Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 2 tháng 3, 2023

Những người kiến tạo quốc gia

 


Những người kiến tạo quốc gia

Nguyễn Đắc Kiên

THƯƠNG TIẾC GS TRẦN HỮU DŨNG

Lưu Nhi Dũ

Thật bất ngờ, sáng nay thức dậy, được tin GS Trần Hữu Dũng, ông chủ của trang Vietstudies qua đời sau ca mổ tim bất thành. 

Trần Hữu Dũng là con trai của GS Trần Hữu Nghiệp. Anh sang Mỹ du học từ năm 1963, sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện tử và cử nhân vật lý năm 1967, anh về nước làm chuyên viên tại Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt. Năm 1972, anh trở qua Mỹ lần nữa và lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Syracuse năm 1978. Sau đó anh dạy môn kinh tế vĩ mô, kinh tế quản lý và kinh tế thế giới tại Đại học Wright State tại Dayton, Ohio, Mỹ, chuyên về nghiên cứu kinh tế vùng Đông Á, đặc biệt là Việt Nam. 

Anh là tác giả của website Viet-studies (http://www.viet-studies.info/) cập nhật thường xuyên các bài điểm báo, báo cáo nổi bật trong và ngoài nước về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam, đôi khi kèm theo những lời bình sâu sắc và dí dỏm. Rất đáng khâm phục là một mình anh làm trang Viet-studies, đóng góp rất lớn về tri thức toàn cầu cho anh em trí thức và các nhà báo.

Giáo sư Dũng cũng là biên tập viên quản lý của cổng web rất nổi tiếng Arts & Letters Daily (http://www.aldaily.com/) – một cổng thông tin tiếng Anh, kết nối tới mấy chục ngàn bài viết, đưa ra nhiều luận điểm từ các báo cáo và những cuốn sách mới, suốt từ năm 1998 đến nay. Website này được tờ New York Times khen tặng là "Điểm hẹn của trí thức toàn cầu". Năm 2002, trang này nhận giải thưởng Tiếng nói của công chúng cho trang web tin tức tốt nhất của Giải thưởng Webby – giải thưởng có uy tín trong lĩnh vực Internet. Năm 2007, tạp chí PC Magazine xếp trang web vào danh sách 100 trang web cổ điển nhất, ghi nhận trang web cung cấp một số trong rất nhiều thông tin đáng đọc trên mạng.

Anh từng tâm sự với báo chí: “Phải có một quê hương. Giúp toàn cầu hoá trọn vẹn đúng nghĩa hơn. Nhưng sống ở đâu cũng đóng góp được cho quê. Bên nhà lâu lâu lại nói “thu hút Việt kiều về nước đóng góp” là cổ lỗ sĩ. Trí thức là đầu óc mở rộng, không là bằng cấp. Nhiều người bằng cấp không trí thức”.

Giáo sư Trần Hữu Dũng làm báo rất giỏi qua tờ Thời Đại Mới, khai thác những vùng trống có thể làm được, viết cho dân đọc – như anh nói. 

Anh là người yêu nước nhiệt thành, đặc biệt yêu miền Tây – quê ông và thích văn chương của Nguyễn Ngọc Tư. 

Tôi có kỷ niệm với ông. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, tôi có bài viết về ông để đăng trên NLĐ nhưng giờ chót người trực ban biên tập gác lại, dù hôm đó tôi trực tòa soạn, phải tìm bài thay thế. Ngay sau ca trực, 12h đêm, tôi chuyển bài đó cho anh và ngay lập tức anh đưa lên trang Viet-studies với lời bình “Của Lưu Nhi Dũ – Báo Người Lao Động không đăng”! Sáng hôm sau, có người trong ban biên tập nói với tôi rằng, nhờ anh Trần Hữu Dũng gỡ mấy từ “Báo Người Lao Động không đăng”. Tôi cười nghĩ sự thật là vậy, sao mắc cỡ?

Khi đọc hồi ký “Thời gian trong mắt ai” của BS Trần Hữu Nghiệp – cha anh – đoạn ông viết khi hành quân (hồi chống Pháp), qua một vùng quê, bắt gặp mùi phân bò, “nghe mùi thơm phân bò”! Thật tuyệt vời cái mùi phân bò ấy, và tôi chat với GS Dũng, ông chat lại: “Tôi cũng nhớ mùi thơm phân bò… Ước gì giờ có mặt ở Bến Tre, Mỹ Tho… Hẹn anh cà phê ở Sài Gòn”. 

Mới thấy anh đưa lên trang thông tin: “Vì bận nhiều việc, trang này sẽ không được cập nhật thường xuyên khoảng 1 tuần, kể từ thứ hai 27-2-23. Xin các bạn tha lỗi”! 

Thì ra anh mổ tim lần 2 và không qua khỏi!

“Xin các bạn tha lỗi” – anh Dũng ơi, thương anh quá. Thương tiếc một trí thức có tâm, từ nay mất một nguồn thông tin đồ sộ mà anh cặm cụi làm việc giúp cho xã hội. 

An nghỉ nghen anh…

Nhi Dũ Lưu

clip_image002

clip_image004

Sáng nay mở FB, tôi bàng hoàng thảng thốt trước tin GS Trần Hữu Dũng – chủ trang Viet-studies, vừa đột ngột qua đời ở Mỹ. 

Không cần kể đến những Hội thảo Hè, không cần kể đến tạp chí Thời Đại Mới, chỉ riêng việc dựng nên và cần mẫn duy trì trang Viet-studies suốt từng đó năm đã là xứng một kỳ công muôn một. Để làm được việc đó hẳn ông phải có một tấm lòng sâu nặng thiết tha với đất nước, với Việt Nam ghê gớm lắm.

Tôi bàng hoàng thảng thốt vì đất nước chúng ta đã đột ngột mất đi một tài sản quý giá nhường ấy. 

Tôi bàng hoàng thảng thốt vì con đường hiện đại hóa Việt Nam lại mất đi một yếu nhân với lòng yêu quê hương lặng thầm, thiết tha nhường ấy.

Trong hồi ký “Những ngày chưa quên”, tác giả Đoàn Thêm có kể câu chuyện về “anh kiến trúc sư D”, thời Đệ nhất Cộng hòa. "Anh kiến trúc sư D" yêu kịch nghệ và nặng lòng với công việc phát triển văn hóa nước nhà. Thấy cảnh “văn hóa cứ ngủ say”, thấy cảnh “người ta coi rẻ văn hóa đến nỗi một cơ quan văn hóa như Nha Văn hóa bị bỏ quên trong một trụ sở tồi tàn nhất ở đường Công Lý”, anh quyết phải làm gì đó. 

Anh tìm mọi cách để tiếp cận ông Nhu, bà Nhu và những người thân cận để vận động để cho ra một tờ tạp chí, một cơ sở văn nghệ. 

Tờ tạp chí và cơ sở văn nghệ đó sau này cũng sớm chết yểu cùng với cha đẻ của nó, "anh kiến trúc sư D", nhưng tấm lòng thiết tha vì đất nước của “anh” thì vẫn còn đó. Đóng góp lặng thầm của "anh" cho công cuộc phát triển văn hóa dân tộc thì vẫn luôn ở đó. Nó đã được kế thừa bởi những người như GS Trần Hữu Dũng, và chắc chắn sẽ còn được kế thừa bởi rất rất nhiều người khác nữa, ở những thế hệ mai sau trên đất nước chúng ta.

“Kiến tạo quốc gia” không phải là cái gì đó to tát, cũng không phải là đặc quyền riêng có của những chính trị gia, những chính khách, đó là công việc mà ai cũng có thể làm, ai cũng có thể chung vai góp sức. 

Những công việc như “anh kiến trúc sư D”, như GS Trần Hữu Dũng đã làm, đó chính là “kiến tạo quốc gia” vậy.

Cái cơ sở văn nghệ của “anh kiến trúc sư D”, theo mô tả của tác giả Đoàn Thêm, cũng chẳng to tát gì. Nó chỉ là một căn nhà trên phố Bùi Viện sửa sang lại thành một quán văn nghệ, vừa làm quán ăn vừa làm nơi trình diễn kịch nghệ, treo tranh, giới thiệu thơ, hòa tấu nhạc... nhưng đó là tâm huyết cả đời của “anh kiến trúc sư D”, và nó sẽ trường tồn trong ký ức của dân tộc.

Người ta thường kỳ vọng hoặc thường chỉ nhìn vào những thay đổi lớn lao như một trận động đất hủy diệt, nhưng cách một xã hội xoay chuyển thì không bao giờ như vậy. Nó thường chậm chạp, thậm chí quá chậm chạp, tế vi, thậm chí quá tế vi và rất thường khi xuất phát từ những con người lặng thầm nhỏ bé, hầu như không thể nào nhận biết được tức khắc.

“Có một sự thay đổi ở Việt Nam, đất nước này sẽ không bao giờ còn như trước. [Hãy] nhìn đường chân trời đầy những ăng-ten tivi, rồi nghẹt thở vì khói xe Honda. Những cải tiến này mới chỉ là khởi đầu. Giờ, những con người này đã biết đến chúng, bất chấp hậu quả có ra sao thì họ cũng sẽ không buông chúng ra – cho Charlie hay bất kỳ ai khác. Những lợi ích thiên về vật chất này là thứ mà những người Việt Nam bình thường sẽ cố gắng giữ chặt lấy và chấp nhận hơn bất kỳ học thuyết triết học ngọt ngào nào”.

Những nhận xét trên trích từ báo cáo của nhóm cố vấn Mỹ ở Cà Mau, tóm tắt lại những thay đổi ở đồng bằng châu thổ sông Cửu Long năm 1971, được David Biggs dẫn lại trong tác phẩm Đầm Lầy. Những “ghi nhận thay đổi về môi trường và xã hội” như thế này, theo David Biggs, “hiếm khi” được các cơ quan báo chí ở Sài Gòn và Washington đề cập đến. Tức là, nó hiếm khi được công luận biết đến, hay để ý tới.

Điều này có lẽ vẫn đúng cho đến bây giờ. 

Những thay đổi cốt yếu, không thể đảo ngược một khi diễn ra, thường âm thầm, hầu như không được công luận biết đến hay để ý tới. Nhưng một khi chỉ cần những người dân bình thường đã “nắm chắc” được nó, họ sẽ không buông bỏ, nó sẽ trở thành những thay đổi quyết định, thành những biến chuyển không thể đảo ngược. Và điều quan trọng là bất cứ ai, trong bất cứ địa vị hay lĩnh vực nào, cũng có thể làm nên những thay đổi cốt yếu như thế, chỉ cần họ có một tấm lòng, một ý thức kiến tạo quốc gia. 

N.Đ.K.

Nguồn: FB Nguyen Dac Kien

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét