Khi lãnh tụ thích thơ
Trần Thất
Cách nay vài năm, một lãnh tụ của chúng ta có chuyến thăm các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhìn thấy cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Tổ quốc, ông nổi hứng làm mấy câu thơ, trong đó có câu:
“Sông hồng sóng cuộn phù sa
Chảy xuôi Yên Bái chia ra hai bờ”.
Khi đọc đến câu này thì tôi giật thót mình: Một phát hiện tuyệt vời! Té ra Sông Hồng phía thượng nguồn Yên Bái chỉ có MỘT BỜ (khi về Yên Bái mới “chia ra hai bờ”) Không hiểu sao lúc ấy tôi bỗng nghĩ tới bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ người Nga – bài “ĐÔI BỜ”. Thế rồi tôi nổi hứng làm mấy câu họa để nịnh lãnh tụ” như sau:
Hỡi chàng thi sĩ mộng mơ
Sông Hồng có đoạn một bờ chăng ta?
Hỡi chàng nhạc sĩ nước Nga
Sao anh không viết bài ca MỘT BỜ?
Mấy ngày gần đây trên báo chí cách mạng và cả trên mạng Facebook đang hot về mấy câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu như sau:
“Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu ….”
Tôi thắc mắc: Làm sao một người lại có thể là ” cùng xương thịt” với nhiều người được nhỉ? Đó chỉ là cách nói ví von, hình ảnh của các thi sĩ mà thôi. Ngoài thi sĩ ra thì chẳng ai (đặc biệt là lãnh đạo) khi thề thốt lại nói năng ví von hình ảnh như thế.
Nói độc mồm, đã có một anh bạn từng tuyên thệ trong lễ nhậm chức rằng “Nếu tôi không cháy lên, nếu anh không cháy lên, nếu chúng ta không cùng cháy lên …thì làm sao có thể thay đổi được“. Vậy là vừa qua anh ta bị “cháy” thật mọi người ạ.
Từ những suy nghĩ nêu trên, tôi xin mạo muội sửa lại câu thơ nói trên của ông Xuân Diệu nào đó cho chính xác như sau:
Tôi cùng xương thịt với ông, cha của tôi
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Quyết giành lại ngôi báu của ông tôi.
Các bạn thấy có đúng không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét