Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

Đánh cắp trẻ em: Nga đang phạm tội ác diệt chủng ở Uk

 


Đánh cắp trẻ em: Nga đang phạm tội ác diệt chủng ở Ukraine

Azeem Ibrahim, “Russia’s Theft of Children in Ukraine Is Genocide,” Foreign Policy, 01/03/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Moscow đang cố gắng tiêu diệt cả một dân tộc.

Mọi chuyện đang dần trở nên sáng tỏ rằng cuộc xâm lược Ukraine của Nga là một cuộc chiến diệt chủng. Gắn kết với ý định diệt chủng, kiên định với nỗ lực diệt chủng, cuộc chiến này là một cuộc tấn công không chỉ nhắm vào người Ukraine và đất nước Ukraine, mà còn vào chính ý niệm Ukraine.

Cuộc chiến có liên quan đến việc sát hại hàng loạt và hãm hiếp hàng loạt thường dân Ukraine. Ngoài ra, người Nga còn đánh cắp hàng loạt trẻ em Ukraine – một hành động cưỡng bức di dân phù hợp với định nghĩa về tội ác diệt chủng theo Công ước Diệt chủng năm 1948.

Cuối năm ngoái, tờ Washington Post đưa tin chi tiết về kế hoạch của Nga nhằm đưa trẻ em Ukraine rời khỏi quê hương của chúng, đem chúng đến với những gia đình người Nga, gán cho chúng bản sắc Nga mới, và cùng lúc đó, hủy diệt hoàn toàn dân tộc Ukraine qua từng đứa trẻ một.

Các con số đưa ra là rất lớn và rất khó xác nhận. Nhưng ngày càng có nhiều câu chuyện xuất hiện ở khắp các khu vực Ukraine bị Nga chiếm đóng vào bất kỳ thời điểm nào trong năm qua. Kinh khủng nhất trong số đó là câu chuyện về những đứa trẻ Ukraine mồ côi, có cha mẹ bị giết trong cuộc xâm lược, bị quân đội Nga bắt và gửi đến Nga, rồi bảo rằng chúng là người “tiểu Nga” – rằng chúng chưa bao giờ là người Ukraine.

Đây là một phần trong diễn giải văn hóa rộng hơn về cuộc chiến diệt chủng của Nga: Những đứa trẻ này bị bắt và phải nghe rằng chúng là người Nga bởi vì, theo những công bố chính thức của Nga, Ukraine không tồn tại, chưa bao giờ tồn tại, và do đó phải bị loại khỏi lịch sử.

Trong một báo cáo về các khía cạnh pháp lý của nạn diệt chủng của Nga ở Ukraine, do Viện Chiến lược và Chính sách New Lines và Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg đồng xuất bản vào tháng 5 năm ngoái, các tác giả đã cẩn trọng nhắc đến các khía cạnh văn hóa của nạn diệt chủng. Hành động của Nga tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng là một dấu hiệu rõ ràng về tham vọng diệt chủng của nước này.

Như báo cáo đã chỉ ra, “Các quan chức cấp cao của Nga đã nhiều lần phủ nhận sự tồn tại của ngôn ngữ, văn hóa, và bản sắc dân tộc Ukraine, thay vào đó, họ ngụ ý rằng những người xác định rõ ràng mình là người Ukraine chính là nhân tố đe dọa ‘sự thống nhất’ giữa người Nga và người Ukraine.”

Trong giới quan chức Nga, xu hướng này chưa bao giờ biến mất, ngay cả sau khi Liên Xô tan rã. Nhưng nó đã được đẩy lên cao độ sau sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014 và bắt đầu cuộc chiến ở Donbass. Các phương tiện truyền thông nhà nước Nga và các viện chính sách có liên hệ với nhà nước Nga đã liên tục xuất bản hàng loạt tin tức và báo cáo dựa trên ý tưởng về “tình anh em” giữa Nga và Ukraine (trong đó Ukraine là cậu em) và khả năng thay thế lẫn nhau của hai khái niệm Nga và Ukraine.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga (RISS) – một viện chính sách của chính phủ Nga, mà theo những gì viết trong tuyên bố sứ mệnh của tổ chức này, có nhiệm vụ đóng góp ý kiến cho chính sách an ninh quốc gia – đã có ý kiến về “câu hỏi quốc gia” này. Năm 2014, sau khi Nga chiếm giữ Crimea và một phần Donbas, RISS cho xuất bản một tập tiểu luận có tên “Ukraine là Nga”, với mục tiêu hướng đến “sự thống nhất của thế giới Nga.” Tập sách bao gồm một bài viết mô tả ý tưởng “tính Ukraine” là “một biểu hiện lạ thường của chủ nghĩa phương Tây ở khu vực Nam Nga” – lối diễn đạt mới cho khẳng định rằng những người tự xem mình là người Ukraine chỉ là những kẻ bị bệnh tâm thần, hoặc bị ảnh hưởng của nước ngoài làm cho hư hỏng.

Mong muốn phủ nhận sự tồn tại của văn hóa Ukraine rất mạnh mẽ. Hồi tháng 3/2016, một nhà phân tích của RISS, Oleg Nemensky, lập luận rằng “phần lớn công chúng Ukraine không liên quan gì đến nền văn hóa Ukraine.” Theo thế giới quan này, chỉ có văn hóa Nga tồn tại, và do đó, người dân Ukraine không thể có sự tương tác với nền văn hóa được cho là của họ.

Mọi chuyện đã lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Vladimir Putin xuất bản bài tiểu luận nổi tiếng của mình “Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine” vào tháng 7/2021, trong đó, ông đã nói rõ suy nghĩ của mình: người Ukraine và người Nga là “một dân tộc, một bản thể duy nhất”.

Trong bài luận, Putin viết rằng “Ukraine hiện đại hoàn toàn là sản phẩm của thời kỳ Xô Viết” và rằng “Ukraine chỉ có thể đạt chủ quyền thực sự khi hợp tác với Nga.” Tổng thống cũng viện dẫn cả các thuyết âm mưu mà ông sẽ sử dụng để biện minh cho cuộc xâm lược của mình vào năm sau: rằng khi chính phủ và người dân Ukraine bác bỏ những lập luận trên đây, và duy trì nền độc lập và sự toàn vẹn văn hóa của riêng họ, thì họ không phải là một dân tộc riêng biệt, mà là những kẻ theo chủ nghĩa tân Quốc xã.

Khi họ xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, lính Nga đã không hề chần chừ khi bắt đầu đàn áp các khía cạnh của văn hóa Ukraine. Các bảng quảng cáo có hình nhà thơ người Ukraine Taras Shevchenko đã bị phá bỏ hoặc bị che lại. Các bảng tên thị trấn viết bằng tiếng Ukraina được thay thế bằng phiên bản tiếng Nga. Đối với những phần bảng hiệu được sơn màu xanh và vàng, màu cờ của Ukraine, thì nay đã được sơn bằng ba màu của cờ Nga.

Trong bài phát biểu nhằm đánh dấu việc sáp nhập trên danh nghĩa bốn khu vực của Ukraine (Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia) vào Nga, Putin đã quay về với chủ đề diệt chủng đã thống trị chế độ của ông và các chính sách của nó suốt tám năm qua. Ông nói, “Không có gì mạnh mẽ hơn quyết tâm của hàng triệu người, những người mà theo văn hóa, tôn giáo, truyền thống, và ngôn ngữ của họ, là một phần của nước Nga, những người có tổ tiên đã sống ở một quốc gia duy nhất trong nhiều thế kỷ. Không có gì mạnh mẽ hơn quyết tâm trở về quê hương lịch sử thực sự của họ.”

Sau các cuộc trưng cầu dân ý giả tạo, được tiến hành dưới áp lực của quân chiếm đóng và trên các vùng lãnh thổ mà quân đội Nga hiện đang rút lui về, những người này không còn là người Ukraine nữa. Trong mắt Moscow, họ là người Nga, còn những kẻ dám nói khác đi chính là bọn quốc xã, hoặc đơn giản là mất trí.

Hồ sơ đầy đủ về tội ác diệt chủng của Nga đối với người dân Ukraine sống ở các thị trấn và thành phố bị chiếm đóng vẫn chưa được công bố. Cho đến khi Mariupol mở cửa cho một cuộc điều tra quốc tế, chúng ta sẽ không bao giờ biết chuyện gì thực sự đã xảy ra ở đó. Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết được toàn bộ số lượng trẻ em Ukraine bị quân Nga “đánh cắp.” Những đứa trẻ ấy càng bị giam giữ lâu ở Nga, bị giáo dục lại bởi các trường học Nga, được giao về cho những ông bố bà mẹ người Nga và nhận những cái tên tiếng Nga, thì mối liên hệ của chúng với Ukraine sẽ càng suy yếu – đúng như ý định của chính sách diệt chủng của Nga.

Chính tại những thị trấn bị Nga chiếm đóng, và sau đó được Ukraine giải phóng, chúng tôi đã thu được lời khai của các nhân chứng mô tả học thuyết về “tình anh em” của Putin và Ukraine đã được triển khai trong thực tế như thế nào.

Những người đàn ông có hình xăm theo chủ đề Ukraine đều bị xử tử. Các giáo viên nói rằng họ đã bị quân Nga tra tấn vì cố gắng dạy học bằng ngôn ngữ của họ chứ không phải tiếng Nga. Tại các khu vực bị sáp nhập, những người vẫn tin rằng mình là người Ukraine sống ở Ukraine, có quyền yêu quý và thể hiện ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử của chính họ cũng bị đối xử tàn bạo như vậy.

Việc một nhạc trưởng người Ukraine bị binh lính Nga sát hại vào tháng 10 năm ngoái vì từ chối tham gia buổi hòa nhạc dành cho lực lượng chiếm đóng Kherson càng làm cho quan điểm này trở nên rõ ràng hơn.

Việc Ukraine từ chối bị sáp nhập bằng một chiến thắng quân sự là chưa đủ. Dù thời gian có trôi đi, thì bản chất của cuộc chiến diệt chủng này cũng không hề thay đổi. Ngay cả khi Ukraine giành lại toàn bộ lãnh thổ, quan điểm của giới tinh hoa Nga vẫn sẽ được giữ nguyên.

Vượt lên trên tất cả là nạn đánh cắp trẻ em. Thậm chí từ nhiều tháng trước, người ta xác định rằng phía Nga đã bắt cóc tới hàng trăm nghìn trẻ em Ukraine và đưa chúng về Nga. Cha mẹ nuôi mới của chúng, cùng với tấm hộ chiếu Nga, là những công cụ của nạn diệt chủng: Tội ác diệt chủng là khi những đứa trẻ này được dạy rằng chúng phải ghét bỏ và coi thường quê hương cũ của mình.

Hành vi đánh cắp và giáo dục lại trẻ em này sẽ là một hành động diệt chủng kéo dài rất lâu sau khi kẻ xâm lược cuối cùng của Nga rời khỏi lãnh thổ Ukraine. Thất bại quân sự đơn thuần của Nga sẽ không nhổ bật gốc câu chuyện văn hóa đã dẫn đến nạn diệt chủng khỏi “vị trí thiêng liêng” của nó trong đời sống quốc gia Nga; và người Nga sẽ chẳng bao giờ tự mình trả lại những đứa trẻ bị đánh cắp từ Ukraine.

Động cơ của Nga vừa mang tính diệt chủng, vừa mang tính thực tế đến nghiệt ngã. Dân số của nước này đang già đi đáng kể. Chưa kể đến việc mạng sống của hàng chục nghìn nam thanh niên Nga đã bị vứt bỏ ở Ukraine, và nhiều hơn thế nữa, sau cuộc di cư của những công dân năng động nhất và có tương lai xán lạn nhất khi đợt động viên nghĩa vụ đầu tiên xảy ra. Putin, một ông già đang cạn kiệt thời gian, cần máu tươi cho đất nước đang hấp hối của mình. Và đánh cắp trẻ em Ukraine – một hành động diệt chủng kinh điển – dường như là cách thức để ông đạt được mục đích của mình.

Ukraine chắc chắn phải giành chiến thắng trong cuộc chiến, và họ chắc chắn cũng phải ngăn chặn hành vi đánh cắp trẻ em mang tính diệt chủng này.

A.I.

Azeem Ibrahim là chuyên gia bình luận của Foreign Policy, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Chiến tranh Lục quân Hoa Kỳ, và giám đốc tại Viện Chiến lược và Chính sách New Lines ở Washington, D.C. Ông là tác giả cuốn “Radical Origins: Why We Are Losing the Battle Against Islamic Extremism” và “The Rohingyas: Inside Myanmar’s Hidden Genocide.”

Nguồn: Nghiencuuquocte

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét