệu trong đại đa số hơn 90 triệu dân Việt Nam, ai có nhu cầu đối thoại? Có thể có không ít người Việt cảm thấy khó chịu với sự nhũng lạm của cơ quan công quyền, cảm thấy tuyệt vọng vì sự suy sụp của nền giáo dục, của môi trường sống… nhưng từ đó đi đến nhu cầu phản kháng thì có lẽ vẫn còn xa.
Xã hội Việt Nam hiện nay vẫn còn ở giai đoạn chuyển biến từ nông nghiệp và khai thác nguyên liệu, sang sản xuất công nghiệp. Đa số dân vẫn cư trú ở thôn quê. Những người chuyển lên thành thị để làm trong các nhà máy, xí nghiệp, hiện hài lòng, trong lúc này, với cuộc sống không phụ thuộc vào trời đất nắng mưa ở thôn quê.
Dĩ nhiên là một người sống ở Bắc Mỹ, tôi cũng như ông Vũ Đức Khanh, hiểu rõ dân chủ đại diện là cái gì, và nó có vai trò lớn như thế nào để phát triển. Bất cứ cộng đồng nhỏ nhoi nào trên đất Mỹ, hay Canada, vẫn được đại diện ở quốc hội liên bang. Vì thế, có những vị dân biểu rất ấm ớ hội tề chẳng hạn như Lauren Boebert, hay Marjorie Greene… ở Mỹ, nhưng họ đại diện cho các cộng đồng nào đó, có thể cũng ấm ớ hội tề như họ, nhưng họ có quyền.
Ông Vũ Đức Khanh, cũng như nhiều người khác hiểu rằng, số đông chưa chắc lúc nào cũng đúng, và sự tranh cãi, hay nói nhẹ hơn là đối thoại, là một cơ chế giữ thăng bằng cho xã hội. Nhưng Việt Nam thì khác. Hãy nhớ những lời tâm sự buồn bã của một số người tham gia các cuộc biểu tình ở Việt Nam, rằng họ cảm thấy cô độc vì đám đông thờ ơ xung quanh, thậm chí họ bị sỉ vả, vì… biểu tình cản trở giao thông. Từ truyền thống phong kiến Đông Á độc đoán, xã hội Việt Nam chuyển sang một trạng thái tinh thần trong đó số đông áp bức số ít. Xã hội Việt Nam có vẻ vẫn chưa sẵn sàng cho một cơ chế dân chủ đại diện.
Trở lại câu hỏi của ông Vũ Đức Khanh, tôi nghĩ rằng hỏi là trả lời. Ông Khanh có thể đặt một câu hỏi ở dạng khác, đó là những người bất đồng chính kiến trong nước, các tổ chức chính trị hải ngoại, mà ông Khanh cũng có hoạt động, có thể tạo cho mình một sức mạnh như thế nào để đảng cộng sản Việt Nam thấy rằng, họ cần đối thoại?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét