Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2023

Ngành Y tế kêu ca về hạn mức chỉ định thầu chỉ là cái cớ cho ngựa quay đường cũ

 

Ngành Y tế kêu ca về hạn mức chỉ định thầu chỉ là cái cớ cho ngựa quay đường cũ

Chu Mộng Long

2-3-2023

Đã nói thì nói cho rốt ráo. Về câu chuyện các bệnh viện đồng loạt không nhập vật tư, thiết bị, và gần như đang lấy sinh mệnh người bệnh ra mặc cả để đòi tháo gỡ rào cản của luật và quy định về đấu thầu.

Báo chí xỏ mũi dư luận chạy theo xu hướng xé rào để gọi là “cứu bệnh nhân” và quy trách nhiệm cho Bộ Y tế và Bộ Tài chính.

Xem ra, báo chí chẳng nắm luật và các quy định hiện hành, bị lãnh đạo các bệnh viện xỏ mũi để gây áp lực:

1) Buộc Bộ Y tế và Bộ Tài chính bãi bỏ rào cản về hạn mức chỉ định thầu;

2) Buộc Bộ Công an phanh lại các vụ án hình sự đang “gây lo sợ” cho lãnh đạo ngành y.

Có nghĩa là, nếu áp lực này thành công, ngựa sẽ quay về đường cũ. Vẫn áp phe chỉ định thầu, ngầm nhập thuốc và vật tư thiết bị tùy tiện, khống giá để ăn hoa hồng như một thói quen của quan chức y tế. Những vụ án mà Bộ Công an đã và đang khởi tố hình sự chỉ là phần nổi của tảng băng:

1) Vụ ngầm nhập thuốc Health 2000 Canada không rõ nguồn gốc, hậu quả là người mắc bệnh ung thư phải dùng thuốc giả, còn quan chức thì nuốt hơn 148 tỉ đồng. Sai phạm này không chỉ là cá nhân hay tổ chức VN Pharma mà có hệ thống vì liên quan đến trách nhiệm của Thứ trưởng Trương Quốc Cường, khi ông này bất tuân luật lệ và phớt lờ cảnh báo từ cả hai phía Canada và Việt Nam.

2) Vụ test kit Việt Á, nhập lậu từ Trung Quốc nhưng dán nhãn đề tài khoa học, công nghệ và sản xuất tại Việt Nam, nâng khống giá gấp vài ba trăm lần. Cũng không chỉ là một công ty cò con Việt Á mà liên đới trách nhiệm đến cả một hệ thống: hai bộ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Học viện Quân y dẫn đến hai bộ trưởng và lãnh đạo của gần 60 tỉnh thành chui vào lưới pháp luật. Vụ này nuốt chửng đến 800 tỉ đồng ngân sách.

3) Ngoài test kit Việt Á, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, “về mua sắm thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy nhiều địa phương có số gói thầu vi phạm cao như: Hà Tĩnh và Đà Nẵng 100%, Hải Phòng 95,8%, Quảng Trị 95,2%, Bình Thuận 90,7%, Cần Thơ 89,3%, Vĩnh Long 85,5%. Các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Ninh Bình, Hà Giang đều có trên 70% số gói thầu có vi phạm”. Nhiều vụ án đã và đang khởi tố tại các địa phương với số tiền hàng trăm tỉ đồng khoét từ ngân sách.

Khi khởi tố hình sự phần nổi, toàn bộ hệ thống, tức phần chìm của tảng băng bị rúng động, lo sợ là điều hiển nhiên.

Tôi hình dung, nếu truy rốt ráo, sự vi phạm có thể toàn diện chứ không chỉ trong thời gian diễn ra đại dịch. Đại dịch chỉ là sự bùng phát một thứ vi rút lợi dụng cơ hội khoét ngân sách và khoét vào thân thể người bệnh. Vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương trước đó, không thể không có liên quan đến vấn đề nhập trang thiết bị chạy thận cũ, hư hỏng, gây chết người.

Đêm qua, một cán bộ ngành y vào trang tôi khoe rằng, đã từng mua trang thiết bị y tế, từng bức xúc vì rào cản trong quy định đấu thầu, nên mới dẫn đến thảm họa các bệnh viện không chịu nhập thuốc và trang thiết bị khám chữa bệnh. Lý do, nhiều trang thiết bị nhập từ các công ty độc quyền, hoặc phụ tùng sửa chữa độc quyền, nên không thể chào hàng cạnh tranh từ 3 nhà sản xuất khác nhau theo quy định. Hóa ra quy định đấu thầu sai, hoặc là các vụ án hình sự Bộ Công an đang làm là sai?

Xin thưa, Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP, không có rào cản nào cho vấn đề trên.

– Luật Đấu thầu 2013 cho phép đến 6 trường hợp được chỉ định thầu, trong đó có hai trường hợp ngành y hoàn toàn được phép:

1) Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; (…) gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách;

2) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác…

Làm gì có chuyện sinh mạng bệnh nhân đang cấp bách, cần thuốc, cần hóa chất và vật tư để mổ xẻ cứu người mà Luật buộc phải chào hàng cạnh tranh đã? Làm gì có chuyện máy móc hư hỏng, cần mua phụ tùng tương thích để sửa chữa mà Luật buộc phải chào hàng với 3 nhà thầu khác nhau?

Không có vụ án nào Bộ Công an khới tố do vi phạm điều mà các lãnh đạo ngành y đang lo sợ. Bộ Công an chỉ khởi tố tội lợi dụng kẽ hở này, để công khai hoặc ngấm ngầm thi nhau chỉ định thầu, để nâng khống giá cao ngất với mục đích khoét ngân sách và trục lợi trên thân xác người bệnh.

Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, hạn mức chỉ định thầu là 500 triệu đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, một tỷ đồng đối với gói thầu xây lắp, hàng hóa. Theo Trang Điện tử Chính phủ, việc giảm hạn mức chỉ định thầu như quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP là phù hợp, cần thiết vì một số lý do chủ yếu sau đây:

– Theo xu hướng và thông lệ quốc tế, chỉ định thầu chỉ thực hiện trong một số ít các trường hợp đặc biệt và với gói thầu có giá trị rất nhỏ. Các hướng dẫn đấu thầu của WB, ADB, JICA không quy định về ngưỡng chỉ định thầu mà mặc định hầu hết các gói thầu phải áp dụng đấu thầu cạnh tranh.

Ngoài ra, Hiệp định CPTPP cũng không quy định về ngưỡng chỉ định thầu, đồng thời chỉ cho phép chỉ định thầu trong một vài trường hợp rất hạn chế với các điều kiện nghiêm ngặt.

– Chỉ định thầu dễ kéo theo tình trạng “xin-cho” làm giảm tính cạnh tranh, minh bạch trong chi tiêu, sử dụng nguồn vốn Nhà nước, tạo tâm lý cho một bộ phận nhà thầu ỷ lại vào quan hệ với chủ đầu tư, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp, làm méo mó thị trường, không tạo cơ hội tham gia cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

Quy định trên không chỉ từ phía Việt Nam mà còn là thông lệ quốc tế. Đối với thông lệ quốc tế, nếu phía Việt Nam phá rào ắt bị phạt thẻ vàng hoặc thẻ đỏ. Các lãnh đạo ngành y đọc kỹ đi mà thực hiện. Nếu không phải cái tâm lý khủng hoảng của em bé đến tuổi bỏ bú vẫn giận dỗi không chịu bỏ thì cũng mang cái não trạng của ông cố nội, rằng đã thế thì tao không nhập gì cả, chết ai nấy chịu. Lương y mà lấy sinh mệnh người bệnh ra mặc cả để đòi tháo bỏ rào cản thì đó là “thú y”, trong nghĩa chỉ chăm sóc cho bộ lông của mình mà ngoảnh mặt với đồng loại là bệnh nhân. Vị cán bộ ngành y nói trên đêm qua than thở: “Có là lương y thì cũng là con người chứ không phải thánh, họ phải cần cái ăn, cái mặc và cũng sợ bị đi tù”. Ừ thì là con người, nhưng ăn ỉa có nơi có chỗ. Ăn ỉa tùy tiện ắt phải bị nhốt!

Quan điểm của tôi, ủng hộ bảo lưu các điều luật quy định trên và đề nghị Bộ Công an truy xét đến cùng, bắt kẻ miệng bú bên này tay sờ vú bên kia phải cai sữa, bắt mấy ông cố nội ngành y bỏ ngay cái não trạng “không có tao thì chúng mày chết”. “Chúng mày” đó là bệnh nhân, hãy la to lên để phá rào cản cho ông… kiếm ăn trên xương máu của đồng loại!

Cải cách hiện nay, theo tôi không phải phá rào mà càng siết chặt hơn những ràng buộc trong thị trường của ngành y tế công và mở rộng cạnh tranh tự do, bình đẳng của bệnh viện tư. Một là phát triển bệnh viện tư nhân, để tư nhân tự chủ trong đầu tư, mua sắm thiết bị, phá thế độc quyền của bệnh viện công chỉ biết moi ngân sách. Hai là bệnh viện công phải đúng nghĩa “công”, giống như “nhà thương” ở nước văn minh, chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo. Như tôi từng viết, không có lý do gì đất đai của dân, tiền đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị từ túi dân, lương cán bộ ăn từ thuế dân đóng, mà lãnh đạo bệnh viện công suốt thời gian dài, không chỉ tìm cách moi ngân sách một cách phi pháp mà còn đòi tăng viện phí, độc quyền và nâng giá thuốc để bóp cổ bệnh nhân. Ở cái đất nước mà người bệnh cấp cứu vừa nhập viện đã bị hỏi tiền, không có tiền đành chịu chết, thì lương y kiểu gì?

Không ít trí thức mỉa mai rằng, tại sao một người không có chuyên môn y tế như bà Đào Hồng Lan lại được bổ nhiệm Bộ trưởng? Họ không nghĩ rằng, Bộ trưởng, Thứ trưởng có chuyên môn như bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Trương Quốc Cường, Nguyễn Thanh Long thì hình như chỉ có giỏi ở chuyên môn lách luật và vi phạm pháp luật? Ngành y tế tan nát cả hệ thống không phải vì những “nhà chuyên môn” này? Người đứng đầu đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp thì còn tin gì ở đội ngũ lãnh đạo có chuyên môn cấp dưới đã từng thừa hành những mệnh lệnh phạm pháp từ trên ném xuống?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét