Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

Vũ khí Trung Quốc có thể hồi sinh cuộc chiến thất bại của Nga

 

Vũ khí Trung Quốc có thể hồi sinh cuộc chiến thất bại của Nga?

Nguồn: “Chinese arms could revive Russia’s failing war”, The Economist, 02/03/2023.

Biên dịch: Nguyễn Thanh Mai

Nhưng đồng thời các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cẩn thận trong từng bước đi của mình

Trong nhiều thập niên qua, Nga đã cung cấp vũ khí cho Trung Quốc. Trung bình, từ năm 2001 đến 2010, mỗi năm Nga bán cho Trung Quốc 2 tỷ đô la vũ khí, cùng với một hợp đồng lớn trị giá 7 tỷ đô la vào năm 2015. Nhưng bây giờ gió đã đổi chiều khi Nga đã mất hơn 9.400 thiết bị, trong đó có hơn 1.500 xe tăng, trong cuộc xâm lược bất thành vào Ukraine. Họ thiếu vũ khí đạn dược một cách trầm trọng. Mỹ tuyên bố có thông tin tình báo cho thấy Trung Quốc đang xem xét liệu có nên cung cấp vũ khí cho Nga hay không. Việc này có thể thay đổi tiến trình của cuộc chiến, đồng thời gây ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn nữa trong quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu.

Kể từ những tháng đầu tiên của cuộc chiến, Nga đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc cung cấp vũ khí. Trung Quốc đã nhiều lần ngần ngại, chỉ gửi các hàng viện trợ không gây sát thương,  như nón bảo hộ, và các vật phẩm lưỡng dụng, chẳng hạn như các bộ phận máy bay. Các quan chức Mỹ không tiết lộ công khai những suy đoán cụ thể của họ về những gì Trung Quốc đang suy tính. Nhưng vào ngày 23 tháng 2, Der Spiegel, một tạp chí của Đức, tuyên bố rằng các lực lượng vũ trang của Nga đang đàm phán với một công ty Trung Quốc mang tên Xi’an Bingo Intelligent Aviation Technology để mua 100 máy bay tấn công không người lái. Nga đã sử dụng những máy bay không người lái đó trên tiền tuyến lẫn trong các cuộc tấn công thường xuyên vào mạng lưới điện của Ukraine kể từ tháng 10.

Một ngày sau báo cáo của Der Spiegel, tờ Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc đang cân nhắc việc gửi cho Nga đạn pháo – vũ khí nguy hiểm nhất của cuộc chiến. Cả Nga và Ukraine đều sử dụng đạn 122mm và 152mm của Liên Xô cho các khẩu pháo, và cả hai đã lùng sục khắp nơi để tìm kiếm các kho đạn cũ. Nhưng Nga đang trong tình trạng không có đồng minh để hỗ trợ. Nga đã tìm kiếm khắp các nhà kho của Belarus. Triều Tiên cũng đã cung cấp một lượng đạn pháo nhất định, nhưng đồng thời cũng cẩn thận tránh làm cạn kiệt kho vũ khí của mình. Còn Iran thì có quá ít để có thể cung cấp.

Trung Quốc lại có các loại đạn pháo tương thích. Lonnie Henley, từng làm việc cho Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Lầu Năm Góc, cho rằng có rất ít thông tin về quy mô và chất lượng của các kho dự trữ đó. Nhưng chắc chắn chúng sẽ đủ để có thể ngăn chặn được cuộc khủng hoảng đạn pháo đang dần hiện diện của Nga. Điều này sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn trong một cuộc xung đột nơi tình trạng tiêu hao là yếu tố mấu chốt, và đôi lúc tỷ lệ bắn pháo tương đối là nhân tố quyết định sự thắng bại. Ngành công nghiệp quốc phòng của cả hai bên đã rất cố gắng để tăng cường sản xuất.

Trung Quốc có thể làm nghiêng cán cân về phía có lợi cho Nga: Quốc gia này là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới. Tám trong số các công ty của nước này có mặt trong bảng xếp hạng gần đây về 100 công ty vũ khí hàng đầu thế giới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, và bảy trong số đó nằm trong top 20, chỉ đứng sau Mỹ. Trong những năm gần đây, doanh số của các công ty hàng đầu tại Trung Quốc đã tăng đáng kể (xem biểu đồ).

Chiến tranh cũng có thể mang đến cho Trung Quốc cơ hội để tái thiết lập và cân bằng lại mối quan hệ quốc phòng với Nga. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã nhập khẩu các công nghệ quân sự của Nga, và sau đó sử dụng kĩ thuật thiết kế ngược để chế tạo ra thiết bị quân sự của riêng mình. Từ năm 2017 đến 2021, 81% nhập khẩu quốc phòng của Trung Quốc đến từ Nga, bao gồm cả động cơ cho các máy bay chiến đấu tàng hình mới nhất của họ.

Giờ đây, Trung Quốc có cơ hội trở thành “đối tác công nghiệp tương đối bình đẳng cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga”, theo lời Michael Raska thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore. Trung Quốc có thể giúp Nga phá vỡ các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách gửi các linh kiện công nghệ cao cho máy bay không người lái, tên lửa hành trình và các dòng vũ khí chính xác cao thay vì chỉ gửi các thiết bị cơ bản. Ông Raska cho rằng, đổi lại, Trung Quốc có thể sẽ đòi sở hữu công nghệ chế tạo RD-180, một động cơ tên lửa của Nga được sử dụng cho các vụ phóng tàu vũ trụ (và có thể cho cả tên lửa đạn đạo). Bên cạnh đó, những công nghệ trao đổi đáng giá khác cũng có thể là công nghệ tàu ngầm hoặc động cơ phản lực.

Tuy nhiên, bộ máy lãnh đạo của Trung Quốc đang bị chia rẽ. Họ không muốn thấy Nga bị sỉ nhục trên chiến trường, đặc biệt là dưới tay các bệ phóng tên lửa Mỹ và xe tăng châu Âu. Chỉ vài tuần trước cuộc xâm lược, Nga và Trung Quốc đã tung hô tình hữu nghị “không giới hạn” của họ. Một số lãnh đạo của Bắc Kinh cũng có thể muốn Mỹ chuyển nguồn lực của Mỹ từ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sang châu Âu.

Nhưng cũng có những lý do cần phải kiềm chế. Trung Quốc đang bất hoà với Điện Kremlin về việc các thông tin thảo luận buôn bán vũ khí đã bị Mỹ thu được và công bố, theo lời một quan chức châu Âu có hiểu biết về vấn đề này. Trung Quốc muốn mọi sự hỗ trợ từ phía mình phải được giữ bí mật. Họ biết rằng việc hỗ trợ cho chiến dịch của Nga sẽ làm lật tẩy vẻ ngoài trung lập của họ – và một đề xuất hòa bình mang tính một chiều mà Trung Quốc công bố vào ngày 24 tháng 2 đã bị các đồng minh của Ukraine bác bỏ. Điều này cũng sẽ tiếp tục làm căng thẳng mối quan hệ với Mỹ và gây ra phản ứng dữ dội tại châu Âu. Linda Thomas-Greenfield, đặc phái viên của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, và Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, đã cảnh báo rằng viện trợ vũ khí gây sát thương cho Nga sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ”.

Hiện tại, Trung Quốc đang ngập ngừng, thận trọng. Ông Borrell nói rằng Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, đã nói với ông tại một cuộc họp vào ngày 18 tháng 2 rằng Trung Quốc “sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga”. Tất nhiên, ông Vương cũng tuyên bố rằng Trung Quốc đã không gửi vũ khí cho các nước có chiến tranh, dù trên thực tế đây là điều họ thường làm. Nhưng vào ngày 24 tháng 2, Tổng thống Joe Biden bày tỏ sự tin tưởng với ông Vương rằng ít nhất ông đã trung thực về nửa đầu tiên của tuyên bố. “Tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ cung cấp vũ khí cho Nga”, ông Biden nói. Nếu vị thế trên chiến trường của Nga vào mùa xuân hoặc hè năm nay biến chuyển xấu hơn – khi Ukraine đang dự tính khởi động một cuộc phản công – sự kiềm chế của Trung Quốc sẽ tạo nên một áp lực ghê gớm cho Nga.

N.T.M.d.

Nguồn: Nghiencuuquocte

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét